April 20, 2024, 12:09 pm

Xin đừng "lai giống" lịch sử


 
VÕ KHẮC NGHIÊM

Diễn đàn Quốc hội khá gay gắt khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những “cải lùi” chương trình học và thi cử. Nhiều đại biểu tỏ ra “sửng sốt” về cái gọi là “cấy ghép” môn lịch sử vào các môn học khác và tỏ ra lo ngại môn học quan trọng này sẽ bị xóa khỏi chương trình tiểu học và trung học. Nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời, một nhà giáo lão thành ngao ngán lắc đầu nói với tôi: - Hóa ra lâu nay các môn học quan trọng khác không hề có lịch sử nên bây giờ phải cấy ghép lịch sử vào ư? Họ định “cưỡng bức lịch sử” hay bày trò lập dị chuẩn bị cho một cuộc “thay máu sách giáo khoa” với những chi phí khổng lồ, hành hạ giáo viên lẫn học sinh và… cả toàn dân?”…
Tôi không đánh giá thấp trình độ và tấm lòng của các nhà lãnh đạo nền giáo dục nước nhà, nhưng nhìn lại thực chất của những năm cải cách giáo dục gần đây mà cảm thấy đau lòng và xấu hổ vì càng cải cách càng rối mù, bế tắc, quá tốn kém mà không hiệu quả, nhất là khi đạo đức đang suy đồi, cái ác, cái xấu cứ ngang nhiên tồn tại mà sự quan liêu, vô cảm, dửng dưng như tà khí, len lỏi vào cả những nghề cao quý được xã hội tôn vinh là THẦY… Không thể phủ nhận những nỗ lực chống tiêu cực, chống bệnh thành tích của ngành giáo dục với nhiều gương sáng, nhiều thầy cô tâm huyết hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhưng thỉnh thoảng bộ lại “đẻ ra” một chủ trương, một quy định khác thường, khác người, ví như việc đưa chữ E lên đầu bảng chữ cái tiếng Việt cho giống tiếng Anh trước kia?!… nay lại “cấy ghép” môn học lịch sử một cách tùy tiện nếu không muốn nói là phản khoa học…

Lẽ nào các nhà lãnh đạo nền giáo dục nước ta lại không hề biết lịch sử là một phần quan trọng của văn học, văn hóa và tự thân nó đã có trong mọi môn học, mọi công việc... lịch sử là quá khứ mà không một ai lại không có hồi ức, vì ngày hôm qua đã là lịch sử của ngày hôm nay…

Nhà giáo trước hết phải là người hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại, lịch sử các môn học và cả tiểu sử những người tiên phong khai sáng các định luật, các công thức… và mở ra môn học đó. Nhiều  thầy dạy toán, vật lý, hóa học… cũng  am hiểu rất sâu về lịch sử, nhất là lịch sử các môn khoa học, đâu cần phải chờ bộ “cấy ghép” hay ra lệnh? 

Nói rộng ra văn học, văn hóa chính là sự chắt lọc tinh hoa của lịch sử mỗi vùng đất, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc và toàn nhân loại, là cái gốc của sự phát triển xã hội loài người. “Kẻ nào bắn vào lịch sử là tự hủy diệt tương lai”. Câu nói đó bao hàm cả sự trừng phạt như với mọi tội ác. Bản sắc của mỗi dân tộc có được từ lịch sử của dân tộc đó. Những người thành đạt xưa nay đều thông thuộc kinh sử mà chương trình học sử ở trường chỉ là vốn liếng bé nhỏ, họ phải tự đọc, tự học thêm lịch sử bằng nhiều cách, nó làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm sống, ứng xử linh hoạt, thu phục đối tác, hấp dẫn bạn bè, gia đình hạnh phúc. Đã có doanh nhân đã đánh mất những hợp đồng lớn chỉ vì một câu nói hớ, sai lịch sử nước bạn.

Hiện nay có nhiều học sinh ngại học sử và thầy cô giáo cũng phải “nhọc nhằn” với chương trình dạy sử khô khan, cứng nhắc, thậm chí quá thiên lệch về một số sự kiện mang tính “tụng ca” mà thiếu hụt rất nhiều điều quan trọng, hấp dẫn của lịch sử nước ta và thế giới. Sao không dũng cảm thay đổi nội dung chương trình học sử, tìm ra sức hấp dẫn mới trong cách dạy sử, như những mẩu chuyện nhỏ về lịch sử dân tộc mà VTV đang thực hiện rất được trẻ em và các bậc cha mẹ yêu thích, mà cứ phải làm cái kiểu “tích hợp” không giống ai như bộ đang đề xuất…? 

Một vị tiến sĩ Việt kiều ở Hoa Kỳ từng học trung học trong nước tâm sự: “Ra nước ngoài mới biết kiến thức của mình thiếu hụt nhiều quá, nhất là kiến thức lịch sử đất nước, lịch sử thế giới, lịch sử văn học, hội họa, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… nên khi giao tiếp nghe các bạn bàn luận mà mình cứ như vịt nghe sấm…”. 

Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng đánh giá lại nhiều nhân vật lịch sử lớn kể cả công và tội mà với cách nhìn đa chiều. Về thực tế, đây là dùng những thao tác khoa học bóc từng lớp vàng son lẫn bùn bẩn phong rêu của huyền thoại, ma thoại để trả lại cho họ những giá trị đích thực. Nếu không am hiểu đầy đủ lịch sử thì làm sao có được cách nhìn đúng đắn của những gì đang diễn ra hôm nay? 

Niềm tự hào của mỗi người gắn liền với lịch sử gia đình, dòng họ; niềm tự hào của mỗi dân tộc gắn liền với lịch sử đất nước. Luôn nhớ rõ điều đó ta không thể làm bất cứ điều gì đáng xấu hổ, ảnh hưởng đến uy tín gia đình, dòng họ, và lớn hơn nữa là của đất nước. Vì thế dạy lịch sử chính là dạy đạo đức, dạy lối sống tốt đẹp “nhân - trí - dũng”, tránh xa mọi thói hư tật xấu. Biết được những hạn chế của quá khứ để không mắc phải những sai lầm trong hiện tại, không đi theo vết xe đổ, không lao xuống vực sâu của sự độc ác tranh giành quyền lực từng diễn ra trong lịch sử…

Giá trị lớn của môn học lịch sử chính là vẻ đẹp cao quý của mỗi dân tộc với sức phát triển của cả loài người mà tinh hoa dù được chép lại trên thanh tre, trên giấy dó hay lung linh trên mạng điện tử… đều rực rỡ và có sức hấp dẫn, thấm vào huyết mạch của mỗi người đọc biết nâng niu, chắt lọc tri thức cho mình. Sự đào thải, sụp đổ của những triều đại cùng bộ máy cai trị độc tài, độc ác, hèn hạ mang tính quy luật mà lịch sử vạch ra có ý nghĩa giáo dục, răn đe vô cùng rộng lớn, lẽ nào không giúp gì cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của nước ta. Vậy sao nỡ sớm lãng quên môn lịch sử, hay đúng hơn đang cố tình coi nhẹ lịch sử, xếp nó vào hạng thứ yếu?... Các cụ xưa hay nói “chớ gieo vừng ra ngô”, không có ý trọng vừng khinh ngô mà chỉ nhắc con cháu làm việc gì phải ra việc ấy, thứ gì ra thứ ấy. Ngày nay sinh học đã có thể lai giống ngô có mùi vừng, thậm chí hạt vừng cũng có thể to như hạt ngô; nhưng lịch sử không thể là vừng hay ngô, xin đừng “lai giống” lịch sử. Đặc biệt là trong bối cảnh nước láng giềng đang cố tình viện dẫn thứ lịch sử bịa đặt để hòng thôn tính biển Đông, lẽ nào các nhà lãnh đạo giáo dục nước ta lại định “thôn tính” môn học lịch sử cao quý? Xin đừng ngụy biện bằng cánh lai ghép lịch sử vào các môn học khác, vì đến như các ngành ngoại giao, du lịch, kinh tế… bây giờ đều phải vận dụng lịch sử rất tài tình mới ứng phó được với những thách thức khốc liệt trong hội nhập toàn cầu, họ có cần chủ trương “lai giống” lịch sử đâu!

Nguồn Văn nghệ /2015


Có thể bạn quan tâm