April 24, 2024, 9:10 am

VƯỜN MẸ

Người mẹ

Người mẹ bao giờ cũng là thần tượng không có tranh chấp, vô cùng gần gũi và mến thương đối với những đứa con. Người mẹ đã đêm ngày chờ mong và quan tâm đến những đứa con của mình từ lúc chúng còn là bào thai trong bụng mẹ. Rồi đến khi sinh con ra, người mẹ chăm con từng li từng tí, từ miếng ăn, giấc ngủ, mỗi bước đi và từng tiếng nói, tận tâm và hết mình, xót lòng khi nghe con khóc, mất ăn mất ngủ khi con ốm đau bệnh tật, sẳn sàng chết để bảo vệ con mỗi lúc hiểm nguy, mỏi mòn trông ngóng khi con đi xa chưa thấy trở về và đau đớn quặn lòng mỗi khi nghe tin dữ đến với con mình. Mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người suốt đời tận tụy vì sự trưởng thành của những đứa con. Công ơn của người mẹ dài rộng như những dòng sông và biển cả. Trong thời nội chiến, mỗi đứa con mất đi dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến đều là nổi đau trong trái tim của người mẹ - một vị tổng thống của Hoa Kỳ đã nói như vậy khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai vùng nam - bắc nước Mỹ. Khi một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn - Võ Văn Kiệt đã nói thế sau ngày thống nhất đất nước. Đúng vậy, dù ở bên này hay bên kia đều là những đứa con của các bà mẹ Việt Nam. Ông Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo có tấm lòng nhân ái và tầm nhìn vượt lên so với nhiều người cùng thời. Đó là những tiếng nói đầy trách nhiệm và tâm huyết cho hòa giải dân tộc để thống nhất thành một khối vững chắc trong tình yêu của người mẹ chung là Tổ Quốc Việt Nam.

Trong những tháng cuối cùng còn nằm trong bụng mẹ, những đứa con đã bắt đầu nhận được các tín hiệu từ người mẹ yêu quý. Tiếng “mẹ” thường là ngôn ngữ đầu tiên của mọi đứa trẻ sau khi chào đời. Lúc còn bé, mẹ là người tin yêu nhất mà không ai có thể thay thế được. Khi lớn lên dù đi bất cứ đâu, dù làm bất cứ công việc và địa vị nào, dù đang gặp hiểm nguy hay trên đường hạnh phúc, đứa con vẫn mãi có tình cảm sâu nặng nhất với người mẹ - đó là người thân yêu và vô cùng quý mến, không bao giờ mờ phai trong ký ức. Những người trưởng thành trong ngổn ngang bề bộn và phức tạp của công việc và cuộc sống, họ thỉnh thoảng dành thời gian về quê thăm mẹ như một sự biết ơn và để được uống nguồn nước mát trong veo từ đầu thượng nguồn nguyên sinh thuở nhỏ. Khi cuộc sống gặp lúc thể xác và tâm hồn bị đau đớn tột cùng dù bất kỳ lý do nào đều như một phản xạ tự nhiên đứa con thường kêu lên tiếng “mẹ ơi!” xé lòng bằng thứ ngôn ngữ của người đã sinh ra mình. Đối với những đứa con dù là anh hùng hay hư hỏng thì điều chúng sợ nhất có thể không phải là bản án tử hình mà là nước mắt đau khổ của người mẹ trước những lỗi lầm của con mình. Mẹ là tiếng lòng và cũng là mệnh lệnh. Tình mẫu tử bao giờ cũng vĩ đại và có sức cảm hóa lớn đối với mỗi con người. Bắt đầu từ tình mẫu tử lớn dần lên thành tình yêu quê hương đất nước giống nòi. Nó bền vững vô cùng và là sức mạnh lớn lao để bảo vệ và phát triển một đất nước tươi đẹp và cường thịnh. Có khi và có lẽ phải bắt đầu mọi chương trình lớn ở tầm quốc gia không phải bằng những lời to tát, bóng bẫy và trừu tượng mà từ tình yêu người mẹ và tình yêu đất nước. Những người con của Bình Dương anh hùng đang bắt đầu như thế.

 

Vườn mẹ

Cách đây 4 tháng, ông Phan Đức Nhạn, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa khóa 11, cũng là bạn lâu năm, con của liệt sỹ và mẹ VNAH, có ngỏ lời muốn tôi tham gia tư vấn cho ý tưởng không gian Vườn Mẹ ở xã Bình Dương ba lần anh hùng nổi tiếng trong chiến tranh, do ông đề xuất với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh và cán bộ trung kiên thời chiến tranh. Với ý tưởng và những suy nghĩ như vậy, họ xứng đáng là những đứa con của vùng đất này và của các bà mẹ anh hùng. Vào lúc này tôi đang rất bận và cũng vừa mới nằm viện ra, sức khỏe không tốt lắm, nhưng không thể nào từ chối một công việc văn hóa cội nguồn về những người mẹ Việt Nam.  Đây là một số ý kiến ban đầu để góp cho dự án đó.

 

Việc chọn Bình Dương vùng cát cháy trên đất Quảng Nam Trung Dũng Kiên Cường để thực hiện ý tưởng này là sự lựa chọn rất đúng đắn. Ngày tôi còn nhỏ và kể cả khi lên chiến khu đã nhiều lần được nghe về vùng đất Bình Dương vô cùng ác liệt và cũng vô cùng kiên cường bất khuất này, có những lúc hết sức gian khó và hiểm nguy tưởng như không thể vượt qua nổi trong cuộc chiến tranh thần thánh có một không hai ấy, nơi đây đã từng là biểu tượng của niềm tin và sự hy vọng về chiến thắng cuối cùng của chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đọc Cát Cháy của Nguyên Ngọc, nghe nói về Cây Dương Thần kỳ lạ ở Bình Dương, sau ngày thống nhất đất nước tôi đã đến đó ba bốn lần, để xem và để nghe chuyện kể về vùng đất thiêng liêng này. Có lần xúc động tôi đã viết bài về hai cây dương ở đó – Dương Ông và Dương Bà. Bên cạnh nhau. Như một lời thề. Thủy chung bền chặt. Kiên trung và bất diệt. Cùng sinh con đẻ cái để truyền nối giống nòi. Biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và tình yêu lắng sâu, trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá khốc liệt đến hoang vắng rợn người về sự chết chóc. Đối phương quyết tâm hủy diệt nơi này. Nhưng Bình Dương vẫn sống hiên ngang và bất tử. Mỗi khi từ xa nhìn thấy Cây Dương vẫn còn đứng đó hiên ngang, nghe tiếng súng từ Bình Dương vẫn nổ là biết sự sống ở đó vẫn còn, cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn, như một sự báo hiệu, như một hiệu lệnh. Cây Dương kiên cường ấy còn là nơi tụ nghĩa, là dấu chỉ đường trong đêm tối mênh mông cho những người muốn tìm hướng đi dù họ ở phía bên này hay bên kia chiến tuyến.

Ít có nơi nào mà cuộc chiến đấu sinh tử đã diễn ra quyết liệt như trên đất Bình Dương. Và cũng từ nơi ấy, cái sống và cái chết đã đấu tranh với nhau từng giây từng phút, cuối cùng cũng đã minh chứng cho nhiều chân lý trong cuộc sống. Những con người gang thép ở nơi này đã quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Thà chết vinh còn hơn sống nhục. Sống dám chết là cái sống hiên ngang mà muôn đời vẫn sẽ mãi âm vang, óng ánh. Chết cho sự sống là cái chết bất tử. Cái chết đã làm cho sự sống trở nên ý nghĩa. Chết là vì sự sống. Đó là cái chết bắt đầu cho sự sống.

Một xã nhỏ, mà tập trung nhiều nhất là một thôn nhỏ, Bàu Bính lẫy lừng, tính chưa đầy đủ mà Bình Dương đã có đến 350 Mẹ VNAH và 1.347 liệt sĩ, trực tiếp góp phần quan trọng để làm nên truyền thống vẻ vang của vùng đất Quảng Nam trung dũng kiên cường có số Mẹ VNAH nhiều nhất nước – với 15.298 người, chưa kể hàng nghìn Mẹ ở Đà Nẵng vốn cũng là Đất Quảng cùng một chiếc nôi văn hóa cội nguồn. Cũng chính trên vùng đất Quảng Nam nhiều người mẹ anh hùng này, tôi còn có một kỷ niệm mà suốt đời mang theo trong ký ức. Ngày còn nhỏ tôi sống với bà nội trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Trước khi qua đời, bà nắm tay tôi và dặn, tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thủ đô là Hà Nội, lãnh tụ là Hồ Chí Minh, Việt Cộng ở trên núi là người của ta, con hãy tìm cách để về bên ấy. Năm đó tôi 12 tuổi, nghe lời trăn trối ấy của người liệt sỹ và Mẹ VNAH đó – người đã sinh ra mấy người con là anh hùng và liệt sĩ trong chiến tranh vệ quốc. Đã 56 năm rồi mà trong tôi vẫn còn vang mãi lời bà nói về tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách đây không lâu tôi đã có một bài viết về tên của Nước và lời thề độc lập của cuộc cách mạng trong ngày tuyên ngôn lập nước, đăng trong cuốn sách “Việt Nam – hôm nay và ngày mai” do GS Trần Văn Thọ và nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh đồng chủ biên và nhà xuất bản Đà Nẵng đã phát hành.

Là câu chuyện lớn về văn hóa

Đi xa hơn nữa, để trở về với lịch sử ngày xưa của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà có truyền thuyết về Mẹ Âu Cơ thời tiền sử đã sinh ra tất cả những người con gái và con trai, ở miền núi – đồng bằng – và ven biển, cùng chung một bọc để thành đồng bào. Sau Công Nguyên, những người đầu tiên lãnh đạo dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành độc lập tự do cho Tổ Quốc cũng là những người Mẹ anh hùng - Bà Trưng, Bà Triệu. Trên phần lớn vùng miền của đất nước này, thuở xưa đã khởi nguồn bằng văn hóa mẫu hệ. Mà ngay cả ngày nay ở nhiều vùng miền núi, chế độ mẫu hệ vẫn còn nhiều mặt lưu truyền, đậm chất sử thi và minh triết của văn hóa phương đông về cội nguồn, nơi mà các già làng đàn ông cũng chỉ đóng vai trò bên ngoại (đối ngoại), còn người quyết định mọi việc quan trọng đứng khuất ở phía sau là một bà mẹ đóng vai trò bên nội (đối nội). Sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, những ai đó đã tham mưu cho lãnh đạo Đất nước và Đảng cầm quyền về việc phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH cho các bà mẹ là việc rất đúng về văn hóa, dù trong thực tế vẫn có những người cha anh hùng. Đối với tôi, giá trị cốt lõi về văn hóa thì Mẹ VNAH không chỉ dừng lại trong số những bà mẹ tham gia việc nước bó gọn trong thời đại Hồ Chí Minh mà mở rộng ra cho cả truyền thống dân tộc của 4000 năm lịch sử. Trong đó có bà Trưng, bà Triệu thuở ban đầu, cho đến bà Nguyễn Thị Định là người mở đầu và bà Nguyễn Thị Bình là người kết thúc cuộc chiến tranh dài nhất và ác liệt nhất để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất non sông trong thời đại ngày nay.

Văn hóa Việt Nam sẽ còn rất lâu nữa, thậm chí là mãi mãi, gia đình vẫn là đơn vị cơ bản của xã hội. Mà nhân vật trung tâm và cầu nối trong đơn vị gia đình cũng như chuyển tiếp thế hệ của các dòng họ là người mẹ. Tình yêu quê hương đất nước cũng bắt đầu từ tình yêu mẹ và tình yêu của người mẹ mà con người ta đã trưởng thành lên, đủ sức vóc và bản lĩnh vượt qua gió bảo của cuộc đời để sống những năm tháng trọn nghĩa tình với quê hương đất nước. Tiếp tục chưng cất giá trị nhân văn về Người Mẹ ta sẽ tìm thấy hình tượng thiêng liêng về mẹ hiền Tổ Quốc, về hồn nước, hồn thiêng sông núi. Từ thời cha ông xưa đã dùng khái niệm Mẹ Hiền Tổ Quốc để dạy cho con cháu luôn biết hướng tâm hồn về đó để thành Người, chứ người ta không nói cha hiền Tổ Quốc.

Vườn Mẹ là một ý tưởng tuyệt vời có giá trị nhân văn sâu sắc. Tôi hoan nghênh và hết sức ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án theo đề xuất này. Còn tất nhiên nội dung cụ thể thì cần phải bàn nhiều và bàn cho thật sâu, để mong có được một Vườn Mẹ ngang tầm với ý nghĩa lớn lao và sâu sắc của bản thân đề tài này. Công việc xây dựng ý tưởng và quy hoạch tổng thể cần phải có tầm xa và độ sâu về văn hóa, còn việc đầu tư xây dựng thì làm dần. Đây là câu chuyện văn hóa. Mà văn hóa là chữ Người viết hoa. Đó là cái đẹp của nhân cách. Đậm tính người, chất người. Là người hóa và hóa người. Những con người bình dị, trong sáng mà kỳ lạ, rất đổi anh hùng. Bản chất và nội dung của Vườn Mẹ là một dự án văn hóa có chiều sâu. Phải có linh hồn và cảm xúc. Có thể tạo nên những xúc động lòng người, làm cầu nối gần nhất từ trái tim đến với trái tim. Cảm hóa những ý nghĩ sai lầm. Hướng về với những giá trị thiêng liêng của Chân – Thiện - Mỹ. Đây là công việc rất hay, rất đẹp, và cũng rất khó. Khó nhưng có thể làm được. Bằng tình cảm chân thành và sự trân trọng, đam mê, với tầm tư duy văn hóa sâu sắc và trình độ nghệ thuật cao. Không phải tạo ra những khối bê tông, phiến đá và ngôi nhà đứng lặng lẽ vô cảm, mà cần “giúp” cho chúng trở nên có linh hồn ở bên trong các vật thể và cả không gian ấy.

Rất cần kể lại những gian khổ, khốc liệt của ngày xưa, nhưng là để làm nổi rõ sự anh hùng, tự hào về nó, sống xứng đáng với nó, chứ không phải là nuôi giữ căm thù, uất hận. Đó là tinh thần khoan dung và thượng võ của một dân tộc trưởng thành và có đẳng cấp cao. Kể về chiến tranh nhưng là để hàn gắn. Không phải để  cho vết thương thành sẹo lâu dài trong lòng dân tộc. Trong quá khứ những người anh hùng ở nơi đây đã chiến đấu vô cùng anh dũng không ngoài mục đích vì tương lai tốt đẹp cho mai sau. Phải biết hướng về phía trước để tiến lên. Đó là trí tuệ, tầm cao và bản lĩnh của những người chiến thắng. Đó cũng là con đường và mục tiêu rộng mở và lớn lao của những người anh hùng đến mức không hề có kiêu binh.

Một trận đánh thắng dù lớn đến bao nhiêu thì Hồ Chí Minh cũng không gọi là trận đánh đẹp. Năm năm sau khi thống nhất đất nước 1975, đồng chí Võ Chí Công, nguyên là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam những năm tháng gian khó, cũng nguyên là bí thư khu ủy khu 5 trong chiến tranh chống Mỹ, đã có một ý kiến rằng, chỉ cần nói Quảng Nam “trung dũng kiên cường” là đủ rồi, không cần phải nói nhiều là “đi đầu diệt Mỹ” nữa, mặc dù ông là nhân vật quan trọng đã cùng với đồng chí và đồng bào tạo nên những thành tích này. Ông giải thích ngày còn chiến tranh nói như vậy là cần thiết. Bây giờ hết chiến tranh rồi, cũng cần phải tính chuyện mở cửa làm ăn với người ta vì mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển cũng là cách giữ nước lâu dài. Đó cũng là tinh thần thượng võ. Và đối với trong nước, noí như vậy cũng là sự khiêm tốn. Đúng là một tầm nhìn xa và rất sớm. Không phải là quên quá khứ mà là biết xứng đáng với lịch sử. Quá khứ vinh quang trong giữ nước không phải là một điểm dừng. Mà nó luôn nhắc ta phải tiến về phía trước, vượt lên để trở thành một vùng đất, một quốc gia phát triển, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người.

Trong bảo tàng nghệ thuật của nước Nga ở Cung điện Mùa Đông của thành phố Xanh-pê-tếch-bua, đó là một trong hai bảo tàng lớn nhất thế giới, có một bức tranh rất đẹp về người kị sĩ đang cởi ngựa bắt đầu phi nước đại. Người kị sĩ đó đã quay nhìn lại phía sau khi tăng tốc. Nhiều người phê phán nội dung bức tranh ấy là không đúng vì khi tăng tốc lên nước đại thì người ta phải nhìn thẳng về phía trước, chứ sao lại quay nhìn phía sau. Nhưng ban chấm thi đã cho bức tranh ấy giải nhất trong một cuộc thi danh giá ở Châu Âu ngày đó vì cho rằng, chính những người biết nhìn lại quá khứ mới là người có thể phi nước đại nhanh và bền vững nhất.

Chúng ta đang tiến lên trên con đường phát triển, phải luôn biết nhìn và đọc lại quá khứ, tìm trong đó bài học cho hiện tại và tương lai từ nền tảng văn hóa, là cách để phát triển bền vững. Ta nhìn lại quá khứ với tinh thần ấy. Và mặt khác, như đã nói ở phần trên, không phải chúng ta định xây dựng ở đây một bảo tàng “chết”, mà ngược lại là một “bảo tàng sống”, chăm lo một không gian sống, để trong đó nhân dân Bình Dương anh hùng là chủ nhân của vùng đất này có điều kiện cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tiếp tục nuôi dưỡng dũng khí, gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước thương nòi. Đặc biệt là sự chăm lo phát triển giáo dục chất lượng cao, để chuẩn bị tích cực cho một Bình Dương có thể tiến nhanh cùng đất nước và thời đại.

Lần sau, khi thảo luận về những nội dung cụ thể, mong sẽ có điều kiện để trao đổi thêm./.

 

 

 

(*) Nguyên Ủy viên Trung ương, Phó ban thường trực

Ban Tuyên giáo Trung Ương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam  


Có thể bạn quan tâm