April 23, 2024, 10:01 pm

Xuân về trên làng Dao

Đường lên làng Dao bây giờ đường nhựa trải rộng, ngồi trên xe máy chạy ba mươi phút là đến nơi. Gần hai mươi năm trước, đồng bào Dao Đỏ từ Cao Bằng, Bắc Kạn di cư tự do luồn vào giữa rừng sâu hạ cây làm nhà, khi chính quyền phát hiện thì chuyện đã rồi.

Huyện Krông Nô chấp nhận làm quy trình cho đồng bào định cư, gọi hai làng Dao là Đak Na và Đak Ri. Từ huyện vào đến hai làng Dao theo lối đồng bào xuống chợ, không phương tiện nào ngoài đôi chân lội qua mười một con suối, bám rễ cây trầy trật leo dốc. Những người Dao suốt đời du cư không biết tuổi tác của mình, chuyện anh cán bộ tư pháp làm giấy khai sinh cho trẻ nhỏ cười ra nước mắt. Hỏi cháu bao nhiêu tuổi, phụ huynh ngơ ngác trả lời: “Hình như nó sinh và mùa cây cải trổ bông!”; Lần đầu tiên trong đời biết thế nào là đi học, ngày khai giảng tất cả người lớn gác lại việc rẫy việc nhà đến xem. Trẻ con ngồi xếp thành từng hàng trước mái trường bằng tranh tre. Người lớn đứng xung quanh trong trang phục truyền thống sặc sỡ như đi dự hội. Dưới chân cột cờ, đồng chí chủ tịch xã đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; hiệu trưởng đọc lời khai giảng. Tất cả đều được trưởng thôn Đặng Chòi Hiền dịch lại bằng tiếng Dao cho mọi người cùng hiểu. Anh Hiền bừng bừng khí thế căn dặn thêm: “Không học chữ không biết làm gì được tốt. Học chữ mới biết sản xuất ra bắp ngô to, nuôi con lợn mới nhanh béo…”.

Lớp học đêm dành cho người lớn

Tranh thủ tôi đi một vòng quanh khu vực mới dựng trường học; cuộc sống của người dân còn quá nghèo, tìm hiểu nhận thấy căn nguyên đói nghèo do hủ tục dựng vợ gả chồng sớm. Lần ấy ngoài bài viết về cái tâm của người đi gieo chữ trong rừng, tôi có thêm bài báo về nạn tảo hôn nhan đề 9 tuổi đã làm chồng. Sau khi báo Đak Lak phát hành, có người nửa tin nửa ngờ. Ngành chức năng hỏi ngành chức năng. Tỉnh hỏi huyện. Huyện hỏi xã. Làm gì có chuyện lấy vợ lấy chồng sớm như vậy. Có phóng viên thường trú một tờ báo Trung ương tại Đak Lak về huyện Krông Nô hỏi đồng chí Phó ban Thường trực Kế hoạch hóa gia đình. Anh Phó ban nói huyện tôi làm gì có cái làng này. Phóng viên vào xã Đăk Dro gặp các đồng chí lãnh đạo xã. Đồng chí Chủ tịch công nhận xã ông có hai làng Dao này, nhưng làm gì có chuyện lấy vợ lấy chồng sớm như vậy? Anh lại ngỏ ý muốn vào làng Dao thì các anh lãnh đạo xã can đường rừng không đi được đâu, vào rừng lạc không biết lối ra đâu! Cuối cùng annh phóng viên tìm tôi nhờ giúp, tôi nói các anh lãnh đạo xã nói đúng đấy, con đường mòn xuyên rừng phải vượt suối trèo đèo, đồng bào đi chợ quen chân cũng mất nửa ngày đường. Anh nổi máu nghề nghiệp, hào hứng: “Đồng bào đi được mình cũng đi được!”. Tôi mừng vì có thêm nhà báo vào chứng kiến chuyện “cổ tích” giữa thời hiện đại ở làng Dao.

*

Trưởng thôn Đăk Na Đặng Phú Giáo tỏ ra thích thú khi có người tìm hiểu về phong tục của dân tộc mình. Khi anh phóng viên chìa tờ báo ra nói: “Trẻ con lấy vợ lấy chồng sớm đưa lên báo thế này, mà không ai tin. Ông trưởng thôn liếc qua thấy hình ảnh mấy đứa trẻ trong làng đăng lên báo, thì nói ngay: “Ai không tin vào đây mà xem. Quầy Khuôn mới cưới vợ cho con đấy!”. Theo hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Quầy Khuôn nằm bìa làng. Đập cửa một hồi thấy cậu bé xanh nhợt kéo tấm phên cửa hé nhìn.

