April 20, 2024, 12:31 pm

Xuân đến, về đền Khánh Xuân nghe câu Hát Dô

Hơn 30 năm, kể từ khi Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lan gây dựng lại, câu Hát Dô nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phục dựng, bảo tồn của tỉnh Hà Tây cũ và của thành phố Hà Nội hiện nay, cũng như một số tổ chức, đoàn thể. Bữa đầu khi vừa gặp tôi bà Nguyễn Thị Lan đã hào hứng khoe “Vụ lúa tháng Mười năm 1989, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ “nằm im” những câu hát, điệu Hát Dô được trình diễn giới thiệu ngay tại Đền Khánh Xuân, ngôi đền những năm xa xưa thường tổ chức lễ hội và hát điệu Hát Dô của người Liệp Tuyết. Sau thành công đó thay vì phải chờ đợi tới 36 năm như “giao ước” người dân Liệp Tuyết được nghe và được hát những câu hát Dô thường xuyên hơn. Cũng từ đấy, mỗi độ Xuân về (diễn ra từ 10 đến rằm tháng Giêng) làng lại mở hội và Đền Khánh Xuân đã trở thành “địa chỉ sinh hoạt văn hóa” của làng.

*

Đền Khánh Xuân (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được xây dựng từ rất lâu đời và mới được trùng tu. Một ngôi đền như mọi ngôi đền nhưng lại khác tất cả các ngôi đền, thế mới lạ. Đền ở ngay đầu làng, hơi cách biệt với những nếp nhà dân giã, lại xung quanh đền là những cây muỗm cổ thụ xanh rì, nên khi đêm xuống ta có cảm tường như Đền Khánh Xuân đang trầm ngâm dưới ánh trăng. Kiến trúc của Đền Khánh Xuân không giống như các ngôi đền thờ thần thờ thánh thường thấy, đền có dáng dấp của một ngôi đình làng bởi trước đền là một lối cổng cao lớn, sân đền đủ rộng để làng làm lễ hội, đền có hai nhà, nhà trước gọi là nhà tiền, rộng rãi là nơi dân làng tiến hành ca hát, sau đó mới tới nhà sau gọi là nhà hậu, là nơi đặt điện thờ.

Một ngôi đền để thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn nhưng lại hàm chứa một “sân khấu nghệ thuật” dân gian đặc sắc và độc nhất nhưng những buổi diễn ca lại không hề làm thuyên giảm sự tôn nghiêm của nơi thờ cúng. Vào dịp lễ hội dân trong vùng cùng khách thập phương tụ về rất đông, cảnh tượng tưng bừng, rực rỡ như câu ca được chép lại “Sáp thắp chan chan/ Sân đền tán tía lọng xanh/ Triều thần văn võ bá quan/ Ngựa xe võng giá/ Rước về Lạp Hạ/ Đóng đám Khánh Xuân”.

Tôi bước vào trong đền, không gian chợt bừng lên ấm áp. Ngay chính giữa nhà tiền của đền thấy rất đông đang ngồi súm sít. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lan mời tôi tới ngồi xuống chiếu. Thì ra đêm nay, đêm cuối năm giá rét, các thành viên của Câu lạc bộ Hát Dô Liệp Tuyết đang cùng nhau ôn bài hát cũ đồng thời luyện những câu hát mới. Đưa tôi miếng trầu bà Lan cười “Nhà báo ăn miếng trầu này cho ấm”. Tôi giả bộ nhăn mặt nói vui “Liệu có bị nỡm như hồi Đức Thánh Tản Viên giả trang không đấy?”. Bà Lan cười xua tay “Thì nhà báo cứ ăn đi rồi biết”. Số là dạo xửa dạo xưa, Đức Thánh Tản Viên một lần về đây trong bộ dạng của một trai thôn, Ngài thấy mấy cô thôn nữ đang mò của bắt ốc thì lại gần “ghẹo mặt” các cô thôn nữ đáo để mời Ngài xơi trầu nhưng thay vì bỏ vôi thì các cô lại lén nhặt phân cò thay thế. Đức Thánh Tản Viên vừa nhai đã nhăn mặt nhè vội miếng trầu. Các cô thôn nữ cười khúc khích. Biết mình bị nỡm nhưng Đức Thánh Tản Viên không giận. Ngài hỏi các cô có biết là ai không rồi thấy thoảng một làn gió mát, Ngài đã đi mất”. Nhớ lại chuyện xưa tôi thấy mặt mũi bừng bừng hơi ấm. Ghé tai bà Lan tôi hỏi nhỏ “Chắc là đang chuẩn bị cho hội?”. Bà Lan trả lời luôn “Vâng. Phần chuẩn bị cho lễ hội đầu xuân và phần cũng là buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng”.

Nhìn quang cảnh trẻ có, già có, học sinh phổ thông có, người lao động có, tất cả đang say sưa cùng nhau luyện hát tôi chạnh nhớ tới những “tháng ngày thăng trầm”. Đó là thời điểm bà Nguyễn Thị Lan phải bao “vất vả”.

Với quyết tâm tìm lại “ngọc quý từ trong huyền tích” của quê nhà, cô Lan đã dũng cảm “bước qua lời nguyền”. Đến năm 1998, Câu lạc bộ Hát Dô của xã Liệp Tuyết chính thức được thành lập với mục đích gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Hát Dô của quê hương, đồng thời mở ra hướng đi bền vững, đó là tiến hành sưu tầm các làn điệu cổ, tổ chức các lớp truyền dạy Hát Dô cho thanh thiếu niên.

Vậy mà vẫn phải mất thêm hơn 4 năm ròng rã nữa, lớp học của Câu lạc bộ Hát Dô Liệp Tuyết mới thực sự đi vào ổn định, nền nếp. Các cháu nhỏ đến lớp với tâm lý thoải mái không e ngại “lời nguyền độc”, phụ huynh các em cũng rất vui vì con cái có được không gian văn hóa lành mạnh để sinh hoạt. Đến nay, lớp học vẫn được duy trì đều đặn hàng tháng với số lượng trên 20 cháu một lần dự học, nâng tổng số các cháu được học Hát Dô (từ năm 1998 đến nay) lên con số 768 học viên. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan đã có thể vui mừng vì thành quả xây đắp của mình, bởi hiện không ít học trò của bà đang trở thành những “ngọn lửa tiếp nối”, mạnh dạn bước đi trên hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Dô.  

*

Theo thần tích thì Đền Khánh Xuân được xây dựng trên một gò đất nổi lên giữa bao la trắng nước. Gò đất ấy như một hòn đảo tạo nên cảnh sắc thơ mộng sơn thủy hữu tình. Huyền tích kể lại rằng: Khi trở lại vào một ngày xuân sau 36 năm xa vắng, Đức Thánh Tản Viên đã chọn gò đất cao ráo này để dạy người dân ca hát. Ban đầu được gọi là “Xuân cung ca” với ý nghĩa là “Nơi ca hát vào mùa xuân”. Để tỏ lòng tri ân Thần Tản Viên truyền dạy nghề trồng lúa nước mà đời sống được no đủ, làng xóm ấm êm nên để ghi công Ngài sau này người dân trong vùng đã lập nên Đền thờ Ngài ở ngay chính nơi Ngài cùng dân làng ca hát. Cái tên “Khánh Xuân” như để nói lên vùng đất này luôn vang tiếng chuông tiếng khánh ngân đón xuân nồng. Cái tên “Khánh Xuân” như một lời tri ân vọng mãi.

Từ đó, cứ 36 năm vào dịp đầu xuân dân làng lại tổ chức lễ hội. Vào ngày mở lễ người dân khắp các làng trong vùng Lạp Hạ xưa, xã Liệp Tuyết và xã Ngọc Liệp hiện nay, lại tiến hành rước kiệu nghênh Ngài vào đền tế lễ. Lễ tế xong thì tiến hành múa hát. Những lời ca điệu múa đều quy về bầy tỏ chuyện sinh hoạt, chuyện làm ăn, chuyện tri ân công đức người xưa. Có thể nói “Điệu Hát Dô chính là điệu hát thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh”.

Có điều sau khi dậy cho dân làng nghề cấy lúa nước và truyền cho dân làng câu hát thì Đức Thánh Tản Viên lại hẹn rằng “36 năm nữa ta sẽ quay lại”. Không ngờ “lời hẹn” của Ngài lại trở thành “lời nguyền” của dân làng. Vì tôn kính Ngài nên trong suốt thời gian 36 năm chờ đợi Ngài quay lại ấy dân làng đã “nín lặng” câu hát. Ai mà “dám” hát thì sẽ bị tai họa. Chẳng hay hư thực nhưng “lời nguyền” ấy đã khiến những câu hát chẳng một ai dám hát. Thời gian phôi pha, câu hát người nhớ, người còn, dần dần chìm vào quên lãng.

*

Năm 1982, đại đội phó Nguyễn Xuân Kham hy sinh tại mặt trận Phong Thổ, Lai Châu, để lại người vợ trẻ mới 27 tuổi cùng hai cô con gái nhỏ. Gắng gượng vượt qua nỗi đau cùng bao vất vả chốn quê nhà, cô Nguyễn Thị Lan vừa nuôi con vừa tích cực tham gia công tác xã hội ở thôn ở xã. Cô phấn đấu trở thành đảng viên như một lời hứa với người chồng đã mất.

Vào đúng năm 1989, năm cô Nguyễn Thị Lan được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã, thì cũng có một “bước ngoặt” đến với người dân xã Liệp Tuyết. Năm ấy Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây cử cán bộ về xã nhà để tìm tư liệu về nghệ thuật hát Dô, một lối hát riêng có của làng, khi đó tưởng chừng như đã “thất truyền” bởi thời gian, bởi thời thế. Tin vui chợt đến làm vị chủ tịch phụ nữ xã mừng lắm, cô Lan gặp người cán bộ văn hóa tỉnh rồi xăng xái dẫn đi thăm làng.

Chính bởi thái độ nhiệt tình ấy mà cô Lan được chỉ định làm người đảm trách việc tìm tòi, sưu tầm, thu thập những làn điệu hát. Cô Lan tìm đến những những vị cao niên trong làng đã tham dự lễ hội hát Dô năm 1926 như các cụ Tạ Văn Lại, Kiều Thị Nhuận, Đàm Thị Điều…để nài nỉ các cụ “truyền lại”, một việc làm cực khó vào thời điểm ấy.

Cũng là do “Bởi thời thế nên đành phải thế” mà lâu rồi người dân Liệp Tuyết không làm lễ hội, điệu hát Dô cũng không được người dân đem ra hát múa. Những tưởng “bước ngoặt năm 1989” sẽ “khai thông” cho câu hát Dô nhưng những “rào cản” những mặc cảm, cùng những khuất lấp đã tưởng chừng việc khôi phục điệu hát cùng lề lối của câu hát Dô không thực hiện được như mong muốn. “Vì sao lại vậy?” tôi sốt ruột hỏi chen vào câu chuyện. Bà Lan thật thà “Vào thời điểm đó, có một số cháu theo em học hát Dô rồi lại xin thôi vì bị gia đình ngăn cấm, hoặc bị bạn bè “dọa nạt”. Em lại phải “lặn lội” đến từng gia đình để tuyên truyền, để thuyết phục các bậc phụ huynh đồng ý cho cháu nhỏ tham gia học hát Dô”. Được biết đó cũng là khoảng thời gian khó khăn, khi đó cô Lan thường xuyên phải nghe những lời gièm pha, dị nghị về việc làm mà với nhiều người dân xã Liệp Tuyết khi đó cho là “xúc phạm thánh thần” của mình. Thậm chí, không ít kẻ xấu còn tung tin bà bị “ma làm”.

*

Tiếng phách tre lách cách. Từng nhịp múa rộn ràng. “Sân khấu dân gian” Đền Khánh Xuân đêm cuối năm vang lên giọng thanh nữ rủ rê“Bạn nàng ta/ Hỡi bạn nàng ta/ Nào mở quạt ra/ Múa cho mềm mại…”. Tôi đã nhận ra “Câu Hát Dô đùng là “cái hồn” của người dân Liệp Tuyết”. Và cái để “còn” đó chính là tình yêu quê hương làng xóm, tình người sâu đậm và một tấm lòng biết trân quý những giá trị văn hóa dân gian. 

Chỉ tay vào đám học trò đang ngồi túm tụp trong gian trước của đền Khánh Xuân, bà Lan cười rất vui “Mới hồi nào các cháu theo học hát Dô còn gọi tôi là cô là bác. Đến lứa này thì chúng nó đều gọi là bà. Mình già rồi nhưng thấy yên tâm bởi các cháu còn mê hát Dô, còn học hát Dô”. Tôi cũng cười góp vui “Tối nay thấy học đông người, mà hầu như đều là thanh thiếu niên”. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lan (Năm 2015 bà Lan được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú) quyệt tay lau vết trầu vương “Tối nay bên cạnh luyện hát các bài thuộc loại “giáo trình” ra em còn cho các cháu tập bài hát mới”.

“Bài hát mới” tôi khẽ reo, thế là hát Dô không chỉ được phục hồi nguyên gốc mà còn có những lời ca mới phù hợp với nội dung phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Tôi phấn khởi gặng hỏi thêm “Vậy lời hát mới đó thế nào?”. Bà Lan ngừng vài giây rồi thong thả hát “Khúc hát vang xa/ Hội Dô khúc hát vang xa/ Câu thơ là thơ một nửa/ Em còn là còn thương anh…./ Yêu ai giọng hát ân tình/ Để cho là cho trai gái/ Sân đình là đình giao duyên…”. Các bác biết không? Lời ca mới này em chuyển soạn từ một bài thơ của bác Kiều Văn Huấn. Bác Huấn tuy xa quê sinh sống tận Vũng Tàu nhưng rảnh ra là hỏi han thăm quê, rảnh ra là viết thơ tặng quê nhà. Có những bài thơ mới viết phù hợp với lề lối hát Dô, phù hợp với công tác xây dựng quê hương là em chuyển soạn ngay”. Tôi nói thêm “Sáng nay khi làm việc với xã tôi thấy các anh lãnh đạo xã khen chị nhiều lắm. Đúng là “Tìm lại được ngọc rồi vẫn phải năng mài thì ngọc mới sáng”.

Câu lạc bộ Hát Dô Liệp Tuyết đã đi biểu diễn nhiều nơi như: Nhà hát lớn Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, khu du lịch Sầm Sơn. Cùng các khách lớn ở Thủ đô như: Khách sạn La Thành, Khách sạn Daewoo và sang tận Malaixia…. Những lần biểu diễn đó đã để lại những dư âm cùng nhiều lời ngợi khen. Hát Dô Liệp Tuyết đã tham dự các lần Hội diễn văn nghệ quần chúng của thành phố cũng đạt nhiều Huy chương vàng, huy chương bạc cùng nhiều bằng, giấy khen.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm