April 25, 2024, 10:42 pm

W.Burchett – Người bạn chiến đấu thân thiết của báo chí và nhân dân Việt Nam

KỶ NIỆM 96 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 – 21/6/2021)

Khi nhà báo Wilfred Burchett qua đời (2/10/1983) ở Bulgari, quê hương vợ ông, các đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc. Nhà văn Thép Mới đưa tiễn ông với bài báo xúc động mang tít Người bạn chiến đấu của Việt Nam. Sau đó nhiều năm, một đồng nghiệp khác lại viết về ông, gọi ông là “người bạn tận tụy của Việt Nam”. Tháng 9 năm 2011, tại triển lãm ảnh “Wilfred Burchett và Việt Nam” được tổ chức ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà báo ưu tú này; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó đã bày tỏ cùng con trai ông - George Burchett lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với những cống hiến của ông dành cho sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam và gọi ông là “một ân nhân, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam”.

W.Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ. (Nguồn The Australian)

Không phải ngẫu nhiên mà Wilfred Burchett đã được Chính phủ ta trao tặng Huân chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất. Đó là sự đánh giá cao những hoạt động của ông dành riêng cho Việt Nam. Thật xúc động khi đọc bức thư của ông gửi cho ba đứa con yêu quý được viết tại chiến trường miền Nam Việt Nam, trong đó ông tâm sự cùng các con: “Cha đang làm việc vì một sự nghiệp rất vẻ vang. Giúp đỡ nhân dân miền Nam Việt Nam bảo vệ đất nước của họ và đánh tan bọn đế quốc Mỹ, những kẻ đang cố chiếm lấy miền Nam rồi xâm lăng miền Bắc Việt Nam”. Với tấm lòng của nhà báo tiến bộ, thiết tha yêu chính nghĩa, ông nói với các con: “Nhân dân Việt Nam là những người bạn rất thân thiết của chúng ta”.

Nhà báo người Australia này là một trong số ít những người cầm bút quốc tế đầu tiên đến với Việt Nam và liên tiếp trong rất nhiều năm viết báo, viết sách bày tỏ sự gắn bó sâu sắc với cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của nhân dân ta. Những bài báo và các tập sách như: Bắc vĩ tuyến 17 (1955), Việt Nam: câu chuyện bên trong cuộc chiến tranh du kích (1965), Bắc Việt Nam (1966), Việt Nam sẽ thắng (1967)... thuộc vào những tác phẩm ưu tú, nóng hổi, đầy sức mạnh chiến đấu của ông. Cũng cần nói ngay rằng, trong các tập sách ấy, ông cho in cả hàng trăm bức ảnh do chính ông chụp, vừa có giá trị thời sự vừa có giá trị lịch sử. Nếu chỉ nhìn riêng về khía cạnh nhiếp ảnh, ông xứng đáng được thừa nhận là một nhà nhiếp ảnh tài năng. Những bức ảnh được giới thiệu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cuốn hút đông đảo khán giả Việt Nam và quốc tế trong suốt thời gian mở cửa. Thật ra, “kho ảnh” của ông - như con trai ông cho biết - có tới hàng ngàn tác phẩm đã chụp ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong những thời kỳ khác nhau. Riêng ở triển lãm nói trên, ngoài một loạt chân dung Bác Hồ và các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, có thể chia làm hai phần: những hình ảnh của miền Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại và của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Thời gian đã lùi xa, những bức ảnh ông chụp cùng những bài báo, trang sách ông viết giúp chúng ta sống lại các giai đoạn lịch sử nói trên, đó là không khí hối hả ở miền Bắc những năm đầu xây dựng lại sau chiến tranh, từ các công trường xây dựng thủy lợi, đắp đập, những người thợ cưa gỗ làm tà vẹt đường sắt đến những người nông dân làm cỏ lúa, các bè nứa chở tà vẹt xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, những phiên chợ ở Điện Biên Phủ, những bản làng người Thái ở Tây Bắc, những người thợ điển hình. Đó là không khí nóng bỏng trong những ngày chống chiến tranh phá hoại do giặc Mỹ gây ra, được phản ánh bằng ảnh và lời như một bản anh hùng ca đầy khí thế chiến thắng. Chúng ta, những độc giả và khán giả của hôm nay, được gặp lại hình ảnh các chị em phụ nữ trong lao động sản xuất và chiến đấu, các em nhỏ đi học dưới làn bom đạn và các cụ già rất đỗi lạc quan. Chúng ta càng nhớ đến các nữ tự vệ trong các nhà máy ở Hà Nội (như nhà máy dệt 8/3), trong bệnh viện dã chiến sơ tán trong một ngôi chùa ở Gia Lâm, cả những em nhỏ bên hồ Hoàn Kiếm và những lứa đôi trong phút yên tĩnh tại công viên Thống Nhất… Đáng nói nhất là hai năm liền (1962-1964), Wilfred Burchett đã hoạt động ở miền Nam nước ta như một chiến sĩ giải phóng thực thụ, cũng bộ quần áo bà ba, quàng khăn rằn, đội nón hoặc mũ tai bèo, chân đi dép lốp với chiếc xe đạp cũ. Ông có mặt và chiến đấu cùng các chiến sĩ du kích ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, trong những đêm lửa trại, tại phòng xét nghiệm dã chiến trong rừng, sản xuất lựu đạn. Ông không quên nói đến những cuộc tập văn nghệ trên núi rừng, các chiến sĩ đã ca hát trong những ngày gian khổ… Tất cả những bài viết và hình ảnh do ông viết ra, ghi lại đều đã được báo chí quốc tế phản ánh đầy đủ, trung thực, góp phần không nhỏ vào việc làm cho bè bạn khắp năm châu hiểu sâu hơn về cuộc chiến đấu của nhân dân ta, để rồi, như được tiếp thêm lửa, càng khẳng định mạnh mẽ tình đoàn kết keo sơn với cuộc chiến đấu đó.

*

Trong đời mình, tôi chưa bao giờ được gặp ông, nhưng qua sách báo và hình ảnh của ông, tôi thấy Wilfred Burchett thật gần gũi. Một người bạn của ông, nhà báo Đức Franz Faber đã kể tôi nghe về ông, về nhà báo Pháp Madelene Riffaud khi ông cùng họ được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch ngay sau ngày Người từ Việt Bắc về Hà Nội. Và tôi được biết Burchett đã từng hoạt động báo chí trong những năm 30 của thế kỷ trước ở Berlin. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông lại viết và phát đi những thiên phóng sự từ Berlin cho Daily Express. Riêng ở Đức, tôi đã đọc khá nhiều cuốn sách hấp dẫn, đầy sức cuốn hút của ông. Cho đến nay, tôi còn nhớ các tác phẩm: Bình minh ở châu Á (1948), Cuộc chiến tranh lạnh ở Đức (1950), Trung Hoa biến đổi (1952), Bên bờ sông Mekong (1959), Đất nước nóng bỏng (tập phóng sự về Liên Xô, 1962), Những người du kích chống các tướng lĩnh (1965)… Ấn tượng sâu sắc của tôi về tác phẩm của ông là: Ông không chỉ thể hiện những sự kiện diễn ra trước mắt ông, mà ông còn tìm mọi cách đi sâu vào thế giới nội tâm của các nhân vật mà ông phản ánh. Chính chiều sâu tâm hồn, những niềm vui, nỗi buồn, những khát vọng của con người về cuộc sống, niềm tin sắt đá vào ngày mai tốt đẹp, làm cho những trang văn của ông càng thấm đượm chất nhân văn, chất trữ tình. Ấn tượng của tôi càng được khẳng định khi tôi nghe câu chuyện của nhà thơ Giang Nam kể lại sau ngày gặp Burchett. Đó là năm 1964, đang ở chiến trường miền Nam, Burchett hỏi Giang Nam: “Nghe nói bạn đã có gia đình và hai vợ chồng vẫn sống xa nhau, điều đó có ảnh hưởng gì đến công việc và hạnh phúc gia đình không?”. Nhà thơ của chúng ta trả lời: “Tất nhiên là có rồi, nhưng chúng tôi đã quen dần. Chúng tôi vì công việc và vì bom đạn Mỹ nên có lúc 5,7 năm thậm chí 10 năm phải sống xa nhau trong nỗi nhớ thương da diết”. Nhà báo Australia nắm lấy tay nhà thơ và nói:

“Xin cảm ơn bạn đã tâm sự chuyện riêng tư ấy với tôi. Thật khó tưởng tượng các bạn đã sống như thế. Tôi càng hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”.

Từ các bài viết và hình ảnh của ông nói về Việt Nam, người con trai ông đã dựng lên hai bộ phim tài liệu: Trong bưng biền Việt CộngỞ miền Bắc Việt Nam dưới bom đạn. Không phải ngẫu nhiên mà con trai ông, họa sĩ George Burchett, đã nói về cha mình rằng: “Cha tôi đến với Việt Nam từ tiếng gọi của chính trái tim mình. Việt Nam là phần quan trọng nhất trong đời làm báo của cha tôi. Đọc sách và xem ảnh của ông, càng khám phá ông, tôi càng ngưỡng mộ ông. Ông là một nhà nhân đạo thực sự. Ông đã giúp tôi hiểu hơn về thế giới. Thế giới này thật khó khăn và cần những người như Wilfred Burchett dũng cảm đương đầu với hiểm nguy, đến tận nơi để giải thích cho mọi người về thế giới. Ông giúp tôi biết rằng không nên hoài nghi, cần lui vào chính mình, tin vào loài người, cần hiểu người khác, cần tin vào người khác”.

Tầm vóc lớn lao về sự nghiệp của Burchett mãi mãi được tôn vinh - một sự nghiệp vì chính nghĩa. Vì lẽ đó, Nichk Shimmin, trong lời nói đầu tác phẩm Nhà báo nổi loạn của Burchett, khẳng định ông là “nhà báo lớn nhất của Australia, là một trong những nhà báo đối ngoại ưu tú nhất trên thế giới”. Còn Denis Warner thì ca ngợi: Một trong những tính cách kiệt xuất của ông là lòng quả cảm vĩ đại”.

Nguồn Văn nghệ số 25/2021


Có thể bạn quan tâm