April 25, 2024, 3:09 pm

Với nỗi đau dịu dàng

 

Làm thơ từ sớm nhưng do cơm áo, gạo tiền, Ngô Đức Hành “nghễnh ngãng” với thơ. Mãi hơn chục năm nay anh mới trở lại. Từ năm 2011 đến năm 2019, Ngô Đức Hành đã có 4 tập thơ in riêng. Duyên thơ trở thành nơi anh gửi gắm tâm thức nhớ nhung quay quắt của người con xa quê. Ví giặm quê mình, Con đường rạ rơm, Ballad đêm và đến giờ là Khái niệm cùng nhau làm nên tấm “thẻ căn cước đồng nội” trong thơ anh.

Sở trường của Ngô Đức Hành là mảng thơ tình và thơ về quê hương. Nhưng Khái niệm là tập thơ đầu tiên anh dành trọn vẹn tình yêu với lục bát. 50 bài trong Khái niệm có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, vừa đảm bảo sự thanh thoát, uyển chuyển, mộc mạc của thể thơ dân tộc, vừa cách tân, lạ hoá, khoẻ khoắn, sinh động theo làn gió đương đại. Tư tưởng, tình cảm gói rất tinh, sâu, lôi kéo người đọc vào trường suy ngẫm.

Tình quê phơi mở trong một hệ thống thi ảnh dân dã: sông, đồng đất, đất nâu, cau trầu, con sáo, lúa chiêm, mạ, bờ tre, lục bình, góc liếp, bưởi, hạt trắt, hoa cải, hoa cà, quả duối, đọi nác xanh chè,... được ví von bằng những hình ảnh cụ thể quen thuộc và bằng những hình ảnh trừu tượng, chỉ cảm nhận mà không thể nắm bắt được: “quê là một miếng trầu cay”, “quê là một tiếng ve trưa”, “quê là đất thở cay nồng”, “quê là quả thị nôn nao”, “quê là tất cả bền lâu”, “quê là thảng thốt tím mua”,... Tình em gắn liền với những hình ảnh thơ hồn nhiên, trong sáng: “nhìn em má đỏ hây hây/ mắt la mày lém chõng mây gối trời” (mời anh về vụ gặt), “cong như bờ ngực em tôi hóng chờ”, “em về nhón gót chân son”, “cô em má thắm đung đưa bến đò”... Như thế, cũng tình quê, tình em gần gũi, quen thuộc, mặn nồng, tuy nhiên, cách giãi bày của tác giả trong tập thơ phần nhiều thân mật, suồng sã hơn. Tình quê và tình em còn được gắn kết, hòa nhập thành một. Trong quê có em, trong em có quê: “quê là đôi mắt em tôi”, “quê là/ ngày ấy em sang”,... Quê và em được nhìn, được soi chiếu từ chủ thể trữ tình – anh, trong tâm thức của kẻ lưu đày: “xa quê dẫu đã bao ngày/ 30 chưa Tết đã đầy bơ vơ...” (ngày 30 Tết lên xe về quê), nên tất thảy nỗi nhớ đều dội về ào ạt.

Ngô Đức Hành rời quê hương đến nay đã 42 năm. Vì vậy, tiếng lòng khắc khoải, nhớ nhung, mong chờ kiểu “mùi quê bên bụi dậu thưa/ tơ hồng vàng rực gió lùa tóc mai/ hỡi người răng khểnh mắt nai/ têm vào thương nhớ canh hai trở mình” (mùi quê) chính là tâm thức hoài hương. Buồn mà không lụy. Buồn mà hạnh phúc. Ngô Đức Hành gọi đó là “nỗi đau dịu dàng”. Nỗi buồn làm cho con người biết yêu quý, trân trọng hơn những gì đã thuộc về xưa cũ: “có gì nhớ đến bền lâu/ con đường rơm rạ, tìm nhau. Ta về...” (ta về). Nỗi buồn trở thành một yếu tính, hay nói cách khác, chất buồn là căn nguyên bên trong thơ anh. Anh đi tìm cái tôi bản thể thông qua hữu thể cô đơn, buồn nhớ trước những hư hao phận số, tung mình phía hư ảo, mong manh để tìm lại hơi ấm cũ, để được là chính mình thuở an yên: “trăm năm vẫn thế kiếm tìm/ dã tràng xe cát lặng nhìn. Bóng em...” (giá như). Những hành động “quờ vào nỗi nhớ”, “têm vào thương nhớ”, “rơi vào giữa nhớ mong”,... của Ngô Đức Hành như là sự khẳng định “nỗi đau dịu dàng” của cái nhân vị “ngày xưa”. Vì vậy, không gian ký ức trong thơ anh trở thành nơi an trú của cái tôi bản thể. Tâm thức lưu đày và hoài hương theo đó cũng là một tín hiệu thẩm mỹ của Khái niệm. Nỗi niềm, ký ức quê và em song hành với ý thức bản thể của Ngô Đức Hành không hề tĩnh lặng, đứng yên mà luôn vận động, quẫy cựa. Ký ức là của anh nhưng ký ức đó còn là của em, của mẹ cha, của quê hương: anh về vụ gặt đi thôi/ lạt mềm tay gối buộc đời chờ nhau/ con đường rơm rạ sắc màu/ dấu chân liếp cỏ tinh cầu ủ men” (mời anh về vụ gặt)… Cho nên, Khái niệm có sự chuyển vai, chuyển góc nhìn rất linh hoạt, góp phần làm sống động ký ức cội nguồn.

Ở tập thơ in riêng thứ 5 này, Ngô Đức Hành vẫn còn dăm ba ý tưởng mới ở dạng khái niệm, nhưng sự cố gắng làm mới lục bát, tạo sinh nghĩa của chữ thông qua những cài cắm, sắp đặt tổ hợp từ lạ, kết hợp ngôn ngữ toàn dân với ngôn ngữ địa phương tạo ra nét quê Hà Tĩnh và tiếng lòng của riêng anh cũng đã ít nhiều khẳng định bản lĩnh và sự dấn thân của anh trên con đường thi ca.

Nguồn Văn nghệ số 45/2019


Có thể bạn quan tâm