April 19, 2024, 6:02 am

Vợ lính thế này a!

Năm 1965, một nhóm cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 75 tình báo kỹ thuật (nay là trung tâm 75) thuộc tổng cục 2 chúng tôi đến mặt trận Tây Nguyên hợp quân với bộ phận từ khu 5 chi viện lên, gồm 5 người vào chuẩn bị chiến trường từ những năm 1961 để thành lập đơn vị tình báo kỹ thuật.

Anh Trần Phi, một cán bộ trong 5 người đó, là chính trị viên đơn vị. Anh người Bình Định, cao ráo và khá đẹp trai, giọng nói dịu dàng và nụ cười tươi tắn. Chỉ phải cái tật nhát gái. Hôm đoàn văn công xung kích tới thăm đơn vị , bị lính trêu chọc, thế là anh trốn biệt, mọi người nháo nhác hỏi nhau, chỉ thấy lão anh nuôi trưởng Kao Lâng tủm tỉm cười và buông một câu: “trốn rồi”, nghĩa là lão đã biết anh đi đâu nên không ai hỏi nữa.

Sáng sớm hôm sau thấy anh quần áo ướt sũng sương đêm cùng với cậu liên lạc lễ mễ khiêng về một xâu nào là Chồn, Cheo, và một con Mang chừng ngót chục kí. Mọi người bảo: - muộn rồi, thủ trưởng bỏ người chạy lấy của, các o về ngay không đợi thủ trưởng nữa… Mặt anh đỏ như chùm quả gắm chín, ngượng nghịu cười lảng sang chuyện khác .

Thế rồi trong đợt ra Bắc để nhận chi viện khí tài và nhân lực, thế quái nào anh lại bị một cô gái thị xã Sông Công tỉnh Thái Nguyên cưa đổ gục. Khi đưa khí tài về đơn vị, bị tra hỏi anh khai luôn: - đêm đầu tiên trúng liền… Bái phục anh từ đó.

Vâng! tôi kể miên man như vậy để cắt nghĩa rằng tại sao anh bị cưa đổ nhanh thế.

Vợ anh, nhà thơ Dương Thúy Mỹ (hội viên hội nhà văn Việt Nam) bây giờ, vốn là một giảng viên triết học của trường Đại học Y Hà Nội. Chị đã cho xuất bản 5 tập thơ và đoạt nhiều giải thưởng về thơ. Chị có dáng người to đậm, da ngăm ngăm đen, bước đi chắc nịch. Bạn lính của chúng tôi là lão Nguyễn Thái Bạ, hôm tháp tùng thủ trưởng lên Thái Nguyên ra mắt cô dâu khai rằng: “Sắc đẹp của nàng gần bằng NaLoong ở bản  Lúa (cô gái của làng dân tộc cạnh đơn vị chúng tôi), nhưng phòng ở của nàng đầy sách, nàng có đôi mắt rất sắc và giọng nói mê hồn, thế này làm sao chính trị viên không “gục”…

Thơ Dương Thúy Mỹ nhẹ nhàng đầm ấm, thiết  tha và cũng đáo để, nhưng trong bài viết này tôi chỉ bàn đến bài thơ của chị liên quan bọn lính chúng tôi.

Ngay trong đoạn mở đầu của bài vợ lính, chị đã giới thiệu như thế này: “Vợ lính không xinh cũng giòn/ cứ hỏi lính ta thì biết/ vợ lính thật thà tốt nết/ chờ chồng đằng đẵng tháng năm…” . Một cách tự giới thiệu về mình rất thật mà cũng tự tin đấy chứ, có phần chua xót ở câu cuối: “chờ chồng đằng đẵng tháng năm”... Nhưng thế mới đúng

Cưới nhau được mươi ngày, chỉ có mươi sáng dậy sớm gánh nước đổ đầy ang cho vợ dùng cả ngày, rồi nấu cơm quét nhà . Trần Phi lại tiếp tục vào măt trận chiến đấu. Mà nói như chị thì: “vợ lính mỗi lần viết thư/ kể toàn chuyện làng chuyện xã/ giấu bặt chuyện mình vất vả/ phụng dưỡng mẹ già dạy con…” (khổ thơ thứ tư). Người vợ vĩ đại là ở chỗ này, và còn nhiều nỗi lòng để giấu nữa mà thơ không thể tải hết được. Đến khổ thứ hai thì tôi đoan chắc từ sự nhớ chồng, cô đơn mà chị bật ra những khao khát cháy bỏng: “thỉnh thoảng lính được về thăm/ vợ lính chiều chồng hết mực/ bao nhiêu giận hờn tấm tức/ giải hòa nhờ chiếc giường đôi…”. Tôi nói chị tưởng tượng là vì sau khi dể lại cho chị đứa con trog bụng và vô vàn những trách nhiệm , nghĩa vụ , anh đi một mạch cho đến khi giải phóng đất nước, và tiếp tục cuộc chi viện nước bạn, anh mới trở về với chị. Đoạn thơ này tài hoa thật mà cũng đáo để thật, chiếc giường đôi hòa giải mọi hơn dỗi là tứ thơ hay, chị không ngại nói ra điều mà ít người  phụ nữ dám nói, đấy mới là Dương Thúy Mỹ. Thì ra tám chiếc thang giường nó cũng gánh một sứ mệnh cao cả đấy chứ. Đây là đoạn thơ phản ảnh đúng tâm trạng người vợ lính xa chồng với nỗi khát khao cháy bỏng bằng cách nói mà hình như chỉ Dương Thúy Mỹ môi có.

Ở đoạn thơ thứ ba chị viết: “vợ lính không cười cũng tươi/ chả thế cùng trời cuối đất/ lính vẫn ngắm hoài đôi mắt/ khuôn hình nằm đáy ba lô”. Cả đoạn thơ cũng đều do yêu chồng mà viết, chứ sự thực là thế này. Khi vào mặt trận anh dùng loại bao bọc pin (chúng tôi dùng những khối pin chừng 5 kí có bao nilon dày đặc biêt) phết lên đó thuốc xịt muỗi thu của Mỹ, chườm bình tông nước nóng, đặt hình chị vào đó và luôn để ở túi áo ngực, mưa nắng không sờn, bom đạn khó thủng. Ngày trước anh hay ngủ chung sạp ôm lính, nhưng từ khi có chị anh mắc võng ngủ riêng, nhiều đêm rất khuya anh lấy đèn pin đã được bịt chỉ để rọi bằng hạt đỗ để ngắm chị, lính gác bắt gặp nhiều lần nhưng thương anh không ai dám trêu chọc. Ngày trước chưa có chị anh hay cùng lính tắm suối và… nhưng khi có chị anh thường lẻn đi tắm riêng, nhiều lần lính bắt gặp anh thẫn thờ ngồi trên tảng đá giữa suối ném bâng quơ những viên sỏi, anh nhớ chị da diết. Cho nên xin phép chị tôi sửa câu cuối đoạn thơ này như sau: “khuôn hình nằm giữa trái tim” vì ba lô của chúng tôi chứa nhiều thứ lắm, mà quăng quật bất kỳ chỗ nào, đặc biệt khi bị bom hay pháo bầy bắn phá thì quẳng ba lô chui xuống hầm, khi ngoi lên ba lô đã rách bươm. Có lẽ chị sợ sáo nên không dùng chữ trái tim, nhưng tôi chỉ nói sự thật...

Ở đoạn thứ năm chị viết: “họ hàng khi vui khi buồn/ vợ lính gồng mình gánh vác/ lính con giống cha như tạc/ chỉ chờ mau lớn tòng quân”. Lính chúng  tôi hiểu đoạn thơ này là một thông điệp đặc biệt rằng đích thị là con của anh chứ không phải như khi bị lính trêu anh tưng tửng trả lời: “cá vào ao ta, ta được”... Đùa thôi, chứ đoạn này thương những người vợ lính quá, nói thì báo nói quá chứ loại B trọc chúng tôi thanh thản hơn nhiều. Đã từng có nhiều huân, huy, kỷ niệm chương trao cho người lính, nhưng chưa thấy có danh hiệu nào trao cho vợ lính đằng đẵng chờ chồng: “họ hàng khi vui khi buồn/ vợ lính gồng mình gánh vác”...

Đoạn cuối cùng chị cho hay: “thế rồi cuối một mùa xuân/ lính về hẳn nhà với vợ/ đêm nằm giật mình bỡ ngỡ/ vợ lính… càng già… càng duyên …”. Thương chưa! Tôi quan tâm nhiều ở mấy cái chấm lửng của câu thơ cuối đoạn, nó vừa như tự an ủi, nó vừa như sự hụt hẫng và thiếu tự tin không như ở khổ thơ đầu. Cuộc đời có đi hết mới tin là tron vẹn. Giữa đường nhiều biến cố ai mà lường, nhất là phụ nữ đã qua thời xuân sắc...

Bài thơ được viết theo thể thơ sáu chữ, một thể thơ mang tính tự sự cao, ngôn từ thì giản dị mà đầy cảm xúc. Ba căp bộ đôi làm nên một câu thơ nhẹ nhàng, cả bài thơ cứ như những thước phim quay chậm lay động lòng người .

Nhưng Dương Thúy Mỹ đã có một tình yêu đặc biệt với chính trị viên của chúng tôi, chị thường nói: “Mọi người yêu nhau rồi mới lấy, tớ lấy lão Phi nhà các ông rồi mới yêu...”. Mà quả thật, mỗi năm gặp nhau một lần cừ thấy anh cầm những tập thơ của vợ tăng đồng dội với vẻ trang trọng khác thường, tôi quý trọng anh nhiều.

Anh ốm nằm liệt hơn chục năm, chị, người vợ, người chị, và làm nhiệm vụ như người mẹ, nâng giấc chăm sóc anh. Có câu chuyện này tôi nhớ mãi và thường kể cho các con tôi nghe. Một hôm vợ chồng thằng con cả anh chị mang cháu sang gửi để có việc gì đó chị bảo: “các con tự thu xếp, bố con thời gian không còn nhiều nữa, cho mẹ được ở với bố thêm ngày nào hay ngày ấy…”

  Cám ơn chị đã cho con chúng tôi những bài học đơn giản nhưng ít người làm được.

Tôi viết bài này như một nén nhang thơm dâng lên người bí thư chi bộ, vị chính trị viên đơn vị, đồng đội thân yêu của chúng tôi. Anh đã có những năm tháng hào hùng, và có một người vợ một nữ sĩ tuyệt vời.

                                             Nguồn Văn nghệ số 42/2018                                              

 

 


Có thể bạn quan tâm