April 24, 2024, 4:41 am

Vườn văn rụi cỏ, tươi hoa

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM  75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ

Bằng mục Dọn vườn độc đáo của riêng mình và hàng nghìn bài báo khác nói về ngôn ngữ, báo Văn nghệ trong nhiều năm đã cùng các báo bạn góp phần lớn vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đầu năm 1980 tôi về báo Văn nghệ. Một số năm sau, tôi tham gia làm mục Dọn vườn.

Từ khi nào Dọn vườn?

Báo Văn học số 141 (7/4/1961) đăng thông báo mở mục Dọn vườn:

Thật ra, ngược về quá khứ hơn tám mươi năm trước, thấy từ khoảng năm 1935, đã có manh nha mục Dọn vườn ở hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của Tự lực Văn đoàn do Lê Ta (tức nhà thơ Thế Lữ) thực hiện. Ấy là do Tự lực văn đoàn có chủ trương dùng báo chí để gây cười, chế nhạo những cái cũ kỹ, lạc hậu và cả những cái “mới” học đòi lố lăng. Lê Ta tham gia các chuyên mục: Cuộc điểm báo, Cuộc điểm sách, Từ cao đến thấp…(báo Phong hóa) hoặc Điểm báoXem văn, Tin thơ, Tin văn… vắn (báo Ngày nay). Bằng giọng hài hước, hóm hỉnh, Lê Ta phê phán thói a dua, lai căng, sáo ngôn, kệch cỡm, giả dối, lười biếng, đểnh đoảng… Thí dụ, đối với tập thơ Dưới trăng của Thao Thao, tất cả chỉ có 16 trang, nhiều bài một câu, ông viết: “Thao thao thì phải bất tuyệt chứ!”. Đối với tác giả và nhà xuất bản chạy theo thị hiếu tầm thường, ông mỉa mai nhẹ nhàng: “Thì ra nghề xuất bản có thể là bước hiển đạt của những hiệu thuốc phong tình”.

Một số sự kiện đáng nhớ

Có khi làm việc này, có khi làm việc khác, gián đoạn, người khác làm thay, hoặc Tổng biên tập đăng trực tiếp do nhận được bài bằng thư riêng, trưởng ban thư ký tòa soạn có sẵn bài đưa duyệt đăng, cho nên tôi chỉ nêu ra được một số sự kiện.

1- “Dọn vườn đúng là nghề cao quý!”. Báo Văn nghệ số 12 (19/3/1988) đăng bài có tên như thế. Bài choán nửa trang báo, phê bình cách dùng câu chữ hành văn trong một công trình khoa học của một giáo sư tầm cỡ, đầu ngành (không ghi danh tính - tất nhiên). Bản thảo đánh máy chữ có ghi chữ của người biên tập. Tên tác giả bị xóa triệt để. Phía trang nhất ghi “đã kiểm tra lại”, dưới bài có dòng ghi thêm tên tác giả là “Người Dọn Vườn”… Ba tháng sau, báo Văn nghệ số 26 (26/6/1988) đăng hai bài nói lại của hai tác giả. Trong bài Nên dọn vườn một công trình khoa học thế nào?, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dân khuyên: “Khi dọn vườn, nên phân biệt việc nhặt ra những cách dùng không chính xác từ ngữ thông thường với việc bắt bẻ các thuật ngữ của một hệ thống khái niệm - một công việc của các nhà khoa học cùng chuyên ngành”. Bài Xin dọn vườn của Người Dọn Vườn do nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Thanh Đạm viết, có đoạn: “Người dọn vườn đã dọn được một số cỏ rác trong vườn văn của một tác phẩm “khoa học” để giúp cho nhiều người tránh được nhầm lẫn giống như khi tiếp xúc với các loại hàng giả, hàng xấu có dán nhãn hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi hăng hái dọn vườn cho người khác thì Người Dọn Vườn cũng để mảnh vườn của mình mọc lên một ít cỏ rác”. Cả hai bài nói lại đều có sức thuyết phục.

2- Một tập thơ chữ Hán

Đến mùa thu năm 1995, do quá tin vào ý kiến của một nhà văn, tôi soạn thành bài Cuốn Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông có rất nhiều lỗi, đưa ký duyệt và được đăng vào báo Văn nghệ số 32 (12/8/1995). Cuốn sách này là công trình tập thể của một nhóm nghiên cứu tại Viện Hán - Nôm có trình độ và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Nhóm tác giả phản ứng rất căng thẳng. Họ cho rằng cuốn sách không phạm lỗi quá nặng đến thế. Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Mai Xuân Hải gặp tôi đề nghị đăng bài nói lại. Bài được đăng ở số 38 (23/9/1995). Trong phần trình bày ý kiến của Người Dọn Vườn, sau lời xin lỗi, có đoạn: “Người Dọn Vườn nhận thấy, tại mục này, việc nêu sai sót ở một công trình biên soạn thơ cổ do một nhóm tác giả có chuyên môn sâu thực hiện công phu trong nhiều năm, là không thích hợp (…) Người Dọn Vườn xin hứa sẽ dọn đúng cỏ dại, tránh trường hợp do ham việc, hăng hái quá mức, làm hại cả hoa thơm”.

3- Dọn vườn mở cuộc thi

Nếu tôi không nhầm thì báo Văn nghệ chỉ có một lần duy nhất tổ chức cuộc thi cho mục nhỏ này. Tổng biên tập Hữu Thỉnh đề nghị và điều khiển tổ chức “Cuộc thi viết Dọn vườn 1999-2002”. Giải Nhất thuộc về nhà báo Trịnh Trọng Quý. Ông thuộc số những tác giả đáng tin cậy nhất, tham gia nhiều bài nhất. Năm 2013, cuốn sách Dọn vườn văn của Trịnh Trọng Quý, dày hơn hai trăm trang, được gửi đến bạn đọc. Sách quá đẹp, ấy vậy mà có bản đính chính kèm theo, nêu ra 14 lỗi in. Chắc là mục này lâu nay ít chất hài hước quá, cho nên ông Giải Nhất dọn vườn phạm lỗi vặt cho vui (!)

Hiện trạng và tương lai

của Dọn vườn

Nếu sách báo in vẫn còn, ngay cả báo mạng phát triển nữa, thì Người Dọn Vườn vẫn có việc làm. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, khi tính hài hước giảm nhiều đến mức mất hẳn, thì Dọn Vườn không còn giữ được cái duyên như xưa nữa. Nếu giọng bình luôn luôn là giọng trung tính, không mang xúc cảm vui đùa mà mang sắc thái lý trí học thuật thì bài sẽ khô. Hơn nữa, kiến thức học thuật thì độc giả tìm ở những bài viết kỹ và sâu, có tính hệ thống, có tầm khái quát hóa, không ai hy vọng điều ấy ở Dọn Vườn. Độc giả mong đợi ở đây cách sửa sai vừa đúng lại vừa hấp dẫn, không làm mệt óc. Hấp dẫn tức là giúp độc giả bật lên tiếng cười. Mà cười được thì nay không dễ nữa. Cũng như thơ trào phúng gần như vắng bóng (trong khi xã hội có vẻ như đang cần tiếng cười nhiều hơn). Thứ hai, việc bắt bẻ lỗi càng ngày càng khó, do sự đổi thay của hiện thực xã hội, do sự phát triển của nghề báo, nghề văn, của đời sống ngôn ngữ, của trí tuệ người đọc, của sự sáng tạo muôn hình muôn vẻ về phía người viết, v.v… khiến người làm báo không thể cứ mãi mãi nhìn nhận đúng hoặc sai theo cách hiểu truyền thống, tĩnh tại.

Nhiều năm qua, nhiều thế hệ nhà báo đã có công lớn giúp vườn văn, vườn báo rụi cỏ, tươi hoa. Tuy nhiên, do trình độ hạn chế của BTV, mà bài non yếu, thậm chí sai sót, cũng có xảy ra. Tôi không thể là người đứng ngoài ở mọi trường hợp. Mong mục này vẫn được nhiều tác giả tham gia, nhiều độc giả tìm đọc, mong báo Văn nghệ có hướng đi thích hợp và Người Dọn Vườn mãi mãi say mê và tận tụy với công việc không dễ dàng nhưng rất có ích và lý thú này.

Phạm Đình Ân

Nguồn Văn nghệ số 48/2022


Có thể bạn quan tâm