“Em là Đặng Kiềm Quế phải không?”. Nghe tôi hỏi cậu bé trân trân nhìn: “Ừ”. “Vợ đi đâu?”. Tôi hỏi, cậu bé cúi đầu bẽn lẽn: “Đi làm!”. “Quế được mười tuổi chưa?”. “Mười hai tuổi. Đang học lớp Một rồi đấy!”. Quế trả lời có vẻ tự hào. “Vợ tên gì?”. “Nạy, Phùng Thị Nạy, cũng mười hai tuổi, đang học chung lớp Một rồi đấy”. “Sao Quế không đi làm với vợ?”. “Ốm mà!”. Thật tội nghiệp cho cậu bé ngây ngô, yếu ớt bấu víu vào cửa nhìn theo chúng tôi.

Rời nhà Quế, chúng tôi đến nhà Đặng Chòi Tấn là một trong những nhân vật tôi đưa lên báo. Dưới ánh sáng nhập nhoạng về chiều muộn. Hai vợ chồng Tấn ngồi trên chiếc sàn ngoài sân bên cạnh những chiếc nong phơi lạc, cả hai thả thõng chân vắt vẻo, tay bóc lạc tí tách ăn sống. Phát hiện ra người quen, Tấn cười, hai vợ chồng vẫn không ngừng bóc lạc ăn. Tôi mở túi lấy máy ảnh, cô vợ liền đứng dậy lui vào trong nhà thập thò nhìn, y hệt như hôm cưới tôi được dự, tôi yêu cầu Đặng Phú Mình, ba mươi ba tuổi, là bố của Tấn: “Muốn chụp một kiểu ảnh kỷ niệm cho đôi trẻ!”. Tấn bảo: “Thẹn lắm!”. Còn cô vợ trong cánh cửa thẹn thò. Tôi hỏi ông Đặng Phú Mình “Sao cho nó lấy vợ sớm vậy?”. “Được tuổi rồi đấy. Lấy vợ về làm việc cho nó còn đi học mà!”. “Sao cô dâu không mặc đồ dân tộc Dao?”. Ông Đặng Phú Mình khật khưỡng trên tay ly rượu gật đầu: “Có chứ. Ngoài Bắc thì mặc. Vào đây bỏ rồi!”. Tôi chợt nghĩ: “Giá như bỏ đi cái lệ tảo hôn mà giữ lại phong tục truyền thống thì tốt biết mấy. Lúc ấy tôi mới quan sát trong nhà ăm ắp thịt rượu. Người đến ăn mừng, uống mừng lướt khướt nằm ngồn ngang. Được biết trong số 178 hộ gia đình đồng bào Dao Đỏ di cư từ Cao Bằng, Bắc Kạn vào lập làng tại đây, thứ không bị rơi rớt dọc đời du cư có lẽ tục dựng vợ gả chồng sớm là còn giữ được. Trong gần 600 nhân khẩu duy nhất có 8 cậu học trò vượt khỏi làng hàng nửa ngày đường ra huyện trọ lại theo học lớp 4 trường tiểu học. Ai hay trong số các “cậu tú” tân tiến nhất làng thì 6 cậu đã có vợ. Ngày cưới Tấn, các cậu bạn học cùng lớp cũng có mặt, nhưng là để xúm xụm cùng đám trẻ làng chơi trò búng dây nịt. Một cậu ríu rít rủ tôi về nhà chụp ảnh, cậu tên là Lý Dào Sơn, nhìn người nhỏ thó so với tuổi 13. Sơn cũng đã có vợ được 2 năm. Tôi tò mò theo Sơn về nhà. Ông bố Lý Chàn Lụa chừng 30 tuổi, hỏi tôi bằng tiếng phổ thông chưa được tròn lắm: “Một phát được mấy tờ?”. Sau một phút ngớ người tôi mới luận ra ý người hỏi “Một kiểu chụp được mấy tấm ảnh”. Vợ ông địu đứa bé út trên lưng, còn lại bảy đứa bé sàn sàn trên dưới chục tuổi xếp thành hàng ngang. Ai dè trong đám trẻ ấy đã có hai cặp là vợ chồng. Lý Mùi Sao, chị gái của Lý Dào Sơn, 15 tuổi là nhỉnh hơn cả. Ngược lại anh chồng Lý Chàn Cán 13 tuổi nhỏ con ngây ngô. Ông Lụa bảo với tôi: “Thằng rể đấy! Cưới nó về làm rể được bốn mùa rẫy rồi!”. Nghĩa là Cán thành chồng khi Mùi Sao mười một tuổi và anh chồng mới chín tuổi. Chẳng lẽ cậu bé từng ấy tuổi cũng được cưới về nhà vợ để làm việc ư? Thấy tôi băn khoăn, Lý Dào Sơn, cậu em vợ nói ngay: “Lấy nó về đi chăn trâu thôi!”. Kể ra những chuyện như vậy ở hai cái làng Dao này thì còn nhiều. Tôi đã có cuộc khảo sát việc duy trì cuộc sống vợ chồng của các cặp trẻ này, tự chúng đã tan vỡ trước khi nhận biết thực sự vai trò làm vợ chồng. Tôi hỏi Đặng Phú Cường, bạn học với Dào Sơn, cũng được bố mẹ lấy vợ cho khi em tròn mười tuổi: “Tại sao lấy vợ được một năm lại nằng nặc đỏi bỏ?”. Cường nói vô tư: “Không thích!”. Bố của Cường, ông Đặng Quý Đường thì cười: “Lấy người về làm việc thôi, nó không thích thì bỏ!”. Một câu nói vô tình, chỉ vỉ không thích mà dở dang đời người con gái. Cũng vậy, Triệu Vần Cán 14 tuổi, có cô vợ Triệu Mùi Chài hơn chồng hai tuổi, Chài cần mẫn như con ong, tạo ra hạt gạo hạt ngô trên rẫy nuôi chồng ăn học. Nhưng Cán không thích, chưa bao giờ Cán coi Chài là vợ, nhưng cũng không đòi bỏ. Vì bỏ thì nhà Cán phải đền tiền cho nhà Triệu Mùi Chài.

