April 26, 2024, 2:26 am

Xem tranh Cao Ban Ban

Người ta thường nói: Các họa sĩ ấn tượng vẽ phong cảnh có vẻ giống nhau, nhưng nhìn kỹ lại thấy rất khác nhau. Sự giống nhau về bút pháp bên ngoài, rốt cuộc vẫn  mang những đặc tính chỉ mỗi cá nhân người vẽ mới có, và chính nhờ những đặc tính ấy mà mỗi người vẽ đều ít nhiiều có đóng góp cho hội họa và cho một phong cách hội họa nào đó nói riêng. Rất hiếm họa sĩ đạt tới cái độc đáo nổi bật, vô song, trong khi rất nhiều họa sẽ vẽ đẹp, vẽ hay và với cả hai nhóm họa sĩ này chúng ta đều cần tiếp xúc, tìm hiểu để có cái nhìn rộng rãi, toàn diện và thấu đáo về nghệ thuật.

Xem tranh Cao Ban Ban, cảm giác ban đầu cũng như thế, có vẻ quen quen và đã gặp khá nhiều ở đâu đó. Đây là lối vẽ nằm giữa “ấn tượng” và “biểu hiện”, một lối vẽ hiện nay được rất nhiều họa sĩ ưa thích, vì phối hợp được cả hai cái nhìn khách quan lẫn cái nhìn chủ quan, cái cụ thể và cái trừu tượng, hình mẫu vừa thực, tự nhiên vừa do trí tưởng tượng chi phối.

Cao Ban Ban đã từng học chuyên ngành nghệ thuật hoành tráng, anh có ưu thế cho lối vẽ này, đặc biệt ở kỹ năng xử lý các tương phản mạnh, các điều thức sáng tối, đậm nhạt, xa gần, cũng như sức biểu cảm về xúc giác. Nét bút của anh thường nhẫy màu, nhẫy sơn, đặc quánh, rung xiết trên mặt vải, khi nguyên sắc, khi bầm tím, khi quắc sáng đột nhiên và luôn luôn mang đày xung lực. Ở một số bức, bằng chất liệu sơn dầu hay chất liệu tổng hợp, quá trình anh đã tạo ra những hiệu quả rung rinh như ở tranh ghép mảnh (mosaic), tranh gốm, cổ kính mà quyến rũ

Con mắt nhìn của một họa sĩ “hoành tráng” cũng giúp Cao Ban Ban phát hiện ra những không gian quy mô lớn qua những khung cảnh hẹp. Chỉ vẽ riêng một cái cây cổ thụ trước một ngôi đền, không thấy trời, mây mà anh vẫn khiến người xem ngút ngợp trước sự kỳ vĩ, linh thiêng. Đôi khi anh pha vào tranh những yếu tố của hội hoạ chất phác (naif), vẽ hình rất tự nhiên, chỉ cốt ghi lại cảm xúc, thực thú vị, đáng yêu, rất tương hợp với tính cách của anh ở ngoài đời

 

Cổng đền
Hoa phố
Mẹ mùa xuân không trở lại
Nghệ sỹ với sapa
Tà Phìn buổi sáng bình yên
Thần mộc và cô gái làng

Trong nền hội họa đương đại Việt Nam, giữa muôn vàn hình thái muôn màu, muôn sắc, muôn hương, sự chân thành với chính mình của người họa sĩ càng ngày càng trở nên quý giá. Tìm tòi bao giờ cũng tốt, và là nguyên lý sống của nghệ sĩ, nhưng luôn luôn phải nhớ mình là ai, và tìm sao cho ra mình chứ không phải người khác. Bởi vậy, có nhiều lý do để nói Cao Ban Ban là một trong những họa sĩ “là mình”. Sự cảm thông, quý mến của người xem với hội họa của anh chắc chắn cũng bắt đầu từ đây


Có thể bạn quan tâm