March 29, 2024, 9:35 am

Vốn sống và tác phẩm

Trong buổi lễ trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV, biết tiểu thuyết Rễ người của tôi đoạt giải A.

Khá nhiều phóng viên báo chí đã gặp gỡ, phỏng vấn. Hỏi? Trả lời! Trả lời! Hỏi? Câu hỏi chồng lên câu hỏi. Trả lời cũng vậy. Trong thời gian hạn hẹp, trong ngập tràn hưng phấn, tôi khó có thể đáp ứng sâu sắc được các câu hỏi của phóng viên, song về đến nhà, khi niềm vui lắng lại và có thời gian bình tâm suy ngẫm tôi suy nghĩ nhiều tới sự quan tâm của các nhà báo, nhất là những câu hỏi liên quan tới công việc, những thuận lợi, khó khăn khi nhà văn viết về đề tài miền núi, dân tộc thiểu số. Đây thực sự là một câu hỏi khó, vô cùng khó trong tình huống nhà văn là người Kinh viết về người dân tộc, hoặc người dân tộc này viết về dân tộc khác… Và đó cũng là điều tôi trăn trở ngay từ khi ngập ngừng bước vào nghề. 

Bởi sau gần một thế kỷ đồng hành, sáng tạo cùng đồng bào các dân tộc miền núi, nhiều cây bút tưởng loại bỏ được những câu văn ngô nghê, cái tao cái mày, úi dô, ái dà…, loại bỏ được ý nghĩ áp đặt, đóng sống cách làm cách nghĩ của mình lên ý nghĩ, cách làm của đồng bào… Những tưởng vậy là đủ. Nhưng không, trong văn chương của chúng ta vẫn còn nhiều sản phẩm mà ở đó áp đặt văn hóa, thiếu vốn sống đã làm méo mó suy nghĩ về cuộc sống tinh thần, vật chất của của cộng đồng dân tộc.

Bởi thế nên ngay trong tiểu thuyết Rễ người tôi đã phải thú nhận: “Với người Mông việc nhận anh em người ngoài đồng tộc là việc hiếm. Người Mông mở lòng. Người Mông dang rộng vòng tay. Người Mông hào phóng với thiên nhiên, với con người, song từ khi mất nước, phải dấn thân vào cuộc thiên di khổ ải thì người Mông thường như con chim bị tên gặp cây cong cũng ngỡ cây cung. Mở lòng mở dạ, nghìn nốt lạt một chiều đấy song nhắm mắt là nghĩ đến hổ vằn ngoài người vằn trong. Hồ hởi, cả tin, nước trong nhìn thấy đáy đấy song ẩn sâu trong lòng vẫn nghĩ lưỡi người khác lưỡi sáo lưỡi khèn. Rồi đo mức nước đóng thuyền. Rồi đẵn cây xem hướng đổ... Bao nhiêu những cái gặt hái, cái mất mát dọc đời khiến cho người Mông luôn luôn lúc phơi bầy, lúc co lại. Bởi vậy mới có chuyện chơi với người Mông thì dễ nhưng vào được hồn người Mông thì khó…

Khó là vậy song là nhà văn muốn viết về đề tài này buộc tôi phải vượt qua cái khó ấy mới có thể vững tin cầm bút.

Tôi có một may mắn là đến nay có gần năm chục năm sinh sống trên mảnh đất Yên Bái, Lào Cai. Những năm tháng gặp gỡ, tiếp xúc, thậm chí “ba cùng” với đồng bào các dân tộc đã cho tôi rất nhiều. Cái nhiều đó là sự tích tụ qua ngày qua tháng, nó vào tôi tự nhiên như nhiên rồi ở lại, ngấm vào, ví như lúc mười bẩy tuổi rời Hà Nam lên làm công nhân cầu đường trên vùng Hưng Khánh, một xã thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, có tới trên chín mươi phần trăm người Tày. Ngày ấy tôi đã gặp may, gần một trăm công nhân được tuyển từ huyện Thanh Liêm – Hà Nam đổ bộ vào Công trình 6, một đơn vị của Công ty Cầu đường Yên Bái đang làm nhiệm vụ mở đường cho Khu kinh tế mới đúng lúc lán trại của công trường không đủ chỗ, lãnh đạo Công trình phải gửi tổ chúng tôi vào một nhà người Tày ở gần đó. Chuyện ăn nhờ ở đậu này làm anh em trong tổ thất vọng, nhưng tôi thích thú. Vốn là một kẻ ưa mơ mộng, khám phá tự dưng được rơi vào một không gian hoàn toàn mới lạ mà ở vùng xuôi tôi chưa từng nghĩ tới. Lạ từ ngôi nhà sàn với cả dãy cửa sổ đón gió đón nắng, ngồi bên cửa sổ có thể ngắm mây bay gió thổi, thu vào tầm mắt cánh đồng, ao, vườn, sân sướng. Lạ từ cô gái chủ nhà yểu điệu, thướt tha với bộ váy áo Tày truyền thống, từ những đêm mưa bên bếp lửa giữa sàn bập bùng ông chủ nhà chiều tôi kể chuyện về phong tục, về chuyện cổ tích người Tày. Rồi rừng cọ, đồi chè. Rồi con suối loanh quanh ăm ắp nước… Bạn bè tôi đi làm về là khểnh ra sàn đánh một giấc hoặc chui vào những cuộc đánh tiến lên tiến xuống, song tôi mê đắm với văn hóa Tày, ra đường thì thôi về đến nhà là ríu rít bên người trẻ, người già, tíu tít nhận, cho như đứa trẻ lần đầu vào rừng, mặc dù lúc đó nhận cũng chẳng biết để làm gì.