Xe ô tô của chàng thanh niên Dao Lý Dào Châu mua để chở học sinh đi học cấp 2 ngoài trung tâm xã

Đặng Chòi On là cậu bé tội nghiệp hơn cả. Không được đi học như những đứa trẻ khác mà phải đi làm rể nhà cô vợ Đặng Mùi Diết khi cả hai vừa mới 12 tuổi. Bố mẹ Diết mất sớm, hai vợ chồng sống với ông bà ngoại. On kể: “Ông của Diết ác lắm, bắt làm việc nhiều, cả những việc nặng như gùi củi, gùi bắp…”, đến mức On phát ốm, ông ngoại chê thằng rể ốm yếu không làm được việc, On được trả về cho bố mẹ đẻ hai năm sau đó. Hiện Mùi Diết đã được gả làm vợ lẽ cho một người đã có vợ ở Buôn Chum, huyện Cư Jut. Đến bây giờ On vẫn chưa hết sợ về cuộc đời làm rể của mình. Những thân phận không có tuổi thơ đang phải chấp nhận cuộc sống dở dang chưa biết đời sẽ trôi về đâu. Ngồi ngắm trăng mười bốn, tôi hỏi thôn phó Đặng Quý Đường, “Ngày mai thôn có tổ chức Trung thu cho các cháu không?”. Anh Đường ngơ ngác: “Không biết!”. Tội nghiệp cho những đứa trẻ theo bước chân du cư hết rừng gần rừng xa, người lớn còn không biết có cái Tết Trung thu thì tuổi thơ chúng đâu được vui chơi hưởng thụ.

*

Khi cuộc sống còn những hủ tục, luẩn quẩn với việc dựng vợ gả chồng sớm thì người bạn đồng hành duy nhất là đói nghèo. Thật ngỡ ngàng khi thấu hiểu được căn nguyên của những chàng tí hon đi ở rể. Hầu hết nhà đông con, nghèo đói mà phải đổi con đi làm rể để nhận những đồng tiền giải quyết nỗi khó khăn tức thời. Lý Chàn Cán được nhà vợ trả cho bố mẹ Cán 5 triệu đồng, kèm lễ cưới do nhà vợ lo liệu (đồng bào gọi tắt là mua rể). Đặng Chòi On được mua với giá 3 triệu. Tại sao lại có những giá mua khác nhau như vậy. Tìm hiểu được biết, theo thoả thuận của nhà trai (người bán) với gia đình nhà gái (người mua), bán một nửa hay bán cả. Nếu bán cả là sang nhà gái ở rể phải đổi họ mình theo họ nhà vợ. Bán một nửa tuy ở rể nhưng người con trai vẫn mang họ nhà mình. Lệ còn quy định vợ hoặc chồng tự ý bỏ nhau, ai bỏ người ấy phải đền tiền. Có lẽ vì thế mà Triệu Vần Cán không coi Mùi Chài là vợ nhưng cũng không bỏ chỉ vì sợ đền tiền chăng? Trong gần hai trăm hộ gia đình của hai làng Dao để tìm ra được một hộ có kinh tế ổn định đúng nghĩa quả là khó.

*

Vậy rồi tỉnh Đak Nông thành lập năm 2004. Đến năm 2005, thành lập xã Tân Thành. Hai làng Dao từ đó thuộc xã Tân Thành. Về xã mới, hai làng Dao có điều kiện được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ, mở đường, kéo điện, và trường tiểu học Ngô Gia Tự được thành lập trên làng Dao ngay sau đó. Đường trải nhựa, đường đổ bê tông thênh thang phẳng ru, cái địa hình gian nan cũ đã lùi sâu vào dĩ vãng. Tôi gặp lại ông trưởng thôn năm xưa Đặng Chòi Hiền, thay đổi nhiều quá; Đặng Phụ Kinh con ông đã tốt nghiệp đại học về làm chỉ huy trưởng Quân sự xã, em trai Đặng Phúc Xuân tốt nghiệp đại học Quân sự về cũng làm Chỉ huy phó Quân sự xã cùng anh. Được biết em út Đặng Phú Lợi cũng đã vào trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Tôi mừng cho làng Dao đã yên tâm định cư xây dựng cuộc sống, từ khi hai làng Dao chỉ duy nhất một người biết giao tiếp tiếng Việt, nay đã có hai chi bộ Đảng, cán bộ thôn bây giờ được học hành, trẻ trung năng động. Đặng Văn Minh trưởng thôn Đak Na cho biết, thôn Đak Na có 127 hộ với 658 nhân khẩu chỉ còn 12 hộ nghèo do thiếu lao động, hộ nào cũng có rẫy cà phê, hộ nhiều như Hoàng Quốc thái có 15 hecta trồng cà phê, Đặng Chòi phúc 13 hecta. nhớ lại cái thời đồng bào mới lập làng chặt cây dựng nhà, ai có cái xe đạp hãnh diện lắm, chụp tấm ảnh thế nào cũng đứng cạnh xe đạp hoặc ngồi trước cuốn sách giáo khoa để gửi về ngoài Bắc khoe với mọi người đang được học chữ. Bây giờ hầu hết các hộ có xe máy là phương tiện đi lại, làng có 2 xe ô tô con, một xe vận tải, một xe khách của Lý Dào Châu đến từng nhà đưa đón gần 60 học sinh 2 làng Dao ra trung tâm xã học cấp 2; số hộ có thu nhập trên 100 triệu/ năm là 80%; trong số 127 hộ thôn Đak Na đã có 40 căn nhà xây, trong đó có căn xây dựng trị giá 1,5 tỉ đồng. Thôn Đăk Ri, Trưởng thôn Triệu Phụ Kinh cho biết có 167 hộ với 780 nhân khẩu, cũng có 80% số hộ có thu nhập trên trăm triệu đồng/ năm trở lên. Cả hai thôn người Dao Đỏ hiện có trên 10 người có trình độ Đại học trong đó có em Đặng Mùi Sao (sinh 1991) tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội, hiện đã đăng ký học tiếp thạc sĩ luật tại TP Hồ Chí Minh vì tương lai của cả cộng đồng mà không sợ ế chồng. Tôi thật sự ngỡ ngàng về sự thay đổi chóng mặt này, trong số những căn nhà xây nổi lên có hai căn nhà xây hiện đại, mỗi căn trên dười 1 tỉ đồng của hai chị em cô Hoàng Mùi Phấy, Bí thư chi bộ thôn Đak Ri. Tự ngẫm, hóa ra cái chữ đã khơi thông mọi bế tắc từng đeo bám trong tư tưởng người Dao một thời với lối sống du cư, mọi hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, con người đang được tiếp cận những cái mới trong xây dựng đời sống, tiếp cận khoa học đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa; những con người quá độ bỏ lỡ thời cơ đến trường thì đang tích cực đi tìm con chữ tri thức vào ban đêm. Thầy Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Gia Tự cho biết hiện có 2 lớp xóa mù vào mỗi buổi tối tại hai cơ sở trường, Thôn Đak Ri do cô giáo người Dao Triệu Thị Mùi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tình nguyện về làng đảm nhiệm với 25 học viên, thôn Đak Na do thầy Vi Văn Thông đảm nhận tổng số học viên là 71, cả hai lớp sắp hoàn thành giai đoạn Một, nghĩa là xong chương trình lớp 3, tiếp giai đoạn 2 sẽ hoàn thành chương trình tiểu học, các học viên đến lớp rất đều, chăm chỉ học và chất lượng tốt. Gặp bất cứ một khuôn mặt nào người Dao dù già hay trẻ cũng như nở như hoa, đôi mắt biết cười. Ông Đặng Chòi Hiền, thời ông làm trưởng thôn luôn được đồng bào quý trọng tin yêu, giờ đây ông nghỉ  dưỡng già vẫn làm cố vấn cho thôn cho xã, ông trở thành người có uy tín của cộng đồng người Dao ở xã Tân Thành.

Tôi nhận ra đâu đó mùa xuân đang mang hương vị xuân đến với cuộc sống đồng bào Dao…

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm