April 24, 2024, 12:20 pm

Xét tuyển thẳng vào đại học và những nỗi lo

 

Theo lịch trình đã ấn định về công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh Bộ Giáo dục & đào tạo. Đồng thời, gửi kết quả xét tuyển cho các sở Giáo dục & đào tạo để thông báo cho thí sinh trước 17 giờ ngày 18/7. Trước ngày 23/7, thí sinh trúng tuyển phải đăng ký và xác nhận nhập học tại các trường. Sau đó, trước 17 giờ ngày 24/7, các trường cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển nhập học về Bộ Giáo dục & đào tạo. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất về công tác tuyển sinh, nỗi lo “vỡ trận” trong xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm học này, đang là vấn đề được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Xét tuyển tích cực hay “lạm dụng”?

Tính đến thời điểm hiện tại, số trường đại học áp dụng xét tuyển thẳng học sinh trung học phổ thông ở các trường chuyên và các trường trung học phổ thông có điểm thi tốt nghiệp trung học quốc gia đang tăng mạnh. Đây được coi là giải pháp an toàn cho nhiều trường vì có thể tuyển được những sinh viên có “nền kiến thức” tương đối vững. Thậm chí nhiều trường còn có những khảo sát khoa học các kỳ thi học sinh giỏi trong nước, quốc tế, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh trường phổ thông Năng khiếu trong nhiều năm liền, để quyết định số lượng tuyển sinh và những cơ chế ưu đãi đặc thù.

Công bằng mà nói, việc xét tuyển thẳng này không có gì mới thâmh chí cách thời điểm hiện tại khoảng10 năm, ngành giáo dục đã chủ trương tuyển thẳng vào đại học những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại khá trở lên, cùng học sinh học giỏi ở bậc trung học phổ thông mà khi thi tốt nghiệp cũng đạt loại giỏi.  Tương tự, chủ trương tuyển thẳng đối với bậc học trung học cơ sở lên trung học phổ thông cũng được duy trì trong nhiều năm liền và chỉ thực sự bỏ vào năm 1986. Tiếp đến năm 2015, chủ trương gộp kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, cao đẳng thành một kỳ thi chung, duy nhất của Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức được Chính phủ chấp thuận, với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào đại học cao đẳng. Từ đó đến nay hình thức thi này vẫn được duy trì, với những điều chỉnh theo từng năm cho phù hợp với  thực tiễn. Đi cùng với đó là công tác xét tuyển thẳng vào các trường đại học cũng tiếp tục được thực hiện với những điều kiện chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, việc nhiều trường áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học theo đề án tuyển sinh khiến dư luận lo lắng vì trong tư duy từ mấy chục năm nay là phải chuẩn đầu vào phải thông qua thi. Nhưng, đầu vào qua thi cử chưa phải là yếu tố quyết định đến chất lượng, vì còn cả một quá trình mấy năm học tập ở đại học.

 

Nỗi lo “vỡ trận”

Chưa dừng lại ở xét tuyển thẳng vào đại học những học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế, ngành giáo dục lại có thêm chủ trương học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi thì được cộng điểm tuyển vào đại học. Chủ trương này vô hình chung tạo nên một làn sóng ngầm chạy điểm, làm đẹp hồ sơ. Trong các năm 2017-2018, tỷ lệ cộng điểm học bạ lên đến 50%. Trước sự phản ứng của dư luận xã hội và của các nhà giáo dục khi cho rằng cộng điểm học chính là cơ hội làm nảy sinh tiêu cực trong giáo dục, năm 2019 chủ trương cộng điểm đã giảm còn 30%.

Cùng với điểm xét tuyển qua học bạ, qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế, số lượng học sinh trúng tuyển đại học tăng lên khá nhanh. Nhưng chất lượng học tập lại không tăng và có chiều hướng đi xuống. Thực trạng này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do môi trường giáo dục mới, kiến thức ở bậc học cao khiến nhiều sinh viên bỡ ngỡ, không kịp thích nghi dẫn đến chất lượng học tập giảm. Nguyên nhân chủ quan là do những tiêu cực trong làm đẹp hồ sơ, học bạ để có điểm ưu tiên vào đại học. Dù với nguyên nhân nào thì cũng đều cho một kết quả là chất lượng giáo dục đại học đi xuống. Bằng chứng là nhiều trường đại học buộc phải chấm dứt việc học đối với nhiều sinh viên có học lực kém, thi lại nhiều lần.

Tuyển thẳng và xét tuyển thẳng qua hồ sơ là hình thức nhiều trường đại học, cao đẳng đang thực hiện. Ngoài ưu điểm là giảm chi phí tuyển sinh, không gây phiền hà cho thí sinh thì đã và đang nảy sinh những bất cập như trên đã phân tích. Nên chăng, hình thức tuyển thẳng và xét tuyển thẳng qua hồ sơ học bạ cần phải được làm chặt chẽ hơn ngay cả từ cấp học trung học phổ thông lên đến đại học, nhằm tránh nảy sinh cơ chế “ xin cho” tiếp tục làm méo mó bức tranh giáo dục vốn bước đầu đã có những khởi sắc.

Nguồn Văn nghệ số 29/2019


Có thể bạn quan tâm