March 28, 2024, 10:29 pm

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

Với sự hỗ trợ của Quỹ PCTH thuốc lá, 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá. Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá được đẩy mạnh qua tổng đài tư vấn của bệnh viện Bạch Mai với hơn  30.273 lượt cuộc gọi được tư vấn cai nghiện thuốc lá từ năm 2015 đến nay.

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN CƠ SỞ Y TẾ KHÔNG KHÓI THUỐC

Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định các Quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc lá: “… ở những nơi làm việc trong nhà, các phương tiện giao thông công cộng, những nơi công cộng trong nhà và ở mức thích hợp tại những nơi công cộng khác”.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2013) (trích)

Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại  thuốc lá.

1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên các địa bàn dân cư vào hương ước.

3. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của Pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.

1.  Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:

a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại điều 6 của Luật này;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe của toàn dân. Hơn bất cứ ngành nghề nào khác, ngành y tế cần đi đầu ủng hộ phong trào này.

 Cán bộ y tế cần nêu gương cho cộng đồng về ý thức bảo vệ sức khỏe thông qua việc không hút thuốc lá và tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá trong cơ sở y tế.

Ngoài việc phù hợp với mục tiêu chung của ngành, thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế cũng đem lại những lợi ích rất thiết thực:

- Bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế, giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

- Bảo vệ được hình ảnh đẹp của người thầy thuốc.

- Cán bộ nhân viên y tế không hút thuốc lá là đóng góp vào công tác giáo dục và khuyến khích bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

- Tạo môi trường trong lành giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn.

- Giảm thiệt hại về kinh tế do giảm số lượng cán bộ y tế vắng mặt vì mệt mỏi hay bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra.

- Giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong cơ sở y tế.

- Kinh tế gia đình của cán bộ y tế sẽ được cải thiện do chi phí hút thuốc giảm.

VIỆT THẮNG

(Nguồn Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế)

Theo Văn nghệ số 20/2019

 


Có thể bạn quan tâm