April 18, 2024, 11:55 pm

Xóm cũ

Năm năm nay, hàng ngày hắn vẫn đi lại trên con đường quen thuộc này trừ những ngày lễ hay thứ bảy chúa nhật. Nhưng rồi sáng nay bất chợt hắn nhận ra nó không còn quen thuộc nữa. Đã lâu rồi không một ai còn chú ý tới hắn. Thật ra người ta chỉ thờ ơ ngó nhìn qua chiếc xe rồi vội lảng đi hay châu đầu với nhau ồn ào, huyên thuyên điều gì đó bên bàn rượu. Lại rượu. Rượu khắp mọi lúc mọi nơi. Sáng nay, nhìn thấy bàn rượu của lão Được ở ngã ba đường, bỗng dưng hắn lợm giọng và ợ lên chua lòm trong cổ họng. Hình như rượu nào cũng vậy, bất kể Tây hay Tàu, một khi đã chui vô bao tử thì đều bình bình như nhau. Bữa rượu tối qua vẫn còn vướng lại đâu đây trong người hắn. Từ bên trong nhìn ra hắn nhận ra có ba bốn đứa trai tráng trước đây từng tới làm công cho nhà mình. Gần đây mỗi khi nhà hắn có việc cần, gọi rát cả họng cũng chẳng có đứa nào chịu tới làm. Có gì đáng đâu, chỉ là bồi mấy bờ dừa, sửa lại cái kho, trộn phân thay đất cho vườn kiểng, kéo lại dây chì gai trên tường rào bị mấy tên ăn trộm cắt… Nói chung chỉ toàn là những việc chẳng phải cần chuyên môn chuyên khoai gì cả. Có hôm bực quá hắn xông ra làm nhưng chỉ được ít phút lại thở hào hển rồi bỏ ngang. Mướn một đứa phụ việc, dù chỉ là phụ hợ thôi cũng không thấy ma nào bén mảng! Tiền thì hắn không thiếu nhưng người ngợm đâu hết cả rồi?

Ban đầu một trăm, lên trăm hai, trăm rưỡi… Bây giờ chúng đòi tới hai trăm! Cho bây đói ra ma luôn, hắn thầm rủa.

- Vật giá bây giờ cái gì cũng đắt đỏ. Chú Ba không muốn làm ngày thì làm giờ cũng được, một tiếng bốn chục ngàn. Thằng Tửng nói với hắn chắc mẻm cứ như đối với người xa lạ.

- Mẫu rưỡi dừa tao bẻ mỗi tháng chỉ được hai triệu bạc…

            - Ừ, nhưng đó là chuyện của chú!… Alô tao nghe đây… ừ ừ…chắc cú nghe mậy… rồi rồi…vậy hén mậy… Thôi, vậy có gì chú kêu lại sau nhen.

Nói vậy rồi thằng Tửng bỏ đi. Đúng là thằng mất dạy. Hắn đuổi thẳng. Không, không chờ cho hắn kịp đuổi mà phải nói là do nó tự đi mới thật chính xác. Thì ra sáng nay nó cũng đang có mặt và ngồi đàn đúm vung vít quanh bàn rượu của lão Được kia, chớ có thấy ma nào đói đâu.

Đây là vùng đất ma. Khi xưa người chết như rơm như rạ, những oan hồn uổng tử vất vưởng đeo vô cây gừa, cây điệp nhát người làm ai cũng sợ nên ít người dám lai vảng chớ không như bây giờ. Hai mươi năm trước hắn và một nhóm bạn đến mua vùng đất này khi người ta còn chưa thấy tăm dạng cái dự án Chu-Kong-Su tròn méo ra làm sao nữa kìa. Mỗi tuần năm ba bận hắn bỏ phố phường chật chội, đạp xe cọc cạch vượt tám cây số về làm vườn. Hồi đó hắn làm khỏe lắm, không thua gì những nông dân chính hiệu. Những lúc bận việc hắn không lên thăm vườn được, bán được vài buồng chuối chín bói, năm bảy trái mảng cầu xiêm, ông già thằng Tửng đều đàng hoàng đưa tiền lại cho hắn. Dừa khô rụng ổng cũng lượm gom lại để đó chớ không hề di sơ trái nào. Chẳng bù với bây giờ, hễ hở ra là trộm, hở ra là chích (rào dạo kín đáo chúng lại càng chích dữ tợn và tinh vi hơn). Xóm làng xung quanh ai ai cũng thương mến hắn. Giúp hắn tát mương bắt tôm cá, giúp hắn bẻ dừa, đào hồ, đắp đập… Nói chung là tất tần tật. Nhớ có lần hắn bị rắn cắn họ đã hỏa tốc võng hắn hơn cây số ra lộ cái đón xe đưa xuống bệnh viện tỉnh kịp thời cứu mạng. Họ thương hắn và hắn cũng trân quí đối đãi lại với họ. Chỉ toàn là người mà lại người tốt nữa chớ có thấy ma quỉ nào như đồn đoán đâu. Vậy mà cho tới giờ vẫn không ít người sợ hãi mỗi khi nhớ lại lời kể của lão già Được lẻo mồm lẻo mép…

- “ Đ.m, tao nói có hai bên vai vát làm chứng, có trật chút xíu nào ông bà đất nước vật tao chết đi. Đúng đêm hăm mốt tháng bảy năm đó… Tao có biết xài dương lịch đâu mà bây hỏi kỳ vậy!... Im, để tao nói hết… trăng vừa mới nhen lên quá cây sung bên chùa Quan Âm, thình lình từ giữa sông (hồi đó đất chưa lở, nhà tao còn nằm ngoài kia kìa - vừa nói lão vừa chỉ tay ra phía cái gò sót ngoài mép sông) ló lên cái đầu của một ông già… Mới đầu tao cứ tưởng là cái gì đó nhưng ngó kỹ thì đúng y như vậy. Cứ tưởng người bị nạn trôi sông, tao tính lột áo nhào ra, nhưng thiệt là ngộ cái đầu từ từ lớn ra rồi trồi lên ngày một cao. Gặp thằng nào chớ không phải đẻ ngược như tao, tao dám bảo đảm không chết ngay tại chỗ tao bú con… Bóng một người khổng lồ lừng lững cao như cây dừa, lão vác cây sào dài phất phơ trên đó mấy miếng vải chậm rãi bước vô bờ… Hồn phi phách tán tao muốn bỏ chạy rồi. Nhưng không, tao bậm gan vớ chai xá xị con nai tu một hơi sạch bách nửa xị đế, hồi chiều đi bẻ dừa về mua ở quán mẹ Tám Biết, là bà ngoại vợ của mầy bây giờ đó (vừa nói lão vừa chỉ tay về phía thằng Bảy Bùa). Ông già cứ vậy mà thong thả đi vô, không thấy chút vướng bận hay khó khăn gì cả. Cũng may hồn, ổng đi về phía đình chớ phải chi ngay hướng tao đang ngồi, dù có thêm nửa lít nữa tao cũng bỏ chạy mẹ nó rồi. Cái bóng cứ vậy mà tiến dần về phía cây dừa sau đình cho tới khi nhập mất hút vô trong đó… Chưa ghê đâu con!… Sáng ra tao còn bán tín bán nghi không biết đêm hồi hôm mình bị mộng du hay có thiệt vậy hôn, tao bèn vắt áo lên vai bươn bả đi ra đình thì trời ơi, tao như bị trời trồng khi ngó lên ngọn dừa thấy tấm vải điều đang phất phơ ở trển…”.

            Hắn cũng đã từng nghe lão Được kể chuyện đó vài lần hồi mới về đây mua đất nhưng hắn hoàn toàn không tin chuyện ma mị ấy. Mấy chục năm trước, hồi hắn còn ốm nhách như cây tre nêu, không thiếu gì những lần cùng bè bạn đi bắt quạ con đem về nuôi. Muốn an toàn không sợ bị cha mẹ nó nhào về mổ đui mắt, không gì bằng thủ sẵn tấm vải với màu nóng chói ấy. Chuyện bị quạ mẹ tấn công phải bỏ của chạy lấy người là quá bình thường. Chớ có tấm vải điều nào mà ông già vác nhập vô bao giờ. Toàn là bịa đặt. Của mấy thằng đi bắt quạ bỏ chạy thì có. Nhưng nghĩ tình làng xóm hắn không cãi lại làm gì, nhất là những ngày hai mươi, hăm mốt tháng bảy hắn được mời tới nhà lão Được ăn đám giỗ.

Nhưng có chuyện này thì hắn tin. Tin nhưng không dám kể cho ai nghe vì như vậy lại mâu thuẫn với chính mình. Và biết đâu lại không có người nói mình nói dóc như lão Được. Đó là một ngày còn hơn cả dị thường. Hắn nhớ rõ như in, lúc đó cũng đang trong mùa xá tội vong nhân như thế này, bởi hắn đang lảm nhảm đọc trong giấc ngủ chập chờn: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt. Toát hơi may lạnh lẽo xương khô. Não người thay buổi chiều thu. Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…(1) Bên bìa rừng cạnh một sơn thôn, thằng em trai hắn bỗng nhiên xuất hiện với toàn thân đẫm máu, hỏi gì cũng không nói chỉ lăm lăm cây mã tấu trên tay nhằm vào phía hắn lạnh lùng xấn tới… Hắn choàng vùng dậy bỏ chạy ra khỏi chiếc võng đang nằm, liền ngay sau đó nhánh cái của cây dầu rái gần đó bỗng gãy đổ ập xuống ngay chóc cái võng. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ trong gang tấc, hôm sau hắn mới chợt nhớ lại ba sự việc lạ lùng xảy ra ngay trong ngày hôm trước. Sáng sớm người bạn tặng cho hắn điếu Ara. Không dùng vội của quý hắn cứ cầm đó vân vê một hồi rồi đặt lên bàn, do ham chuyện lo ra không để ý điếu thuốc từ từ lăn xuống đất trong một tư thế hết sức quái gở, đầu kia tiếp đất còn cái đầu lọc dựng đứng lên như cây đèn cầy đang cháy.Chưa thôi, trưa ăn cơm hút xong điếu thuốc, quen tay hắn dùng hai ngón tay búng tàn bay về phía cây cau trước mặt, đường nứt của thân cau vừa vặn để cái tàn cắm phập vào đó nhởn nhơ ngó ngược lại hắn tỏa khói như trêu ngươi. Chuyện ngẫu nhiên hắn cũng chẳng để tâm làm gì, nhưng đến chiều trước khi ra suối tắm hắn lấy dao con chó ra tập phóng thêm cho quen tay thì thay vì mục tiêu là thân cây điều thôi, đàng này nó lại kết liễu cuộc đời con ốc sên ngay chỗ cái miệng đang thè dài ra bám dọc theo thân cây! Nhìn quanh không thấy ai, chỉ có mình hắn chứng kiến tài thiện xạ của chính mình. Sau này về hỏi lại thì mẹ hắn nói là thằng Nam em hắn chết ở trận Giao Long đúng vào cái ngày hôm đó. Bởi vậy từ trong thẳm sâu hắn luôn nhớ ơn cứu tử và cho rằng chính thằng em đã thế mạng cho mình.

 Nay hình như nhà lão Được lại có giỗ vì mới vừa quá lễ Vu Lan được mấy ngày. Lâu rồi lão không mời hắn tới ăn đám giỗ nữa. Lão ở một mình nên giỗ quảy cũng rất sơ sài, chỉ vỏn vẹn hai mâm, một mâm ở nhà còn mâm kia lão cúng ở cái am nhỏ dưới gốc cây dừa lão sau đình (Cái am được lão dựng lên rồi thành kính lễ bái sau cái đêm hăm mốt lạ thường năm ấy). Vậy nên giỗ nhà lão tuy nhỏ nhưng đám trai tráng, bọn thằng Chơn thằng Thừa khoái lắm bởi mồi mỡ không hề thiếu; không cua ếch, gà qué thì cũng cá, mắm… đầy mâm. Lão già thật khác lạ, hơn tám mươi rồi mà toàn giao du với tụi con nít và cũng không hề biết chùa chiền chay lạt ngày nào. Mười năm trước lúc hắn chưa đổi xe mới, còn đi cái Fiat, mấy lần hắn đã ghé rủ rê lão cùng đi chùa Viên Quang cúng rằm chơi cho vui nhưng lão từ chối, lão nói lão chỉ biết tu ở nhà thôi với lại không quen ăn cơm chùa. Ý của hắn là để lão được tận mục sở thị một ông già khác đang vác cây sào có chiếc dép vượt cả đại dương nữa, chớ sá gì chỉ có nửa con sông nhỏ xíu theo như lời lão kể. Nhưng thật ra, quan trọng hơn trong sâu xa là hắn muốn sự có mặt của lão để hắn dễ dàng che đậy cái bóng của người nữ tu ở trong đó. Không có lão vụ việc có phần trở nên khó khăn nhưng rồi không có việc gì là không làm được, vấn đề là mình có quyết tâm hay không. Và hắn đã thành công, nhưng không phải ở tại Viên Quang mà ở tít ngoài Chùa Khỉ, Long Hải gần chiến khu Minh Đạo xưa.

Thành công. Dường như trời sinh hắn ra là để đạt đủ thứ thành công thì phải. Từ năm công, lên tám công, lên một mẫu rồi bây giờ là một mẫu rưỡi đất thuộc. Nhưng cái đó với hắn bây giờ thì nhằm nhò gì. Gặp thời vận may mắn có khi chỉ cần phập vài hợp đồng thơm phức thì còn hơn cả thế nữa. Đầu dĩa cân bên kia của đám xóm giềng đen đũi cứ nghiêng đổ riết về phía bên hắn nên ngày một nhẹ hẫng ra, nhỏng mút lên trên trời. Ấy, toàn là một lũ lười biếng, ngày tối chỉ biết se sua giắt túi điện thoại di động tụ tập ở ngả ba đường cái đề đóm, hút hít, cá độ đá banh…; kêu làm cái gì cũng ra giá trên trời. Không có gì phải áy náy bận lòng nữa, ơn nghĩa hắn đã sòng phẳng với tất cả xung quanh, cả với vong hồn tử tế của ông già thằng Tửng rồi. Đất giá ba chục triệu một công hắn đã trả cho họ ba mươi hai rồi thì thôi chớ còn đòi hỏi gì nữa chớ.

Cái đồng hồ trên táp-lô trong ca-bin xe nhắc hắn buổi gặp mặt sáng nay với đối tác làm ăn. Hắn hoàn toàn yên chí. Hai mươi phút chỉ với ba mươi cây số chẳng là cái đinh gì với một tay lái lụa như hắn. Đang mê mải nghĩ tới viễn cảnh tốt đẹp lát nữa đây gặp đối tác rồi sẽ được thụ hưởng ngon lành hắn cảm thấy khoan khoái trong lòng. Nhưng thật bất ngờ, con Đai của thằng Chơn từ trong nhà lão Được vụt phóng ra…

- Thôi, chết mẹ con khỉ rồi Chơn ơi! Thằng Tửng kêu lên thất thanh thông báo.

Chừng hơn một năm nay, không biết do đâu mấy đứa thanh niên trong xóm rộ lên màn nuôi khỉ. Đi đâu chơi chúng cũng dắt nó theo tò tò. Đôi lúc trong hắn vụt thoáng qua ý nghĩ người ngợm bây giờ thuê mướn khó khăn quá, để một lúc nào đó hắn cũng sẽ nuôi và huấn luyện chúng làm việc, như hắn đã từng thấy chúng hái dừa bên Thái Lan. Những ngày hắn và người sư nữ hoàn tục ở Prattaya ấy quả thật là kỳ thú, tha hồ xem cảnh người làm trò khỉ, còn khỉ lại đi làm công việc của người. Nhưng còn đám hút chích đề đóm cá độ này thì làm gì phải nuôi khỉ cho tốn lúa kia chớ…Ý nghĩ chỉ vụt thoáng qua vậy thôi rồi hắn quên bẵng. Cho đến sáng nay…

Từ phía sau nhà lão Được, thằng Chơn đủng đỉnh bước ra, mặt lạnh như tiền nói một tiếng sắc lẻm: Đền!

Khỉ khác, còn đây là con Đai có tên tuổi đàng hoàng… Tiền mua không bao nhiêu, tiền ăn cũng không đáng bao nhiêu nhưng còn tiền dạy dỗ nó… Vô giá… Con chó con mặt nhăn như cái mền rách của ông là bao nhiêu rồi mà ông tính đền cho tui chỉ ba triệu…Trăm sự lại cũng tại con mụ vợ hắn bép xép cái miệng đi khoe của tùm lum! Con chó giá năm triệu thì nói chừng ba bốn trăm thôi thì làm gì thiên hạ biết.

- Đền cho người ta đi cha nội ơi! Hình như tiếng của thằng nào đó ở trong xóm nghe quen quen đang đứng trong đám đông vây quanh hắn cất lên.

- Cán chết thì phải đền cho người ta thôi chớ còn nói gì nữa! Cả đám du thử du thực ở ngả ba đường cái bỗng đồng thanh cất lên.

Hắn nhìn vô bên trong, ý là định nhờ lão Được can thiệp giùm cho một tiếng. Nhưng lão cứ vô tâm như không hề hay biết chuyện gì xảy ra, vẫn đang khề khà bên ly rượu cúng tiên thường. Hình như năm nay lão đã già lắm nên mắt mờ tai điếc rồi cũng nên. Hắn tự an ủi mình như vậy.

Đưa tay lên liếc nhìn đồng hồ, hắn hơi chột dạ. Giữa mười lăm triệu và bốn trăm triệu hắn vẫn còn dư tỉnh táo và khôn ngoan để chọn lựa. Đâu ai rỗi hơi mà ở đó kèn cựa phân định đúng sai phải trái với luật này lệ nọ cho mệt thây. Hắn đâu có điên. Và hình như ở xóm này cũng không có ai điên cả.

Xe chạy được một đỗi hắn bỗng buộc miệng chửi một câu rất tục tĩu khi phát hiện hai cái kiếng chiếu hậu đã mọc cánh bay đâu mất. Trong xe kín khin khít, tiếng chửi không lọt ra được bên ngoài, chỉ có con chó vàng đốm đen bằng nhựa ngồi trên táp-lô trước mặt hắn nghe thấy gục gặc cái đầu ra chiều hiểu biết. Nhưng biết là biết vậy chớ còn cha mẹ nó là ai thì làm sao mà nó thấu lẽ./.                       

      -------------                                                                            

  1. Văn tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du

Nguồn Văn nghệ số 27/2018


Có thể bạn quan tâm