March 28, 2024, 7:38 pm

Xuân về trên đất Quý Hương

Hồi còn nhỏ, mẹ tôi hay nhắc đến làng Gia Miêu (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là đất Đồng Bái. Lớn lên, tôi biết đó là nơi phát tích các vua chúa nhà Nguyễn, gọi là đất Quý Hương.

 

Miếu Triệu Tường, thờ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng vừa được xây dựng lại

 

Cách nhà tôi hơn mười cây số, làng Gia Miêu có phía Bắc là dãy đồi. Núi xếp chồng lớp lớp như đàn voi hùng dũng đuổi nhau tiến xuống biển Đông, tạo ra bức tường thành nối với dãy Tam Điệp mà cuối năm 1788, quân Tây Sơn rút về đây cố thủ, chờ vua Quang Trung từ Huế ra, tổ chức cho binh lính ăn Tết trước, rồi mở cuộc tổng tiến công thần tốc đánh thẳng vào Thăng Long, đầu năm Kỷ Dậu 1789, quét sạch gần ba mươi vạn quân Thanh.

Phía nam Gia Miêu có dòng sông Mã hiền hòa uốn lượn, nhìn trên cao như con rồng bạc lấp lánh vắt mình qua những đồng ngô, bãi mía xanh mởn mởn trong tiết xuân se se lạnh.

Tên xã cũng là Hà Long - sông rồng, có cầu Long Khê, cũng tên rồng. Cầu Hàm Rồng, cầu Hàm Long, núi Rồng…? Tên đất, tên người, tên sông, tên núi gắn với nơi phát tích 9 chúa, 13 vua nhà Nguyễn, có công “Mang gươm đi mở nước”, cho đất nước ta rộng dài thêm 2/3 diện tích đất đai và biển cả, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Phú Quốc; thống nhất sơn hà, lấy tên Việt Nam một thời cường thịnh nhất Đông Nam Á.

Bây giờ xã Hà Long đã đổi khác so với hồi tôi còn thiếu niên. Thời niên thiếu của tôi, xã Hà Long lọt thỏm trong núi rừng và trùng điệp kéo sang tận nước Lào.

Bỉm Sơn cách Hà Long vài cây số cũng là nơi rừng núi, có đèo Ba Dội “Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo” (Hồ Xuân Hương) giờ đã trở thành một thị xã sầm uất, nhà cao tầng san sát. Ngày ấy tôi cùng mẹ kéo xe cải tiến vào Hà Long, vào Bỉm Sơn đốn củi, sợ cọp, beo. Nay, quốc lộ 1 A chạy vắt qua thị xã Bỉm Sơn với 6 làn xe có dãi phân cách cứng, đường cao tốc Hà Nội - Sài Gòn qua xã Hà Long đang hối hả thi công, xe cộ ra vào như mắc cửi, khói bụi mù trời. Nhà lầu, nhà mái bằng san sát.

Cảnh vật biển đổi như chuyện cổ tích. Hà Long bây giờ xanh ngút ngàn cây mía. Mía nơi đây nổi tiếng từ hàng trăm năm nay bởi lóng dài, thân to, thớ mềm, nhiều nước và vị ngọt đằm dịu còn đọng lại nơi đầu lưỡi. Ngày xưa gọi là mía tiến vua. Ai qua đây cũng dừng xe, mua vài cây mía về làm quà.

Thế mà cách đây nửa thế kỷ, mía mọc ngay trên nền đất của Lăng Trường Nguyên trong núi Thiên Tôn, trên đất nhà thờ Nguyễn Hữu, trên nền miếu Triệu Tường. Mía có vị cay đắng của lịch sử và thế tục.

Năm 1955, cải cách ruộng đất long trời lở đất ở Thanh Hóa. Một vài cán bộ vì không hiểu rõ về lịch sử, đã ngộ nhận lăng miếu là tàn tích của chế độ phong kiến thối nát cần phá bỏ. Họ huy động một số người san phẳng lăng Trường Nguyên, nhà thờ Nguyễn Hữu, miếu Triệu Tường bị; biến nơi thờ cúng thành “Bãi mía nương dâu”.

Người ta không cần biết công lao của Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn, năm 1418 đã cùng anh là Nguyễn Dã theo Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh đổi giặc Minh. Ông cùng gia đình cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn hàng vạn thạch lương, tham gia nhiều trận đánh lớn như trận Mộc Thạch, Ninh Kiều, Tốt Động, Chi Lăng, Xương Giang…Hiện Gia phả họ Nguyễn Hữu tại nhà thờ họ còn lưu giữ chiếu của vua Lê Thái Tổ, được Viện Sử học Việt Nam phiên âm, dịch nghĩa như sau : “Trẫm nghĩ : Trước kia tổ phụ của ngươi làm quan dưới các triều Lý, triều Trần, luôn có tấm lòng giám sát công việc, nhiều đời trung trinh, kế thừa truyền cho con cháu …

Nhớ ngày hội ngộ ở Lam Sơn…ngươi đã tiến dâng 2500 thạch lương …cùng của cải…Trẫm nghĩ rằng công lao của ngươi chẳng khác gì đội tiên phong đi đầu xung trận, tiến đánh quân giặc, đánh thắng bất ngờ vậy!… đáng phong cho Nguyễn Công Duẩn là Phụng trực Đại phu Đô đốc Thiêm sự hành Phụ đạo dịch kiêm Tri bản huyện quân dân vụ…”.

Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn được xếp vào hạng khai quốc công thần bình Ngô và được ban quốc tính Lê. Ông  tạ thế ngày 10 tháng 7 (Không rõ năm), được con cháu thờ tự tại nhà thờ Nguyễn Hữu.

Do ông có nhiều của cải, ruộng đất vua Lê ban tặng, sau này ông ban phát cho con cháu và dân làng Gia Miêu nên được tôn vinh là Thành Hoàng làng và cũng được thờ ở đình Gia Miêu. Hiện nay chỉ có ngôi đình thờ Hoằng Quốc công Nguyễn Công Duẩn còn tồn tại, nhưng một thời người ta làm nơi buôn bán heo, gà ô uế.

Con trai trưởng cụ Nguyễn Công Duẩn là thái úy Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung, trước được trao chức Trấn quốc Thượng tướng quân Tây Đô đốc. Con thứ Tư của Nguyễn Công Duẩn là Phó Giám hầu Nguyễn Như Trác, phụng sự vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Như Trác sinh trưởng nam là Hữu tướng Thái tế Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu(*). Trưởng nam của Nguyễn Văn Lưu là Huân chiêu công Nguyễn Kim.

 Khi nhà Lê sụp đỗ, Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao, tôn lập vua Lê Trang Tông, gây dựng lại nhà Lê, mở đầu thời kỳ Nam - Bắc triều, có nhiều chiến công, làm nhà Mạc khiếp sợ. Con gái ông được gả cho Trịnh Kiểm, tức là Thế tổ Minh Khang Thái Vương. Ông bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc chết ở Ninh Bình, quan tài đưa về quê nhà. Tương truyền rằng thi hài ông được đưa về núi Thiên Tôn để mai táng, bỗng nhiên trời nổi cơn giông gió, sấm chớp làm rung chuyển núi rừng. Những người đi mai táng hoảng sợ chạy trốn. Khi trời quang mây tạnh thì xung quanh cây cối bị đổ la liệt, đất đá sụt lỡ đã chôn vùi quan tài sâu vào lòng đất. Mọi người cho là long táng, hổ táng. Bởi thế sau này con cháu chọn nơi đây làm nơi bái vọng tổ tiên. Năm 1806 vua Gia Long cho xây dựng bia đá, phương cơ để mỗi lần về đất Quý Hương nhà vua và các quan đến cúng bái.

