March 29, 2024, 12:00 pm

Xét tặng giải thưởng văn học - nghệ thuật: Định tính hay định lượng

 

  • Năm 2014, Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật đã chính thức ra đời và được xem là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các cá nhân văn nghệ sĩ, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Sau nghị định 90, đã có nhiều văn nghệ sĩ được tôn vinh, song cũng lại có không ít người phải ngậm ngùi vì trượt giải thưởng, Và cũng từ đây, những ồn ào về quy trình xét giải, về những tiêu chí được cho là đánh đố người trong cuộc đã được dư luận mổ xẻ. 
  • Ngày 1-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung thay thế một số điều của nghị định 90. Ngay lập tức, nghị định 133 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới hoạt động nghệ thuật lẫn dư luận xã hội khi được kỳ vọng đã giải quyết khá nhiều vướng mắc trong việc xét tặng giải thưởng. Song, từ thực tiễn đời sống hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay cho thấy Nghị định 133 với những điều khoản còn nặng về định tính và định lượng biến nó trở thành cánh cửa hẹp đối với phần đông văn nghệ sĩ.

 

 

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 133, Bộ Tư pháp vẫn kiên trì cho rằng huân, huy chương là trao tặng cho đóng góp của nhân thân với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, còn giải thưởng là đóng góp của tác phẩm và đã là quy chế thì không thể có cơ chế “mềm”. Chính vì những quy định làm khó người trong cuộc nói trên, Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung NĐ 90 /2014 được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho quy trình xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Từ điều kiện giải thưởng

Xét tặng giải thưởng văn học - nghệ thuật là hoạt động thường niên, được tổ chức 5 năm một lần và do Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chịu trách nhiệm xét, duyệt và lập danh sách đề nghị Thủ tướng trình Chủ tịch nước ký phong tặng. Tính đến thời điểm hiện tại, việc xét, phong tặng các giải thưởng cao quý nói trên đã bước qua mùa thứ V. Nhưng những ồn ào xung quanh hoạt động được cho là tôn vinh những đóng góp của giới văn nghệ sĩ cho nền văn học nghệ thuật, lại không khỏi khiến dư luận hoài nghi về những điều kiện cứng nhắc, thậm chí làm khó người trong cuộc như: số lượng huy chương, giải vàng, tỷ lệ phiếu bầu tại các vòng xét, bình chọn.v.v.. . Đơn cử, mùa xét giải năm 2016, nhà văn Thu Bồn, đạo diễn Trần Bảng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, nhạc sĩ Thuận Yến, nữ sĩ Xuân Quỳnh… đã từng bị trượt giải thưởng chỉ vì họ thiếu các tiêu chuẩn về huy chương và các giải vàng. Ngay lập tức, tâm thư của cá nhân các văn nghệ sĩ, và thân nhân của họ được gửi đến Chủ tịch nước, với mong muốn có được sự đánh giá công bằng nhất về những đóng góp của các cá nhân nói trên cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Và sau những tâm thư, một vài người trong số họ đã may mắn được xét lại, người bổ sung giải thưởng, người thì chờ đợi sự xem xét của Chính phủ.

Ngay tại thời điểm đó, giới phê bình văn học nghệ thuật đã không ngần ngại chỉ ra những bất hợp lý trong quy trình xét giải thưởng. Thứ nhất, theo quy định của ngành nghệ thuật biểu diễn, tỷ lệ giải thưởng, huy chương dành cho các tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ tham gia liên hoan, hội diễn hiện ở mức rất thấp 30%. Trong khi đó ở lĩnh vực sáng tác, không phải cuộc thi, triển lãm nào cũng có nhiều giải thưởng, nhất là giải cao. Cụ thể, trong suốt 20 năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chỉ tổ chức 4 cuộc thi, tổng cộng có 24 người đạt giải trong hàng nghìn người tranh giải. Không kể những ngành không bao giờ chấm giải như tượng đài thì có cống hiến cả đời cũng không mơ bước chân đến giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh nếu cứ cứng nhắc các tiêu chí này. Vô hình chung đang có sự chênh lệch, thiếu công bằng giữa giới nghệ sĩ biểu diễn và sáng tác. Chưa kể lỗi của việc không có các giải thưởng không phải vì tác giả, mà vì điều kiện lịch sử không cho phép tổ chức các cuộc thi. Và đến khi có điều kiện tổ chức, thì tuổi đời, tuổi nghề của họ đã không cho phép họ được “xông pha” trên sàn diễn bởi trong nghệ thuật có một quy định bất thành văn “Thầy đàn già con hát trẻ”. Thế nên dù muốn có huy chương hay giải Vàng thì cũng đành “lực bất tòng tâm”.  

 

Đến một quy chế mềm

Có 4 nội dung lớn được sửa đổi. Cụ thể, Nghị định mới đã đưa được mốc thời gian làm căn cứ xét giải thưởng là trước năm 1993 và sau năm 1993(năm 1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 25- TTg về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn học nghệ thuật. Điều 4 tại quyết định này quy định rõ về thành lập Quỹ Giải thưởng văn học nghệ thuật của Chính phủ) để từ đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với các công trình, tác phẩm xét giải thưởng. Thay đổi thứ 2 là việc thay đổi điều kiện về số phiếu bầu của thành viên hội đồng. Nếu trước kia hồ sơ chỉ được trình lên cấp cao hơn nếu đạt 90% tổng số phiếu bầu của thành viên hội đồng thì nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 80%. Tuy nhiên, văn bản này lại quy định việc có mặt của các thành viên hội đồng khắt khe hơn trước. Theo đó, những phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên tham dự thì mới có giá trị pháp lý thay vì 75% như trước. Đặc biệt, một trong những thay đổi được cho là phù hợp với lĩnh vực văn học, nghệ thuật đó là với những hồ sơ xét tặng giải thưởng đã qua 3 vòng của hội đồng cấp dưới mà đến hội đồng cuối cùng lại không đủ 80% số phiếu chọn nhưng xét thấy tác phẩm, công trình đó có giá trị đặc biệt xuất sắc, sức lan tỏa tốt và có đóng góp quan trọng thì hội đồng có trách nhiệm họp lại báo cáo Thủ tướng xem xét. Đây được coi là cách làm linh hoạt, tránh trường hợp các tác phẩm xuất sắc không được vinh danh.  

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật lại đang diễn ra với nhiều cung bậc khác nhau, nên việc vinh danh cũng cần phải linh hoạt và không thể cứng nhắc như một cộng một bằng hai, hay trong trường hợp cụ thể của việc xét giải, lấy tiêu chuẩn huy chương, giải Vàng làm thước đo tài năng và sự cống hiến cho văn học nghệ thuật của mỗi cá nhân trong một chừng mực nhất định là chưa thoả đáng. Chưa kể khi đất nước hội nhập, nền kinh tế nhiều thành phần đã trở thành mảnh đất mầu mỡ cho văn học nghệ thuật phát triển. Xã hội hoá trở thành một tiêu chí để kinh tế phát triển, thoát ly hoàn toàn bầu sữa ngân sách. Và lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng thuận theo lẽ tự nhiên ấy mà phát triển. Do đó, những liên hoan sân khấu, hội diễn văn nghệ gắn với huy chương hay giải vàng ít nhiều không còn sức hút đối với những người làm nghệ thuật mà với họ tài năng diễn xuất, sự đóng góp được công chúng ghi nhận mới là điều quan trọng nhất.

Trước giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, việc xét vinh danh ở cấp thấp hơn là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực sân khấu ca nhạc, hay nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ dân gian cũng gây không ít tranh cãi. Những tấm huy chương, hay giải Vàng hội diễn vẫn là điều kiện bắt buộc để xét phong tặng danh hiệu. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, ở lĩnh vực của ông, những nghệ nhân rất ít, hoặc gần như không tham gia các hội diễn, thì việc họ sở hữu huy chương, giải vàng là không thể. Do đó, hội đồng bình chọn của Hội chỉ có thể dựa vào những đóng góp và sự ghi nhận của cộng đồng nơi các nghệ nhân sinh sống để phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian hay nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực mà họ hoạt động.

Trên thực tế, có rất nhiều cách để ghi nhận hay lấy làm thước đo cho sự đóng góp của một cá nhân nào đó trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động, cống hiến. Với doanh nghiệp thì đó thuế, với nhà văn thì đó là tác phẩm được độc giả đón nhân, và với nghệ sĩ sân khấu là lượng khán giả mến mộ. Đây cũng chính là mạch ngầm nuôi dưỡng các văn nghệ sĩ, để họ thực sự toả sáng.

Quay trở lại với việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. đã được bổ sung thay thế bằng nghị định 133 với những quy định mềm được cho là đã gỡ khó cho việc xét giải. Song nếu vẫn giữ những quy định về giải thưởng nặng về định tính và định lượng như: điều kiện nghệ sĩ sau khi nhận danh hiệu NSƯT phải có huy chương vàng mới được xét tặng NSND; NSƯT phải sau 5 năm trở lên mới được xét danh hiệu NSND; nhà văn sau khi nhận Giải thưởng Nhà nước phải có thêm giải cao nhất tại các cuộc thi mới được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì e rằng việc xét, phong tặng danh hiệu cao quý nói trên vẫn là bài toán khó. Vẫn biết, không có một Nghị định, văn bản pháp lý nào có thể điều chỉnh được toàn diện những vấn đề muôn hình vạn trạng từ thực tiễn, nhưng hy vọng rằng, những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 133 đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, nhà quản lý và dư luậnsẽ khiến cho còn đường đến với giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước của các văn nghệ sĩ bớt gập ghềnh hơn.


Có thể bạn quan tâm