April 20, 2024, 8:33 am

Vòng tròn cuộc đời

Mình, dân Phố Huyện gốc!

Tôi phì cười: “Đúng rồi còn gì”. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn quay sang ngó anh mặc dù đã biết Hạo từ mấy năm trước đây. Khuôn mặt anh trắng trẻo, ưa nhìn. Nếu căn cứ vào dáng người, nhất là lúc này, tách khỏi chiếc xe lăn thì không ai biết Hạo đang bị liệt nửa người.

Xe ô tô của chúng tôi đi đến Mường Khến. Đoạn đường này dính nhiều khúc cua hẹp, chơn nhẫy. Tiết trời mới tháng mười một dương mà lạnh quá. Gió cứ hun hút, kèm mưa ẩm ướt. Thế là gần nửa ngày đường rong ruổi, hàng trăm cây số dần bỏ lại phía sau... Hạo tiếp tục kể tiếp câu chuyện của anh khi được tôi nhắc. Giọng anh khàn, nhỏ và buồn.

- Quê mình không có đường cái quan chạy qua, nhưng nhờ làm nghề, nhờ có chợ phiên của cả vùng, họp, mà giầu có. Nhà xây, nhà ngói cứ san sát. Từ lâu, làng mình được gọi là Phố huyện.  Cái tên gốc: làng Nón, giờ chỉ còn nằm trên bì thư bưu điện hoặc trong sổ hộ khẩu của mỗi gia đình thôi.

Hạo ngừng lại một lúc, rồi bỗng thở dài.

- Phố huyện mà chẳng phải huyện lỵ.

Tôi liếc sang, thấy khuôn mặt anh dài dại.

 Những khúc cua tay áo cứ liên tục xuất hiện trên đường đi, lại dốc, lại nhẫy bùn. Xe bò từng đoạn, chậm chạp nghiêng mình tránh các xe tải đi ngược chiều. Mù bao phủ. Xe lên cao mãi.

- Trong nhà, mình là con thứ ba. Những năm tháng tuổi thơ trải dài theo các buổi chợ bán nón cùng u và lớn lên nhờ chợ. Chợ phiên quê mình không xô bồ, ồn ã bon chen mà tinh tế khiêm nhường lắm. Nó dung đủ người và chiều đủ hạng người. Dù ai buôn bán ngược xuôi, sành sỏi ở đâu đâu khi về đến cái chợ bán mua toàn tranh lụa và nón lá này thì cũng phải thuần tính lại. Con người Phố Huyện có tiếng sâu lắng và khôn sắc. Dạo đó, cả làng, mỗi mình mình thi đậu được vào đại học. Ý thầy u muốn mình thoát ly, không gắn bó với chợ suốt đời như các cụ nên chạy vạy chu cấp cho mình học hành chu đáo. Bốn năm vất vả trong trường đại học mình đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng của thầy và tất nhiên những buổi chợ của u cứ dài ra... rồi cũng đến ngày ra trường, mình được nhận làm việc ở một công ty đóng ngay tại Hà Nội.

Xe ô tô của chúng tôi đang chạy thì phải dừng vì vướng dăm sáu con trâu cổ đeo lục lạc, cứ thong dong, nghênh ngang giữa đường đi. Mà cũng chẳng thấy chủ của chúng đâu cả. Mấy con trâu ngước nhìn những chiếc ô tô qua lại một cách thân thiện và bình thản. Phải bấm còi liên tục, chúng mới chịu nhường đường.

 Mấy tiếng đồng hồ nữa qua

 Xe chúng tôi chạy tới Mộc Châu

Thênh thang những đồi chè, đồi cỏ đang ngả mầu bạc lá để trải thảm xanh vào mùa xuân oà trước mặt. Thị trấn nghèo khó heo hút vùng rừng này đang chuyển mình hằng ngày. Hàng quán hai bên đường mọc xăm xắp.  Cũng vào quãng giữa trưa. Tôi cho xe ghé quán “Cơm 46”. Ông già chủ quán tuổi độ bẩy mươi, còn tráng kiện, phụ với tôi khênh Hạo xuống.

Hớp rượu phấn hoa ấm sực lùa hết cái lạnh trong người ra ngoài. Thức ăn ở đây có đủ món như các nơi khác. Món tôi thích nhất là xương lợn hầm với măng rừng tươi. Đặc biệt, có cơm gạo lương ngon, dẻo, thơm như gạo tám xoan ở dưới xuôi. Hạo ăn uống nhỏ nhẹ. Thỉnh thoảng tôi phải tiếp thức ăn cho anh. Bữa cơm chóng vánh. Chúng tôi lại đi tiếp. Đoạn đường từ đây lên đến thị xã Sơn La không còn dính mù nữa.

  • Anh kể tiếp đi
  • Đến chỗ nào rồi nhỉ?
  • Đến đoạn anh vào phỏng vấn
  • Ừ…

Giọng Hạo chậm rãi, nhưng có phần sôi nổi hơn trước.

... Nói thêm, những năm đó để vào được công ty chỗ mình là rất khó khăn. Người có tiền cũng chẳng dễ gì xin được.  Sở dĩ mình bạo gan xin tuyển cũng nhờ mách nước trước thôi. Mình biết việc tuyển nhân viên do ông giám đốc công ty tự đảm trách. Ông bỏ qua tất cả các thủ tục do phòng tổ chức đặt ra. Quan điểm nhận người của ông vô cùng chóng vánh mà không theo một ba-rem nào. Cứ tuỳ công việc, ông nhắm người theo lối vừa xưa lại vừa nay. Chắc do cá tính hoặc ông giám đốc là người thực tế mà việc tìm cộng sự ông đều xét mọi điều qua kinh nghiệm.  Biết vậy, mình tin lắm, thể nào cũng lọt vào cặp mắt ông ta...  Liếc qua tập hồ sơ xin việc. Ông giám đốc công ty ngó từ đầu đến chân mình, rồi lại từ chân lên đến đầu cứ như thầy tướng xem tướng số. Ngó chán, rồi ông buông vụt một câu mà mình không hề có ý nghĩ, phải nghe: “Vì đâu anh xin vào công ty?”. Mình sững người rồi buột miệng: “Thưa, vì công ty của ông trả lương cao”.  Ông giám đốc nhíu mày: “Anh làm được việc gì nào?” Đến mấy phút đồng hồ sau mình mới cất lời rành rọt: “Cháu làm được mọi việc. Nếu có cơ hội”. Ông giám đốc phì cười, phảy tay một cái.

            Nghe Hạo kể đến đây tự dưng tôi thấy người nhộn nhạo.

Một luồng khí lạnh ràn rạt tràn vào trong xe.

Tôi vươn tay đóng vội cửa kính cũng kịp nhìn sang rệ đường, thấp thoáng những vườn mận, nớm chớm trên cành điểm những bông hoa trắng. Có lẽ Tây Bắc đẹp nhất vào dịp này, thời tiết này. Chờ tôi ngồi ngay ngắn, Hạo lại tiếp tục kể.

… Mình làm trợ lý cho ông trưởng phòng phụ trách kinh doanh của công ty. Khác hẳn với giám đốc, hình dạng ông trưởng phòng, thật, không biết tả thế nào. Tên ông là Trường. Mọi người thường gọi sau lưng: Trường tròn. Đáng nhẽ Trường, thì phải cao lớn, chí ít cũng tầm thước. Nhưng oái oăm, ở ông cái gì cũng ngắn ngắn và tròn ủng.

Tôi bật cười vì cách ví von của Hạo.

Hạo nhìn sang tôi chầm chậm.

… Từ khuôn mặt đến đôi bàn tay, dáng người, cả những cái không được phép tròn nhưng sao nó vẫn cứ tròn tròn. Trán của ông nhô ra, cái cằm tròn lẹm vào, cặp mắt xùm sụp, ông nhìn ai cũng như thể nghi ngờ. Nói tóm lại, ông trưởng phòng kinh doanh tướng: Ngũ đoản.

Hạo kết luận rồi vò hai bàn tay vào nhau vừa thủng thẳng - Có thể liệt ông Trường vào danh sách những người đàn ông xấu đội sổ. Mà ngày đó, không biết tại sao ông giám đốc công ty lại xếp mình làm việc ở đấy. Một người cao dáo, sáng sủa, lúc nào cũng cập kè với một người trông cu cũ, cứ tùng tục. Đổi lại, ông Trường đã kinh qua công việc kinh doanh hai chục năm nay. Ông chẳng học qua một lớp đào tạo kinh tế. Cũng không lý giải được thế nào là doanh thu biên, lãi suất biên nhưng đầu ra, đầu vào, lỗ, lãi, khấu hao ông tính nhanh hơn cả máy vi tính. Mình biết, sau ông giám đốc, ông Trường là tiền bối khai sinh ra công ty này. Những ngày đầu về đấy, mình luôn có cảm giác ông trưởng phòng kinh doanh là một thứ dầu mỡ bôi trơn và phát động toàn cỗ máy công ty hoạt động. Ông ấy mà ốm, nghỉ, công ty chắc cũng “bệnh” luôn.

 Vài năm qua đi. Hạo tự đảm đương được nhiều công việc khi ông trưởng phòng vắng mặt. Sự mạnh dạn, nhanh nhẹn của anh đã gợi ý cho giám đốc quyết định những hợp đồng đem lại lợi nhuận không nhỏ cho công ty. Mọi người xung quanh thì mù tịt tưởng tác giả lối nghĩ mới, các hợp đồng chiến lược là của ông Trường tròn. Nhưng không, phần hồn do Hạo kiến tạo. Người biết rõ mọi điều chính là ông giám đốc công ty.

Đoạn  tiếp sau câu chuyện của Hạo thì tôi thực sự bị cuốn hút.

Một ngày, ông trưởng phòng Trường mắc chứng sỏi mật, phải mổ. Đúng là sông có khúc, người có lúc. Từ trước tới giờ ông trưởng phòng đâu biết ốm đau là gì thế mà phải thúc thủ trên giường bệnh mấy tháng trời. Công việc của phòng kinh doanh ông giám đốc công ty giao cho mình.  Khi ông Trường ra viện, trở lại làm việc thì sự thừa thãi của ông với công ty có dấu hiệu.

 Thỉnh thoảng, Hạo lặng lẽ ngắt quãng câu chuyện, rồi chẳng cần tôi giục rã, anh thở ngắn dài rồi lại cất lời khó nhọc.

- Ý nghĩ tối tăm hạ bệ người cưu mang dìu dắt lúc ấy chợt bùng lên trong đầu mình. Đầu năm, có một công ty nước ngoài đến ký kết hợp đồng làm ăn với công ty. Biết trước, mình phím với tay phiên dịch về thăm nhà với lý do có việc đột xuất đúng cái lúc bắt đầu cuộc họp quan trọng. Thế là với vốn ngoại ngữ nói, nghe được, mình trở thành nhân vật không thể thiếu, quan trọng vào hàng thứ hai sau ông giám đốc tại buổi họp. Ông Trường tròn lúc ấy chỉ biết ngồi xem mọi người bàn việc.  Tất cả các ngón nghề cũ, mới được mình thi thố tung hoành. Ông giám đốc công ty mát mặt. Rồi mình còn úp mở mớm nhời cho mấy tay bợm buôn ngoại quốc khen hết lời: “Người có khả năng như ngài Lê, đáng giữ trọng trách quan trọng. Nếu ngài giám đốc bằng lòng, ngài Lê sẽ là trưởng đại diện của chúng tôi ở Việt Nam”. Ông giám đốc phát hoảng... 

Thế là mình đã đặt được bàn tay lên quả đấm cửa, chỉ một động tác: Vặn, là có thể đàng hoàng bước vào trong phòng, rồi ngồi lên chiếc ghế của ông trưởng phòng kinh doanh. Trước đây, mình chưa đứng gần cánh cửa thì chẳng nói làm gì. Bây giờ cơ hội, mình không thể lại bỏ qua. Một tháng sau đấy, quyết định nghỉ hưu, giấy lĩnh tiền trợ cấp trước khi lĩnh sổ của ông Trường tròn, Trường ngắn gửi xuống cùng một lúc với Quyết định thăng chức vụ trưởng phòng  kinh doanh của mình.

Hạo rút khăn mùi xoa trong túi quần chấm chấm lên cái trán rịn mồ hôi. Anh gằn giọng.

- Những ngày ấy mình luôn có cảm giác bản thân như là mũi tên độc buông ra khỏi cánh, hoặc là những lời nói ác trên miệng đã nhả ra mất rồi. Tuy ghê sợ và khinh miệt con người mình lắm, nhưng rồi mọi điều cũng ắng, qua đi theo thời gian. Mình vẫn tiếp tục dễ ngủ. Ngày nghỉ, mình ít về quê. Cái thú về Phố Huyện, dạo chơi trong chợ phiên không còn. Mình dành thời gian vào việc tìm hiểu và gây dựng những mối quan hệ. Rồi hàng loạt thay đổi nặng về bề nổi, dễ nhìn nung nấu, giấu kín được thực thi khéo đến mức ai cũng cảm thấy phòng kinh doanh như có luồng gió mới. Người gần gận, sâu sắc thì ngỡ ngàng, không thể tin: “Cái thằng Hạo, chỉ ở tuổi ba mươi mà đã làm được những điều có bề dày thế. Thằng này đúng là vượt trội ông Trường tròn” .

Cuộc đời chắc sẽ như diều gặp gió, sẽ cứ bình yên nếu Hạo...

Bốn giờ chiều, xe chúng tôi tới thị xã Sơn La. Tôi tạt vào cơ sở hai của Đoàn xe để lấy thêm hàng. Hạo đề xuất là đi ăn rồi sau đó sẽ vượt Pha Đin. Tôi nhất chí ngay vì lúc này mới chỉ bốn giờ chiều.

Đường lên Pha Đin bây giờ dễ đi và an toàn hơn trước. Thay bằng nhiều đoạn đất, đã hoàn toàn là đường trải nhựa, các cột chỉ giới là giải phân cánh mềm, hay cột bê tông thay thế những đoạn tre to bằng cổ tay cắm thưa thớt. Nhiều đoạn đường cua có gương cầu báo hiệu. Khí lạnh từ mé vực, hơi núi bốc lên thấu người. Tôi co ro nép vào tay lái. Pha Đin, ba mươi hai cây số vừa lên, xuống. Mà mé bên Tuần Giáo nhiều đoạn cua  còn hắc búa hơn. Chênh lệch độ cao, xe đổ đèo. Tai ù đặc. Bỗng có mùi khét ùa khắp xe. Phanh cháy. Tôi phải dồn số, xe bò từ từ. Hạo quay sang chờn chợn. Trời tối vội, chập chùng, nhìn sang bên hông xe chỉ thấy đùng đục đen ngòm. Tôi cho xe đậu lại trên một khoảng đất rộng vừa đủ, nghỉ máy. Đã xuống gần hết Pha Đin. Hết Pha Đin là tới thị trấn Tuần Giáo. Lúc này gần chín giờ tối rồi.

*

... Chiếc xe máy Dream của Hạo rú ga phóng vọt từ dưới thân đê Phố Huyện lên trên mặt đê. Chẳng biết lúc đó Hạo đang nghĩ ngợi gì mà xe láng sát sang rệ đường phía bên kia. Bánh trước chiếc xe bất chợt “húc” vào một cô gái cũng từ triền đê trước mặt đi lên làm cô ngã xoài xuống vạt cỏ may chi chít. Chiếc túi sắc thật kiểu của cô gái đứt bựt quai, tuột khỏi tay văng bắn cách đến mười mét. Cô gái ngước cặp mắt hoảng hốt, chuyển dần sang ánh nhìn giận dữ. Khuôn mặt đỏ lựng vì xấu hổ và tức bực. Cô gái từ từ đứng dậy rồi phủi phủi đám bụi đỏ bám vào chiếc quần bò nhung ôm sát cặp chân thon dài. Đẹp - Hạo như trời trồng. Không còn cơ hội nâng người đẹp, anh hấp tấp dựng chân chống xe rồi phóng ra nhặt chiếc túi xách cho cô gái. “Xin lỗi. Vội quá, em có sao không?”. “Ai chả vội... sao sao cái gì”. “Anh chẳng biết làm gì bây giờ.  Hay anh nhặt đền mấy cái hoa cỏ may bám trên áo em. Vậy”.

Nguýt dài.

Rồi lời qua tiếng lại thế nào mà cuối cùng cô gái ngồi lên xe, cùng Hạo theo con đê Phố Huyện ra đường cái lớn ngược lên Hà Nội.

Đó là chuyện xẩy ra vào một buổi chiều chủ nhật đã lâu lắm Hạo mới về Phố Huyện, thăm nhà.

Sau vụ đâm xe không hề hấn gì, Hạo đã quen Ngọc Huyền. Lúc đầu cũng chỉ do cảm mến, thì đồng hương mà. Vài ba lần Hạo đến chơi. Những buổi về quê thăm thầy mẹ, Hạo đều vô tình cũng cùng... và Ngọc Huyền không thể nào không ngồi sau xe anh. Em cũng chẳng có lý do gì từ chối việc Hạo đúng giờ đón đợi ở chỗ đâm xe dạo nọ để lại cùng lên Hà Nội. Sau một năm lần gặp đầu tiên, Ngọc Huyền đã yêu. Tình Yêu đầu đầy đặn và trong trắng em dành hết cho Hạo. Những tối sau các buổi biểu diễn Ngọc Huyền không còn leo lên chiếc ô tô mà luôn có Hạo đón đợi đưa về khu nhà tập thể của Đoàn. Cũng nói thêm, Ngọc Huyền là diễn viên một đoàn văn công. Nhà cô ở làng Hạ bên kia sông. Xưa, cô vẫn thường qua Phố Huyện bên này cất nón và làm nghề thêu tranh lụa bán lẻ. Mấy năm trước, nghe bạn bè động viên, cô ghi tên thi tuyển vào trường sân khấu, cũng là xem xem thế nào thôi. Không ngờ trúng tuyền. Ngọc Huyền đứng thứ ba trong số hai mươi cô gái theo học diễn viên khoá ấy. Ngẫu nhiên, cô dấn thân vào nghiệp ca hát. Ra trường, Ngọc Huyền được một đoàn văn tại thủ đô nhận và với khả năng của mình cô thường xuyên đảm trách những vai diễn chính trong các tiết mục của Đoàn. Hơn một năm sau thì cô gặp Hạo. Tình yêu đầu dịu ngọt, tím mọng những chiều khoác tay ngắm nhìn mặt Tây Hồ phẳng lặng, vàng rộm và tối tối tựa đầu vào nhau ở quán Trà Lầu Cổ Ngư bên ly sinh tố mát lạnh để đếm sao trời.

Một ngày thứ bẩy như mọi khi, Hạo lại đón Ngọc Huyền ở cổng Đoàn kịch. Chiếc xe tăng ga lướt trên đường trong ráng chiều hồng sậm. Ngọc Huyền ngồi núp sau lưng anh, nhỏ thó, tin cậy. Chiều xuống. Đi được hơn một tiếng đồng hồ thì xe quẹo vào một con đường đất, theo triền đê thẳng về Phố Huyện. Tối vội. Từ đằng xa một đám mây đen hiện ra và lớn nhanh. Thỉnh thoảng từng làn gió lạnh thổi. Rồi cơn mưa rào tháng tư tới vội vàng. Hạo tạt gấp vào một điếm canh đê vắng vẻ. Mưa sối xả, sầm sập. Sấm chớp ầm trời. Huyền nép sát người vào Hạo. Mái tóc cô ướt mèm. Hạo quàng tay qua, kéo sát hơn nữa bờ vai tròn lẳn, cái má mịn ấm của Huyền ấp lên ngực mình. Bên ngoài, trời càng tối sẫm. Mưa càng lúc càng lớn. Hơi ấm của thân thể, tình yêu đầu rạo rực, trinh nguyên. Họ thở gấp, rồi không còn để ý gì mưa gió bên ngoài nữa. Khái niệm dâng hiến dâng lên trong ngực cô gái. Thổn thức. Rục rã. Hạo khẽ luồn bàn tay vào khuôn ngực tròn căng, nóng rực. Đôi môi hai người tìm nhau, xoắn xuýt... Mọi điều gấp gáp, xẩy ra. Không gian lịm đi, tan loãng. Tất cả chỉ còn lại cái điếm canh với hai cơ thể đẹp tuyệt vời mà tạo hoá gọt rũa triệu năm mới tạo ra được. Họ không biết và không nhớ gì nữa. Chỉ thấy người trải ra, nhẹ tênh... 

Một gia đình đúng nghĩa ra đời lúc này thực sự Hạo chưa muốn. Mọi thứ còn đang ở trước mặt. Anh cố lảng tránh và còn tỏ ra ngây ngô trước những biến đổi về sinh hoạt của Ngọc Huyền. Ngọc Huyền thì vô cùng ngạc nhiên khi không thấy Hạo nhắc đến những gì đã có và không thấy anh thao thao bất tuyệt về dự định tương lai của cái gia đình nho nhỏ mà thường trước đây anh hay hứa. Cứ nghĩ đến ngày được bước lên xe hoa, Ngọc Huyền đã ngợp trong hạnh phúc. Tình yêu có hình hài. Ngọc Huyền càng sốt ruột, cuống lên giục Hạo bố trí thời gian về Phố Huyện, sang bên làng Hạ thưa chuyện cùng với thầy mẹ Ngọc Huyền về quan hệ giữa hai người. Hạo chột dạ, rồi không biết làm sao nữa. Anh tìm cách khất lần và một lần đi chơi, Hạo đã buộc lòng nói ra: “Có lẽ chuyện chúng mình từ từ em”. Ngọc Huyền choáng vàng. Cô hiểu, đồng nghĩa với hai tiếng từ từ sẽ là gì!

Thời gian trôi nặng nề từng ngày, từng khắc. Mặc dù Hạo vẫn biết tình cảm của anh với Ngọc Huyền vẫn còn. Nhưng cuộc đời thật khắc nghiệt, từ trước tới giờ anh đã quen cắt nghĩa mọi thứ theo lôgic của cái đầu chứ không làm theo cách nghĩ của con tim mình. Vợ Hạo phải là con nhà ai kia, đủ đầy điều kiện để giúp anh thành công, tiến xa hơn nữa trong con đường danh vọng. Thực lòng, phải dứt tình yêu với Ngọc Huyền, anh dằn vặt và đau khổ lắm, nhưng làm sao bây giờ?! Đúng hai tháng sau, Hạo đã chấm cô cháu gái của ông giám đốc công ty. Cô cháu gái mồ côi bố đã lâu, ông giám đốc nuôi nấng từ lúc cô được mười tuổi. Ông cưng cô cháu còn hơn cả con đẻ mình. Xiêm (tên cô cháu) không đẹp nhưng được cái siêng năng, thật thà. Chỉ tội mỗi điều, lúc nào cũng thấy cô cười xe xé. Có chuyện buồn cũng cười, vui cô cũng cười.  Xiêm được ông chú xắp xếp làm ở phòng tài vụ sau khi cô học qua một lớp kế toán cấp tốc ba tháng. Việc ngỏ lời, cầm cái cổ tay đần đẫn, rồi những cái hôn bậy bạ đến việc gần xa ý tứ được Hao thực thi chơn tru... Ông giám đốc sành sỏi trường đời đã bị Hạo hạ êm. Ông thấy mừng, thở phào nhẹ nhõm vì đã thay người anh sớm khuất, lo cho cái Xiêm mọi điều trọn vẹn. Ông giám đốc thầm cảm ơn cái ngày ông trời đưa Hạo đến cơ quan ông xin việc.

Ngẫu nhiên, Ngọc Huyền biết tất cả mọi chuyện, cô thấy ghê sợ con người Hạo. Tình yêu của cô đối với Hạo bây giờ thực sự đã chết. Nhưng còn tình yêu với đứa con đang cựa quậy trong mình thì mỗi ngày cứ lớn, cứ da diết hơn. Và một điều, hồi đó Hạo không thể ngờ, không bao giờ hiểu được là em vẫn muốn sinh ra nó. Có lẽ mọi ý nghĩ tốt đẹp, mọi kỷ niệm ngọt ngào của tuổi đầu đời Ngọc Huyền đã dành đã tạo nó nên vóc nên hình. Mấy tháng sau Ngọc Huyền sinh con. Thiếu thốn và sự cô độc, hờn tủi, buồn chán, cả lòng thù hận đã vắt kiệt sức lực của cô. Ngày bé Ngọc Bích chào đời thì cũng là ngày mẹ nó ra đi mãi mãi.

Hạo bàng hoàng khi biết được Ngọc Huyền một mình tới nhà thương sinh con. Đến bệnh viện, anh choáng váng và không thể nào tin được: Ngọc Huyền đã mất. Đứa con gái, bác nó bế về quê rồi.

Hồi kết thúc của mối tình với cô cháu gái ông giám đốc cũng nhìn thấy rõ ràng. Hạo ớn xương sống khi nghĩ đến chân tướng mình bị bại lộ trước mọi người. Thế rồi một ngày cuối đông năm 2004, anh tựa một thằng điên phiêu diêu phóng xe như bay ngoài đường mà chẳng biết đi về đâu. Anh lờ mờ khái niệm mình đã ra đường cái lớn, về Phố Huyện? Một quầng sáng vàng, to, choán trước mặt. Anh cảm thấy như bị một quả núi quất thốc vào. Ngất lịm. Chiếc ô tô tải đi ngược chiều đã tung Hạo xuống rệ đường. Ba tháng sau anh mới tỉnh lại. Trông không còn là một con người nữa. Nếu không có Công ty lo chu đáo, U và các em ở quê ra chăm sóc thì chắc Hạo cũng chẳng còn trên đời. Nửa thân người phía dưới của anh không còn động đậy.

- Không biết có nên kể hết. Nhưng thôi.

Thỉnh thoảng Hạo lại nói câu này rồi lại nhìn người bạn đồng hành chăm chú. Và khi  thấy tôi gật đầu nài nỉ, anh lại khó nhọc tiếp câu chuyện.

“…Việc đầu tiên khi ra viện là mình trở về quê, qua bên làng Hạ nhỏ. Con đê Phố Huyện hôm đó vắng vẻ lắm. Suốt một đoạn dài chẳng có lấy bóng người. Chiếc đò chở khách đậu im lìm, buồn hưu hắt. Từng cơn gió báo mưa cháng xuống mặt sông tạo thành vô số những quầng sậm lớn. Bầu trời Phố Huyện thấp và nặng. Người đàn ông chèo đò hì hục mãi mới đưa được cả người và chiếc xe lăn xuống thuyền. Vừa vào đến đầu ngõ mình nhìn thấy cha của Ngọc Huyền. Ông cụ cởi trần, vận mỗi một chiếc quần cộc đang ngồi chẻ lạt trong sân. Như chiếc lò so bị nén lâu ngày, ông đứng phắt dậy.  Từng thớ thịt trên người thoắt gồng lên. Ánh mắt vắn đỏ, lạnh, sắc. Ông rằn người gầm lên một tiếng tựa sấm sô giữa trời nắng ong: “Đồ đê tiện, mày còn vác mặt về đây à?” Mình cảm nhận được sự căm hận và đau đớn chất chứa tận cùng trong tiếng quát. Thế mà không hiểu sao lúc ấy chẳng mảy may sợ sệt. Có lẽ sự hối hận đã dâng tột độ choán hết tâm tưởng nên không một điều gì có thể chen vào. Trong nhà bỗng có tiếng trẻ con khóc ré. Biết chắc đó là tiếng khóc của con gái mình. Ông ngoại nó chợt bừng tỉnh. Mình thì cứ nhìn trân trối ông. Chắc ông cũng biết: “Hắn ta sẵn sàng đón nhận lưỡi dao đang giơ cao”. Tiếng khóc lần nữa ré lên rồi im bặt. Con dao trên tay cha của Ngọc Huyền rơi xuống. Nhìn mình một khắc rồi ông lặng lẽ quay vào trong nhà. Ở bên ngoài, mình thấy ông chậm rãi tiến đến bàn thờ, châm một nén hương. Nơi ấy có tấm hình của Ngọc Huyền.  Ông lão lặng lẽ gục đầu vào hai cánh tay bíu chặt cạnh bàn thờ. Gió bên ngoài nổi lên. Bầu trời xịt mầu keo. Tôi ngồi bơ thờ như đổ sáp giữa sân gạch. Nửa chiếc cầu vồng ngũ sắc ở đâu lừng lững hiện ra cắm xuống thân đê phố Huyện. Nửa kia thì gẫy gập ngập trong đám  mây đen đặc trùm  kín mé bờ đê bên này con sông Gắng”.

Chuyện về Hạo như thế.

Nghe xong, tôi cảm thấy mình như bị kiệt sức, chẳng nghĩ ra lời nào để nói. Tôi muốn cầm bàn tay của anh nhưng không thể nào giơ nổi để đưa tay mình sang chiếc giường bên cạnh.

 

Đoạn kết

Chuyến công tác tại Hà Nam tôi gặp Hạo. Anh có khuôn mặt thông minh, rất hiểu biết về kinh doanh, nói tiếng Pháp giỏi. Hạo là chủ một cửa hàng đại lý nho nhỏ bán tranh lụa và những đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày đó tôi đã rất ngỡ ngàng vì ở vùng quê xa thành phố, tại một chợ phiên đông đúc họp ngoài trời sao lại có người giỏi giang vậy. Điều đặc biệt ở anh khiếm khuyết so với mọi người khiến tôi cứ thắc mắc.

Và thật ngẫu nhiên, bốn năm sau, tức năm tôi gặp lại Hạo. Anh đi nhờ ô tô của tôi lên Điện Biên nhân một tổ chức thương mại của nước Cộng hoà Pháp mở cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại thị xã miền rừng này. Hai ngày đường, Hạo đã tin và bộc bạch với tôi về quãng đời tuổi trẻ của anh. Tôi cũng không hiểu sao mình hân hạnh được Hạo kể hết cho nghe những gì anh gọi là “lời tự bạch đau buồn”. Hạo kể trên xe, kể những lúc nghỉ lại ở nhà nghỉ tại thị chấn Tuần Giáo, kể trong khi xe bị kẹt ở dốc Cun, trong quán cơm tại Mộc Châu.

Giờ đây, nhiều năm đã qua đi. Nhớ lại câu chuyện về người đàn ông ngồi trên xe lăn tôi lại thấy lòng xa xót. Chợ phiên Phố Huyện càng ngày càng sầm uất, nườm nượp người về bán mua tranh lụa và nón lá. Những bức tranh đi mọi nơi, ra cả nước ngoài. Người ngoại quốc cũng tìm về xem tranh và mua tranh. Mỗi lần nghĩ tới cái làng Nón trù phú tôi lại nhìn thấy rõ ràng ở góc cuối chợ phiên có gian hàng của một người đàn ông tàn tật trên chiếc xe lăn, mái tóc dài, đôi mắt sâu, vời vợi. Bên cạnh anh là đứa con gái nhỏ đẹp như thiên thần, suốt ngày cứ quấy rầy cha và tôi lại thấy vang lên trong đầu câu nói của Hạo: “Đời người là một vòng tròn khép kín. Điểm xuất phát và điểm kết thúc dù ngắn dài thường sẽ gặp nhau. Người may mắn khi trở về ở sát điểm khởi đầu hành trình một sự bằng an. Người hạnh phúc sẽ chạm đích đến của mình sự đẹp đẽ, mặc dù hạnh phúc mãi mãi chỉ là hành trình. Hành trình của tôi là những rối gian và điểm kết thúc thật buồn lại gắn kèm với chiếc xe lăn định mệnh”.

                                                                      

Nguồn Văn nghệ 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm