April 24, 2024, 7:57 am

Vượt qua số phận nghiệt ngã

 

Cầm trong tay quyết định công nhận học sinh giỏi cấp huyện năm 2018-2019, mắt tôi nhòa đi khi Trần Hà Trang lại đạt Học sinh giỏi môn văn. Vậy là cô học trò mồ côi ấy đã tìm lại được chính mình, vượt qua số phận bất hạnh mà có lúc tưởng chừng gục ngã buông xuôi, để viết tiếp ước mơ của bố. Và những kỷ niệm về Trang như một cuốn phim, lần lượt ùa về…

Năm 2017, theo sự điều động luân chuyển cán bộ, tôi về nhận công tác tại trường THCS Đức Thượng. Việc đầu tiên, tôi đã gặp gỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc trò chuyện để lại trong tôi cảm xúc khó tả về những mảnh đời bất hạnh: nào bố mẹ ly hôn; rồi bố mẹ đi tù phải ở với ông bà ngoại; có em thiểu năng trí tuệ; một vài trò là trẻ mồ côi….

Cuối buổi, một học sinh dáng nhỏ bé đã nán lại xếp ghế, thu dọn ấm chén để vào nơi quy định, như một thói quen ngăn nắp. Em là Trần Hà Trang lớp 6A, một học sinh mồ côi. Qua câu chuyện, tôi biết mẹ em đã mất, chỉ còn ba bố con, sinh sống bằng nghề cắt tóc của bố. Trang đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên bởi cách nói năng hoạt ngôn, khuôn miệng luôn cười và cặp mắt trong veo biết nói. Trang chia sẻ ước mơ “Sau này em muốn làm cô giáo dạy văn…”.

Tò mò về cô học trò ấy, tôi mở “trích ngang thành tích” của em và thật bất ngờ: mặc dù mồ côi mẹ từ rất nhỏ, nhưng 5 năm Tiểu học, em đều đạt học sinh xuất sắc, năm lớp 5 còn đạt giải B cấp huyện cuộc thi viết chữ đẹp. Tuy gia đình thuộc diện khó khăn nhưng Trang vẫn luôn dẫn đầu lớp, và có năng khiếu đặc biệt về môn Văn.

          Càng tiếp xúc, tôi càng thấy ở Hà Trang một tài năng văn học cần được vun đắp. Trang thông minh, viết văn truyền cảm. Những bài viết của em có sức hút với người đọc. Tôi giao cô Hoàng Dung – một giáo viên kỳ cựu của trường đang dạy văn lớp 6A kèm cặp Hà Trang. Dưới sự dìu dắt của cô Dung, năng khiếu văn học của Hà Trang sẽ được phát huy.

Mặc dù công việc bộn bề, tôi vẫn dành cho cô học trò bé nhỏ một tình cảm đặc biệt. Hôm nào đến trường tôi cũng phải qua lớp Trang một lần, khi nhìn thấy em, tôi mới yên tâm làm việc.

Rồi kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm đó cũng có kết quả. Tôi vui mừng vì lần đầu tiên trường tôi có học sinh đạt giải Nhất cấp huyện về môn văn lớp 6. Chủ nhân của giải đó không ai khác là Hà Trang. Tôi muốn đích thân đến nhà báo tin này cho em.

Bước vào nhà, tôi vô cùng ngạc nhiên. Gọi là nhà nhưng thực chất là túp lều chơ vơ giữa đồng trống huơ trống huếch, lợp bằng Proximăng. Trong nhà chỉ có 1 chiếc giường, bộ bàn ghế cũ, vài dụng cụ lặt vặt. Đồ đạc quý nhất có lẽ là chiếc ti vi cũ và chiếc xe Way cà tàng là phương tiện đi lại kiếm tiền của bố Trang. Sách vở của Trang để gọn trên góc bàn, rất ngăn nắp. Bố Trang đi vắng.

Có cái gì đó cay cay nơi sống mũi tôi: Gia cảnh thế này mà vẫn học giỏi! Tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực của em.

Buổi trao quà học sinh xuất sắc, vượt khó học giỏi của huyện Hoài Đức dịp 1/6 năm ấy, tôi mới có dịp trò chuyện với bố Trang khi đưa con đi nhận thưởng. Câu chuyện xoay quanh việc học của con, chuyện gia đình. Qua đó tôi biết năm Trang lên 9, em trai lên 1, căn bệnh ung thư phổi đã cướp đi mẹ của em. Tất cả những gì dành dụm được đều chữa bệnh cho mẹ Trang hết cả, mà người vẫn không cứu được. Hiện tại tiền kiếm được từ nghề cắt tóc chỉ đủ cho ba bố con chi dùng tằn tiện hàng ngày. Địa phương xét hộ nghèo để các cháu có trợ cấp, nhưng anh dứt khoát không nhận với lý do: mình còn khỏe, còn lo được cho các con. Anh vẫn dặn các con phải học thay cả phần của bố mẹ, để sau này trở thành người có ích...

Bỗng một hôm, cô Kiều Như (chủ nhiệm lớp Trang) báo cáo với tôi: Bố Hà Trang bị ung thư phổi... Tôi lặng người đi vì thương em, và hy vọng không phải là sự thật. Những ngày sau đó, tôi thấy Trang vẫn vô tư lắm. Chắc em không biết nguy cơ mất bố bất cứ lúc nào. Trang học giỏi, công tác Đội rất tốt, là chi đội trưởng năng động, giỏi giang, cây văn của trường, luôn dẫn đầu về mọi thành tích học tập của lớp. Năm học 2017-2018, Trang tiếp tục đạt giải học sinh giỏi cấp huyện môn Văn lớp 7.

Thấm thoắt, Trang cùng các bạn lại bước vào lớp 8. Và chắc chắn sự học của em sẽ suôn sẻ nếu không có ngày ấy, ngày 8 tháng 10 năm 2018, một ngày định mệnh với cô bé mồ côi…

16g30: Tiếng trống báo hết giờ học buổi chiều. Các học trò từng tốp dắt xe ra cổng trường để về nhà. Hà Trang và một vài bạn khác ở lại vẽ nốt bức tranh dự thi về “Gia đình của em” để mai kịp nộp cho cô giáo. Bức tranh của Trang vẽ một người đàn ông trung niên, trìu mến ôm hai đứa con một trai một gái trong lòng, mắt nhìn xa xăm. Và một người phụ nữ ở xa, mờ mờ, đang vẫy tay mỉm cười. Hà Trang giải thích: “Đó là gia đình em cô ạ. Bố em bảo mẹ vẫn luôn ở bên cạnh bố con em…”.

Tôi nhắc Trang mau về cơm nước cho bố và em. Cô bé nói: “Bố em cả tuần nay ở nhà cô ạ. Chủ nhật vừa rồi bố đưa hai chị em đi ăn kem Bờ Hồ, bố bảo thích đi chơi đâu nữa, bố sẽ đưa đi. Bố mẹ không được học, vất vả, nên hai chị em phải ngoan, học thay cả phần của bố mẹ, để có tương lai tốt đẹp hơn…”. Nhắc đến chuyến đi chơi ấy, Trang có vẻ hào hứng, vui vẻ phấn chấn hẳn lên (Còn tôi lại có linh cảm rất bất an cho sức khỏe của bố Trang, mà không dám nói…)

23 giờ 15: Tôi vừa thu xếp bài vở, chuẩn bị đi ngủ. Bất chợt tiếng chuông điện thoại vang lên:

- “Chị ơi… Bố Hà Trang… mất rồi…”

Giọng cô Kiều Như ở đầu dây bên kia thảng thốt, ngắt quãng khiến tôi bàng hoàng cả người…Đất dưới chân tôi như sụt xuống… Vậy là mấy hôm nay bố Trang nghỉ ở nhà không đi cắt tóc là do bệnh quá nặng…Vậy là chuyến đi chơi của ba bố con là việc cuối cùng bố em làm cho hai con… Vậy là Hà Trang, cô học trò mồ côi mẹ, lại mất nốt người cha… Suốt đêm đó, tôi không tài nào chợp mắt được.

Đến nhà Hà Trang, tôi gần như không nhận ra cô học trò của mình. Em Trang của tôi đây sao? Người nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo xô rộng thùng thình. Thấy chúng tôi, em chạy lại, và khuỵu ngã trong vòng tay cô Như, gục xuống run rẩy như con chim mất mẹ. “Cô ơi… Thế là từ nay em không còn ai để dựa nữa rồi… Mẹ em đã đi trước mấy năm nay… Giờ bố em lại ra đi như thế này… Em khổ quá cô ơi…”. Trang nức nở vật vã: “Bố ơi, bố bảo chúng con ngoan thì bố sẽ yêu mà… Con học giỏi, em Hưng ngoan… sao bố lại bỏ chúng con mà đi theo mẹ… Bố…ơ…i…i… i…”. Cạnh đó là cậu em trai mới 6 tuổi, mắt ngơ ngác, chống gậy bên quan tài của bố… Gian nhà lợp Pro xi măng quá chật, đến nỗi quan tài phải để ngoài sân.  Ai nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng không thể cầm lòng được. Bố mẹ mất cả; cô bác ai cũng có gia đình riêng. Nhưng lúc này, ngoài cô dì chú bác, chị em Trang còn biết trông cậy vào đâu? Tương lai sẽ ra sao? Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào lòng tôi, xót xa, đau đớn…

Sau đám tang ấy, chúng tôi đã phát động một cuộc quyên góp ủng hộ Trang… Chỉ một tuần đã lập được sổ tiết kiệm trị giá 32 triệu để hỗ trợ em. Tôi thay mặt nhà trường công bố số tiền đã quyên góp được với đại diện gia đình, chú của Trang đã nói lời cảm ơn. Quá xúc động, Trang đã ôm lấy cô chủ nhiệm mà khóc như mưa, gọi “mẹ”. Hai cô trò cùng khóc; mọi người chứng kiến đều khóc theo. Cô Như nghẹn ngào: “Con cứ yên tâm, cô luôn bên cạnh con. Từ bây giờ con hãy coi cô là mẹ, có gì khó khăn, vui buồn con cứ nói với cô. Những tiền lặt vặt của con gái, con cần chi tiêu gì hãy nói với cô. Cô sẽ bên con đến khi con học xong Đại học…”. Tiếng gọi “mẹ” của Trang thốt lên với cô Như và hình ảnh em ôm lấy cô chủ nhiệm để khóc cho thoả nỗi tủi thân có lẽ không bao giờ tôi quên.

Những ngày sau đó Trang bị ốm phải nghỉ học. Khỏi ốm, Trang đến trường, nhưng học sút trông thấy. Thỉnh thoảng em lại ngồi thừ ra, nhìn xa xăm. Có lúc em ngơ ngẩn, ai gọi cũng chẳng nói, hỏi cũng chẳng thưa. Lẽ nào cô học trò nghị lực của tôi lại chịu buông xuôi, đầu hàng với số phận? Tôi thường an ủi: Con có nhớ bố dặn thế nào không? Con phải học thay phần của bố mẹ, để có tương lai, sau này lo cho em Hưng nữa. Có như vậy bố mẹ mới yên lòng nơi chín suối…

Cũng may, mọi người đều ở bên chị em Trang trong những ngày khó khăn nhất: người cho em quần áo; người tặng em thùng sữa, sách vở; bạn bè thầy cô đều an ủi động viên. Chương trình cặp lá yêu thương của xã đã hỗ trợ hàng tháng 200.000 đồng. Hai thầy cô của trường cũng hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng. Hội chữ thập đỏ xã, huyện cũng tặng quà. Tiền sách vở, học hành và cơm trưa của chị em Trang đều do nhà trường miễn phí.

Nhờ sự động viên của các thầy cô giáo và chăm lo của gia đình, Trang dần nguôi ngoai nỗi đau. Hôm 49 ngày bố Trang, em Hưng về, hai chị em ôm nhau khóc. Người lớn sắp xếp hai chị em ở hẳn nhà cô. Cô chú làm nghề tự do nên thu nhập cũng chẳng bao nhiêu; nuôi con, giờ lại thêm hai cháu mồ côi, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Gian nhà nhỏ của cô chỉ kê đủ 2 cái giường, ngăn bằng 1 tấm rido vải. Một nửa là giường của gia đình cô chú, chiếc giường còn lại của chị em Trang. Bàn học kê ngay cạnh giường ngủ. Vốn là cô bé có trách nhiệm, nên hàng ngày, ngoài giờ học, Trang lại giúp cô việc nhà, tắm giặt cho em, bảo ban em học.

Năm nay, Trang tiếp tục dự thi Học sinh giỏi môn văn cấp huyện. Qua nhiều biến cố, giọng văn mượt mà của em giờ đây cứng cỏi hơn, lập luận chặt chẽ. Cầm trong tay kết quả thi học sinh giỏi cấp huyện, tôi hết sức vui mừng: Lần thứ ba Trang lại đạt học sinh giỏi môn văn… Mỗi lần nhìn ánh mắt trong veo đượm buồn của Trang, tôi mong rằng những tấm lòng nhận hậu sẽ luôn bên em, tiếp sức cho em vượt qua khó khăn mất mát. Bố mẹ em chắc cũng sẽ mỉm cười nơi chín suối khi biết được các con của mình không cô đơn.

Năm học 2019-2020, Hà Trang sẽ lên lớp 9. Tôi tự nhủ phải làm một điều gì đó lớn hơn cho chị em Hà Trang trong tương lai sắp tới.

Và tôi đã cầm bút, viết về em.

 

Thay cho lời kết

 “Vì sự học ngày nay” không chỉ là một cuộc thi viết. Đó là những nỗi trăn trở của toàn xã hội cho sự học hành của thế hệ tương lai; là những giải pháp góp chung vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; là những tấm gương của các thầy cô hết lòng vì học trò. Đó còn là sự cố gắng nỗ lực vượt khó vươn lên của những trẻ em bất hạnh, để trước mắt không là gánh nặng cho xã hội, để có tương lai sẽ tốt đẹp hơn, và sau này là người có ích cho đất nước.

Cầu chúc cho mọi điều tốt đẹp đến với chị em Trang. Mong các em sẽ học thay cả phần của bố mẹ như điều ước của bố em khi còn sống, và Hà Trang trở thành cô giáo dạy văn trong tương lai.

Tôi hy vọng: “Em sẽ lớn lên, như tôi đã từng khôn lớn, và sẽ bay cao, bay xa hơn tôi…”.

Nguồn Văn nghệ số 31/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm