April 25, 2024, 6:27 am

Vô lý mới là cuộc đời

 

Đó là một lời đối đáp. Điều khiến ta ngạc nhiên là lời đối đáp đầy hàm nghĩa Triết học ấy là của Đá, thành viên nòng cốt làm nên khu mộ hoang có những cây thánh giá nhỏ đang bị lút dần trong cỏ dại, và nhất là những bãi tường đá, những móng đá vững chãi hiện vẫn dăng dăng khi mờ khi tỏ trên những sườn núi trong sương mù Tam Đảo. Và điều ngạc nhiên hơn: người nghe được tiếng nói của Đá, để từ đó ghi lại thành những trang tiểu thuyết là một nhà văn suốt thời trai trẻ mặc áo lính lặn lội các chiến trường để viết những trang báo, trang văn nóng hổi hiện thực chiến tranh. 

Cái thính giác mang màu sắc siêu thực ở ngay những trang đầu sách quả thật đã có sức khơi gợi, níu kéo người đọc đi vào thế giới Tam Đảo mù sương.

 Câu chuyện bắt đầu từ việc đội trưởng Hoạch ném bó đuốc vào đống củi và lá thông khô chất đầy phòng khách ngôi biệt thự của công sứ Henry Wintrebert trong khi cả ba mặt tường căn phòng sang trọng này vẫn đang treo những bức tranh sơn dầu khổ lớn, làm cho lửa ngay lập tức bùng lên dữ dội. Cùng lúc đó, những đội viên du kích của đội “Tiêu thổ” vẫn đang hò nhau chất thêm củi vào các căn phòng bỏ trống khác, và hò nhau khuân hàng trăm chai rượu quý từ hầm rượu của biệt thự để chuẩn bị cho cuộc ăn mừng lớn. Kết thúc ba tháng “chiến dịch tiêu thổ” họ đã triệt phá tanh bành gần hai trăm lâu đài, dinh thự, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, cùng với trại lính và nhà giam, biến thị trấn Tam Đảo được mệnh danh là “Thiên đường du lịch và nghỉ mát” thành nơi tan hoang đổ nát, để lại dấu tích cho đến hôm nay và hẳn là còn lâu dài mãi sau này.

Vì sao lại có cái chiến dịch đập phá hết những lâu đài, biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc “Đông Dương mới” với mái vòm, không gian cong, phi đối xứng, cửa sổ tròn, cầu thang lồi... một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống Việt, mang hồn Việt, là tài sản nghệ thuật kiến trúc vô giá cho mai sau? Câu hỏi vừa ngạc nhiên vừa gay gắt này là của Thoan, một cô gái nông thôn xinh đẹp, vì chạy trốn cuộc cưỡng duyên mà lên Tam Đảo, trở thành quản gia trông coi ngôi biệt thự của công sứ Henry Wintrebert và khách sạn Grand nổi tiếng. Một câu hỏi để Thoan chất vấn hai người đàn ông mà số phận bắt cô phải dính đến họ, hai người là hai thái cực, hai ứng xử ngược hẳn nhau đối với gần hai trăm lâu đài, biệt thự quý giá của thị trấn miền núi nổi tiếng này. Ta sẽ được nghe câu trả lời của hai người đàn ông ấy. Không chỉ thế, ta còn được thấy những chặng đường đời của mỗi người trước khi họ gặp và cùng đem lòng yêu thương cô Thoan xinh đẹp có ánh mắt xanh kỳ lạ có thể dẹp tan những ham muốn bậy bạ, cho đến khi họ trở thành tình địch của nhau trên Tam Đảo. Ta cũng được thấy hiện lên trước mắt hai người đàn ông liên quan đến “chiến dịch tiêu thổ” thị trấn Tam Đảo, vị chủ tịch thị trấn được giao chức “phó” cho đội trưởng Hoạch, có tên là Mão, được nhận một lệnh rất đặc biệt, là phải bí mật thu gom tất cả những đồ vật quý của các biệt thự để nộp cho cấp trên. Và vị cấp trên đầy quyền uy, người không chỉ khiến đội trưởng Hoạch, đội phó Mão phải răm rắp tuân lệnh, mà ngay Đoàn kiểm tra gồm cán bộ An ninh và Kiểm soát quân sự, nghe đến tên ông Cao cũng phải im tắp, không dám ho he. Chính ông Cao ấy làm cho cả chàng họa sĩ tên là Đoàn và người đọc cùng ngẩn ra kinh ngạc khi ông dành gần hết buổi sang ngồi nghe anh họa sĩ dùng sự hiểu biết nghệ thuật và tất cả tâm huyết của mình thuyết phục ông hãy ra lệnh đình chỉ việc phá hủy thị trấn Tam Đảo, để rồi cuối cùng, khi anh nói xong, ông điềm tĩnh hỏi lại anh một câu khiến anh lặng người: “Từ sáng tới giờ đồng chí nói những gì với tôi ấy nhỉ?”.

Trong thiên tiểu thuyết có một “nhân vật” khá lạ, có mặt từ đầu đến cuối câu chuyện. Đó là con mèo lông trắng do cô Thoan nhặt được khi nó bị chủ bỏ rơi, được cô yêu thương chăm sóc, thành con Miu tinh khôn biết nghe tiếng người, đoán định được ý nghĩ và những việc sắp làm của cô chủ Thoan và của cả những người liên quan đến cô. Có thể coi Miu là một phép “nhân hóa” thành công, tương tự như phép “nhân hóa” Đá, cho Đá nói được tiếng người, Đá kể chuyện cho nhà văn nghe ở những trang đầu sách. Thủ pháp hư hư thực thực này rất hợp với thiên nhiên hư ảo sương mù của nơi xảy ra chuyện là Tam Đảo (hư thực ngay cả khi cho cô nhân vật chính có ánh mắt xanh siêu nhiên).

Đọc Tam Đảo mù sương còn có thêm ghi nhận nữa: cùng với phép “nhân hóa”, “ảo hóa”, nhà văn cho người đọc thưởng thức những lời thoại thật sinh động, thâm thúy, giàu chất Triết học và biểu tượng. Những đoạn đối thoại của họa sĩ Đoàn với cô Thoan, của Đoàn với Hoạch, nhất là của Hoạch với cha đạo, rồi của Hoạch với ông chủ thầu xây dựng, khiến người đọc, đọc xong lại đọc lại không chỉ một lần.

Đây là đoạn đối đáp giữa đội Hoạch và cha đạo:

“Ông (đội Hoạch - người chỉ huy cuộc “tiêu thổ” khu nghỉ mát Tam Đảo) hỏi cha:

“Chúng tôi và ông, giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?”

Cha lạ lùng về câu hỏi. Tuy nhiên cha vẫn thưa:

“Ta và ông khác nhau về rửa tội”.

“Tôi chưa hiểu”, ông đội nói nhanh như cướp lời.

“Thưa ông, bên Thiên chúa thì hàng tuần rửa tội, nên ai mắc vào tội thì sửa chữa. Không giữ tội lâu trong người. Rửa tội để an nhiên...?”

Ông đội cười ha ha, rồi bảo cha:

“Nghĩa là ông chê chúng tôi không có kiểm điểm, phê bình, sửa chữa khuyết điểm chứ gì?”

Cha gật đầu:

“Vậy thì chúng ta giống nhau, đều được rửa mình để sửa tội lỗi”.

“Có thần và vô thần không giống nhau được” - ông đội bảo.

Cha lại nói:

“Vậy thì chúng ta khác nhau”.

“Khác nhau điểm gì?” - Ông đội hỏi.

Cha thưa:

“Khác nhau ở điểm ta có niềm tin vào sự công bằng của Chúa, còn các ông không có niềm tin vào việc đó”.

“Sai toét”, ông đội nổi nóng. “Tôi và ông khác nhau. Chúng tôi đánh xâm lược để đòi lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Các ông quỳ gối trong nhà thờ cầu nguyện cho cả người đánh giặc và quân xâm lược. Ta khác nhau ở chỗ đó. Để kháng chiến thắng lợi, chúng tôi phải tiêu thổ cơ sở vật chất của Pháp. Cái gì do Pháp xây dựng nên ở đây, chúng tôi tiêu thổ hết... Chúng tôi chỉ giữ lại tháp chuông nhà thờ, còn nhà nguyện và nhà ẩn tu chúng tôi phá, ông nghĩ gì?”

Cha bảo:

“Thưa, ta không nghĩ gì”

“Ông không nghĩ gì thật chứ?” - ông đội hỏi.

Cha nói:

“Không, bởi việc trước mắt là của các ông. Ngăn cũng không được. Việc lâu dài là của các con chiên. Lâu dài sẽ có người dựng lại những gì các ông phá hôm nay, các ông ngăn cũng không được!”

Còn đây là trích đoạn đối thoại giữa đội Hoạch và ông Quyền - một trong ba chủ thầu đã xây dựng các công trình kiến trúc ở Tam Đảo:

Ông chủ thầu khẳng khái đứng dậy:

“... Để xây bằng được những lâu đài, khách sạn và tòa biệt thự theo đúng yêu cầu của kiến trúc sư Pháp, tôi phải cất công đi tuyển mấy nghìn thợ giỏi khắp nước đưa về. Ông nhìn sang những tòa biệt thự, lâu đài tất cả mở cửa về hướng tây bên kia cầu mặt Qủy thì biết, đó mới là Cửu trùng đài trên núi, di sản có thật do người Việt xây dựng, chứ không phải Cửu trùng đài của ông Vũ Như Tô do ông nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tưởng tượng ra. Mồ hôi và cả máu của tôi thấm ở đó cả. Xin ông xót thương và đừng tiêu thổ những công trình tuyệt mỹ đó”.

Đội Hoạch nói cắt ngang:

“Thắng đế quốc Pháp xâm lược có phải vĩ đại hơn các công trình của Pháp xây dựng không?”

Chủ thầu nói:

“‘Đánh thắng Pháp là vĩ đại. Biết gìn giữ những công trình kiến trúc của Pháp cho mai sau cũng vĩ đại không kém.”

Đội Hoạch vỗ đùi:

“... Thắng Pháp dân ta sẽ xây lại còn to đẹp bằng mấy thế này. Pháp còn đánh thắng, chứ làm mấy cái nhà thì bõ bèn gì.”

Chủ thầu thách thức:

“Thề có ngọn đèn, rồi ông sẽ thấy điều tôi nói là đúng”.

Trở lại câu chất vấn gay gắt của Thoan - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết - với hai người đàn ông mà số phận đã xô đẩy họ đến với cô theo cách thức khác nhau, đã nêu ra ở đầu bài viết, và họ - đội Hoạch và chàng họa sĩ Đoàn, với vị thế, tâm tính và sự hiểu biết của mình, đã trả lời cô. Nhưng câu hỏi ấy ẩn chứa một câu hỏi khác sâu xa hơn, và đó chính là vấn đề tiểu thuyết đặt ra cho người đọc, sau độ lùi 70 năm xảy ra sự kiện khó quên được ở thị trấn Tam Đảo vào cái năm 1947 ấy….

Tác giả tiểu thuyết Tam Đảo mù sương là nhà văn, kiêm nhà viết kịch, nhà báo Hà Đình Cẩn, nguyên phóng viên mặt trận của báo Quân đội Nhân dân tại các chiến trường trên bán đảo Đông Dương… Mười sáu năm làm báo Quân đội, Hà Đình Cẩn đã xuất bản các tập Ký nóng hổi không khí chiến trường: Vùng rừng âm vang, Đường gập ghềnh, Quần đảo san hô, Vòng lăm vông thứ hai, Ký sự những ngày xưa, Thượng Lào ký sự… và vở kịch dài Sống bằng tên người khác. Tháng 8/1987, Hà Đình Cẩn rời báo Quân đội nhân dân chuyển hẳn sang làm việc bên ngành Sân khấu, đảm trách vai trò Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu nhiều năm. Công việc quản lý quá bận rộn, nhưng Hà Đình Cẩn vẫn viết đều. Đến nay, ông đã viết và được dựng 18 vở kịch dài các thể loại: Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với tư cách Tác giả Kịch bản. Không chỉ viết Ký, viết Kịch, Hà Đình Cẩn còn làm thơ, viết truyện, viết tiểu thuyết. Đến nay ông đã xuất bản 2 tập thơ và các tiểu thuyết: Cây sa mu còn lại, Cuối đường có mấy người, Bên kia là núi,Tam Đảo mù sương là cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông…

Nguồn Văn nghệ số 21/2019


Có thể bạn quan tâm