 Những tháng năm tiếp theo, bởi vì là một công nhân trực tiếp mở đường, quanh năm ngủ lán, đường mở đến đâu lán đi đến đó, nên những con đường đưa chân tôi đến khắp các đất Lương Thịnh, Kiên Thành, Sơn Thủy, Nậm Mòn, Cốc Ly… toàn những nơi vùng sâu vùng xa, rừng sâu núi thẳm, vất vả, gian nan không thể tính được. Song, tôi có cái vui, cái an ủi là đến nơi nào tôi cũng có những người đồng bào chất phác yêu quý, coi tôi như con như cháu. Đó là bà mẹ nuôi người Tày chuyên làm thuốc chữa bệnh bằng củ quả, lá rừng ở đất Tân An. Là người anh kết nghĩa người Tày đất Võ Lao. Là bà mẹ nuôi người Phù Lá đất Bắc Hà. Là ông bạn kết nghĩa người Dao đất Văn Bàn…, những người tôi gặp trên đường, coi tôi là người thân ấy là những người đã cho tôi vốn sống dày lên theo năm tháng.

Sau hơn chín năm đi theo những con đường cuộc đời đã chuyển tôi sang ngã rẽ khác, lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Hà đã nhận tôi vào đội thông tin lưu động. Làm cái nghề cờ đèn kèn trống, đặc biệt là vác loa đi len lỏi tuyên truyền khắp một huyện vùng cao biên giới giữa thời kỳ bao cấp, xóa bao cấp thì quá khổ rồi, song trong những năm tháng buồn vui sướng khổ đằng đẵng ấy tôi vẫn tìm cách để thoát ra, để có cái gì đọng lại. Đó là đôi chân đã đưa tôi đi hết 33 xã trong một huyện có diện tích gần bằng tỉnh Thái Bình. Đó là cái đầu dù nhiều, dù ít cũng đã tiếp cận, thu nhận văn hóa tinh thần, vật chất của14 tộc người sinh sống. Đó là những tháng ngày được ở trong một gian nhà tập thể của thư viện huyện, thiếu cơm thiếu rượu song thời gian và sách thì ê hề. Để rồi, khi chuyển ra làm ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, vốn sống bổ sung từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Lào Cai, của đất nước viết, nghiên cứu về Lào Cai cộng với vốn sống gần hai chục năm tích lũy đã cho tôi vững tin bước vào nghiệp cầm bút.

 Vậy đó, từ khi tập tọe làm văn chương cho đến khi ít nhiều đã có thành tựu về nghề lúc nào “Mỏ vàng” cũng bên cạnh tôi, nuôi dưỡng tôi từng trang viết. “Mỏ Vàng” đó là đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao với những phong tục tập quán đặc sắc, nếp sống văn hóa lâu đời. Là công cuộc đổi mới của đất nước, những thành tựu của khoa học kỹ thuật, mối giao hòa giữa các nền văn hóa… đang tác động trực tiếp hoặc ảnh hưởng tới từng người, từng tộc người, đặc biệt là tính cách, tâm hồn cùng lịch sử dữ dằn, bền bỉ, nhân hậu của người miền núi và cội nguồn văn hóa tự nó sinh ra, tự nó làm thỏa mãn “văn hóa nội tại”…

Lâu nay, khi nghĩ tới đi đâu, làm gì trong tỉnh là tôi nghĩ ngay tới những người Mông, người Tày, người Phù Lá ở Bắc Hà, người Nùng ở Mường Khương, người Dao ở Văn Bàn, người Tày ở Bảo Yên, người Giáy ở Bát Xát, người Mông, người Giáy ở Sa Pa… Đến những nơi này, tôi hòa được ngay với không khí liêu trai mây bay gió thổi, với nền văn hóa của các tộc người mà đất nước đang phải bỏ tiền của, thời gian vào việc lưu giữ. Với cuộc sống là vậy, còn sáng tác, khi cầm bút là tôi nghĩ ngay đến đề tài miền núi và dân tộc, nghĩ ngay tới những  từ điển sống, trong đó có lớp gạo cội như: Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Sần Cháng, Trần Hùng; lớp trung tuổi như Trần Hữu Sơn, Vàng Thung Chúng; lớp trẻ như Mã Anh Lâm, Pờ Vần Nam, Dương Tuấn Nghĩa… Những “Mỏ Vàng” này đã nuôi dưỡng tôi trong những ngày gian khó, gây dựng, tạo cảm hứng và cho tôi những thành công trong cuộc đời, thành công trên trang sách.

Vậy đó, “Mỏ vàng” Miền núi và dân tộc còn biết bao những vấn đề để tôi cùng các nhà văn khai thác, rất mong bạn đọc yêu quý đồng hành cùng chúng tôi.

Nguồn Văn nghệ số 50/2020


Có thể bạn quan tâm