April 18, 2024, 6:25 pm

Xuân trên sóng nước

Khi ngọn gió chướng thổi rao rao trên những chùm bông so đũa thì hoa trái ngày Xuân cũng bắt đầu rộ. Trên sông cái, kênh, rạch chằng chịt của châu thổ Đồng bằng, những chiếc ghe bầu, tam bản, xuồng ba lá đầy ắp trái cây và hoa kiểng từ miệt vườn xa xôi, từ những cù lao trù phú tươi xanh đổ về thành phố, rồi từ thành phố người ta lại chở những mặt hàng cần thiết cho ngày Tết ở miệt quê như đường, đậu, bột ngọt, nước tương, dầu ăn, giày dép, quần áo may sẵn, kem đánh răng…

Mấy ngày cận Tết, các khu chợ nổi miền Tây bỗng rộn rực hẳn lên. Trái cây ngon nhất được xếp thận trọng vào từng cần xé rồi lên ghe, lên tàu. Các họ tộc hoa kiểng lạ mắt, kiểu dáng cầu kỳ cũng bắt đầu xuất quân. Ngày đêm, tàu ghe như những con thoi, nhộn nhịp trên sông nước, mang hương hoa, sắc màu của đất trời đến cho từng nhà, từng người để chuẩn bị đón chờ năm mới. Có nhìn cảnh chợ nổi họp sớm trong sương mới thấy hết niềm vui của người nông dân tay lấm, chân bùn. Cả một năm trồng trọt chắt chiu, họ chỉ hy vọng ở ba ngày Tết. Vài chục bưởi da xanh chín cây hái xuống cành còn tươi xanh, mấy quày dừa Tam Quan nước ngọt như đường phèn , quít đường, cam mật, vú sữa Lò Rèn, chuối Sáp, xòai cát Hòa Lộc… Mỗi thứ một ít, chất lên chiếc tam bản chạy ra chợ nổi, nếu gấp việc nhà thì sang cho bạn hàng, không gấp thì ngồi chợ chịu thương, chịu khó bán tới trưa cũng hết. Tiền bán được gấp đôi gấp ba ngày thường đủ mua manh quần tấm áo cho con, mua mắm muối tiêu hành cho việc cúng kiến, đãi khách. Có khi các bà, các chị còn mua được cả hộp phấn, cây son để chưng diện trong ba ngày Xuân.

Chủ vườn lớn thì chở sản phẩm của mình bằng ghe lườn, ghe bầu. Ghe chơm chơm đỏ hồng, ghe dưa hấu xanh mượt, ghe xòai cát chín vàng tươi, thơm lựng chen lẫn với những ghe hoa kiểng chùng chình, sóng sánh trên mặt nước buổi hừng đông. Tiếng cười nói, chọc ghẹo nhau, tiếng trả giá, tiếng bước chân rầm rập trên tấm ván nối giữa hai ghe của những người khuân vác, tiếng rao hủ tíu, đậu đỏ bánh lọt của mấy cô thiếu nữ trên mấy chiếc ba lá luồn lách giữa các ghe mời mọc. Người bán thức ăn múc không ngơi tay vì những chủ ghe đang cầm trong tay số tiền lớn nhất trong năm, họ hào phóng đãi đằng cho cả đội quân khuân vác trong những ngày năm cùng tháng tận.

Ba ngày Tết, chợ nổi tan hàng, hoa trái không còn lênh đênh trên sóng nước mấy xuồng ghe dùng để chở người du Xuân. Ca nô, tam bản gắn đuôi tơm chạy xé nước. Áo bông, dù màu, khăn màu cột cổ, bánh trái, hoa quả chất trước mũi tàu. Con cháu về thăm cha mẹ, ông bà. Họ hàng, bạn bè đi viếng nhau. Họ từ những nơi kinh cùng nước mặn về, từ những cù lao chơi vơi phía bên kia sông qua, họ tranh thủ ba ngày Tết quay về với nguồn cội, đốt cho ông bà nén nhang, uống với anh em, hàng họ ly rượu, chén trà, chúc mừng nhau năm qua làm ăn không nợ nần, hoặc trả được nợ cũ, con cái còn đi học… Vậy là mừng rồi, vậy là thành đạt rồi.

Mới mùng Hai Tết, trên những con kinh xa lắc xa lơ đã nghe tiếng rao diệu vợi của mấy chiếc ghe hàng “Ai mua đường đậu, nước mắm, giày dép, quần áo, mai giả chưng tết không…”.

Trong tình hình dịch bệnh ngày nay, chợ nổi trên sông nước miền Tây không còn phồn thịnh như xưa, những mặt hàng có vẻ “xa xí phẩm” như hoa kiểng, son phấn, bánh kẹo.. không bán chạy như trước nữa nhưng hoa mai thì vẫn được mọi người quan tâm. Dù cho tiền bạc yếu kém nhưng bà con nào không có trồng mai trước sân nhà vẫn thủ một chậu mai thật hay một cành mai giả để cho gia đình được may mắn và không khí bớt u ám, tẻ nhạt trong ngày xuân hoặc phòng hờ năm tới lũ lụt tràn về, trong nhà cũng có cành mai giả mà chưng.

Tiếng rao vẫn lan đi trên mặt sông như kéo mùa xuân về trên sóng nước, về với ruộng đồng miền Tây…

Nguồn Văn nghệ số  4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm