April 19, 2024, 4:37 am

XÂY DỰNG VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ - SUY NGHĨ TỪ THỰC TIỄN

 

Theo một thống kê chưa đầy đủ, người ta đã nói tới khoảng 400 định nghĩa về văn hoá. Đó là công việc có tính lý luận và vì vậy sẽ còn tiếp tục bàn thảo. Tuy vậy, từ thực tiễn văn hoá có thể nhận biết văn hoá ở hai dạng biểu hiện của nó. Một là, văn hoá là chính nó, tức là những gì nhìn thấy được, nghe thấy được; đó là tất cả các sản phẩm văn hoá từ văn học, nghệ thuật đến các lễ hội, phong tục, kiến trúc... Hai là, văn hoá là những gì cảm thấy, biến từ chính nó để thẩm thấu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và từ đó, người ta cảm nhận rõ ràng, văn hoá đang nằm sâu và trở thành một thành tố hữu cơ trong các lĩnh vực đó. Từ đó, đã xuất hiện những cụm từ như: Văn hoá chính trị, văn hoá đạo đức, văn hoá pháp luật, văn hoá ứng xử, văn hoá giao thông, văn hoá gia đình, văn hoá ẩm thực...

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Hoàn toàn không phải là sự gán ghép ngôn ngữ, mà các cụm từ trên, khi có từ “văn hoá” đứng trước đã thể hiện tính đúng đắn, trình độ phát triển của các lĩnh vực đó và của con người trực tiếp tham gia trong các lĩnh vực đó, có nghĩa là văn hoá trở thành thước đo trình độ và chất lượng của các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Khi nói “chính trị”, không có từ “văn hoá” đứng trước, đó chỉ là một đối tượng khách quan, trung tính, không phân biệt đúng sai, phải trái, hợp quy luật hay trái quy luật. Còn khi nói “văn hoá chính trị” là đã bao hàm một sự đánh giá tính đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân, tính nhân văn của chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà V.Lênin khi nói về Đảng bôn sê vich là “trí tuệ, danh dự, lương tâm của thời đại” (V.Lênin toàn tập. Tập 34, tr.122) và sau này, Hồ Chí Minh khẳng định và nhấn mạnh Đảng ta là “đạo đức và văn minh”. Những từ “trí tụê, danh dự, lương tâm, đạo đức, văn minh” đều thuộc về văn hoá, là các giá trị văn hoá. Và đó chính là văn hoá chính trị của một Đảng, của hệ thống chính trị và của những người hoạt động chính trị (lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý....).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định “Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Văn kiện (trang 128) thận trọng ghi thêm từ “trong” giữa 2 từ trên, song thực chất đó là yêu cầu xây dựng văn hoá chính trị của Đảng, của hệ thống chính trị, của các cơ quan chính quyền và đoàn thể.

Thực tiễn những năm qua, chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo yêu cầu trên đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng là tách chính trị khỏi văn hoá và nhìn nhận văn hoá theo nghĩa hạn hẹp, chủ yếu chú trọng văn hoá ứng xử, ít có khả năng, năng lực sử dụng sức mạnh của văn hoá để truyền đạt, làm thẩm thấu những yêu cầu chính trị vào trong nhân cách con người. Có không ít cán bộ nghĩ rằng: Giới thiệu, tuyên truyền các nội dung chính trị một cách đúng quy định trong các đợt học tập, trong các buổi học của nhà trường là xong. Đó là dấu hiệu của một chính trị hời hợt, khô cứng. Việc làm đó thường dừng lại ở nhận thức lý trí, không thấm được vào tình cảm, phẩm giá người tiếp nhận. Vì thế không ít cán bộ của Đảng, của chính quyền, của hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến cơ sở có thể nói “đúng” đường lối, quan điểm song sự “sống thực” của họ lại hoàn toàn khác. Các căn bệnh trầm kha mà Nghị quyết TW4 chỉ ra gồm 27 dấu hiệu là kết quả, là hậu quả của cách sống đó. Phải làm cho các yêu cầu chính trị chuyển vào, thấm vào nhân cách con người, trở thành bản lĩnh, nhu cầu tự thân, niềm tin và tình yêu thì các yêu cầu chính trị đó mới vững chắc, tự nó trở thành các giá trị văn hoá trong nhân cách của từng cá nhân cụ thể.

Cách đây gần 100 năm, Lênin đã từng chỉ ra rằng: “Chỉ có cái gì đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, vào phong tục tập quán mới có thể coi là đã thực hiện” (Sđd. Tập 45, tr.442). Thực sự chúng ta chưa làm tốt điều đó trong những năm qua, vì thế hiện tượng nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, thậm chí im lặng vờ chấp nhận, tuân thủ, quán triệt để sau đó làm theo mục đích trục lợi, đen tối của mình. Thực tế, thời gian qua, không ít cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố... đã không ít lần từng làm thuyết giảng chính trị, cả trong nói và viết. Họ đã làm chính trị từ cuống họng trở lên, còn trái tim và khối óc của họ dành cho những tham vọng tiền tài, dục vọng cá nhân. Văn hoá chính trị đối lập hoàn toàn với cách làm chính trị kiểu đó. Đó là chính trị không văn hoá, và vì thế đã làm giảm thiểu tối đa ý nghĩa và giá trị của chính trị đúng đắn. Cần phải, một mặt, khẳng định dứt khoát vị trí, vai trò quan trọng của chính trị chân chính, hợp lòng dân và mặt khác, cần làm cho tư tưởng chính trị đó tác động vào xã hội và con người như một sức mạnh văn hoá, được thuyết phục bằng văn hoá. Trong nội hàm của “Văn hoá chính trị” chứa đựng hai nội dung không tách rời nhau trên.

Cuộc đấu tranh phòng chống các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, vô trách nhiệm, thoái hoá, biến chất... hiện nay không chỉ là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, mà từ chiều sâu của nó, là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hoá. Vì thế, nếu chỉ đứng ở khía cạnh chính trị, chắc rằng sẽ khó đạt yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài, vì đó là cuộc đấu tranh xây dựng và sàng lọc con người, sàng lọc, loại bỏ những cái phản văn hoá và bảo vệ, nuôi dưỡng những giá trị văn hoá đích thực. Kinh nghiệm đó đã được V.Lênin chỉ ra: “Trên thực tế không thể dùng những thắng lợi quân sự và những cải cách chính trị để chữa khỏi các ung nhọt ấy (quan liêu, tham nhũng, lười biếng, vô trách nhiệm) mà chỉ có nâng cao trình độ văn hoá lên mới có thể chữa khỏi được” (Sđd, Tập 44, tr.215). Lâu nay, chúng ta đấu tranh làm cho Đảng trong sạch thường xuất phát từ yêu cầu chính trị, điều đó đúng, nhưng chưa đủ vì chưa chú ý đúng mức đến sức mạnh của văn hoá và yêu cầu các giá trị văn hoá chính trị trong nhân cách. Sau khi giành được chính quyền, xây dựng chính quyền Xô viết, Lênin khẳng định “trọng tâm ấy đang chuyển dần sang công tác tổ chức văn hoá” (Sđd, tr.34. tr.122). Điều đó có nghĩa là, để đạt được mục đích lâu dài, bền vững, cần phải kiên trì xây dựng, củng cố và phát triển các giá trị-chuẩn mực văn hoá làm cơ sở cho mọi hoạt động chính trị. Sự kết hợp đó chính là sức mạnh của văn hoá chính trị.

Nói đến “văn hoá chính trị” không thể không nói đến chủ thể, con người chính trị. Chủ thể ấy, con người ấy có phẩm chất, đạo đức, lối sống và nhân cách cao đẹp, trở thành tấm gương sáng hay là những kẻ tầm thường, ích kỷ, bị quần chúng coi thường, chê bai... đó cũng là biểu hiện cụ thể của văn hoá chính trị. Các giá trị và chuẩn mực văn hoá chính trị trong sáng, cao đẹp trong những chủ thể chính trị có sức cảm hoá sâu sắc đối với quần chúng và ngược lại, niềm tin sẽ bị đánh mất. Niềm tin là một phạm trù cực kỳ quan trọng của văn hoá chính trị, đồng thời là một giá trị văn hoá sâu sắc. Niềm tin bị đổ vỡ không chỉ làm gục ngã một con người mà sẽ tác động trực tiếp đến sự bền vững của một thể chế, nếu sự đổ vỡ đó lan rộng. Chúng ta đang đứng trước một thách thức gay gắt về vấn đề này. Không nên lảng tránh hay tự huyễn hoặc. Sức mạnh chính trị là niềm tin vào sự đúng đắn, trong sáng, chân chính của nó và vào tấm gương của các tổ chức và chủ thể chính trị. Kẻ thù đang tấn công ráo riết vào vấn đề này. Vì vậy, nhìn nhận thực trạng niềm tin không chỉ ở kết quả của một số cuộc đấu tranh chống tham nhũng, điều đó hoàn toàn đúng, song cần nắm sâu hơn, hiểu thấu hơn, khoa học hơn... để củng cố, khôi phục, phát triển niềm tin đó ở tầm vĩ mô – niềm tin vào sự đúng đắn, sáng tạo, khoa học, hợp quy luật, thuận lòng dân của quan điểm và đường lối chính trị. Đó là chiều sâu văn hoá của niềm tin chính trị. Như vậy, xây dựng văn hoá chính trị, quan trọng hơn cả là củng cố và xây dựng niềm tin - một giá trị văn hoá sâu sắc đối với toàn xã hội.

Văn hoá chính trị không là một khái niệm trừu tượng, nó thể hiện hàng ngày, cụ thể trong xã hội, mà trước hết ở môi trường chính trị, quan hệ chính trị giữa con người với con người, con người với cộng đồng và đặc biệt là quan hệ giữa con người với hệ thống chính tị. Hạt nhân của môi trường chính trị tích cực mang giá trị văn hoá, nhân văn là dân chủ. Tư duy tôn trọng dân chủ phải là điểm xuất phát chi phối toàn bộ quá trình xây dựng môi trường chính trị ở nước ta. Làm khác đi, chúng ta sẽ đánh mất một sức mạnh có ý nghĩa động lực cho sự phát triển của đất nước. Có người lo sợ, nếu quan niệm như vậy sẽ dẫn tới sự thụ động trước sự tấn công của các thế lực thù địch hoặc sự buông lỏng kỷ cương, phép nước. Ở đây, cần phân biệt rõ ràng, minh bạch hai mặt. Một mặt, kiên quyết đấu tranh chống các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội. Mặt khác, rộng lớn và bao quát hơn, hoàn toàn trong nội bộ nhân dân, đó là thực thi dân chủ thực sự, thực lòng để đi tới sự đồng thuận xã hội ngày càng sâu hơn, bền vững hơn và sự đoàn kết toàn dân tộc. Với ý nghĩa đó, dân chủ là nhân tố cực kỳ quan trọng tạo nên môi trường chính trị bền vững, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá chính trị trong nhân cách quần chúng. Trong phạm vi môi trường chính trị thì môi trường chính trị ở cơ sở giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Mọi sự kêu gọi dân chủ sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không tạo được sự dân chủ, bình đẳng trong quan hệ chính trị ở cơ sở. Các căn bệnh nặng nề như quan liêu, xa dân, sách nhiễu dân, cửa quyền, hách dịch, ăn hối lộ.... của cán bộ có chức, có quyền, đặc biệt ở cơ sở là sự phá hoại trực tiếp và nguy hiểm nhất khối đại đoàn kết và sự đồng thuận xã hội, là sự làm hoen ố, vẩn đục môi trường chính trị mà chúng ta mong muốn xây dựng. Như vậy, biểu hiện sinh động, hiện thực nhất của văn hoá chính trị là khả năng tổ chức và xây dựng các nhân tố cơ bản của môi trường chính trị trong đời sống xã hội.

Từ những kiến giải trên, rõ ràng là chính trị chân chính, hợp lòng dân phải là một giá trị văn hoá và đó chính là văn hoá chính trị. Nói cách khác, chính trị đánh mất văn hoá, đối lập hay tách khỏi văn hoá, sẽ trở nên hoặc là sự thô bạo, áp đặt, mất lòng dân; hoặc là thiếu sức sống, trở nên khô cằn và triệt tiêu tác dụng vốn có của nó./.

 

..................

(Ảnh đăng kèm, nếu cái một mình không đẹp thì có thể lấy cái “GS, TS Đinh Xuân Dũng trao đổi cùng NSND Đặng Nhật Minh và NSND Trà Giang, tại hành lang một hội nghị về VHNT)


Có thể bạn quan tâm