April 23, 2024, 11:16 pm

Xuân khó vườn xưa

Giờ được bung mở ra với đủ đường ngang lối dọc rộng lớn, nên người ta gọi Thành phố. Chớ mấy chục năm trước đây là Thị xã nhỏ như bụm tay, chỉ có ít đường nhựa, đạp xe chừng mươi phút đã trở về nơi xuất phát… Để dễ hình dung, bạn cứ đo khoảng cách chiều Bắc Nam từ cổng chào ở đầu công viên Đồng Khởi xuống cầu Bến Tre và chiều Đông Tây từ rạch Cá Lóc cho tới rạch Cái Cá. Chỉ vậy là xong. Dạ thưa, đó là phần giới hạn Thị xã tuổi thơ nhiều khốn khó của tôi, là tiền thân và cũng là một phần của Thành phố Bến Tre nguy nga tráng lệ bây giờ.

 

Minh hoạ: Đặng Tiến

 

Dù không ưa rạch ròi một cách cơ giới, nhưng chẳng lẽ lại không ngó ngàng gì đến điều tối thiểu, là vị trí địa lý của nơi mình đang định nói về nó. Bởi cũng chính từ không gian hạn hẹp này, đã mở ra vô hạn tầm nhìn cho những bước chân định và vô định để từ đó ra đi và trở về của bao phận người…

Ngày một lớn khôn, tôi lại càng yêu bài thơ Hồ Trường của tác gia Nguyễn Bá Trạc, người chí sĩ thất cơ lỡ vận “học không thành công chẳng lập”, được thể hiện qua bài thơ nhiều cảm xúc và đầy tâm trạng:… “Rót về Nam phương, trời Nam nghìn dặm thẳm, mây nước một màu sương…”.

Cái thị xã nhỏ nhoi ấy gần hai mươi năm nay người ta quyết định mở rộng nó ra, lấy mũi chủ lực là hướng Nam. Phía Nam Thành phố, qua sông Bến Tre chỉ một quãng đường ngắn chừng bốn trăm mét là mảnh vườn truyền đời của bao thế hệ từ ông bà tôi. Nhưng khi vừa lên năm tuổi, ba má tôi phải vội bán rẻ căn nhà vừa dựng lên ở đó chưa được bao lâu để tản cư, và cũng để bắt đầu nhiều năm dài cho cuộc sống tản cư.

Qua sông vào thời đó người ta sử dụng phà. Trong ký ức nhạt nhòa của tuổi thơ được lưu giữ, thằng bé còn nhớ láng máng mình cũng từng đi phà được một đôi lần. Khi phà không còn hoạt động nữa, người ta mới sử dụng đò ngang chèo tay. Và cũng từ ký ức lờ mờ ấy nó còn thấy xa xa thấp thoáng bóng của cánh buồm đen xao xác đơn độc ở trên sông. Con phà còn sót lại đâu từ thời đệ nhị thế chiến, và xác nó nằm dầu dãi nắng mưa trên bãi sông cạn trước Ty Công chánh lâu lắm. Mãi đến sau Tết Mậu Thân mới thực sự được hóa kiếp, và cũng vì vậy không ai còn nhìn thấy nó thêm lần nào nữa.

Ở đầu bến phía Cái Cối, một sáng sau Tết Canh Tý năm 1960 không bao lâu, đã bất ngờ xảy ra một vụ giết người bằng súng làm chấn động cả xóm làng. Những tiếng súng ấy, so với âm thanh nẹt pô xe của đám thanh niên bây giờ quả thật chẳng ăn thua gì. Nhưng vào thời đó, những tiếng đùng đoàng kia đã khuấy động không gian vốn an bình tĩnh lặng của làng quê. Đường thôn ngõ xóm bỗng lặng ngắt như tờ, khi nhà nhà đều nhất loạt then cài cửa đóng im ỉm. Người lính Bảo an bị giết kia có liên quan gì tới chú, tới bác của đứa trẻ không. Nhà các chú các bác con của ông Năm, ông Bảy ở trong sâu hơn nữa, mãi đâu tận Phú Nhuận, Nhơn Thạnh. Mấy hôm trước thằng bé còn nghe má nó lào thào với vài người hàng xóm rằng đâu trong mạn Cầu Vĩ, Mỹ An còn xảy ra cướp do dư đảng của băng cướp Mây Mưa vừa nhen nhóm hành sự trở lại. Ba nó xa nhà, nên sau nhiều sự kiện, mà vụ người lính Bảo an bị bắn chết ở bến phà vừa nói như giọt nước làm tràn ly, khiến bà càng lo sợ hơn bội phần. Là phụ nữ quê mùa, tay yếu chân mềm với một nách ba con nhỏ, thử hỏi trong tình cảnh ấy ai lại không hãi hùng khiếp đảm.

Và bắt đầu từ hôm đó, cứ xế chiều là bà vội vàng kê kích bàn ghế, xoong nồi… chống chắn bên trong cửa sau, khóa trái cửa trước rồi ẵm bồng dắt díu ba đứa nhỏ qua bên kia sông tản cư lánh nạn. Nào có xa xôi gì đó, cũng chỉ là khoảng rộng của con sông chừng trăm rưỡi thước, nhưng ở đó còn có cha mẹ chồng và nhiều người thân, tạo cho bà sự vững tin và an tâm hơn. Hóa ra cô đơn cũng là nỗi sợ hãi lớn lao của con người. Bởi với tầm đó hay xa hơn nữa súng đạn có từ ai bao giờ… Và không lâu sau cứ đêm đêm, khi bờ bên kia khua vang tiếng trống mõ, thì bờ bên này theo chỉ thị của nhà đương cuộc - thực chất là theo lệnh của nhà tình báo thời đại Phạm Ngọc Thảo - những người dân phố cũng “đáp trả” bằng đủ thứ âm thanh từ thùng thiếc, bàn ghế… bằng bất cứ thứ gì miễn có phát ra tiếng kêu là được. Không khí Thị xã bỗng trở nên khác thường, còn hơn cả khi đang vào những cuộc hội hè đình đám. Chỉ có người lớn là không giấu được vẻ âu lo, chớ bọn nhóc như nó lại coi đó là thời khắc vui mừng khó tả. Thời khắc ấy đi theo người ta suốt cả cuộc đời.

Thật ra, một mình má tôi không dám tự quyết việc ra đi hay ở lại. Sau cả buổi chiều bàn thảo với ông Chín - Người gần như là lão bộc của gia đình tôi - má tôi mới đi đến quyết định gởi lại nhà cho ông dòm ngó, để bắt đầu cuộc sống tản cư, chiều nay đi sáng mai về. Con dắt mấy đứa nhỏ đi đi, cứ để nhà đây cậu coi chừng cho, chớ thời buổi bây giờ… thật khó nói. Nhà ông bà Chín ở phía sau nhà tôi, cách ngang chỉ một con mương rộng. Nhưng với tôi lúc đó nó xa lắm, bởi muốn qua nhà ông chơi phải có má dẫn đi và đánh một vòng xa với hai ba cây cầu dừa. Mảnh vườn dừa một mẫu tây này khi xưa nữa là ruộng. Chính tay ông Chín và ông Bảy anh ruột của ông đã lên bờ thành vườn cho cố tôi. Ông bà Chín không con cái và cũng chẳng có đất đai gì cả. Bên căn nhà dừa nhỏ nhắn ấy, hàng ngày bà nhặt nhạnh chút ít củi đuốc từ các nhà vườn tốt bụng xung quanh cùng hoa lợi phụ ông bà tôi cho phép thu hoạch và độ nhật chủ yếu bằng nghề chèo đò ngang của ông tại bến Cái Cối.

Và cũng từ sau Tết Canh Tý năm đó, khi ngôi nhà của ba má tôi dỡ bán đi rồi, thì khu vườn này được ông bà chính thức cai quản cho đến ngày thống nhất đất nước. Tôi nhớ vào thời đó, thỉnh thoảng bà Chín mang tiền bán dừa qua cho nội tôi, góp tiền hụi của má và cho anh em tôi ít trái cam, trái ổi… Hơn nửa thế kỷ trước, phần nhiều những người làm chủ hụi lại là những người nghèo khó chớ không như bây giờ. Những cô bác khá giả hơn, vì thương người tính tình chân chất, làm ăn hiền hậu thật thà nên tham gia huê hụi chỉ với mục đích giúp đỡ họ hơn là để mưu lợi.

Mười lăm mùa xuân sau Tết Canh Tý ấy tôi mới trở về sống lại ở mảnh vườn này, dù thời gian chỉ chừng hai tháng ngắn ngủi - Để rồi sau đó tôi lại xuôi về phía Nam một lần nữa. Nhưng lần này xa hơn, tận quê ngoại dưới Thạnh Phú để đi dạy học. Ông bà Chín khi đó đã già yếu lắm rồi, và cũng không lâu sau, ông rồi đến bà lần lượt qua đời trong lặng lẽ cô đơn. Còn nhớ vào những ngày nghỉ dạy, có dịp về nhà tôi cũng qua thăm ông bà. Nhưng thật đáng tiếc, bởi đó chỉ thuần là những lần thăm viếng hỏi han về tình trạng sức khỏe chung chung. Trong khi tôi lại… vô tâm, nhiệt tình hưởng ứng lời mời dùng cơm của ông bà! Đã là thằng thanh niên hơn hai mươi tuổi rồi chớ đâu còn nhỏ nhít gì nữa. Giữa thời buổi lúa cao gạo kém, lác đác có một số gia đình đã bắt đầu ăn độn. Được đi đây đi đó thấy nhiều, hơn ai hết tôi phải thừa hiểu giá trị của những bữa cơm chớ. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi khờ khạo dữ vậy!

Trong những ngày dài giãn cách xã hội do đại dịch Corona, nằm treo võng toòng teng sau vườn nhà, ngoài “người bạn” là cái smartphone các con vừa mới tặng trước đó chưa bao lâu, tôi lan man ngẫm ngợi đủ điều… Không ít lần tôi ngó qua bờ vườn phía bên kia, chỗ nền nhà cũ của ông bà Chín, mà nay nó đã thuộc về chủ khác. Và cũng không ít lần tôi tự vấn bản thân, thấy mình hết sức có lỗi vì đã ăn ở quá bạc bẽo với ông bà. Đành là giữa lúc xung quanh mình ai ai cũng đầy cơ cực khó nghèo, nhưng với lương tháng năm mươi hai đồng bạc lúc bấy giờ, việc biếu tặng ông bà hai ba đồng hoặc ít gạo muối hoàn toàn nằm trong khả năng của tôi. Vậy mà tôi đã sống quá ích kỷ, chỉ nhăm nhăm nhìn vào cảnh nhà mình. Còn nhớ trước hôm tôi về thăm nhà ít ngày, mấy đứa em đòi ăn cháo vịt nhưng má tôi không cho, bởi đó là con vịt duy nhất, bà nói phải đợi đủ mặt các con mới làm thịt để đứa nào cũng được ăn.

Sau ngày 30/4/1975, đời sống của đa số thị dân hết sức bấp bênh. Cảnh nhà tôi cũng vô cùng bi đát. Lương bệnh binh của ba tôi không còn, việc mua bán lặt vặt bánh kẹo và báo chí của gia đình gần bến xe khách cũng bất lợi nên không thể nào chịu đựng nổi gánh nặng với tám miệng ăn, nên đứa em gái buộc phải nghỉ học sớm để hàng ngày gánh thêm gánh khoai lang nấu ra chợ bán. May mắn cho gia đình lúc bấy giờ là anh Hai tôi được Uỷ ban Quân quản lưu dụng, do anh làm trong ngành quân xa. Dù chỉ vậy thôi nhưng cả nhà cũng rất mừng rỡ. Biết gia cảnh mình không thuận hợp, nên sau giải phóng tôi cố bám lại Sài Gòn, những mong sẽ tự lập. Nhưng rồi mọi nỗ lực tung hoành của tôi cũng giống như dã tràng xe cát, chỉ đủ để tôi trụ lại được vỏn vẹn ba tháng. Học, không. Dạy, không… Cuối cùng tiền ăn cũng không có, và tôi cũng hết phương kế để xoay xở. Về thôi, dẫu biết về với gia đình bây giờ thật chẳng có gì đáng để hoan hỉ… Sau nhiều năm tản cư ở đậu, ở thuê, ngôi nhà ba má tôi mới được xây dựng lại trước giải phóng bốn năm - sau khi bị trọng pháo trong sân vận động tỉnh bắn hủy diệt hồi Xuân Mậu Thân - chưa hết mừng vui, đã miễn cưỡng đón tôi về sau những cánh cửa khép hờ buồn bã.

Nhưng thật bất ngờ, niềm vui lớn bỗng vụt đến với gia đình tôi khi ông bà Chín kêu trả lại mảnh vườn - mảnh vườn mà gần như cả đời ông bà gắn bó. Công lao hàng mấy chục năm dài của ông bà tan biến vào đâu, khi ông bà nói với ba má tôi rằng chỉ cần trả lại tiền ông mua hom giống, tiền công bồi mương, cuốc vồng khoai mì, khoai từ… hồi cuối năm là được rồi. Ôi, người nông dân chân chất thật thà với cái nhìn nhân sinh đơn giản, đạm bạc mà đầy nhân ái bao dung! Biết tìm đâu ra người như vậy giữa cuộc đời này. Vậy thì, sau đó cầm năm ba đồng bạc, một ít gạo mắm thơm thảo với ông bà, dù cuộc sống gia đình có cùng cực tới cỡ nào đi nữa tôi vẫn có thể biếu tặng cho ông bà được kia mà. Vậy mà thằng thanh niên như tôi lúc đó không hiểu sao lại hời hợt vô tâm!

Có lần hai ông cháu ngồi trò chuyện, cắc cớ ông chỉ vào cây cột cái nhà đã mục ruỗng rồi hỏi tôi, vậy chớ theo con giả như muốn thay cây cột đó con làm sao? Sau một hồi suy nghĩ tôi trình bày cách làm của mình. Một thoáng im lặng trôi qua ông gật gù khen, nói sau này dù con có làm gì đi nữa cũng không đến nỗi… Lời khen tặng của ông giữa buổi trưa buồn, chỉ có hai ông cháu cùng tiếng lá dừa nước khua xào xạt phía bờ rạch sau nhà. Hình như những gì đến với ta trong thinh lặng khiến ta dễ nhớ và lưu lại lâu dài hơn là giá trị của lời khen tiếng chê. Trước ngày trở lại trường tôi qua chào ông bà Chín. Ông chúc tôi đi mạnh giỏi, ráng mà lập thân. Nói rồi ông lấy đôi giày da vẫn còn mới đưa cho tôi. Thỉnh thoảng có đi đám ông mới xài, nhưng lâu nay ít xài lắm, ông cho con đem theo đi dạy học cho có với người ta… Bây giờ hồi nhớ về ông tới đâu nước mắt tôi chực rớt xuống tới đó. Tôi hiểu gia đình mình nợ ông nhiều lắm, và cũng may là lần đó tôi không nhận thêm món quà quí ông cho. Hơn nữa đem giày xuống xứ Thạnh Phong thời đó có khác gì đem hũ mắm vô phòng máy lạnh bây giờ. Bởi thầy cô giáo chỉ mặc cái áo sơ mi vạt bầu, mang đôi dép hơi cao chút thôi cũng đã phiền lụy lắm rồi; cả gan mang đôi giày ấy vô có khác nào đeo thêm cho nặng cổ cái tàn dư tiểu tư sản thành thị... Đâu ngu! Nhưng vấn đề có phải là như vậy không.

Với tôi, ông Chín có một điều không chính xác. Đó là thằng cháu mà ông cứ tưởng ngoan hiền dễ dạy, nhưng kỳ thực hoàn toàn không phải vậy. Rồi như ông thấy đó, chỉ sau hai niên khóa, thằng cháu của ông lại quay ngược trở về thớt vườn này như là tất yếu của một căn nghiệp! Và ngày nó về cũng là ngày ông vội bỏ nó đi xa…

Còn thêm một lần nữa, và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi quay về sống trên thửa vườn duyên nợ này… Sau khi cưới vợ ra riêng, tôi mua được căn nhà nhỏ ở hướng Bắc, nghe nói tưởng xa chớ thật ra chỉ cách chừng ba trăm mét, nhà nằm sát bờ Nam sông Bến Tre. Lần đó má tôi lộ rõ vẻ hài lòng. Có vậy chớ con, mày cứ đi hoài xuống miệt dưới không khá lên được đâu! Nhưng rồi tôi cũng không thể ở đó được trọn vẹn do chương trình giải tỏa để làm công viên tỉnh sau này. Loay hoay riết, cuối cùng tôi cũng trở về đúng nơi thửa vườn xưa. Và như đã nói có lẽ đây cũng là lần cuối cùng.

Bây giờ ngồi nơi đây, cũng Canh Tý, nhưng là Canh Tý của sáu mươi năm sau, sau ngày bà má đùm túm ba đứa con thơ bắt đầu cuộc sống tản cư. Thật bất ngờ làng quê ấy lại rơi vào tình trạng chẳng khác xưa là mấy. Đường phố lặng ngắt, không một bóng người, không âm thanh xe cộ dù đang giữa lúc đáng ra nó phải sôi động đối với con người cho cuộc mưu sinh và vì nhiều lẽ khác nữa. Mười hai ngàn dân của xã bỗng nhiên biến mất, chẳng khác gì sự biến mất của hơn một ngàn người sau những phát súng của sáu mươi năm trước. Giữa trưa nắng chói chang, dừng xe trên đỉnh cầu Mỹ Hóa nhìn ra hướng vàm Hàm Luông hay ngược lại, ta thấy nước trong veo nhìn muốn thấu đáy và thăm thẳm một màu xanh của biển mặn không thể nhầm lẫn. Vâng, người Bến Tre chúng tôi năm nay còn chịu thêm một khổ nạn khác nữa rồi!

Giữa lòng Thành phố lại càng vắng hơn. Những dãy phố giờ như đang trong mô hình của một sa bàn được phóng lớn ra đang chờ ai đó cầm chiếc gậy chỉ vào để thuyết trình. Hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến những ngày khói lửa Xuân Mậu Thân. Vâng, nó cũng vắng tanh vắng ngắt như thế này. Có khác chăng là khi đó người dân tập trung vào những nơi thờ tự tôn nghiêm, chùa chiền, nhà thờ, thánh thất hoặc các trường học, bệnh viện.

Còn hôm nay nhà ai nấy ở. Và có khác chăng là năm xưa, đâu đó ở nơi này nơi kia vụt thấp thoáng vài ba gia đình với lỉnh kỉnh bòng bị chạy tìm đường tránh cuộc can qua, còn bây giờ lại là thùng bọng để kiếm chút nước ngọt về nấu ăn hay sang lắm là tắm táp cho con cháu nhỏ trong nhà. Trước cơn nguy khốn, hiểm nghèo mới thấy hết khả năng chịu đựng và ứng phó của người dân Việt. Nhìn cảnh đìu hiu hoang lạnh ngay trong lòng thành phố khiến tôi không khỏi nghĩ tới bầy gà tre nhỏ xíu nhưng cực kỳ tinh khôn mình đang nuôi. Trước một tai họa đang chực chờ giáng xuống, chỉ sau tràng ré lên báo động của gà mẹ, trong tích tắc đàn con có đến hàng chục con vụt biến mất dưới thảm lá khô. Biến mất hút, im thin thít như trước đó chúng chưa hề tồn tại! Là người Việt Nam, là người Bến Tre tôi tự hào về dân tộc mình mỗi khi chẳng đặng đừng buộc phải chong mặt trước những thế lực đen tối nào đó. Trưa hôm qua, đang nằm võng liu thiu bỗng cái smartphone “ping” lên một phát… Té ra là thằng Quang con cô Bảy tôi nhắn về hỏi thăm tình hình bên nhà. Nó nói thấy cảnh người ta bên đó chết sợ quá đi, lại còn thêm cái nạn bị quấy nhiễu do một số người kỳ thị dân Châu Á, rồi là họ biểu tình tố cáo nhà cầm quyền vi phạm quyền tự do đi lại của họ, này khác đủ điều…

Chạy xe trên đường, thấy vài anh em đang rảo quanh làm nhiệm vụ nhắc nhở kiểm tra tôi khẽ cúi chào. Chào với những người tôi tin chắc mình chưa từng quen biết. Các anh vẫy tay chào lại, và hình như các anh còn chào với cả cái gen - di - truyền - xã - hội mà chỉ riêng người Bến Tre mới có. Gần gũi thân ái là vậy, nhưng nếu bị gọi vào kiểm tra chớ có cao giọng ta đây thế này thế khác. Toàn con cháu cụ Đồ, cụ Phan, họ không ngán đâu mà chỉ nể trọng những gì thực sự đáng cho họ nể trọng. Cái thùng nhựa ba chục lít sau xe với vài cái nhỏ hơn lủng lẳng phía trước cùng sự đe dọa bởi con Coronavirus hay cái bòng vải của người dân chưa quá năm ký lô, từng bị bủa vây bởi súng đạn năm xưa đã thay cho tất cả các loại giấy thông hành! Tôi đi giữa lòng Thành phố trong sự vắng lặng khác thường.  

Giữa hai niên hiệu Canh Tý có niên hiệu Mậu Thân! Giữa hai mùa Xuân Canh Tý có mùa xuân mang tên Mậu Thân. Xuân Mậu Thân!

Hai tiếng ấy của thời đoạn ấy ảnh hưởng tuổi hoa niên và ám ảnh tôi khôn nguôi. Sau Tết Mậu Thân ba năm ba má tôi mới dành dụm được chút tiền để xây lại nhà ở. Còn nhớ, sáng mùng ba Tết Mậu Thân, từ chỗ lánh nạn ở khu Mỹ Hòa Chay cả nhà tôi chứng kiến những khẩu đại bác 105 ly trong sân vận động tỉnh hạ nòng san bằng mặt tường phía Đông. Nhà của gia đình tôi nằm trong tầm pháo đó!

Má tôi khóc. Thấy má khóc tôi cũng khóc theo chớ ở cái tuổi vừa quá mười hai tôi không sao hình dung được thảm cảnh nhà cửa tan hoang, cơ nghiệp khánh tận là như thế nào. Tôi chỉ thấy sợ khi thấy pháo bắn và nổ quá lớn ngay xóm nhà mình ở. Tới mùng bảy trở về, trước đống hoang tàn của cả xóm tôi mừng rơn khi thấy con gà mái bà ngoại cho hôm trước vẫn còn kia. Nó cũng vô tư như tôi, đang bươi quào kiếm trùng dế gì đó. Trừ bòng bị mang theo hôm tản cư, con gà mái ấy là tài sản duy nhất của gia đình tôi còn sót lại.

Cả nhà tôi lại phải ở đậu nhà cô dượng hai. Tính cả bà nội, năm người con của cô dượng và gia đình tôi nữa, ngôi nhà ở chợ chỉ hơn bốn mươi mét vuông phải dung chứa cả thảy mười bốn con người.

Sau khi tự tay mình đóng sập cánh cửa sư phạm, tôi lại quay về. Tất nhiên lại là ngôi nhà trên mảnh vườn ở phía Nam Thị xã! Má tôi lặng thinh không nói, nhưng tôi biết bà buồn lắm. Ba tôi chỉ an ủi bà đúng một câu, thôi con nó cũng lớn rồi cứ để tự nó. Có lẽ trước những bất trắc của con cái dường như chỉ bà mẹ mới thấu cảm và sớm nhận ra trọn vẹn. Trời ơi, con mình từ nhỏ tới giờ chỉ biết sách vở học hành, đây rồi mai mốt làm gì để sống hở con. Làm gì… làm gì? Thật tình tôi hoàn toàn không có chút dự định rồi đây mình sẽ làm gì. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là dù muốn làm gì đi nữa trước hết mình phải học. Và tôi đã học, đã làm việc. Tôi đã sống và tôi đang sống.

Đời người chắc không ai tránh khỏi việc quấy quá, làm phiền lòng cha mẹ, nếu không muốn nói có khi lại còn hơn thế nữa. Với tôi, còn thêm một lần nữa làm cho má tôi buồn, đó là lần tôi chuẩn bị lập gia đình. Khi nghe con dâu tương lai nhà đâu tận dưới miệt Bến Tranh, Cái Mít gì đó bà nén tiếng thở dài ngao ngán. Hình như thẳm sâu trong tâm tưởng, bà chưa bao giờ dám tin vào sự phồn vinh sẽ nở hoa ở vùng đất phương Nam, miền quê xưa khó nghèo của mình. Dù lúc ấy không bộc lộ ra, nhưng sau này cứ hễ nghe tôi có dự định làm ăn gì đó ở miệt dưới là má tôi lại than thở, sao con cứ nhè cái hướng Nam mà xuống hoài vậy con… Có phải vì không nghe lời má mà mình mãi lận đận, hay bởi cái số nó đã vậy rồi? Nào ai biết. “Nào ai tỉnh nào ai say. Chí ta ta biết lòng ta hay”…

Trai trẻ gì nữa, sáu mươi lăm rồi… Đồng lứa, đồng khoa bao nhiêu người tài nghệ giỏi giang giờ đang rộn ràng xe pháo chớ đâu như mình. Ngay trong ngày đầu giãn cách xã hội, công ty bảo hiểm nơi tôi làm việc phát đi thông báo, kể từ ngày mai nhân viên không được đến văn phòng mà phải làm việc trực tuyến trên mạng máy tính. Lại máy tính, máy tính! Lại công nghệ, công nghệ! Sau nhiều lần cự tuyệt với các con khi chúng ngỏ ý sắm cho cái điện thoại thông minh, nhưng rồi ba tháng trước tôi không thể nào thoái thác được nữa khi chúng gần như nhét thẳng cái Samsung Galaxy A20s vào túi nên đành chịu phép.

Với ba, chừng này phương tiện đã đủ làm việc, đừng mua sắm thêm chi cho tốn kém. Trước đó, nhiều lần tôi nói với chúng như vậy, khi đứa đòi mua xe mới, đứa đòi sắm điện thoại. Nhưng trước các diễn biến quá đột ngột quả không còn cách nào khác. Dù không thích, đã cố tránh né nhưng cuối cùng mình cũng có thoát được cái lưới công nghệ của thời đại đang bủa vây đâu! Hậu sinh khả úy, tuổi trẻ mới đáng sợ. Lời dạy của ông bà xưa thật khó sai. Thôi, chống cự gì chống cự, tiết kiệm gì tiết kiệm, chớ tình cảnh này phải xếp giáp qui hàng thôi, nếu không muốn bị đào thải, nếu không muốn bị nghỉ việc. Nói là làm, tôi a lô cho người quen bên viễn thông VNPT để khẩn cấp vô mạng Wifi. Từ đầu bên kia thằng cháu tôi cười khùng khục, nay cậu chịu phép rồi hả cậu… Trong tiếng cười của nó tôi còn mường tượng hình ảnh hai đứa cháu hôm nào che miệng thì thầm, ổng cực đoan lắm, chê những thứ mình bày cho bất quá cũng chỉ thuộc về hình nhi hạ! Còn thượng hạ gì đây nữa trời, giờ không vô lấy gì tải các ứng dụng số hóa CMI, Cisco Webex Mettings, M Office, M Sales… theo yêu cầu của công ty để làm việc với người ta?! Sau hơn một tiếng đồng hồ kéo dây, lắp đặt… anh công nhân vào đến những thao tác cuối cùng. Chú chọn mật khẩu của nhà mình là gì đây chú? Không chút đắn đo, tôi phán ngay cachlyxahoi, chữ ly y dài nhe anh…

Tiễn anh công nhân ra cổng, tôi nói lời cảm ơn và thật lòng mời, có dịp công tác bên này ghé nhà chơi. Những ngày gần đây tâm lý tôi mâu thuẫn lạ lùng. Vừa không muốn lại vừa mong cho có ai đó ghé nhà. Có người ghé mừng lắm và cũng… lo sợ lắm! Như anh bạn đồng nghiệp ở An Giang hay thằng em dưới Thạnh Phú Đông mới tới chơi cách nay mấy ngày… Ôi, như một thiên sứ hủy diệt của tự nhiên, tuy chỉ là loài vi-rút siêu nhỏ nhưng đang giữ cho mình cái quyền nghiêng thiên hạ. Cái “con” quái quỉ - thực ra chỉ là một sinh vật nhân sơ cực kỳ bé mọn, chưa đáng để được gọi là con - có tên Coronavirus! Bên cạnh khả năng buộc biến dạng, đảo lộn các thang giá trị về kinh tế; làm chênh vênh, méo mó nhiều hệ hình chính trị và định chế xã hội to tát, nó vẫn không quên nhắn nhe về Cái Cối vài lời hăm dọa khiến bao người yếu bóng vía như tôi không khỏi xính vính! Đúng là đồ ôn dịch!

Vừa trở gót quay vô, bỗng có chiếc xe đạp trờ tới cùng tiếng kêu ông ngoại, ông ngoại… Thì ra là thằng cháu ngoại của tôi, nay học lớp mười. Từ sau tết nghỉ học suốt cho đến giờ. Trời ơi, con đi đâu đây, thôi vô nhà đi con. Nó từ chối thật lòng, nói ba má dặn về ngay không được phép la cà. Trời ơi, vô nhà ngoại chơi mà la cà gì con. Nghĩ vậy, nhưng rồi tôi cũng vội xoa đầu nó, thôi con về riết đi kẻo bị rầy.

Tôi đứng ở cổng rào, hết nhìn theo bóng thằng cháu ngoại đang xa dần lại cúi nhìn con cá lóc với trái bầu nó đem về cho xen lẫn nỗi vui buồn khó tả. Những mùa xuân viên mãn, no đủ hẳn người ta sẽ mau quên. Nhưng trước mùa xuân khốn khó, tin rằng nó sẽ mang đến cho con cháu mình điều gì đó vang dội tiếng yêu thương để mãi hằn sâu trong ký ức. Bởi hình như từ đâu đó trong mang mang thinh lặng lại hàm chứa tiếng gọi vô thanh vụt tỉnh thức tâm hồn khiến chúng dễ nên người hơn.

Một chục trứng vịt hôm trước hay con cá lóc cùng với trái bầu nhỏ hôm nay, sau vài ba ngày sẽ biến mất. Nhưng tôi tin hình ảnh của chúng và những gì nảy nở, hình thành trong tâm tưởng trên chặng đường đạp xe đi-về hơn bốn cây số để đến với ông bà ngoại, dù chỉ trong giây lát, sẽ đi theo cùng với nó trong suốt cả cuộc đời này.

Nguồn Văn nghệ số 33/2022


Có thể bạn quan tâm