April 25, 2024, 6:05 pm

WEF ASEAN 2018: Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng

Chủ tịch Diễn đàn WEF Borge Brende khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh (VBS) đã mô tả Việt Nam đã có sự tăng trưởng tuyệt vời khi GDP tăng gấp hai, giá trị xuất khẩu tăng gấp ba lần. Phát biểu khai mạc VBS, thay cho việc liệt kê các thành tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thẳng vào những yếu kém của doanh nghiệp.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các tập đoàn toàn cầu. Ảnh Internet

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), sự kiện mang tầm khu vực trong lịch sử 27 năm củaWEF, diễn ra từ 11 đến13/9, tại Hà Nội, đã quy tụ nhiều nguyên thủ từ các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự. Sự kiện vừa qua khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước tham dự WEF ASEAN 2018. Chiều 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp Tổng thống thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự WEF ASEAN 2018. Tổng thống Widodo đánh giá cao Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà đã tổ chức chu đáo, tạo nền tảng cho thành công của WEF ASEAN lần này. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển và ứng dụng các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ số.

 

hội lớn để phát triển

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng. Nhất trí thúc đẩy đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước nhằm sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng phù hợp với cả hai bên và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); giúp mở ra cơ hội to lớn hơn trong lĩnh vực hợp tác biển, nghề cá giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường và có vai trò trung tâm trong khu vực. Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và dự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất.

Trước đó, sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sang dự Hội nghị. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong ASEAN nhằm cụ thể hóa tinh thần tự cường và sáng tạo, thúc đẩy đoàn kết, đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững những nguyên tắc mà ASEAN đã nhất trí trong các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy đà tích cực của tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực hiện nay, phối hợp cùng các nước sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Trong buổi tiếp Gs. Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng đánh giá cao WEF phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc xây dựng chủ đề, nội dung, chương trình Hội nghị lần này; nhấn mạnh chủ đề Hội nghị năm nay phù hợp với xu thế của thế giới, đáp ứng quan tâm và lợi ích của các nước ASEAN, gắn kết với chủ đề của ASEAN 2018 là "tự cường và sáng tạo". Thủ tướng đề nghị WEF ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và WEF thời gian tới. Đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và khu vực, Gs. Klaus Schwab tin tưởng với uy tín của Việt Nam, Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ thành công tốt đẹp. Gs. Schwab cũng đánh giá cao thỏa thuận hợp tác với Việt Nam được ký tại Hội nghị WEF Davos năm 2017. Nhấn mạnh, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực WEF có thỏa thuận hợp tác; cam kết WEF tiếp tục phối hợp với Việt Nam thực hiện hiệu quả thỏa thuận này và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sẵn sàng, tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Gs. Schwab khẳng định, WEF tiếp tục hợp tác để kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới.

 

Cách mạng 4.0 đang diễn ra

 

Trước đó, ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nhân dịp sang tham dự WEF ASEAN 2018. Trong cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương; ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đang thăm Việt Nam và tham dự WEF ASEAN 2018. Ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn WEF đã ca ngợi Việt Nam khi phát biểu tại VBS chiều 13/9. Kể từ lần cuối tổ chức WEF tại Việt Nam năm 2010, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ông Borge Brende mô tả Việt Nam đã có sự tăng trưởng tuyệt vời khi GDP tăng gấp hai, giá trị xuất khẩu tăng gấp ba.

Trong phiên bế mạc diễn ra trước Hội nghị VBS, ông Borge Brende cho biết đã đặt nhiều câu hỏi về bài học có thể rút ra cho các nền kinh tế phát triển khác. Trong đó, ông nhận thấy Việt Nam là một minh chứng tốt cho việc đẩy lùi đói nghèo với các chính sách đúng đắn. Việt Nam trong mắt của Chủ tịch WEF đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc với dự báo GDP năm 2018 đạt khoảng 7%, giá trị thị trường chứng khoán tăng gấp hai, thương mại vững chắc, vốn FDI tăng liên tục. "Nếu như năm 1990, 50% người dân Việt Nam sống trong đói nghèo thì nay tỷ lệ chỉ còn 3%", ông cho biết. "Tuy nhiên, Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng", ông nhấn mạnh và cho biết khi đến Việt Nam hai tháng trước, ông nhận thấy Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải cách, thay đổi chính sách để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do, thông qua các hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết mà CP TPP là ví dụ điển hình. Doanh nghiệp Nhà nước cũng được cải cách. Hiện các doanh nghiệp này đang đóng góp 1/3 GDP cho nền kinh tế, nhưng trong quá khứ, Doanh nghiệp Nhà nước kém cạnh tranh hơn kinh tế tư nhân. "Những điều này đang thay đổi, Chính phủ đang tư nhân hoá Doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường quản trị những tập đoàn còn yếu kém", ông cho biết. Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được đánh giá cao khi cải thiện trong bản xếp hạng của World Bank từ 82 lên 68.Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, Chủ tịch WEF cho biết Việt Nam cần cải thiện tính cạnh tranh. Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giáo dục, về hiệu quả của thị trường lao động. "Cách mạng 4.0 đang diễn ra", ông Borge Brende nói và cho biết việc thay đổi nhanh chóng là điều cần thiết.

 

Phải cùng cách hiểu với thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng Phúc thừa nhận doanh nghiệp Việt Nam chỉ thích những khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm… Chiều 13/9, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, Hội nghị VBS 2018 với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy” đã thu hút sự tham dự của 1.200 doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu thế giới. Phát biểu khai mạc hội nghị, thay cho việc liệt kê các thành tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thẳng vào những yếu kém của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đề cập rõ nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém ấy, mà trên rất nhiều diễn đàn trước đó các doanh nghiệp đã lên tiếng về chính sách thất thường, thậm chí chọi nhau giữa các Bộ, Ngành quản lý nhà nước.

Diễn ra đồng thời với diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người” trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, theo ghi nhận của phóng viên trong nước và quốc tế tại hội thảo “Để khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thêm hiệu quả”, cho thấy nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đãkhông cùng cách hiểu với thế giới về kinh tế thị trường. Trình bày tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, nhìn nhận sở dĩ các chính sách dành cho khởi nghiệp tại Bến Tre vẫn chưa tạo động lực phát triển cho những doanh nhân, là vì cách vận hành của bộ máy hành chánh còn nặng nề, chậm thích nghi với đòi hỏi chung của nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Phương Lam, Chủ tịch Mạng lưới khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, nói rằng có thể hiểu thêm về vận hành của những nhà quản trị quốc gia trong lãnh vực kinh tế, đặc biệt là khởi nghiệp thông qua vụ lùm xùm giữa bà Ba Huân và Vina Capital. Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do Vina Capital quản lý thông báo đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm của Ba Huân. Sau gần nửa năm hợp tác, Ba Huân đã có văn bản nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với Vina Capital. Tương tự, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng yêu cầu sự can thiệp của các lãnh đạo trung ương để bảo vệ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao doanh nghiệp lại thường xuyên yêu cầu lãnh đạo trung ương, trong đó có thủ tướng, để giải quyết các khó khăn phát sinh trong kinh doanh như vậy? Thực tế này dường như thể hiện một nghịch lý là việc mở cửa phát triển kinh tế dẫn đến tranh chấp phát sinh nhiều hơn, nhưng các bên, hay một bên của Việt Nam trong tranh chấp, không tin rằng pháp luật có đủ quyền năng để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Nghịch lý này có thể dẫn tới nhiều bất an, nghi ngờ, căng thẳng cũng như gây tốn kém nguồn lực kinh tế của toàn xã hội.

Một số ý kiến của giới quan sát cho rằng, tham gia nhóm đàm phán trong một dự án khởi nghiệp trong ngành truyền thông với đối tác Vina Capital, có đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Các văn bản soạn thảo cũng đều là song ngữ. Tuy nhiên, điều mà những luật sư đối tác, dẫu là người Việt đi nữa, cũng khó quen với cách giải quyết của Việt Nam là hay nhờ vả sự can thiệp từ mối quan hệ quan chức, bao gồm cả thủ tướng. Thay vì ở đây phải là phần việc của tòa án, của trọng tài. Bởi nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên thì thông thường với cách hiểu chung của nền kinh tế thị trường, sẽ có 4 cơ chế để giải quyết tranh chấp, gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, tòa án; không có cơ chế cầu cứu như ở Việt Nam./.

 


Có thể bạn quan tâm