April 20, 2024, 7:33 pm

Xử phạt hay sự bất lực của cơ quan quản lý?

​           Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục & Đào tạo soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018. Trong đó, nhấn mạnh hành vi xúc phạm người dạy và người học có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng và bị phạt 10 triệu đồng nếu có hành vi ép buộc học sinh phải học thêm… Ngay sau khi công bố dự thảo, dư luận trong giáo chức nói riêng và xã hội nói chung đã nóng lên với nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng mức phạt này chưa hợp lý, thậm chí còn cho thấy sự bất lực của cơ quan chủ quản trong việc quản lý nhân sự của mình.

 

Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Trước hết xin được bàn đến sự không đồng tình với hành vi bị xử phạt được quy định trong dự thảo: xúc phạm người dạy và người học với số tiền lên đến 20-30 triệu đồng. Mức tiền phạt này không hề nhỏ nếu so với mặt bằng lương giáo viên và của chính công chức hiện nay, chứ chưa nói đến những lao động tự do ngoài xã hội. Vì vậy có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng sẽ không có ai mong muốn là nạn nhân của đự thảo này. Chưa kể, thực tế, quy định xử phạt đối với cá nhân có hành vi xúc phạm người khác (dưới bất kỳ hình thức nào) đều đã được cụ thể hoá trong luật, nên việc Bộ Giáo dục & Đào tạo ra thêm nghị định xử phạt là không cần thiết nếu như không muốn nói là gây áp lực trực tiếp cho các giáo viên, nhân viên của mình.

Trái với quan điểm trên, quan điểm ủng hộ lại cho rằng đây là nghị định cần thiết và nó sẽ giúp ngành giáo dục làm trong sạch môi trường sư phạm, lấy lại sự tôn nghiêm “thầy ra thầy - trò ra trò”. Công bằng mà nói, ý kiến này không sai, thậm chí ngay trong thời điểm hiện tại thì việc xử phạt lại được cho là cần thiết và rất nên làm, thậm chí còn phải phạt cao hơn trước bởi những diễn biến gần đây trong môi trường giáo dục đang khiến dư luận lo ngại nguy cơ bùng phát nạn bạo hành trong trường học như: việc giáo viên hành hung học sinh, học sinh phản ứng lại với các hình phạt của giáo viên giành cho mình. Cho thấy, không chỉ đạo đức nhà giáo đang có vấn đề và ngày càng đi xuống. Mà cách hành xử của thầy cô cũng chưa đúng mực. Có thể nhắc lại trường hợp thầy Khôi chửi tục trong lớp, cô Châu đã giữ thái độ im lặng cả nửa học kỳ khi lên lớp. Và đặc biệt hơn cô Hương bắt học sinh của mình phải uống nước giặt giẻ lau bảng. Đây là một tình trạng đáng báo động mà các đơn vị cần phải chấn chỉnh về đạo đức cá nhân của người thầy và năng lực chuyên môn cũng như bằng một hình thức nào đó hãy giáo dục lại tình yêu nghề, tình yêu đối với trẻ hiện nay để tránh xảy ra những hành vi tương tự.

 

Thiết lập hành lang an toàn

            Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều trường học đã buộc phải lắp đặt camera để phụ hunh có thể  kiểm soát giờ học, buổi học của cả cô và trò. Thế nhưng, việc hành hung học sinh dường như vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí nhiều trường hợp được phát hiện hậu quả  còn hết sức nặng nề. Do ở mỗi cấp học thì việc bố trí phòng học, khu vui chơi khác nhau, vô hình chung tạo nên những khoảng trống trong quản lý học sinh, giáo viên của nhà trường.

Cũng đã có ý kiến khi cho rằng việc lắp đặt hệ thống giám sát thầy và trò trong trường học là thiếu sự tôn trọng nhà giáo. Thầy cô bị giám sát, khiến cho công tác giảng dạy bị mất tự tin, nhiệt huyết bị giảm sút.v.v… Nói về nạn bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội): “Giáo dục là môi trường đặc thù nên các hành xử trong nhà trường cần phải lưu ý để đừng gây nên những hệ quả phản giáo dục. Một sai phạm xảy ra trước hết phải xem xét trên yếu tố giáo dục trước. Nếu mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý hành chính. Nhưng trường hợp phải xử phạt hành chính nên để các cơ quan chức năng chứ không nên để ngành giáo dục xử phạt. Tôi nghĩ trong một nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên cũng rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát

Không mấy khó hiểu với cách hành xử của Bộ chủ quản, bởi đây chính là phản ứng nhanh với những tiêu cực của ngành. Đây cũng là cách hành xử được dư luận đánh giá cao đối với hầu hết các bộ, ngành hiện nay khi dư luận, công luận phát hiện ra những tiêu cực trong các lĩnh vực ngành như giao thông, dầu khí... Tuy nhiên, không phải cách phản ứng nào cũng có hiệu quả và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Cụ thể ở đây là giáo dục, nếu quy định giáo viên chỉ được dạy thêm khi được hiệu trưởng cho phép. Quy định này vô hình chung một mặt đã trao quyền rất lớn cho hiệu trưởng, một mặt dễ này sinh tiêu cực khi cơ chế (xin-cho) có cơ hội xuất hiện. Bên cạnh đó, để lách quy định này, nhiều trường đã có “sáng kiến” yêu cầu phụ huynh viết đơn dưới hình thức “tự nguyện” học phụ đạo. Với những lá đơn này thì việc dạy thêm, học thêm tin chắc là hoàn toàn hợp pháp. Và trong một chừng mực nhất định thì sẽ rất ít phụ huynh từ chối viết hoặc ký xác nhận vào những lá đơn có nội dung tương tự như vậy.

Từ trước đến nay, ngành giáo dục vẫn chủ trương nói không với bệnh thành tích, nói không với dạy thêm và học thêm. Nhưng với quy định chỉ phạt từ 2-4 triệu/ giáo viên dạy thêm (khi chưa có sự đồng ý của hiệu trưởng) lại đang đi ngược với chủ trương trên và nó cho thấy đang có sự lúng túng trong xây dựng chương trình đào tạo của Bộ mà dư luận vẫn đang cho là quá tải. Việc dạy thêm, học thêm (đang được hợp thức hoá) phải chăng là để giảm bớt áp lực các giờ học chính khoá?.

Giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, nhạy cảm không phải vì nó liên quan đến toàn xã hội mà nó còn quyết định nhận cách của một con người, thế nên việc đề ra những quy định có tính chất bắt buộc rất cần phải có những suy xét cho thấu tình đạt lý. Không lẽ, việc “không quản được thì cấm” vẫn ngang nhiên tồn tại trong môi trường giáo dục?.

Nguồn Văn nghệ số 41/2018

 

 


Có thể bạn quan tâm