April 19, 2024, 4:26 pm

Xuân trong vời vợi hương quê

 

Hải Phòng sôi động thêm một chút, hào sảng thêm và cũng trầm lắng suy tư thêm một chút vì có tiếng thơ và người thơ Vũ Trọng Thái. Tác giả Vũ Trọng Thái từng viết đa dạng thể loại, từ thơ, tới tản văn, tùy bút, báo chí, ghi chép, rồi tới truyện ngắn, mà ở thể loại nào anh cũng có những thành công nhất định ở số lượng sách in, báo in tác phẩm của mình. Tuy nhiên, đông đảo người trong giới và bạn đọc vẫn nhớ nhiều hơn một Vũ Trọng Thái ở vị trí một nhà thơ đất Cảng.

Nếu về đất Cảng, người đầu tiên tôi muốn gặp, ấy là Vũ Trọng Thái. Trong giới văn nghệ sĩ, anh không phải là người nổi tiếng nhất, được đánh giá cao nhất. Anh cũng không phải là người giàu có tài sản vật chất. Nhưng ở anh, sự giàu có bậc nhất thể hiện ở sự vô tư, yêu thương con người nói chung, nhiệt tình thoải mái với bạn hữu, không bị định kiến hay sự phân biệt nào khiến anh trở nên xa cách, không hình thức, không cố dùng cách thức ngoại giao hay tạo vỏ bọc để giành lấy một vị thế. Chính vậy nên khi tiếp xúc với người thơ này, ta có thể được giải phóng khỏi sự giao tiếp giả tạo, để thoải mái là mình, không phải mệt mỏi chống đỡ.

Phẩm chất ấy ở anh còn được gìn giữ là bởi hương quê chưa mất. Khi đọc tập thơ “Vọng quê” của Vũ Trọng Thái (NXB Văn học, 2021), mới thấy rõ hồn cốt thơ của con người, điều xác lập nên một giọng điệu riêng, có tự nhiên mà không cần phải cố công tìm kiếm hay gồng mình học hỏi. Có thể hình dung một Vũ Trọng Thái thảnh thơi dạo bước con đường đời của mình, với những vần thơ như hoa xuân nở dâng hương, như cánh bướm lộng lẫy sắc màu dập dờn vờn quanh. Anh chỉ việc nhẹ nhàng hát khúc thơ điệp cùng vũ điệu đã có sẵn ấy mà thôi. Thật dễ dàng. Anh không phải làm thơ gì cả, anh chỉ nương theo vẻ đẹp và hương thơm ngào ngạt tỏa từ cuộc sống đầy sinh sôi mà hát khúc thơ góp vào cho thật đồng điệu.

Hãy nghe khúc thơ ấy:

“Nắng lên, tãi khắp cánh đồng

Hàng cây không rượu, cũng bồng bềnh say

Lưng trời, én liệng tầng mây

Xua đi giá lạnh sáng nay, Xuân về”

(Xuân quê)

Thơ anh cho người đọc cảm giác thư thái, thanh cảnh nhàn nhã nhẹ nhàng, cho sự an yên quý giá khi con người được thiên nhiên ôm ấp trong cánh tay dịu dàng, khi tâm hồn người được làn gió thiên nhiên nâng bổng cánh bay. Không cần phải vò đầu bứt tóc tự thách đố mình, không cần đau khổ dằn vặt trong tâm trí hỗn loạn với ma trận suy tư do mình tự dựng lên, thơ Vũ Trọng Thái cứ êm đềm thế, đơn giản, dịu dàng mà phóng khoáng bao la và dễ hiểu dễ thấu như tình yêu thương của Mẹ.

“Đồi xanh – xanh những bóng thông

Trời xanh – xanh cả Kỳ Cùng nước reo

Anh về… cho em về theo

Câu Sli, điệu Lượn đã gieo vào lòng

Tình người biên giới mênh mông

Em ơi…

xứ Lạng…

biết không…

đang chờ!”

(Xứ Lạng)

Nếu đọc thơ Vũ Trọng Thái trong một sáng cuối tuần yên ả tại miền quê, khi xung quanh tĩnh lặng và tâm trí ta thực sự tĩnh lặng, sẽ cảm nhận được chất thiền dung dị trong từng chữ mộc mạc, không màu mè làm vẻ chút nào:

“Phố dài những ánh sao sa

Hải Phòng rực sáng

Người

Hoa

Xuân về

Qua rồi cái rét tái tê

Cánh chim chao liệng, đồng quê gọi mùa.”

(Hải Phòng Xuân)

Thế đó, mọi gánh nặng tâm can của ta sẽ được trút bỏ nhẹ tênh. Đọc chậm từng chữ trong tập “Vọng quê” của Vũ Trọng Thái, ta thêm một lần thấu hiểu rằng, mọi thứ đến rồi đi, không nhất thiết phải nặng nề nghĩ suy đau đáu. Hãy thật tập trung thân, tâm, trí vào chính việc mình đang làm lúc này mà thôi. Và rồi không cần mong chờ thao thiết, không cần tranh đấu nảy lửa, mùa Xuân vẫn cứ trở về với ta thật đúng lúc.

Và thậm chí rằng ngay trên đường thiên lý, dù ta là kẻ hành khất, hay một người hùng đi tìm chân lý, thì ta sẽ có được mọi thứ trong tay, khi trong tim ta đã có quê hương. Ta chẳng cần phải tiến đến một cái đích cụ thể, cũng chẳng cần quay đầu, vẫn có thể gặp quê hương trên đường thiên lý. Cái tài tình của nhà thơ là ở đây, khi anh chỉ ra cho người đọc chân lý trong lòng chính họ.

“Nẻo đường thiên lý lãng du

Nghe trong gió thoảng tiếng ru ơi à

Ơ kìa em gái phương xa

Gặp em như thể nhà ta đây rồi!”

Chân lý ấy đã sáng ngời lên trong khúc thơ nhỏ bình dị. Quả vậy, con người chỉ có thể đi xa đến thế, khi trong lòng có sẵn tình yêu, có sẵn quê hương. Với con người ấy, thì bất cứ đâu cũng là nhà ta, trong người nào cũng có em ta. Tâm thế ấy khiến tình yêu sinh ra tình yêu, đất đẻ đất, nước sinh ra nước, không bao giờ vơi cạn.

Tôi muốn chân thành cúi đầu cảm tạ nhà thơ này, khi đọc được những dòng thơ đơn giản mà giàu triết lý, và nhiều phát hiện đáng kinh ngạc, lại thoảng chất thiền trong giọng thơ mềm mại của anh ở thể lục bát truyền thống. Thơ anh cho tôi sự an yên và đủ đầy, cũng cho tôi động lực tin vào con người, để có thể liên tục cất bước trên hành trình sáng tạo vì con người. Những dòng thơ của anh bình dị lắm, như củ khoai, củ sắn trong cái thúng mòn của mẹ, người ta dễ dàng bỏ qua trước những lộng lẫy bát quái, trước những sấm rền trường văn trận bút ngoài kia, nhưng thật may rằng, tôi đã ngẫm ngợi những dòng thơ đó trong một buổi sáng thật tinh khiết tại quê nhà, và phát hiện ra cội nguồn của sự sống ấy, trong giọng thơ ấy.


Có thể bạn quan tâm