April 25, 2024, 6:34 am

Xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước- quan niệm thế nào là "Hay"?

Việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2016 hiện đang có dư luận. Nhiều báo viết, báo nói đã có ý kiến. Đáng chú ý trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, có bài viết gần đây dẫn ý nhà văn Bảo Ninh - tác giả Nỗi buồn chiến tranh một thời, nay là “đáng buồn trong việc xét giải”.

Thật ra, chẳng phải đến năm nay mà từ trước, có đợt trao giải nào mà không có dư luận. Tôi bỗng nhớ, sau Điện Biên Phủ, trong cải cách ruộng đất, giải Văn học kháng chiến chống Pháp năm 1955 cũng dư luận về cách chấm: Có người trong ban chấm thời đó bỏ phiếu cho mình; Có tác phẩm kém cỏi như Cái lu cũng được tặng. Hoặc như Đồng quê hoa nở thì chính tác giả sau đó đã tự phủ định là phóng đại đấu tranh giai cấp ở quê mình… Trong khi đó, có tác phẩm của các nhà văn hội viên đã tham gia các chiến dịch, vì lẽ này lẽ kia lại bị bỏ rơi. Tiếp theo, cái giải về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuy chính xác hơn, nhưng vẫn bỏ sót những cây bút trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Hội đồng xét giải thưởng cấp Nhà nước. Nguồn Internet

Phải đến năm bắt đầu tổ chức Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật thì mới được đông đảo nhà văn, bạn đọc và nhân dân quan tâm. Bởi vì đây là việc xét giải lớn, giải cao nhất của một quốc gia. Tất nhiên việc chấm xét, về quan niệm thưởng thức tác phẩm, sáng tác văn thơ v.v… Đợt xét thưởng 2016 năm nay có sự bất công dẫn đến sự so sánh (không khập khiễng) giữa các thế hệ nhà văn. Cách mạng đổi mới đã sửa sai đến mức cho giải cao với các anh trong nhân văn giai phẩm. Nhưng với những nhà văn không nhân văn giai phẩm cũng không đấu tố nhân văn giai phẩm thì sao? v.v… làm hạn chế giá trị đích thực của văn học nghệ thuật.

Tôi xin thành thực góp ý cùng lãnh đạo và các cấp chấm giải mấy vấn đề lớn sau đây:

Quan niệm về giải thưởng

Nên xác định lại đúng tầm quan trọng của việc xét giải lớn này. Rõ ràng đây không phải là cuộc thi tốt nghiệp hoặc thi viết về một chuyên đề hoặc thi hàng năm của Hội chuyên ngành, nhằm khuyến khích sáng tác, phát triển tài năng mới bổ sung cho lực lượng của tổ chức. Còn xét tặng giải lớn Hồ Chí Minh và Nhà nước (cũng là của Đảng) là sự đánh giá những tác giả có đời và nghiệp theo cách mạng gắn bó sáng tác văn học. Vì vậy, cần phải minh định cao hơn về các tiêu chuẩn, cần phải khoa học hơn  trong việc tổ chức các cấp xét, về thể lệ cho nhà văn dự xét thưởng, đặc biệt là trình độ uy tín về chuyên môn của các ủy viên hội đồng.

Về các tiêu chuẩn. Nên căn cứ đủ 3 tiêu chuẩn:

Quá trình tham gia Cách mạng, ý thức về lãnh đạo của Nhà nước (như việc xét tặng các Huân huy chương, huy hiệu của Đảng và Nhà nước đã làm).

Quá trình hoạt động sáng tác văn học phục vụ cách mạng.

Bề dày tác phẩm, trong đó có tác phẩm có tác dụng và giá trị sáng tác tiêu biểu, tức là hay về nghệ thuật (dù tiêu chuẩn này cũng còn lệ thuộc theo thị hiếu thưởng thức).

Thể lệ tham dự xét thưởng cũng cần quy định rõ, không hạn chế tác giả chỉ gửi một tác phẩm, một thể loại mà có thể tự chọn các thể loại sáng tác tiêu biểu trong đời mình.

Vì không phải là cuộc thi, nên “thí sinh” (tác giả) không được bày tỏ ý kiến, (các cuộc xét phong Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ hay Giáo sư các tác giả đều có quyền bảo vệ luận án để Ban giám khảo tham khảo) cho nên chỉ trông chờ vào các ủy viên xét thưởng ở hội đồng các cấp có uy tín chính trị và học thuật, có trình độ thưởng thức đúng về văn học (để có thể phản biện cho nhà văn), có thời gian đọc trực tiếp các văn bản, không chỉ nhớ một vài bài phổ biến, một tập được báo nhắc đến, hoặc theo dư luận xấu, sai ở trên mạng xã hội v.v…

Danh sách các cấp xét tặng thưởng cũng nên công khai như bao cuộc thi có danh sách hội đồng giám khảo. Sau khi các cấp đã có phiếu cụ thể, có biên bản thẩm định rõ ràng, thì gửi lên Hội đồng Trung ương quyết định. Nếu Hội đồng Trung ương có ý kiến khác về từng tác giả, thì trước khi quyết định cũng nên tham khảo ý kiến cuối cùng của Hội chủ quản chuyên ngành - vì chỉ có Ban chấp hành các Hội chuyên ngành mới rõ đời và nghiệp của một nhà văn.

Hội đồng trung ương là cấp cao nhất quyết định, nhưng cũng nên điều chỉnh tỷ lệ phiếu xét, với mức 90% là quá cao, nhất là chấm xét một ngành mà “quan niệm thế nào là hay” quả là vấn đề cần thời gian thử thách.

*

Trên đây là mấy ý kiến thiên về cách làm để tránh bớt những thiếu sót đáng kể về xét tặng. Tôi cũng được nghe các dư luận khác như: Có nên tổ chức giải này hay không? Vì sao có người xin rút dự xét? Có ý nói giá trị nhà văn là ở tác phẩm trước cuộc đời, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm có trong tổ chức nào, có được giải gì đâu v.v… Những ý kiến trên chưa phải lúc trao đổi, chỉ mong góp ý thêm để cuộc xét duyệt giải thưởng này xứng đáng với đời và nghiệp của các thế hệ cầm bút.

--------------------

* Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm