April 19, 2024, 2:04 am

Với khát vọng “khơi dòng văn hóa Việt”

Trước đây, các danh nhân nước nhà đã khơi dòng văn hóa Việt bằng nội lực tự thân trong nhiều lãnh vực và để lại dấu ấn rực rỡ lâu bền, thiết nghĩ, điểm xuất phát căn bản vẫn là lòng yêu nước, thương dân - thể hiện qua việc đặt lợi ích của cộng đồng lên cao nhất. Nhờ thế, dòng chảy văn hóa mang tính tiên phong đó đã lan tỏa và cộng hưởng. Nay thế nào? Tôi nghĩ, bao giờ, người Việt thật tâm, thật lòng thay đổi, mong muốn khắc phục các hạn chế về thói hư tật xấu như một lẽ sinh tồn ắt chúng ta có câu trả lời”. Đó là tâm sự của nhà thơ Lê Minh Quốc về cuốn sách có tên Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt của ông vừa xuất bản. Tại buổi ra mắt tác phẩm khảo cứu mang nhiều “tham vọng” này, ông đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Phong Điệp về những vấn đề xung quanh cuốn sách nói trên. Văn nghệ xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ Lê Minh Quốc ký tặng sách cho độc giả tại buổi giao lưu

* Chúc mừng anh với tác phẩm khảo cứu “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” - thành quả của 20 năm miệt mài vừa được ra mắt. Tôi gọi đây là một tác phẩm “tham vọng”, vì chỉ cần nhìn tiêu đề 5 chương của cuốn sách này có thể thấy cả một chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại và Nước non nặng một lời thề. Là tác giả của cuốn sách, anh có thể nói gì về cuốn sách “tham vọng” này?

- Thật ra, tôi chẳng hề có bất kỳ một tham vọng nào cả, ngoài việc cố gắng trình bày lại vấn đề mà nhiều người đã và đang quan tâm. Về văn hóa Việt, xưa nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả uyên bác. Và trở thành sách “gối đầu gường” của nhiều thế hệ bạn đọc, trong đó có tôi. Công việc bền bỉ thầm lặng đeo đuổi mục đích và trách nhiệm của họ đã gợi cho tôi niềm say mê lẫn kính phục. Điều này, các bạn có thể tìm thấy trong phần Thư mục tham khảo. Đó là một trong những điểm tựa cần thiết để tôi có thể bàn về lãnh vực, nhân vật nào đó trong quá trình tiếp tục hiểu các vấn đề có liên quan đến văn hóa nói chung.

Từ năm 1998 đến nay, với những gì đã thu thập được và tin cậy một cách chắn chắn trong nhận thức của mình, tôi quyết định cấu trúc tập sách như bạn vừa nêu. Cấu trúc này có tính cách gợi mở cho những ai đồng điệu còn muốn bổ sung thêm các nhân vật khác, lãnh vực khác. Đây là một lẽ tất nhiên, bởi vì rằng, văn hóa là một sự chuyển động không ngừng, trải qua năm tháng tiếp tục dung nạp cái mới của thời đại và loại bỏ đi những gì đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Thế thì bước sang thế kỷ XXI, trong sự giao thoa với nhiều luồng văn hóa khác, người Việt sẽ tiếp nhận, chọn lọc thế nào cho phù hợp với tính cách dân tộc mình? Câu hỏi này, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục ghi nhận và hệ thống lại như tôi đang thực hiện với “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt”. Công việc thầm lặng này, người ta chỉ có thể làm được với “tham vọng” là mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé nhằm cất lên tiếng nói về lòng tự hào dân tộc, qua đó, bày tỏ tình yêu máu thịt với non nước Việt.

* Thách thức lớn nhất anh gặp phải khi thực hiện cuốn sách này?

- Bất kỳ một công trình nghiên cứu nào cũng có những khó khăn và thuận lợi. Chẳng hạn, về tài liệu, văn bản gốc của vấn đề đó, làm sao có thể tiếp cận, chứ không qua dẫn chừng từ người đi trước? Mà cũng là một cách “kiểm chứng” lại những gì đã công bố. Thí dụ, lâu nay về tân nhạc, chúng ta thừa nhận nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là người có ca khúc đầu tiên công bố trên báo chí.

Thế nhưng khi quay về năm tháng đó, cụ thể với tờ Phong Hóa của nhóm Tự lực văn đoàn, tôi nhận ra không hẳn là thế. Thật ra, vinh dự này thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với Bình minh, phổ thơ Thế Lữ. Báo Ngày Nay số 121 (31.7.1938) in ca khúc này với lời giới thiệu: “Cũng như ông Nguyễn Văn Tuyên, ông Nguyễn Xuân Khoát vẫn để tâm đến việc đổi mới âm nhạc Việt Nam”. Ca từ Bình minh như sau: “Chờ bình minh, hồn non nước đang âm thầm sống trong gió sương. Chờ bình minh, hồn hoa thắm đang êm đềm trong giấc hương. Đàn chim mai xao xuyến trên cành. Vừng mây trông đón đưa tin lành. Khắp nơi mơ màng, khắp nơi vui mừng chờ đón ánh dương. Bao nguồn sáng! Bao tưng bừng! Đường mây nước tiếng vang lừng… nhường reo. Bướm tung bay say nắng trên hoa, hoa đón làn gió cùng nhau múa theo. Khúc thanh âm bình minh tươi sáng, tươi khắp non sông. Khắp non sông lan tiếng ca vui, mừng reo ánh đông”. Đến số báo 122 (7.8.1938) mới in Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên. Rồi kế tiếp, số 123 (14.8.1923), tiếp tục in Tiếng đàn sông Hương của Lê Thương. Vậy vai trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên thế nào? Tôi khẳng định, ông là nhân vật tiên phong đóng vai trò rất quan trọng cổ vũ, cổ súy cho nền tân nhạc ngay từ thuở ban đầu.

Từ dẫn chứng này, tôi muốn thưa rằng, với các nhà nghiên cứu thì các tài liệu liên quan đến lãnh vực mà họ đang khảo sát, nghiên cứu luôn là một thử thách. Nhưng rồi, họ cũng vượt qua thử thách lẫn khó khăn ấy là nhờ đâu? Có nhiều cách lý giải, với tôi, chính là lòng ngưỡng mộ công đức của các bậc tiền nhân tài danh đã có công khơi dòng văn hóa của nước nhà. Và tôi nhận thức rằng, có những công việc nếu làm hết sức mình, không vì một tham vọng nào ngoài học thuật ắt sẽ có người đồng điệu, có tâm sẽ đóng góp, thậm chí sẽ chỉ giáo, chỉ ra những thiếu sót giúp mình bổ sung thêm...

* Không ít tư liệu trong cuốn sách đã được nhiều người biết đến, vậy anh đã làm thế nào để tư liệu cũ vẫn tạo được sự thu hút và hấp dẫn với độc giả?

- Đây cũng chính là vấn đề mà tôi đã suy nghĩ nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định chọn bằng cách thể hiện như một câu chuyện kể có lớp lang, có tình tiết trên cơ sở tài liệu đáng tin cậy nhằm giúp bạn đọc dễ nắm bắt vấn đề. Chẳng hạn, với vai trò của Lang Liêu trong sự tích bánh dày, bánh chưng bất kỳ ai cũng biết rồi nhưng tôi vẫn viết lại văn bản khác với “văn chương” trong khả năng có thể; hoặc khi bàn về Sơn Tinh - Thủy Tinh, ai cấm ta không dẫn chứng thêm thơ Nguyễn Nhược Pháp bên cạnh Đại Việt sử ký toàn thư? Còn có thể thêm nhiều dẫn chứng khác. Ngoài ra, tôi chú ý đến các giai thoại, truyền thuyết lên quan đến nhân vật để qua đó, khắc họa tính cách nhân vật rõ nét hơn.

* Với những tư liệu có nhiều thông tin trái chiều, anh xử lý như thế nào?

- Một vấn đề, một nhân vật thường có thông tin trái chiều là điều bình thường. Tuy nhiên có những vấn đề chưa kết luận rõ ràng, tạm thời tôi không đề cập đến. Thí dụ, tháng 12.1973, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số 527 cho rằng quyển tiểu thuyết Tố Tâm in năm 1925 tại Hà Nội của Hoàng Ngọc Phách: “Tố Tâm xứng đáng được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học lãng mạn Việt Nam thế kỷ 20”; “Trong văn học Việt Nam, đóng góp của Hoàng Ngọc Phách từ lâu đã được định vị. Ông là người cắm cột mốc quan trọng cho trào lưu lãng mạn, cũng là một đại biểu khởi đầu của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” (Hoàng Ngọc Phách - đường văn và đường đời, NXB Văn Học - 1996, tr.9). Thế nhưng, từ năm 1994, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã phát hiện và công bố quyển tiểu thuyết Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, in tại Sài Gòn năm 1887. Theo ông Trung, đây là “truyện đầu tiên viết theo lối phương Tây”, như vậy xem ra vai trò Tố Tâm đã bắt đầu có sự nhìn nhận lại. Gần đây, văn học miền Nam đầu thế kỷ XX được nhiều người chú tâm đào xới, tìm kiếm… Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất, là việc nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn công bố trọn vẹn tác phẩm Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2018) - sau hơn 100 năm “tuyệt tích giang hồ”. Sự việc lại mở thêm một hướng tiếp cận mới. Do vấn đề này vẫn chưa có kết luận cuối cùng, kết luận chính thức từ các hội thảo khoa học, vì lẽ đó, tôi tạm thời chưa đề cập đến. Tùy trường hợp mà xử lý, miễn sao mình cảm thấy thông tin mình đưa ra không phụ lòng bạn đọc. Chẳng hạn với văn bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã đưa ra nhiều bản khác nhau qua nhiều thời kỳ như một cách để bạn đọc tham khảo, chứ không dám kết luận đâu là văn bản gốc. Cẩn trọng này cần thiết quá đi chứ?

* Anh chia sẻ đó là: “Khi khảo sát về ngành nghề, các vị Tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu, các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc...”. Câu hỏi đặt ra với chúng ta hôm nay đó là làm thế nào để giá trị, tinh thần văn hóa ấy không bị mai một theo thời gian?

- Trước đây, trong vai trò khơi dòng văn hóa Việt, sở dĩ ông cha ta thành công vì khi tiếp nhận, tiếp thu giá trị văn hóa mới là bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Nhìn rộng ra, văn hóa là một tiến trình vận động, một dòng chảy liên tục mà biểu hiện sinh động nhất theo tôi vẫn là nếp sống, phép ứng xử hàng ngày của dân tộc đó với nhau và với các dân tộc khác. Và bất kỳ dân tộc nào cũng có lòng tự hào về dân tộc mình, điều này rất chính đáng nhưng vẫn chưa đủ.

Đã từ lâu, tôi rất thích đọc tạp văn của văn hào Lỗ Tấn, bởi lẽ với tâm thế chiến đấu không khoan nhượng, ông đã sử dụng ngòi bút như ngọn roi tiên phong quất vào thói hư tật xấu của chính dân tộc ông - dân tộc Trung Quốc. Thái độ cách mạng quyết liệt ấy là nhằm dẫn đến một sự thức tỉnh. Dân tộc nào cũng có sự hạn chế, khiếm khuyết, khuyết tật ngay từ trong tính cách, nếp nghĩ. Dân tộc Việt không là ngoại lệ, vì lẽ đó, đầu thế kỷ XX khi nước mất nhà tan, ngọn gió văn minh phương Tây tràn vào nước ta xốc tung mọi nề nếp đã định hình trước đó hàng ngàn năm, bấy giờ, các nhà Nho cấp tiến đã giật mình đau đáu cùng vận mệnh nước nhà. Một trong trong những mối quan tâm hàng đầu của các cụ khi đứng trong đội ngũ của phong trào Duy Tân vẫn là tinh thần: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Muốn có được sự “lột xác” đó, trước hết phải dũng cảm nhìn nhận lại thói hư tật xấu của dân tộc mình. Có như thế mới dẫn đến sự thay đổi, sửa chữa triệt để. Tôi nghĩ, đó chính là hiện thân của đổi mới, của văn hóa.

Trước đây, các danh nhân nước nhà đã khơi dòng văn hóa Việt bằng nội lực tự thân trong nhiều lĩnh vực và để lại dấu ấn rực rỡ lâu bền, thiết nghĩ, điểm xuất phát căn bản vẫn là lòng yêu nước, thương dân - thể hiện qua việc đặt lợi ích của cộng đồng lên cao nhất. Nhờ thế, dòng chảy văn hóa mang tính tiên phong đó đã lan tỏa và cộng hưởng. Nay thế nào? Tôi nghĩ, bao giờ, người Việt thật tâm, thật lòng thay đổi, mong muốn khắc phục các hạn chế về thói hư tật xấu như một lẽ sinh tồn ắt chúng ta có câu trả lời. Mà việc thay đổi phải là công việc bức thiết của một dân tộc, chứ không là một hai cá nhân riêng lẻ.

* Chủ quan mà đánh giá thì có thể thấy công việc của một nhà thơ và một nhà nghiên cứu khá trái ngược nhau. Một bên là công việc của cảm xúc, một bên là công việc của lý tính, sự kĩ lưỡng, chuẩn xác. Anh dung hòa điều đó như thế nào?

- Với tôi, mọi việc cứ để cho nó đến và đi tự nhiên, không cưỡng cầu, thúc ép. Khi tập trung cho một thể loại, đề tài nào, tôi dành hết sự quan tâm, suy nghĩ về nó trong một ngày nhiều ngày - chứ không đủ tài năng, tài hoa đến độ vừa viết thể loại này, vừa viết thể loại kia. Nhờ vậy, tôi không bị phân tâm bởi sự khác biệt về tính đặc thù của mỗi thể loại. Nói như ông bà ta “Xay lúa thì khỏi bồng em”, đã khảo cứu thì thôi thơ và ngược lại, ôm đồm làm chi?

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

PHONG ĐIỆP (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm