April 19, 2024, 4:33 pm

Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Vẫn rối chuyện thực Chất, thực Tài

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP(NĐ 89) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đã bước sang năm thứ Năm và đã có thêm 782 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu cao quý này. Tuy nhiên, sau mỗi đợt phong tặng, những ồn ào, tiếc nuối chưa hẳn đã hết. Tại Hội nghị tổng kết công tác xét tặng giải thưởng diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu, đại diện cho các Hội nghệ thuật đã đề xuất cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 để việc xét tặng danh hiệu đi vào  thực chất và chọn đúng người thực tài, tránh cảnh người được phong tặng NSND, NSƯT của nhân dân mà nhân dân lại không hề biết họ là ai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

KHI HUY CHƯƠNG VẪN LÀ THƯỚC ĐO TÀI NĂNG

Tại Hội nghị, đưa ra quan điểm của chính mình về những tiêu chí trong xét, phong tặng danh hiệu cao quý cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: những tiêu chí để xét phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT nhấn mạnh yếu tố thực hành, chấp hành, tài năng, đóng góp, được bạn bè yêu mến… và đủ huy chương … chưa thực sự thuyết phục, bởi nếu đã đủ những tiêu chí này rồi, hẳn không cần Hội đồng khen thưởng phải xem xét. Việc xem xét chỉ nên được tiến hành ở những trường hợp đặc biệt chưa hội tụ đủ tiêu chí, trong đó có tiêu chí huy chương nhưng lại được cơ sở đề xuất lên.

Quan điểm của ông Tiến Thọ ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu tham dự Hội nghị. Bởi bình quân mỗi nghệ sĩ chỉ hoạt động nghề từ 15 đến 20 năm, mà không phải ai cũng có nhiều cơ hội để giành huy chương, khi 5 năm một lần mới có hội diễn chuyên ngành. Thế nên, nhiều nghệ sĩ chọn đến với công chúng và phục vụ công chúng bằng cả tấm lòng, sự say mê và nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật mình lựa chọn. Và cũng chính từ sự lựa chọn này đã khiến cho việc bình xét, phong tặng danh hiệu NSND và NSUT  bộc lộ nhiều bất cập.

Nếu như trước đây, các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT những đợt đầu tiên thực sự rất đang được trân trọng, bởi ai cũng biết và yêu mến tài năng của họ. Thì thực tế hiện nay, nhiều NSND và NSƯT được vinh danh nhưng lại xa lạ hoàn toàn với công chúng. Do một phần trong số họ chỉ quyết tâm theo đuổi các hội thi nhằm giành cho được huy chương phục vụ cho việc xét, phong tặng danh hiệu. Vì vậy, giá trị của danh hiệu cũng vì thế bị giảm xuống ít nhiều.

Trên thực tế, Nghị định 89 quy định chỉ cần 2 Huy chương Vàng là NSƯT đã được xét tiếp lên NSND đã khiến cho nhiều nghệ sĩ chọn con đường đến với công chúng nản lòng, chưa kể việc chia huy chương hay cộng dồn, quy đổi huy chương (4 Bạc thành 1 Vàng) đang trở thành việc khiến họ không tâm phục khẩu phục. NSND Ngô Văn Thành chuyên ngành Violon cho rằng, ông không thể chấp nhận việc “cộng năm tháng thành ưu tú; cộng tiết mục thành nhân dân”.  Bởi theo ông, trong nghệ thuật, vai trò cá nhân là cực kỳ quan trọng. Việc chia huy chương hay cộng dồn huy chương để tặng danh hiệu là không nên. Do đó, cần duy trì (nếu có) hoặc bổ xung điều kiện NSƯT thì phải diễn đủ 50 suất/năm và NSND 80 suất/năm trở thành điều kiện bắt buộc trong việc xét, phong tặng danh hiệu nghệ thuật cao quý này.

 

HỘI ĐỦ THỰC CHẤT VÀ THỰC TÀI

Đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX - 2019 vừa được diễn ra khiến dư luận không khỏi băn khoăn những cái tên vốn không ít khán giả đã yêu mến, nhưng trong đợt xét duyệt hồ sơ lần 1 đã bị loại chỉ vì họ chưa đủ điều kiện về số huy chương (buộc phải chấp nhận xét đặc cách đợt 2), một lần nữa khiến dư luận xã hội nói chung, người yêu nghệ thuật và giới hoạt động trong ngành thấy cần thiết phải xem lại điều kiện về số lượng huy chương đối với cá nhân mỗi nghệ sĩ. Chưa kể với những nghệ sĩ vốn là những nhạc công, đạo diễn hậu kỳ thì không thể tham gia hội diễn, do đó họ khó có khả năng có huy chương.

Hiện nay đã có nhiều chuyên ngành nghệ thuật cấp Hội linh động rút ngắn thời gian tổ chức các kỳ liên hoan, hội diễn nhằm tăng thêm cơ hội có được huy chương cho các nghệ sĩ. Về cơ bản, việc rút ngắn thời gian tổ chức liên hoan, hội diễn chuyên ngành có thể chấp nhận được. Bởi mỗi kỳ liên hoan, hội diễn đều được xem là cơ hội để các cá nhân nghệ sĩ nâng cao chuyên môn và trau dồi thêm kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật. Song, bên cạnh những cái lợi lại nảy ra những cái hại, như: việc có quá nhiều huy chương trong một hội diễn đang trở nên thường xuyên hơn, đến nỗi “ai” cũng truyền tai nhau: tham gia hội diễn, liên hoan kiểu gì chả có huy chương…

Còn nhớ, chia sẻ với truyền thông trước thềm liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, NSND Tiến Thọ từng khẳng định: Liên hoan nào cũng vậy, Hội nghệ sĩ sân khấu chúng tôi luôn phải xem, thẩm định, trao đổi với đơn vị là tác giả đạo diễn để nâng cao chất lượng nghệ thuật vì liên hoan nghệ thuật là hoạt động chung trong nghề nâng cao chất lượng nghệ thuật. Thứ hai, qua trao đổi của liên hoan chúng ta thấy được mặt mạnh mặt yếu của hoạt động để BTC và các đơn vị chức năng nhìn nhận, đánh giá và tìm những giải pháp khắc phục. Liên hoan lần này cũng hướng tới mục đích như vậy”. Thế nhưng hậu liên hoan thì vẫn có vô số huy chương được trao tặng mà truyền thông không ngoa khi cho rằng “vẫn tiếp diễn mưa huy chương”.

Quay trở lại với NĐ 89. Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ đã được ông ghi nhận và sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL. Nhiều nội dung chưa phù hợp sẽ được kiến nghị sửa đổi trong thời gian tới. Hy vọng rằng tiến trình sửa đổi, bổ xung NĐ 89 sẽ sớm đươc hoàn thiện và thực sự trở thành chuẩn mực để công tác xét, phong tặng NSND và NSƯT được trao cho đúng người thực Chất, thực Tài.

 


Có thể bạn quan tâm