March 28, 2024, 3:08 pm

Vượt sông

Nói đến những nỗi sợ thì Hạ sợ nhất tập bơi. Năm hơn bốn tuổi, lần đầu tiên cậu được ông cho đi học bơi. Ông chở cậu bằng xe máy đến một con sông cách nhà chừng hơn một cây số. Triền sông ở đây thoai thoải, cát non rất mịn. Có rất nhiều người tắm. Nhiều người cũng mang con cháu ra đây học bơi, có đứa còn bé hơn cậu, chúng được bỏ trong những chiếc phao bơi đủ các màu sắc. Hạ nhìn bãi tắm thật náo nhiệt, thích thú vô cùng.

 

Minh họa của ĐẶNG TIẾN

 

Ông cậu không tắm. Ông cởi quần áo cậu ra rồi dẫn xuống nước. Lúc ở mép nước, cậu rất thích nghịch nước. Cậu lấy chân dẫm vào nước làm nó bắn tóe lên. Thích nhất là lúc cậu cúi xuống vớt nước trong lòng bàn tay và cố gắng để nắm lấy chúng nhưng không sao giữ được. Những người tắm xung quanh nô nghịch té nước lên đầy mặt, làm cho cậu phải lấy tay vuốt lia lịa và tìm cách tránh. Ông tiếp tục dắt cậu ra xa hơn. Khi nước ngập đến bụng là cậu không dám đi xa hơn nữa và sợ hãi bám chặt lấy người ông rồi cố choài đòi vào bờ. Ông bế hẳn cậu lên. Nước sông ở đây rất nông. Lội đến ngang mông, ông liền thả cậu xuống rồi đứng lùi ra. Nước mấp mé cằm khiến cậu sợ hãi vô cùng nhưng không thể nhoài về phía ông được. Ông cậu tiến lại, nâng cậu lên bằng hai tay cho ngang với mặt nước. Cậu vùng vẫy và đòi vào bờ. Ông bảo: “Không được”. Cậu cố gắng nâng mình lên, dùng hai tay bám chặt lấy cánh tay của ông đu lên rồi ôm chặt lấy cổ. Cậu cứ nhùng nhằng như một con đỉa bám lấy cổ của ông. Ông vừa gỡ tay cậu ra, vừa nói:

“Cháu phải học bơi. Đàn ông là phải biết bơi. Nếu không biết bơi sau này sẽ chết!”.

Thấy ông nói thế cậu càng sợ hãi và gào thét đòi vào bờ. Cậu không muốn chết song cậu cũng không muốn học bơi mà chỉ thích vày nước. Ông cậu khuyên: “Bình tĩnh nào, dũng cảm lên. Có ông ở đây, sợ gì chứ!”. Ông gỡ được tay cậu ra rồi lại đặt cậu nằm ngang như trước rồi nói: “Muốn biết bơi thì phải biết nổi lên trước đã”. Cậu không biết ông cậu nói gì. Cậu cố gắng vùng vẫy, quẫy đạp, hai tay sục nước, vung đập loạn xạ. Nước bắn tung tóe. Cậu úp mặt xuống nước, lúc sau không ngẩng được mặt lên, hít nước, sặc sụa. Ông nâng phía đầu lên cao, cậu vừa vuốt mặt vừa ho, mồm há hoác, hét lên. Cậu bắt đầu khóc, đòi bằng được ông cho vào bờ. Trong lúc vùng vẫy cố nâng đầu lên để thở, móng tay cậu cào vào ngực ông rớm máu. Mắt ông cậu long lên. Cậu cố nhìn vào đấy thấy nó xẫm lại, đen tối, lòng trắng như màu nước lúc cậu nhìn thấy dưới nước, cuộn lên, rất đục. Mùi nước tanh như mùi nước mũi. Cậu càng khóc to hơn và hét lên ầm ầm. Mọi người đang tắm quay lại nhìn. Có người bảo: “Trẻ con nhát lắm. Bác cho nó vào bờ đi”. Ông cậu hầu như không quan tâm tới xung quanh. Ông vẫn nâng cậu nằm ngang như thế rồi bảo:

“Tập bơi phải rất dũng cảm không khác gì người lính xung trận. Dũng cảm lên! Nhát thế! Nhát là chết!”

Ông liên mồm quát tháo làm cho cậu càng sợ. Cậu không biết người lính, không biết dũng cảm là thế nào mà chỉ thấy sợ. Cậu rất sợ ông cứ để cậu úp mặt xuống nước nên cứ bám chặt vào người ông cả chân lẫn tay. Mọi người xung quanh tiếp tục nhìn. Có người còn tiến đến gần hơn, khuyên ông tập bơi cho trẻ con phải từ từ, kiên trì và có bài. Ông cậu nói vẻ rất bực mình: “Các người thì biết cái gì”. Người kia lắc đầu rồi nhoài người bơi ra xa. Cậu vẫn mếu máo, lần này thì đòi về nhà hẳn.

Buổi tối hôm ấy thật nặng nề. Không biết có ai đó đem chuyện dạy bơi của ông cậu nói lại cho mẹ cậu biết. Bố cậu rất giận. Ăn cơm xong, bố bảo muốn nói chuyện với ông. Mẹ cho cậu lên phòng rồi đưa chiếc điện thoại để cậu chơi. Cậu cắm mặt ngay vào màn hình. Một lúc thấy to tiếng ở dười nhà, cả hai mẹ con cùng chạy xuống. Bố cậu ngồi ghế đối diện. Ông cậu đang đứng quay lưng về phía hai người. Ông cố nói nhỏ nhưng dù ở tầng hai cũng nghe rõ:

“Nó là một đứa rất nhát. Phải rèn cả tính gan dạ cho nó. Muốn trở thành một người lính dũng cảm, phải có lòng can đảm”.

Bố cậu nhìn thẳng vào ông:

“Bố nên nhớ thằng bé chỉ mới hơn bốn tuổi. Nó còn rất nhỏ”.

“Bốn tuổi anh đã choảng vỡ đầu con nhà hàng xóm, anh còn nhớ không?”

“Nói chuyện học bơi đi – Bố cậu đứng bật dậy, hét lên - Con không đồng ý cho nó học bơi quá sớm. Biết bơi sớm không có gì đáng tự hào cả”.

Nhìn thấy hai mẹ con đứng ở đầu cầu thang, bố khoát tay ra hiệu cho họ lên phòng. Cậu vẫn còn nghe rõ tiếng ông phía sau:

“Nếu không biết bơi sau này sẽ chết!”

Tiếng của bố:

“Không biết bơi không chết mà chết vì cách dạy bơi của ông”.

Đêm hôm ấy, cậu nằm nghe bố mẹ cậu nói chuyện với nhau.

“Em nghe bao nhiêu lần ông bảo: “Nếu không biết bơi sau này sẽ chết”.

 “Ừ, anh cũng thấy thế”.

“Này anh, anh còn nhớ khi sinh thằng Hạ không? Lúc đón con từ bệnh viện về, cả nhà vui mừng. Thấy ông nhìn thằng bé đắm đuối, em trao nó cho ông. Ông bế nó trên tay rồi nựng: “Cháu ngoan của ông. Chúc con chăm ăn chăm lớn nhé! Biết đi là ông sẽ dạy cháu bơi. Nếu không biết bơi sau này sẽ chết!”. Cả nhà ai cũng phản đối cho là nói gở. Em cứ lo suốt từ dạo ấy. Có điều gì đấy không ổn, phải không anh?”

“Anh nhớ chứ. Anh còn thấy sắc mặt ông lúc ấy. Kỳ lạ! Hai mắt ông tối lại như trời có cơn mưa ấy. Trông rất sợ”.

“Đừng nhắc lại, Em hãi lắm! Có khi nào thần kinh của ông bị bom đạn nhập vào, hay ông bị ngấm chất độc da cam?”

“Không. Mà anh cũng không biết nữa. Bom đạn đâu phải con ma mà nó nhập vào. Anh được đẻ ra rồi ông ấy mới đi B. Sau này về không thấy mẹ đẻ nữa, không biết có đúng không? Từ khi bố phục viên về nhà toàn nói chuyện lính mà chuyện lính thì có gì hay ho lắm đâu!”

“Kể cũng lạ. Thời chiến tranh người ta nhắc đến người lính, thời bình thì “chim khôn hết cung nỏ bỏ xó”. Cơ mà, ông đi lính, người ta cũng đi lính. Thời của ông, cả Việt Nam này đi lính, nhưng họ khác, về nhà rồi lập tức quên ngay chuyện lính. Đúng, lính kể thì lính nghe. Anh nói đúng lắm! Em sợ thần kinh của ông có vấn đề”.

“Ừ, kể cũng lạ, lúc nào cũng lo chuyện biết bơi. Thời nay không còn lũ lụt, ao, hồ chết hết, sông cũng khát nước. Học bơi để khỏi chết đuối thành thừa. Bơi bây giờ chỉ còn là một môn thể thao thôi”.

“Sao anh không nói với ông?”

“Rồi, nhưng cũng bằng thừa mà thôi”.

Sau lần ấy, bố cậu không đồng ý cho ông dạy cậu bơi nữa. Ông gặng hỏi: “Thế bao giờ thì anh cho nó học bơi?” – “Lên sáu tuổi, nhưng con chỉ đồng ý cho nó tập trong bể bơi”. Ông rất buồn. Lên năm tuổi ông cố gắng thuyết phục bố cậu cho cậu đi bơi. Cứ đến bữa ăn là ông lại nói đến chuyện này, gần như ông không có chuyện gì khác ngoài chuyện đi bơi. Hai người không hề to tiếng với nhau. Bố cậu không tranh cãi chỉ nói: “Con không đồng ý”. Ông quay sang vận động mẹ cậu làm cho mẹ cậu hoảng sợ vội vàng buông bát, nói con ăn xong rồi, mọi người cứ ăn đi, khi nào xong thì anh gọi em nhé!

Ông cậu thuê thợ mộc đóng một thứ non bàn, già ghế, chân cong rất giống đồ chơi của trẻ Mẫu giáo. Hôm mang chiếc ghế về, bố cậu hỏi: “Nó là cái gì mà hay thế?” – “Giáo cụ bơi cạn”. Bố mẹ cậu đưa mắt nhìn nhau chỉ biết thở dài. Ông đi đón cậu từ lớp Mẫu giáo về, vừa nhìn thấy là cậu đã muốn leo lên. Ông chỉ tay giới thiệu: “Đây là thiết bị huấn luyện học bơi hiện đại nhất. Quân đội Mỹ cũng không có mà dùng”, nói rồi nằm lên làm mẫu. Chiếc ghế tròng trành nhưng không làm ông bị ngã. Ông giới thiệu các kiểu bơi: Bơi ếch, bơi ngửa, bơi bướm, bơi sải, bơi tự do… sở dĩ nó tròng trành vì làm giả sóng nước, các học viên cần phải làm quen để tránh say sóng. Bố cậu nhìn ông làm mẫu xong thì lắc đầu bỏ đi. Ông giúp cậu nằm lên ghế bắt đầu tập cạn. Mới đầu cậu cũng thích nhưng chỉ được một lúc là chán nhè. Nó hoàn toàn không dễ chơi như những thứ đồ chơi trong Mẫu giáo. Ông đặt lịch, bắt cậu mỗi ngày đi học về phải tập một tiếng rồi mới được đi chơi. Cậu liền bàn với ông xả đầy nước vào bồn tắm để cậu tha hồ được vày nước trong đó. Ông cậu suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Được đấy”. Ông nhớ tới lời khuyên của người khách tắm trên sông năm ngoái và trước khi thả cậu vào bồn tắm, ông bắt cậu thuộc bài trên chiếc ghế gỗ. Động tác của các bài tập tương đối tốt nhưng cậu không thể diễn tập nổi trong chiếc bồn tắm chỉ dài chưa đến gấp rưỡi người cậu và trơn tuồn tuột. Rất nhiều lần cậu vung tay hoặc đập chân lên miệng chậu. Tất nhiên là cậu bị đau. Bố mẹ cậu bận tíu tít cả ngày nên việc tập bơi trong bồn tắm trở thành điều bí mật giữa hai ông cháu và điều làm cho họ ngạc nhiên, trong mọi bữa ăn, hai người không thấy ông nhắc đến chuyện bơi khiến họ tạm thời tận hưởng không khí vui vẻ, yên bình nhưng vẫn luôn thấy lo lắng, phập phồng.

*

Hai người cởi quần áo dài, cuộn bỏ vào hai chiếc mũ bảo hiểm. Hạ thấy ông lấy từ xe máy ra hai chiếc túi nilon khâu kín miệng nhưng vẫn để thủng một lỗ nhỏ, một cái bơm, một cuộn dây dù. Cậu hỏi: “Để làm gì ạ?” – “Tý nữa khắc biết”, rồi ngồi xuống bờ cát. Mặt sông lặng sóng. Không có gió nhưng nước cứ dềnh lên, tụt xuống như lắc. Hạ không hiểu chuyện gì xảy ra với con sông này. Nó không giống với mọi hiện tượng địa lý thông thường. Ông chỉ xuống sông rồi nói:

“Ông chọn chỗ này để tiến hành tập bơi. Ấn tượng lắm đấy! Ở đây nước sâu, không có sóng, kín đáo, không bị ai làm phiền. Cháu biết không, trước đây một tháng, chỗ này còn rất đẹp, thơ mộng”.

Hạ thấy quang cảnh chẳng có gì ấn tượng và thơ mộng cả mà chết chóc thì đúng hơn, liền nhổm dậy quan sát. Phía sau lưng cậu, bờ sông dựng đứng, có một vườn cây đang thu hoạch. Cây chặt hết ngọn, lá và cành nhỏ đã được dọn sạch. Thân cây hầu hết như nhau, thống nhất theo một kiểu chết đứng, nhưng những cành to chẽ ra, cưa cụt, hình thù quái đản. Bên kia, dọc theo mái cơ đê, người ta phun thuốc diệt cỏ giống như một cơ thể bị lột da. Lùi xa khỏi tầm mắt mới nhìn thấy màu xanh của cỏ, dài tít tắp. Nhìn sâu vào trong, thấp thoáng có những nóc nhà mái bằng. Hạ công nhận những điều ông nói, vừa tưởng tượng, vừa tưởng nhớ đến một vườn cây rộng, xanh ngắt phía sau lưng và một thảm cỏ dày, mịn màng phủ kín bờ sông trước mặt. Hạ ngồi xuống ngắm mặt sông lại một lần nữa, và bằng cách kéo lê xuống gần hơn rồi thọc hai chân xuống nước. Nước dềnh lên từng đợt, cao nhất làm ướt phần mông. Cậu nói với ông:

“Con sông này lạ nhỉ. Nó có bị làm sao không ạ?”

“Không phải con sông mà chỉ đoạn sông ở đây có hiện tượng này. Còn nó có bị làm sao không thì ông không biết”.

“Sao hôm nay ông lại chọn đoạn sông này. Nước ở đây chắc sâu lắm? Cậu im lặng một lúc rồi hỏi tiếp vẻ sốt ruột - “Tập bơi chưa, ông?”

“Hôm nay sẽ bơi, không tập”.

Hạ thấy thất vọng. Cậu muốn dành cho ông một bất ngờ. Năm nay Hạ vào lớp Hai và lớn rất nhanh. Suốt kỳ nghỉ hè năm lớp Một và cả những tháng sau tết trước đó, thời tiết chẳng khác gì mùa hè, cậu được một người bạn của bố cho đi học bơi thường xuyên. Hiện tại cậu có thể bơi được hai, ba vòng quanh bể bơi dành cho người lớn.

Ông cậu đứng dậy, cậu đứng dậy theo. Hóa ra ông cậu lại dành cho cậu điều bất ngờ lớn hơn. Lớn đến nỗi cậu quên luôn chuyện muốn khoe với ông rằng mình đã biết bơi.

“Ông biết cháu đã biết bơi rồi, mặc dầu chưa giỏi. Thế là ông yên tâm”.

Thì ra ông cậu đã biết tất cả. Điều này thì cậu phải công nhận người lớn bao giờ cũng biết hơn trẻ con. Cậu hỏi: “Vậy bây giờ ta làm gì trước ạ?”

“Hôm nay ông sẽ kể cho cháu nghe câu chuyện rồi sẽ bơi sau. Cháu đã lớn rồi, nghe được thì hiểu được. Bao nhiêu năm nay ông cứ sống không yên. Khi mẹ cháu mang thai và siêu âm biết cháu là con trai thì ông rất lo. Càng lớn ông lại càng lo. Hằng đêm ông đều nằm mơ trận vượt sông năm ấy. Đêm nào ông cũng mơ thấy nước. Ban ngày, hễ nhìn thấy nước, kể cả nước trong bát cũng biến thành nước sông. Nước chè cũng biến thành nước sông. Ông rất lo sợ, nhưng không biết kể với ai”.

“Vậy là chuyện gì, ông kể cho con nghe đi” - Cậu thấy lạ rồi tò mò hỏi.

Ông cậu chỉ lên vườn cây phía sau lưng rồi nói tiếp:

“Cái vườn cây này cũng y như những cái cây của mấy chục năm về trước. Cây cối bị bom, đạn pháo bắn đổ, cụt. Mặt đất cày nát. Phía bên kia là địa điểm đơn vị phải hành quân qua và tiến sâu vào phía trong. Bờ sông năm ấy còn trơ trụi hơn thế này. Chỉ khác là trên đó có tuyến hàng rào thép gai và đầy mìn. Đơn vị của ông ở cách xa chỗ vượt sông chừng ba cây số. Chờ đến tối là hành quân đến địa điểm rồi tiến hành vượt sông.

Đơn vị do ông phụ trách có một số tân binh mới được bổ sung. Họ còn rất trẻ nhưng có ba cậu sinh viên làm ông rất ghét. Họ luôn làm cho ông phát tức. Họ còn trẻ con lắm – Ông cậu thở dài – Ước gì họ còn sống”. Nói xong mặt ông cúi xuống.

“Sao ông lại ghét họ?”

Cậu bị ông cuốn vào câu chuyện rất nhanh và hỏi chen ngang. Ông cậu ngồi xuống, cậu cũng ngồi theo.

“Kể cháu lớn ít nữa thì hiểu hết nhưng ông không chịu nổi. Bao nhiêu lần ông định kể cho bố cháu nghe nhưng ông không dám, vả lại bố cháu tính khí lạnh lùng. Mỗi lần ông định gợi chuyện chiến tranh thì bố cháu đều không muốn nghe, còn bảo: “Năm nào đài, báo cũng nhắc đến, ù cả tai”. Ông đành thôi, nén nó lại. Còn chuyện ghét ba cậu lính trẻ ấy thì ông không biết nói thế nào. Có những cái ghét vì do không thích, mặc kệ, không quan tâm, ẩn vào trong, không làm hại ai. Có những cái ghét bộc lộ ra ngoài, đối đầu và giết người, hối không kịp. Thoạt đầu, không biết vì đâu, nhưng có lẽ họ còn trẻ quá, lúc nào cũng cười, lại còn tỏ ra lãng mạn, khoe mẽ kiến thức, tình yêu học đường. Ngược lại ba đứa không biết làm cái gì cả, to xác nhưng không dai sức, đào công sự thì thở hồng hộc, tập bò mãi mà vẫn ngổng đít… ở hậu phương thì ba hoa gì cũng được nhưng ra chiến trường không có chỗ cho sự lãng mạn. Lãng mạn đồng nghĩa với nhanh chết. Kinh nghiệm chiến trường thông qua rèn luyện, kỷ luật cao mới mong sống sót. Kinh nghiệm do trải nghiệm nhiều mà có. Ba cậu sinh viên ấy không có thời gian trải nghiệm. Cái gì cũng mới, lạ luôn làm cho họ hoang mang và liên tục bị “đơ”. Huấn luyện tân binh xong rồi đưa thẳng ra chiến trường. Nghe tiếng pháo nổ là nằm chết dí dưới công sự. Sợ. Khóc. Ăn đói. Khóc. Gian khổ không chịu được. Khóc. Nhưng khóc xong là cười được ngay, như những đứa trẻ ấy. Hồn nhiên một cách đáng trách!”.

Hạ nằm ngửa người, cậu vừa lắng nghe ông kể vừa tự hỏi. Có nhiều điều cậu chưa biết nhưng hồn nhiên là gì thì cậu biết. Có thể nào hồn nhiên lại đáng trách không? Cậu nhớ tới những điều xảy ra trong gia đình cậu. Không biết có phải là trải nghiệm không? Sau những trận bơi trong bồn tắm, cậu đã tự nổi được một lúc nhưng cái bồn ngắn quá. Mỗi lần chìm xuống cậu dùng tay quạt nước, dĩ nhiên là đẩy người đi làm cậu va đầu vào bồn tắm. Lúc ấy cậu cho rằng mình cũng bơi được liền bảo ông đi ra sông tắm. Chỉ nghĩ đến ra sông là cậu đã thấy thích. Năm ngoái, lần tập bơi làm cho cậu sợ. Hiện tại không thấy sợ. Ông cậu nói: “Nhưng bố cháu chỉ cho phép lúc cháu lên sáu tuổi, và chỉ được học trong bể bơi thôi” – “Thì cháu gần sáu tuổi rồi còn gì”. Ông cậu đứng suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Không được. Người lính không có kỷ luật là người lính chết!”. Cậu cười trong bồn tắm. Thực cậu không hiểu ý nghĩa câu nói của ông và để làm gì. Cậu định đứng dậy thì ngay lập tức bị ngã xuống làm nước trong bồn trào ra ngoài. Ông cậu cúi xuống, còn cậu thì thào vào tai ông: “Mình đi bí mật, ai biết?”. Ông cậu nghe rồi đứng dậy, cũng không thấy nói gì.

Trong tháng ấy, bố mẹ cậu có việc đi vắng cả ngày. Buổi chiều, ngủ dậy cậu đã thấy ông ngồi bên cạnh. Ông rủ: “Đi tắm đi”. Cậu vô cùng sung sướng, nhẩy ngay ra khỏi giường. Hai ông cháu lập tức lên bãi sông năm ngoái. Ở đây rất đông, ken đặc người tắm, nhất là trẻ con. Cậu nhìn thấy có đứa mang cả chậu thau đi tập bơi. Trong lòng đặc biệt phấn khích. Cậu rất muốn được xuống nước ngay lập tức. Ông dẫn cậu đi lên, cách bãi tắm nông một đoạn. Đoạn này nước sâu, cách bờ vài mét là đã bị ngập đầu. Cậu bắt đầu lội xuống nước nhưng vẫn bám lấy tay ông mặc dù rất muốn tỏ ra “dũng cảm”. Vừa lội nước đến gối là cậu thấy sợ hãi liền trở lui. Sự “dũng cảm” lúc nãy biến mất. Ông đi ra xa hơn, cậu không dám ra. Ông túm lấy cậu, đẩy ra, cậu lại bám lấy người ông y như năm ngoái. Ông cậu giục: “Bơi ngửa nào” rồi giúp cậu nằm ngửa. Cậu rất muốn thử một tý nhưng vừa buông tay ra khiến cậu chìm nghỉm ngay xuống. Sự sợ hãi lập tức ập tới, cậu đạp được vào bùn nhão định đứng lên nhưng nước đã quá đầu. Cậu cố vùng vẫy rồi bám được vào chân ông và trồi lên được khỏi mặt nước. Vừa vuốt nước trên mặt, cậu đòi lên bờ nhưng ông không cho. Cậu cảm thấy ông rất hung dữ, muốn bắt cậu phải bơi bằng được. Cậu vẫn nghe bên tai tiếng của ông: “Dũng cảm lên chứ, mới thế mà đã sợ. Hèn thế! Không biết bơi sau này sẽ chết.”, rồi cậu thấy mình bị nhấc bổng lên và ném ra xa…

Trong khi cậu nhớ lại cuộc bơi đầy hãi hùng ấy, tai cậu vẫn nghe thấy tiếng ông cậu đang kể: “Buổi chiều hôm trước khi vượt sông, ông bắt gặp ba đứa ngồi dưới công sự đang cắt tấm tăng rất dày bằng nilon rồi khâu kín lại thành những chiếc túi, bên cạnh có một cái bơm tay, một hộp keo dán và một cuộn dây dù. Đây là tấm tăng của đơn vị dùng để bảo quản vũ khí, không ngờ bị họ lấy để tự trang bị cho cá nhân. Nhìn thấy ông, ba đứa rất sợ. Ông biết sau khi họ khâu xong túi, bôi keo dán đè lên đường chỉ rồi lộn trái ra ngoài, bơm đầy khí thường vào rồi buộc chặt miệng. Ông rất ghét cái sáng tạo của những kẻ láu cá, vô kỷ luật. Những cái túi khí giúp cho những kẻ lười nhác ít phải vận động hơn nhưng nó sẽ làm giảm tốc độ bơi và nếu nước sông chảy xiết sẽ đẩy họ tách xa đội hình. Đây là cuộc vượt sông sinh tử, an toàn, tốc độ. Cái chết không phải trò đùa. Ông bắt họ cắt nát những túi ni lon ấy ra. Lũ quỷ không hiểu chúng kiếm ở đâu ra những thứ này ngoài mặt trận, nào chỉ, nào kim khâu bao, nào keo chống dãn, lại cả chiếc bơm tay nữa chứ! Ông thu lấy chiếc bơm rồi mang đi, nhắc Tiểu đội trưởng quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình huống ngoài dự kiến. Chuyện lấy tăng sẽ kiểm điểm sau.

Đêm ấy, đội hình chia ra làm ba cánh để vượt sông. Mỗi cánh cách xa nhau đảm bảo an toàn. Ông chỉ huy một cánh. Mới bơi được một phần ba con sông thì bị pháo địch giã xuống. Đêm ấy không có trăng nhưng trời sáng lắm. Tiếng nổ, tiếng gọi nhau hỗn loạn, những cột nước dựng đứng gây sức ép rất lớn, khi cột nước đổ xuống tạo thành những con sóng dữ dội, đau rát. Ông đã nhìn thấy những chiếc phao bơi dã chiến bị sóng đánh bật khỏi tay chiến sỹ, nổi phềnh, nhấp nhô trong sóng nước. Ông ra lệnh bằng mọi giá phải giữ bằng được vũ khí. Ai cũng cố sức để bơi vào bờ một cách nhanh nhất. Giữa lúc ấy, ông nhìn thấy rất rõ một trong ba người lính tân binh chỉ còn tay không đang cố vùng vẫy giữa các đợt sóng và gọi đứt quãng: “Đại trưởng ô, ơ ơ… cứu em với!”. Ông cố gắng bơi lại, đẩy chiếc phao dã chiến về phía ấy nhưng nó bị sóng đánh giạt đi mất”.

Ông cậu lặng đi một lúc. Hạ hỏi: “Hai người lính còn lại có bơi được vào bờ không ạ?” 

“Họ không bao giờ bơi được vào bờ. Khi Đại đội kiểm lại con số, người tiểu đội trưởng báo cáo thiếu ba người lính tân binh. Tất cả họ đều không biết bơi”.

Cậu cố gắng tưởng tượng ra những người lính ấy lúc chìm xuống. Cậu cũng bị chìm xuống, chỉ có điều là cậu được ông vớt lên. Giá như trên lưng họ có những chiếc phao tự tạo, giá như… giá như… Bên tai cậu, tiếng kể của ông lẫn với ký ức ngắn hạn của cậu. Tình huống gay cấn nhất mà cậu vừa nghe, cậu đã kịp gắn nó vào hình ảnh ông lúc nâng bổng cậu lên và ném ra xa. Cậu cũng cuống loạn như thế, cậu muốn sống nhưng cậu không thể tự cứu mình. Hạ lập tức ghi nhớ vào mục dạy bơi trong bản đồ trí nhớ. Suốt đời này cậu sẽ không quên được. Chắc chắn thế! Ông cậu khó khăn lắm mới kể hết câu chuyện. Nó hết sức rời rạc bởi ông ngừng rất lâu. Lúc ấy cậu cảm giác như câu chuyện vẫn còn tiếp tục. Nó còn được kể mãi trong lòng, không có một ai nghe thấy. Trong thời gian im lặng, cậu cố gắng lắp ghép nốt những mảnh ghép của thời gian hơn một năm, chính xác là 387 ngày. Cậu mã hóa các sự kiện của ông và của cậu làm một, theo một cách ghi nhớ đặc biệt và đặt tên cho nó. Một suy nghĩ thoáng qua, rất nhanh và cậu quyết định ghép tất cả mọi sự kiện lại.

Cuối ngày hôm đi công tác về, bố mẹ cậu nắm được hết chuyện. Lần này đích thân cậu kể trong sự sợ hãi. Cậu bị uống khá nhiều nước và đến đêm thì bắt đầu sốt. Hai hôm sau cậu không còn sốt nữa nhưng sự sợ hãi vẫn kéo dài suốt cả tuần lễ tiếp theo. Ông cậu ngày nào cũng quẩn quanh bên cậu với vẻ mặt u buồn nhưng rất khó đánh giá tâm trạng. Cậu không hiểu được, cũng không nhìn thấy gì khác ngoài sự lầm lì, u uất và có cái gì đó như là sự đen tối tráng qua trên gương mặt ấy. Cậu rất muốn hỏi ông tại sao lúc ấy, thay vì cho cậu lên bờ hoặc sang bãi tắm nông thì ông lại ném cậu ra xa. Cậu không giỏi phân tích được như người lớn mà chỉ có trí nhớ là cậu thấy hơn họ mà thôi.

Mọi việc diễn ra trong âm thầm, bố mẹ cậu liên hệ với một người bạn học phổ thông tên là Bắc ở một thành phố khác rồi chuyển trường cho cậu học tại đấy. Thỉnh thoảng cậu được đón về chơi với gia đình rồi lại đi ngay. Tại nơi học mới cậu làm quen với các bạn rất nhanh, nhưng về tới nơi ở lại làm cậu thường xuyên nhớ nhà. Suốt cả tháng hè hết năm lớp Một, cậu được bác Bắc đích thân đưa đi học bơi tại một bể bơi thiếu nhi. Cậu thấy bạn của bố thật là tuyệt vời! Lần bố cậu lên thăm, cậu nghe bố nói với bạn, sau khi đưa Hạ đi rồi, bố mình trở nên im lặng, vẻ mặt căng thẳng. Mình rất lo ông cụ bị ốm. Bác Bắc nói với bố: “Hãy đối xử thật nhẹ nhàng, đừng nhắc tới chuyện cũ, đừng nhắc đến bơi”.

“Tớ không hiểu ông cụ ám ảnh chuyện gì. Hỏi gì cũng không nói”.

“Ông cụ có hỏi lý do chuyển con cậu đi ở chỗ khác không?”

“Có. Tớ nói dối ông việc chuyển Hạ đến chỗ cậu nhờ cậu kèm cho học tốt hơn. Ông cụ bảo ừ, Bắc nó có nghề Sư phạm, cũng tốt”.

Lần khác, thấy bố cậu nói chuyện với bác Bắc, ông đi tìm mua những tấm nilon màu cỏ úa rồi cắt ra khâu thành những cái túi, rồi lại cắt bỏ, cắt xong lại khâu cái khác. Ông cụ bắt mình lùng mua bằng được một cái bơm tay. Tớ thấy lạ lắm, rất thắc mắc, muốn hỏi nhưng không dám. Bác Bắc hỏi:

“Ông cụ làm những thứ đó để làm gì?”

“Tập bơi. Ông lấy dây dù làm dây đeo lên hai vai như khoác ba lô ấy. Chiều nào ông cụ cũng đi bơi”.

“Mình biết ông cụ bơi rất giỏi cơ mà”

“Thế mới lạ. Vợ mình càng lo lắng. Cô ấy sợ ông cụ mắc bệnh mà không dám nói thẳng ra, rồi xui mình hỏi nhưng thấy bố tớ tính khí lạnh lùng. Lại thôi”.

“Giống cậu!”

“Không biết!”

*

“Bây giờ thì mình chuẩn bị xuống nước”.

Cậu thấy ông lấy hai chiếc túi ra, đưa cái bơm cho cậu, luồn vòi bơm vào trong rồi ra lệnh: “Bơm đi”. Khi chiếc túi căng phồng lên, ông liền túm lấy, xoắn lại, cắt một đoạn dây dù buộc chặt. Hai đầu góc túi cùng một phía, ông buộc dây dù thành dây đeo như dây ba lô rồi bảo cậu khoác lên. Ông buộc chặt hai quai dây đeo nằm giữa ngực, rồi bảo: “Bây giờ có thể bơi ra tới biển Đông mà không sợ bị tụt. Chiếc túi còn lại, ông đeo nó lên vai nhưng không cần buộc dây néo. Cậu đã bắt đầu hiểu ra câu chuyện của ông và thấy không cần phải hỏi. Ông cậu hô:

“Chuẩn bị bơi nào”.

Cậu chạy xuống trước, bước qua mép nước rồi quay mặt lại đợi ông đi xuống. Cậu bỗng sửng sốt nhìn thấy bố mẹ cậu đang đứng thập thò bên một gốc cây cụt, bên rìa chỗ bờ sông dựng đứng, hai vai mỗi người khoác chiếc phao. Gương mặt họ trông cũng điêu tàn chẳng khác gì vườn cây. Cậu nhoẻn miệng cười với họ và lập tức ghi nhớ rất nhanh hình ảnh này. Cậu thấy nó rất đặc biệt và rất dễ nhớ. Họ cuống quýt bằng cách ra hiệu, muốn nói cái gì đó nhưng cậu phớt lờ rồi quay người lại, nhìn sang bờ sông trụi cỏ. Bên đó cậu tưởng tượng như có những lớp hàng rào bằng lưới giống hàng rào phơi quần áo nhà bác Bắc và những quả mìn trông như những quả bưởi. Cậu đang mải nghĩ không biết ông mình đã ở sau lưng. Bất ngờ ông ẩy cậu ngã xuống mặt sông. Chỗ này nước vẫn nông nên hai tay cậu chống được xuống mặt cát.

Ông cười sảng khoái, hỏi: “Sợ không?”. Cậu quay mặt nhìn ông, cũng cười tít: “Không sợ”. Hai ông cháu đứng song song. Ông hô to:

“Bắt đầu vượt sông!”.

Và họ cùng lao xuống nước.

Nguồn Văn nghệ số 19/2020


Có thể bạn quan tâm