Con của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng, hay Nguyễn Thái tổ, chúa đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn, có nhiều công lao trong các trận chiến chống quân nhà Mạc. Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa, cùng nhân dân đằng trong khai hoang, lập nghiệp, xây dựng một miền đất ngày càng thịnh vượng, có thể chống lại chúa Trịnh ở đàng ngoài, đánh bại những cuộc xâm lấn của Chiêm Thành ở đàng trong, cùng con cháu sau này mở mang bờ cõi đến mũi Cà Mau.

Ông Nguyễn Hữu Thoại, Chủ tịch Hội đồng dòng tộc, cùng các ông Nguyễn Ao, phó chủ tịch Hội đồng dòng tộc, ông Nguyễn Hề, trưởng chi 3 của dòng tộc Nguyễn Hữu tiếp chúng tôi. Tự hào về dòng tộc của mình nên các ông rất bức xúc vì một số người không am hiểu về lịch sử, tự ái cá nhân đã viết những bài trên mạng xã hội, đơn kiến nghị, tố cáo không đúng về việc làm của dòng họ ông. Số là di tích lăng Trường Nguyên thờ các vị công thần nói trên, dù sao nó chỉ là huyền thoại nên chưa có cấp nào ra quyết định là di tích quốc gia nên việc kiện tụng họ Nguyễn Hữu xây dựng khu án thờ trên núi Thiên Tôn “Vi phạm di tích quốc gia” là sai sự thật. Sau năm 1990, chính quyền xã Hà Long cho ông Lợi đấu thầu toàn bộ khu đất này để canh tác. Năm 2004 ông Lợi tự nguyện hiến 340 mét vuông cho dòng tộc Nguyễn Hữu làm nơi thờ phượng, đã được Ủy Ban nhân dân huyện Hà Trung cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng. Năm 2006, dòng họ Nguyễn Hữu có sự phối hợp của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Huế xây dựng lại Phương Cơ, dựng bia đá… mô phỏng lại như hồi năm 1806 vua Gia Long cho xây dựng. Đó là quyền của dòng tộc, con cháu sửa sang lại mồ mã tổ tiên được khang trang hơn. Còn Nhà thờ Nguyễn Hữu, đình Gia Miêu, lăng Triệu Tường mới là nơi được xếp hạng Di tích Quốc gia. Nhưng những người kém hiểu biết đã viết bài gộp cả Lăng Trường Nguyên vào Miếu Triệu Tường rồi cho là  dòng họ xâm phạm di tích lăng miếu đã được xếp hạng Di tích Quốc gia; họ phát đơn kiến nghị, tố cáo dòng họ Nguyễn Hữu là “Nâng tầm danh xưng của di tích nhà thờ Nguyễn Hữu; ngụy tạo niên đại di tích; lựa chọn nhân vật lịch sử đưa vào nhà thờ không đúng với việc thờ cúng trước khi lập hồ sơ di tích; cố ý ghi sai thế thứ các nhân vật lịch sử; thổi phồng giá trị thực nhà thờ; ngụy tạo ngày giỗ các nhân vật lịch sử.”

Ngày 6 tháng 5 năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich Thanh Hóa đã có Văn bản số 1481 Thông báo kết quả giải quyết tố cáo nêu trên. Dựa trên những luận cứ trong chính sử, rất chi tiết, công phu; Văn bản số 1481 đã kết luận “nội dung tố cáo  nêu trên là sai”, là  “không có cơ sở”.

Tuy vậy nó cũng gây ra hậu quả: Nhà nước đã dừng cấp kinh phí để dòng tộc và địa phương khôi phục lại nhà thờ Nguyễn Hữu - một di tích đã được xếp hạng Quốc gia.

*

Chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Thoại đưa đi tham quan lăng Trường Nguyên trong núi Thiên Tôn. Đường đi vòng vo, sâu vào trong núi mà ngày xưa là rừng rậm âm u, rất vắng người lại qua. Đúng là vùng đất linh thiêng, ngoài cụ Nguyễn Kim đã đi vào huyền thoại, nơi đây còn án táng Thủy tổ Nguyễn Biện, nhị tổ Nguyễn Chiếm, tam tổ Nguyễn Trừ, tứ tổ Nguyễn Công Duẩn, ngũ tổ Nguyễn Đức Trung, lục tổ Nguyễn Hữu Vĩnh… Chúng tôi thắp hương cúi đầu trước bia đá ghi công lao những người an táng nơi đây. Phương cơ nơi vua về bái vọng khắc long phượng vần vũ. Chúng tôi bước 83 bậc lên lưng chừng núi, nơi có nhà thờ bên cửa hang mà tương truyền mộ phần của các vị tiên tổ nằm sâu trong lòng núi. Trong nhà thờ có bia đá cổ khắc dòng chữ nho, dịch là “Đại Việt Tả Đô đốc Thục nhân chi mộ”. Đó là bia mộ bà Vương Thị Huyền, vợ Tả Đô đốc Nguyễn Đức Trung. Bà có con gái là Nguyễn Thị Ngọc Hằng, vào cung làm Tiệp dư, sinh ra Thái tử, sau này là mẹ vua Lê Hiển Tông. Bia chôn theo mộ. Bia bị người dân cuốc đồi nương làm lộ ra, lấy về bắc cầu ao. Còn một bia nữa khắc tiểu sử ông Nguyễn Hữu Vĩnh, người Tống Giang, Gia Miêu ngoại trang, ông là cậu chức Đông cung Thái tử, là con Tả Đô đốc Nguyễn Đức Trung và bà Thục nhân Vương Thị Huyền bị chôn theo mộ ở núi Thiên Tôn, nhân dân mang về bắc cầu ao, Ủy ban Nhân dân xã Hà Long phát hiện ra thu về trụ sở xã. Sau này họ Nguyễn đối chiếu gia phả biết bia đá là của tiên tổ mình, xin chính quyền đưa ra mộ và đưa về nhà thờ Nguyễn Hữu.

*

Ấn tượng nhất là lúc chúng tôi đứng trước miếu Triệu Tường, gồm Nguyên miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng; Trừng Quốc công miếu thờ cha Nguyễn Kim, do vua Gia Long cho xây dựng năm 1803 là nơi thờ các vị tiền nhân là con cháu của lăng Trường Nguyên. Năm 2008 miếu được công nhận di tích lịch sử Quốc gia. Sau đó Nhà nước đầu tư cho xây dựng lại nhà thờ, hai tòa nhà ba gian hai chái. Bộ phận khảo cổ của tỉnh đã về khảo sát xác định vị trí trước đây xây dựng nền móng tam quan, tường lũy cũ để khôi phục lại nguyên trạng.

Trong nhà bàn thờ, hoành phi, câu đối, bát hương, bài vị… được thỉnh từ cố đô Huế về, quanh năm khói hương nghi ngút.

Ngoài sân vườn trồng rất nhiều cây lưu niệm như cây đa, cây lộc vừng tươi tốt, đang tỏa bóng xanh rờn. Chúng tôi nhìn thấy cây đa của phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trồng ngày 26/01/2014; cây lộc vừng (cây mưng) của bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nước, trồng ngày 06/6/2015; cây đa nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, trồng ngày 8/8/2015; cây đa của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, trồng ngày 2/9/2017 cùng rất nhiều cây lưu niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Cây mía tiến vua, không còn mọc lên trên đất đắng cay, mà trên đất màu mỡ, dâng vị ngọt cho đời. Mùa xuân ngọt ngào như mía tiến vua đã về trên đất Quý Hương, cũng như trên khắp đất trời quê hương đất nước.

________

* Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn - Nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin, trang 58 và 59: ghi “Thân phụ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoằng Dụ”. Nhưng theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu và thực tế hiện đang thờ ở nhà thờ Nguyễn Hữu và Miếu Triệu Tường thì thân phụ Nguyễn Kim là Nguyễn Văn Lưu.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm