April 23, 2024, 11:59 pm

Xống chụ xon xao, từ góc nhìn mỹ học

Về công tác nghiên cứu tác phẩm: Xống chụ xon xao là một kiệt tác của văn học dân gian Thái nên đã thu hút nhiều học giả dày công nghiên cứu.

Đầu tiên phải kể đến công lao sưu tầm dịch thuật của các nhà Thái học là Điêu Chính Ngâu (năm 1957), Hà Hem, Điêu Chính Ngâu, Cầm Biêu (khảo đính sau năm 1957), Hà Hem, Lò Văn Cậy, Mạc Phi khảo đính và khảo dị (năm 1960). Năm 1961 công bố bản dịch tiếng Việt, sau đó có tái bản. Nghiên cứu sâu về Xống chụ xon xao có công trình của các Pgs Ts Lê Trường Phát, Vũ Anh Tuấn, Võ Quang Nhơn, và trong giáo trình về văn học dân gian các dân tộc ít người của các trường đại học. Về luận văn thạc sĩ, đã có các nghiên cứu sinh Ngô Thị Thanh Quý (Đại học Thái Nguyên) và Nguyễn Ngọc Bảo (Đại học Sư Phạm Hà Nội). Có thể chia các công trình nghiên cứu nói trên thành hai loại, loại thứ nhất nghiên cứu nhằm giới thiệu và đánh giá về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân đạo của tác phẩm, đó là các lời giới thiệu, giáo trình về văn học dân gian, luận văn tiến sĩ. Loại thứ hai, tìm hiểu sâu về một phương diện của tác phẩm là các luận văn thạc sĩ. Ở phương diện này, cho đến hôm nay cũng mới có 2 luận văn thạc sĩ nói trên nghiên cứu về tác phẩm theo góc độ Thi pháp học.

“Không gian vật lý” của Xống chụ xon xao: Xống chụ xon xao là một tác phẩm văn học dân gian dân tộc ít người của Việt Nam, không xác định chính xác thời điểm ra đời tác phẩm nhưng căn cứ hình tượng nhân vật, kết cấu và tư tưởng cốt lõi tác phẩm, có thể khẳng định tác phẩm ra đời vào thời kỳ gần đây, khi đã ổn định thể chế xã hội phong kiến. Điều này không cho phép áp đặt các lý luận hiện đại vào việc tiếp cận tác phẩm, mà phải đặt nó trong bối cảnh xã hội khi nó xuất hiện. Thực tế, người Thái ở Việt Nam là một bộ tộc chưa được xác định rõ nguồn gốc và thời điểm hình thành. Trước năm 1954, người Thái cư trú chính ở các khu rừng rậm rạp nguyên sinh suốt một dải từ Lai Châu đến Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Sự tồn tại trên một vùng rộng lớn như vậy là do họ di cư theo kiểu hình sóng đồng tâm quanh một thung lũng tạo thành các mường, khi dân cư đã đông đúc và trở nên chật chội thì thế hệ con cháu tiếp tục di cư sang thung lũng tiếp theo lập bản rồi lập mường. Dần dà, người Thái gần như phủ kín các thung lũng Tây Bắc và Nghệ an, Thanh Hóa. Cũng do hình thái di cư phát triển địa bàn kiểu này mà văn hóa Thái cổ tồn tại theo kiểu bản địa – truyền kiếp, rất ít giao thoa tiếp biến văn hóa các dân tộc khác. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm văn học dân gian Thái vẫn có những nét độc đáo mang đậm bản chất dân tộc mặc dù người Thái có những mối quan hệ khá gần gũi với các dân tộc khác trên địa bàn.

Xây dựng biểu tượng về cái đẹp bằng thủ pháp xây dựng biểu tượng phản cái đẹp: Nhìn một cách tổng thể, văn học Thái nói chung và Xống chụ xon xao nói riêng là những tác phẩm văn học vẫn phát triển theo đúng quy luật phát triển của văn học. Nó vẫn tập trung diễn tả và đề cao các giá trị thẩm mỹ như văn học các dân tộc khác, và có những biểu hiện xu hướng này một cách rõ ràng. Trước hết, đó là cách xây dựng nhân vật thành biểu tượng điển hình cho nhân cách con người. Nếu lấy nhân vật Anh Yêu và Em Yêu làm nhân vật trung tâm thì Xống chụ xon xao có ba hệ thống nhân vật, tạm gọi là hệ thống nhân vật đọa đày; hệ thống nhân vật bị đọa đày và hệ thống nhân vật trung gian. Phân định như vậy bởi trong tác phẩm có nhưng nhân vật chuyên đọa đày người khác là bố mẹ Em Yêu , người chồng thứ nhất của Em Yêu; Những nhân vật chuyên bị đọa đầy là Anh Yêu, Em Yêu. Nhân vật trung gian là mẹ Anh Yêu, người chồng thứ hai của Em Yêu và người vợ chính thức của Anh yêu.

Theo mạch phát triển câu chuyện, hệ thống nhân vật đọa đày có sự phát triển theo hướng nhân vật bị tha hóa mãnh liệt. Khi họ mới sinh ra được Em Yêu, họ cũng yêu chiều con gái mình hết mức có thể, họ sẵn sàng lật ngửa chiếc ghế mây lên để cho con ngồi vào trong (việc rất ít làm vì trái quy luật thực tế). Nhưng khi cô gái lớn lên trở thành xinh đẹp thì đầu tiên, họ muốn gả cô cho một nhà giầu có với mục đích để có được nhiều tiền, tiếp theo là họ quyết tâm ép gả cô cho nhà giầu (nghe đồn thế) để nhẫn tâm phá tan tình yêu trong sáng của cô. Họ còn tàn nhẫn hơn khi cô bị hành hạ tới mức thay đổi cả nhân hình họ vẫn không tha, họ bán đứt cô cho nhà chồng thứ hai. Suy cho cùng, sự nhẫn tâm ấy xuất phát từ sự cuốn hút của tiền bạc. Ở góc độ lý luận văn học và cả mỹ học thì hệ thống nhân vật này được coi là nhân vật bi kịch, nhưng là nhân vật tự bi kịch. Tất cả sự tha hóa của họ đều xuất phát từ ý thức và nhận thức và khát vọng của nhân vật mà không hề có sự tác động ngoại cảnh nào, xuất phát điểm của nó là sự tham lam và tàn nhẫn. Thế nhưng, xét ở góc độ xã hội học thì sự phát triển nhân cách như thế lại là hệ quả của nhận thức xã hội về giá trị vật chất, đồng tiền đã khiến họ mất dần tình yêu thương, tình mẫu tử.

Như vậy, tác giả dân gian Thái dù vô tình hay chủ ý cũng đều đã ý thức được việc phải xây dựng kiểu nhân vật này là đại diện cho tầng lớp những người mà nhân tâm của họ bị bào mòn dần dần cho tới khi trở thành con người tàn nhẫn, tàn nhẫn để đạt mục đích cuối cùng của mình. Suy cho cùng, hệ thống nhân vật này cũng phát triển một cách tự nhiên, duy chỉ có điều họ phát triển không cân bằng mà thôi. Khát vọng vật chất luôn đồng hành với con người từ trước tới nay, mong muốn giầu có là nguyện vọng chính đáng, vừa là mong muốn mang tính xã hội vừa là mong muốn mang tính bản năng của con người. Cái lệch của nhân vật tự bi kịch trong tác phẩm này là sự thiếu hài hòa trong tình thương và khát vọng tiền bạc. Đầu tiên họ cũng muốn ép gả cô gái cho người chồng thứ nhất vì nghe tin gia đình này hết sức giầu có với hy vọng cô được sung sướng, được ăn trắng mặc trơn mà bố mẹ lại có được nhiều tiền. Sức hút của đồng tiền đã thắng thế trong cuộc đấu tranh giữa đồng ý cho cô lấy người mình yêu thì họ chẳng được gì (vì chàng quá nghèo) với việc ép gả cô thì họ sẽ có nhiều tiền, và họ đã ép duyên cô một cách phũ phàng. Tuy nhiên, sự lệch chuẩn ấy không chỉ diễn ra đối với dân tộc Thái mà ở nhiều dân tộc khác trong chế độ phong kiến, dấu vết của nó còn tồn tại trong nhiều tác phẩm văn học dân gian khác. Phải chăng tác giả dân gian Thái đã muốn xây dựng biểu tượng về cái đẹp bằng thủ pháp xây dựng biểu tượng phản cái đẹp?

Hệ thống nhân vật bị đọa đày: Anh Yêu và Em Yêu. Họ là biểu tượng của cái đẹp trong tất cả mọi khía cạnh mà trước hết là cái đẹp tự thân, cái đẹp vật chất. Họ là một đôi trai tài gái sắc, giữa họ cũng đã nảy sinh một tình yêu chân thành đẹp đẽ, họ cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc… tất cả những yêu tố đó xuất hiện từ tự thân chủ thể nhân vật trừ tình. Nhưng quan trọng hơn cả là đôi trai gái ấy mang vẻ đẹp tinh thần cao thượng. Họ đã chung thủy với nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từ việc họ bị can thiệp một cách đầy bạo lực bởi sự phản đối và hành động ép duyên của bố mẹ cô gái đến cả khi rơi vào các đỉnh điểm bi kịch của cuộc đời. Tình yêu và lòng chung thủy khiến chàng trai phải đối mặt muôn vàn cực nhọc mong kiếm được nhiều tiền để chuộc người yêu, còn cô gái thì lâm vào cảnh sống trong đau đớn về tinh thần, một mặt oán trách cha mẹ, một mặt thương nhớ người yêu, mong chờ từng ngày chàng sẽ trở về để chuộc mình ra, nhưng càng chờ càng bặt tăm. Ngay cả trong tình huống trớ trêu nhất của số phận là đến đúng ngày chàng trở về với tài sản giàu có thì cũng là ngày cô về nhà chồng. Theo phong tục, chàng đã không còn cơ hội để chuộc người yêu nữa nhưng chàng vẫn một lòng tin tưởng “không lấy được nhau lúc trẻ sẽ hẹn nhau khi góa bụa về già”.

Bi kịch cuộc đời vẫn đeo bám cô gái khi bị người chồng thứ nhất xua đuổi về nhà rồi lại bị bán cho người chồng thứ hai, rồi người chồng thứ hai đem cô ra chợ bán với giá hai cuộn lá dong. Bi kịch cuối cùng cô gặp phải là người mua cô chính là Anh Yêu ngày nào, nhưng anh đã không nhận ra cô và anh cũng đã có một gia đình yên ấm. Ngay cả trong lúc đó cô cũng không hề trách móc gì anh, đó là cách xử lý hết sức cao thượng. Khái lược như vậy đã chứng minh rất rõ tác giả dân gian Thái đã có dụng ý xây dựng biểu tượng cái đẹp qua hình tượng Anh Yêu và Em Yêu, thể hiện triết lý tình yêu đẹp là tình yêu chung thủy, là sự vận động tuyệt đối để bảo vệ tình yêu, là sự đấu tranh đến cùng vì một tình yêu chân chính.

Vượt qua khuôn mẫu kết thúc cổ tích. Một vấn đề đặt ra là việc Anh Yêu xử lý tình huống cuối tác phẩm có nhẫn tâm quá không khi trả người vợ chính thức về nhà để nối lại tình xưa với Em Yêu, và tại sao những nhân vật đọa đày không phải chịu một hình phạt nào, như vậy tác phẩm có còn giá trị nhân đạo nữa hay không? Và chắc rằng nhiều người sẽ thỏa mãn hơn nếu như bố mẹ cô gái gặp phải một tai họa nào đấy là hậu quả do chính họ gây ra, đó là kiểu tiếp cận tác phẩm theo hướng của chủ nghĩa hình thức mà biểu hiện của nó là một số người đã lên tiếng đòi cắt tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao khỏi chương trình giáo dục phổ thông, hoặc lên tiếng chỉ trích truyện cổ tích Tấm Cám nguyên bản có kết thúc rùng rợn (Tấm đổ nước sôi giết Cám rồi làm mắm gửi cho dì ghẻ) là không phù hợp với bản chất hiền lành của Tấm? Ấy là do họ đã “bứng” tác phẩm văn học dân gian ra khỏi bối cảnh thời đại khi nó xuất hiện. Đối với Xống chụ xon xao cũng thế, sự nhận thức cái đẹp (Mỹ cảm) của thời đại đó đã cho phép tác phẩm kết thúc như vậy. Kiểu kết thúc tác phẩm thể hiện quan niệm triết lý “ác giả ác báo” là kiểu kết thúc của truyện cổ tích, Xống chụ xon xao đã vượt qua khuôn mẫu kết thúc cổ tích để nhắm tới giá trị nhân sinh.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm