March 29, 2024, 5:10 am

Vươn lên từ gian khó

Cách đây hơn 10 năm, người dân các dân tộc khu vực phía Bắc huyện Như Thanh không ai nghĩ có ngày con em họ sẽ có ngôi trường cấp ba để theo học ở ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Và khi ngôi trường THCS&THPT Như Thanh được thành lập, người lãng mạn nhất cũng không dám nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn, ngôi trường non trẻ trên mảnh đất xứ Mường này lại có thể góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống bà con người dân tộc vùng cao, nhất là chất lượng giáo dục trên quê hương họ. Vậy mà giờ đây, ngôi trường nằm ngay bên dòng Ống Ai xinh đẹp ở phía tây nam dãy Ngàn Nưa dưới chân ngọn Đá Cống lại đang làm được những điều tưởng như không thể thành có thể, góp phần làm thay đổi nhận thức về sự học cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên vùng rẻo cao với chỉ mấy mùa hoa bông trăng nở.

 

Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS&THPT Như Thanh

 

Từ nỗi khao khát sự học

Có thể nói không ngoa rằng, khi chạm bước chân đến mảnh đất Phượng Nghi nói riêng, các xã phía Bắc huyện Như Thanh nói chung là chúng ta đang chạm vào miền đất đa dạng và giàu có về văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em. Đó là điểm tựa tinh thần vô cùng quý giá để bà con nhân dân phát triển kinh tế, xã hội ngay trên mảnh đất xinh đẹp này. Những vẻ đẹp ẩn sâu trong các vỉa tầng văn hoá của nhân dân các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ,… sinh sống ở đây thực sự là nền tảng, là động lực để khai mở sự học cho con em họ. Tuy nhiên, trong bao năm qua, chất lượng giáo dục, ý thức về sự học hay lòng khát khao vươn dậy đỗ đạt, vươn mình vượt dốc đèo, khe suối để thành công của thế thệ trẻ dường như vẫn chỉ là niềm mong mỏi của người dân, nhất là các thế hệ học sinh khát khao sự học. Bởi lẽ, quãng đường từ khu vực xa nhất ở phía Bắc huyện Như Thanh đến trung tâm phố huyện cũng phải mất hàng mấy chục cây số. Những học trò hiếu học đã phải vượt qua biết bao khó khăn về địa hình và nỗi lo toan về vật chất để đến phố huyện trọ học hay xuống tận trường dân tộc nội trú dưới tỉnh để học tập mới mong có thể đỗ đạt, thay đổi vận mệnh. Số đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, dường như có một ngôi trường THPT hiện hữu trên mảnh đất này là niềm mong mỏi của bất cứ người dân nào.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kì 2010-2015 đã định hướng cho sự ra đời ngôi trường THPT thứ ba của huyện đặt ở phía Bắc huyện Như Thanh. Nhưng cũng phải gần cuối nhiệm kì, vào tháng 8 năm 2014, sau nhiều bàn bạc, thống nhất, ngôi trường hai cấp học này ra đời trong niềm vui đến ứa nước mắt của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Có thể nói, sự hiện diện của ngôi trường mới đã tạo niềm tin, niềm hi vọng để con em các dân tộc nơi đây thực hiện ước mơ học tập bấy lâu nay. Nhớ lại những ngày đầu ngậm ngùi chia tay mái trường phố huyện đầy đủ tiện nghi và thân thuộc để về môi trường mới với tư trang, túi xách, ba lô,… để lại sau lưng sự đồng cảm, sẻ chia và cả những giọt nước mắt của đồng nghiệp và học trò mãi mãi đọng trong tâm trí của các thầy cô giáo thế hệ đầu của trường. Nhưng ngắm nhìn ánh mắt ngác ngơ và sự ngoan ngoãn khoanh tay chào thầy cô của các em học sinh THCS cùng sự háo hức trở về gần nhà để học tập của các em học sinh THPT làm cho mọi ái ngại, nghĩ suy của các thầy cô giáo cũng nhanh chóng tiêu tan, nhường chỗ cho lòng quyết tâm vươn lên để tìm sự thành công của nghề.

Đến sự vươn lên từ gian khó

Khi mới thành lập, lượng học sinh ít, chất lượng kém, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn là nỗi trăn trở lớn của mỗi thầy cô giáo thời kì đầu. Ở khối THCS mười mấy năm học không có học sinh giỏi các môn văn hoá các cấp, chất lượng giáo dục rất thấp so với các xã khác trong huyện. Sự quan tâm của nhân dân địa phương đến ý thức học tập của con em còn hạn chế. Điều đó thực sự là một thách thức, thực sự là một nỗi lo lắng của lãnh đạo nhà trường. Ở một nơi mà nền tảng văn hoá truyền thống còn đậm nét trong nhân dân, ở một nơi mà các thầy cô giáo nhiều người là giáo viên giỏi, là cốt cán của ngành giáo dục huyện thì sản phẩm từ giáo dục phải thật sự chất lượng. Vậy mà trong nhiều năm, chất lượng của trường quá thấp thì thật phi lí. Học sinh khối THPT với số lượng đã ít, chất lượng cũng hạn chế vì nền tảng học tập không cao, số học sinh khá giỏi thì còn nhiều hoài nghi về chất lượng của một ngôi trường mới. Điều đó trở thành nỗi băn khoăn của tập thể cấp uỷ, ban giám hiệu cũng như toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường. Làm thế nào để vươn lên, để có được thành công, để giúp ích cho các trò chiếm lĩnh được tri thức trong điều kiện khó khăn này không hề dễ dàng. “Phải thay đổi cách làm việc của đội ngũ nhà giáo. Phải thay đổi nhận thức của nhân dân về sự học. Phải đánh thức được những tiềm năng sẵn có trong mỗi cán bộ giáo viên và học sinh. Phải thực sự thành công từ những việc nhỏ bé. Nhất định phải thế”.

Đó chính là sự quyết tâm, là chìa khoá để thành công mà nhà giáo Lê Ngọc Hải, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với chúng tôi về cách vượt khó của nhà trường trong những buổi đầu mới thành lập. Các cuộc họp được mở ra với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, những lỗ hổng cần khắc phục. Đồng thời, các thầy cô cũng mạnh dạn đề xuất một số việc làm mới vừa mang tính ổn định, vừa mang tính đột phá được tính đến. Đó là song song với việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phải quan tâm đến việc tìm ra những thế mạnh của mỗi giáo viên và học sinh để tạo thành tích bước đầu. Một mặt, tạo nên những nền tảng cơ bản để thu hút học sinh khá giỏi trở về trường học tập, nhưng mặt khác cần có sự đầu tư vào thế hệ học sinh THCS đang theo học tại trường để tạo nguồn kế cận cho khối THPT. Và chính những định hướng quan trọng đó trong những ngày đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi thầy cô giáo hăng say, bắt tay vào công việc trồng người ở một ngôi trường mới còn vô vàn khó khăn.

Có được chứng kiến những ngày đầu ấy mới thấy thấm tháp cái quý giá của sự học và sự tận tâm với nghề của thầy cô giáo ở vùng cao. Và cũng từ đó mới thấy những thành quả đạt được của thầy trò nhà trường trong gần sáu năm qua thật đáng trân quý biết nhường nào. Sau khi có sự bàn bạc, thống nhất, dù cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng thầy và trò các đội tuyển vẫn say sưa, chụm đầu nghiên cứu bài học tại bất cứ một phòng nào có thể học được, thậm chí phải mượn cả nhà dân, hội trường thôn, xã. Được tận mắt chứng kiến cảnh cô giáo nấu cơm cho cả cô trò rèn luyện trong những năm tháng đầu khó khăn cùng sự chăm chỉ học tập của mỗi học trò, sự hỗ trợ quý giá của các bậc phụ huynh càng thấy rõ hơn sự cao đẹp của nghề dạy học. Điều đó cũng dự báo cho tương lai khi những nỗ lực vun xới đã cho nhà trường những hoa thơm trái ngọt. Và những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi trên gương mặt của những người nỗ lực vun trồng.

Chùm quả ngọt đầu mùa

Như những người nông dân đã đi qua biết bao mùa gieo hạt với mồ hôi và trí tuệ đổ xuống đã dẫn bước chân thầy và trò nhà trường bước tới cánh đồng vui. Thành tích của thầy trò cứ thế tích tụ, dồn về theo mỗi năm học như hoa thơm trái ngọt trên đồng ruộng, nương rẫy. Nếu ở các trường vùng cao khác có được một giải học sinh giỏi đã là niềm hạnh phúc lớn thì ngay năm học đầu tiên, thầy trò nhà trường đã mang về ba giải cấp tỉnh. Và từ năm học thứ hai, nhà trường đã tạo được những bước đột phá khi liên tiếp các thành tích dồn về, thành tích thi học sinh giỏi liên tục tăng lên qua các năm từ số lượng đến chất lượng. Nếu năm học đầu tiên thi học sinh giỏi cấp tỉnh mới chỉ có ba giải khuyến khích thì đến năm học 2018-2019, số lượng được nâng lên 6 học sinh đạt giải, trong đó có giải nhì, tăng 10 bậc so với toàn tỉnh và tăng 16 bậc trong khối thi đua miền núi Thanh Hoá. Khối THCS từ chỗ chưa có giải học sinh giỏi các môn văn hoá thì nay đã vươn mình vượt bậc để xếp trong các trường tốp đầu của huyện, hai năm liên tiếp có học sinh THCS dự thi cấp tỉnh và đạt giải. Tại các cuộc thi khoa học kĩ thuật, cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học, nhà trường năm nào cũng có sản phẩm dự thi và đạt giải. Vui mừng hơn, năm học 2015-2016, học sinh Lê Thị Đào có dự án dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn được giải nhì cấp tỉnh và được dự thi cấp quốc gia. Một năm sau đó, học sinh Nguyễn Đình Hải, dân tộc Mường dự thi THPT quốc gia đạt 27,5 điểm khối A (chưa tính ưu tiên, khuyến khích), được UBND tỉnh tôn vinh. Với số điểm đó em đã đăng kí theo học trường Đại học cảnh sát phòng cháy chữa cháy để thoả mãn ước mơ trở thành sĩ quan cảnh sát nhân dân. Liên tiếp trong hai kì thi THPT quốc gia của năm 2018, 2019, em Trương Văn Hoá và em Quách Thanh Tùng mang về điểm 10 hiếm hoi trong số ít học sinh của tỉnh đạt được. So với những trường có bề dày truyền thống thì những thành tích kể trên còn hết sức khiêm tốn nhưng với một ngôi trường mới được thành lập, nhất là ngôi trường vùng đặc biệt khó khăn (135) thì đó thực sự là bước đột phá mạnh mẽ về chất lượng dạy và học.

Những hoa trái đầu mùa ấy quả thật ngọt ngào nếu biết nó có được từ sự chắt chiu năm tháng, từ sự nỗ lực phấn đấu của những học trò xuất sắc. Các em xứng đáng ghi danh đầu tiên vào những trang sử vàng ở một ngôi trường non trẻ. Nhưng sẽ là thiệt thòi nếu quên đi những con người thầm lặng, hi sinh cả thanh xuân để giúp sự học vùng cao vươn mình toả sáng. Họ là các thế hệ nhà giáo tận tâm, tận hiến. Không chỉ trí tuệ, công sức, những bữa cơm đạm bạc, chân thành, những gói bánh, gói quà cho học trò ấm bụng trong những buổi học được trích ra từ đồng lương - thu nhập duy nhất của nhà giáo vùng cao ấy cũng là sự hi sinh với nghề của những chiến sĩ vô danh. Họ là những người đứng ra nhận trách nhiệm kèm cặp các đội tuyển học sinh giỏi trong những năm tháng khó khăn ấy. Điều đó thật bản lĩnh và cũng thật nhiệt tâm. Công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là một bước đột phá trong phong trào dạy học của nhà trường. Trải qua 5 năm học, nhà trường có 39 lượt giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại các cấp, trong đó có 01 sáng kiến được xếp loại cấp tỉnh, 22 sáng kiến được ngành giáo dục Thanh Hoá xếp loại. Không chỉ giỏi về dạy học, thầy cô giáo còn tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi từ cấp huyện đến cấp quốc gia và mang về những thành công vang dội với hàng loạt giải nhất, nhì cấp huyện, cấp tỉnh. Khi nói về hoạt động này, thầy giáo Phạm Văn Phú, Chủ tịch công đoàn trường hồ hởi khoe: “Có thể nói hoạt động này là niềm tự hào của nhà trường chúng tôi vì có nhiều thầy cô mạnh về mặt này mà khi lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục cấp tỉnh trong các hội nghị hay nhắc đến trường chúng tôi như một “thương hiệu” của nhà trường với nhiều thành tích nổi bật, mang tính đột phá qua các cuộc thi”. Thầy Phú chia sẻ, tự hào nhất của thầy và trò là khi trường mới thành lập hơn một năm đã vinh dự được xướng tên trên VTV1 trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ trao giải cấp quốc gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2015. Cô giáo Lê Thị Chinh đã đại diện cho nhóm tác giả 15 thầy cô của nhà trường đi nhận giải Nhì quốc gia cuộc thi với bài thi dài 1946 trang. Cảnh MC chương trình xướng tên cô Chinh và tên trường làm rưng rưng biết bao đôi mắt, biết bao tâm hồn của không chỉ thầy trò nhà trường mà còn cả phụ huynh, đồng nghiệp và nhân dân Thanh Hoá trước sóng truyền hình trực tiếp. Một ngôi trường non trẻ ở vùng khó khăn, nhiều người chưa biết đến lại làm được điều kì diệu mà mấy ngôi trường truyền thống có thể làm được.

Và rồi thành quả, nỗ lực vươn dậy của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh đã mang lại tất cả dư vị ngọt thơm của sự nghiệp trồng người. Các cấp, các ngành từ đó tiếp tục ghi nhận thành quả vươn lên từ gian khó của tập thể nhà trường. Không còn những lo lắng, hoài nghi. Không còn ánh mắt lo toan, ái ngại. Tất cả sẽ chỉ còn là niềm ngưỡng mộ với một ngôi trường non trẻ. Gần sáu năm hoạt động thôi mà đã có 01 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 28 lượt giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 07 giáo viên hoàn thành chương trình học thạc sĩ, 03 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều giáo viên giỏi cấp huyện, nhiều giáo viên được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen… Thành tích của nhà trường cứ thế nối tiếp nhau trong các năm học. Tập thể nhà trường 5 năm liên tục từ năm 2014-2015 đến nay đạt tập thể lao động tiên tiến, lao động xuất sắc cấp tỉnh, được Giám đốc Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Giấy khen, Bằng khen, Bằng công nhận cùng nhiều phần thưởng cao quý được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng.

Khúc vĩ thanh

Giờ đây, đến thăm nhà trường, dù còn bừa bộn công trường xây dựng đang hoàn thiện, bổ sung những cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn thấy ánh lên niềm tin và khát vọng của cả thầy và trò nhà trường về một miền yêu thương trôi về từ những năm tháng đầu tiên đã cho ta hoa thơm trái ngọt. Những nỗ lực ban đầu ấy mãi mãi là điểm tựa cho mai hậu vút cao hơn nữa khát vọng về sự học vùng cao.

Nhìn những bằng khen, giấy khen, chứng nhận về thành tích của thầy và trò nhà trường cùng những lời tuyên dương của các cấp các ngành sẽ mãi là khúc vĩ thanh còn lắng đọng trong bản trường ca về khát vọng học tập, khúc ca về niềm tin, niềm hi vọng của nhân dân và học sinh các dân tộc phía Bắc huyện Như Thanh đang học tập tại ngôi trường non trẻ nơi cửa ngõ đại ngàn.

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm