April 25, 2024, 10:24 pm

Với lối về quê mẹ

 

Tác giả Trần Văn Cường (bút danh Bảo Cường), sinh năm 1960 tại một vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa - xã Bồng Sơn, thị xã Hà Tĩnh (nay là phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh). Đến thời điểm này, Trần Văn Cường không còn là cái tên xa lạ đối với độc giả yêu thơ. Thơ anh được đăng nhiều trên các báo: Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Sông Hương. Năm 2019 có thể xem là mốc thời gian đánh dấu nhiều thành công trong nghiệp cầm bút của anh: được kết nạp vào Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, cùng năm, anh xuất bản hai tập thơ: Lối về quê mẹ và Nỗi nhớ tháng năm với gần 200 bài thơ.

Tập thơ Lối về quê mẹ gồm 78 bài, được viết dưới nhiều thể loại khác nhau: ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, tự do… Chủ đề xuyên suốt tập thơ là tình yêu quê hương, là nỗi nhớ mẹ cha da diết và những tình cảm đẹp đẽ của thời trai trẻ. Xa quê hương từ năm 18 tuổi, tính đến nay đã hơn 40 năm, nhưng lúc nào trong tâm khảm của Trần Văn Cường, quê hương cũng nặng tình, nặng nghĩa, dù đi đâu, về đâu thì hành trang anh mang theo cũng chính là quê hương: Ta đi khắp cả đời trai,/ Trong ta mang cả hình hài quê hương. (Quê hương của mẹ)

Có thể thấy trong thơ Trần Văn Cường, cái niềm quê, cái tình quê luôn dạt dào lai láng, quyện vào trong từng câu, từng chữ, từng ý thơ, tứ thơ. Quê hương gắn với những hình ảnh bình dị, thân thương nhất. Đó có thể là hình ảnh dòng sông tuổi thơ và những buổi trưa hè đầu trần chân đất cùng lũ bạn đầm mình tắm sông, và có khi lại là bếp lửa mẹ nhen với làn khói cay xè đôi mắt trong mỗi buổi sáng mùa đông…

 Ta đã thấy trong Lối về quê mẹ một con người vì cuộc sống mưu sinh nên đã rời quê ra thành phố, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn anh, tình quê đã thấm vào từng mạch máu. Và đôi khi tác giả gửi gắm cả niềm khắc khoải âu lo về quê nhà vào mùa giông bão: Ở trong này anh ít bão giông,/ Nghe quê mình ngoài kia nắng hạn./ Con sông quê đang cạn dòng trơ đáy,/ Lúa ngoài đồng vàng đọt phơi khô. (Con sông quê)

Quê hương trong thơ Bảo Cường nhiều lúc chỉ hiện hữu qua một nếp nhà tranh, một bát nước chè xanh, một tiếng gà gáy sáng. Và bất chợt cảm xúc trào dâng, bồi hồi xao xuyến khi chợt nghe điệu ví giận thương: Biết bao nghĩa nặng tình sâu/ Chan vào điệu ví trọn câu ân tình (Tình quê qua điệu ví).

Vốn là cựu chiến binh nên hình ảnh trong thơ Trần Văn Cường rất chân thật, giản dị, mộc mạc như tâm hồn người lính. Trong Lối về quê mẹ, có một hình ảnh được tác giả tái hiện rất nhiều lần, đó chính là hình ảnh sắc tím hoa bèo: “Màu hoa bèo nở”, “Kỷ niệm hoa bèo”, “Một thuở hoa bèo”, “Hoa bèo tiễn anh”, “Sắc hoa bèo”… và gắn với hình ảnh của những đóa hoa bèo tím ấy là nỗi niềm của tác giả về tình cảm đầu đời trong sáng: Một bông hoa bèo tím/ Hái trước ruộng nhà mình/ Người trao tôi lặng lẽ/ Tím cả thời lung linh. (Hoa bèo tím)

Quê hương trong sáng tác của Trần Văn Cường là điểm tựa cho cuộc đời, là nơi lưu giữ kỷ niệm, nuôi dưỡng tâm hồn anh, ở đó có những người mà anh dành trọn tình yêu thương. Bởi vậy, xuyên suốt những bài thơ của anh là tình yêu anh dành cho cha, mẹ với nhiều cung bậc, cảm xúc; khi thì nhớ thương dáng mẹ hao gầy, tần tảo; khi lại trăn trở, day dứt vì chưa kịp đáp đền ơn nghĩa sinh thành mà cha mẹ đã khuất bóng hoàng hôn: Chút báo đáp con chưa tròn phận hiếu/ Giờ mẹ xa mồ tàn lạnh héo/ Để tháng ngày ngập úa lòng con (Mẹ thầm lặng)

 Từng là chiến sĩ trực tiếp phục vụ chiến đấu trên nhiều chiến trường, Trần Văn Cường đã có thời gian dài biền biệt xa quê, xa gia đình và người thân. Thời gian ấy càng khiến tác giả nhớ cha mẹ da diết. Không phải ngẫu nhiên, Trần Văn Cường dành phần lớn trang viết về cha, mẹ. Nhớ quê hương là nhớ dáng mẹ gầy, nếp chân chim hằn lên mắt mẹ, nhớ “cha lặn lội qua bao khúc đường cong/ vẫn chưa qua tháng ngày không phiền muộn” (Nhớ về cha). Với Trần Văn Cường, cha mẹ là quê hương nên đọc thơ anh dễ dàng nhận thấy có một tình yêu thống nhất trọn vẹn và luôn đan cài trong nhau, đó là tình yêu anh dành cho quê hương - cha mẹ: Có ai nghĩ đến chữ tình,/ Quê hương với mẹ bóng hình không phai. (Nhớ về mẹ)

Tác giả chọn tựa đề Lối về quê mẹ để đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình với rất nhiều ẩn ý. “Lối về quê mẹ” không phải về bằng con đường vật chất cụ thể, hiện hữu trong không gian, mà về quê mẹ là về bằng nỗi nhớ, niềm mong, cho nên dù xa quê nhưng vẫn trở về quê, vẫn gần quê như chưa bao giờ chia xa. Trần Văn Cường đã làm một cuộc hành trình về quê mẹ bằng miền ký ức. Dù có thể ngôn từ chưa thật sự trau chuốt, chủ đề chưa thật sự thống nhất, nhưng đọc Lối về quê mẹ, độc giả dễ dàng cảm nhận được tâm hồn giản dị, gần gũi, trong sáng của anh cũng như những tình cảm ấm áp, chân thành mà anh dành cho quê hương.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020


Có thể bạn quan tâm