April 20, 2024, 9:27 am

Vợ lính

 

1.

Đô, thượng úy công binh hải quân xuống ga sau gần hai mươi giờ ngồi tàu hỏa xuyên Việt. Khác với mọi lần, anh không phôn báo trước cho vợ đi đón. Đã thế, khi cuốc bộ ra đến phố chính, Đô còn rẽ vào một cửa hàng bán đồ xây dựng sắm cưa đục, chọn mua mấy thứ gỗ ván dạng pha sẵn đủ để đóng một bộ bàn viết cùng cái giá sách có bốn ngăn cho vợ. Đây là lời hứa từ khi hai người mới cưới nhau nhưng anh chưa thể thực hiện. Nay là kỳ nghỉ phép mừng căn nhà mới mà vợ đã phôn kể rằng, được xây hoàn toàn bằng tiền lương hơn một chục năm của anh; đây cũng còn là kỳ phép vừa chẵn mười lăm năm ngày cưới nên Đô hạ quyết tâm phải làm bằng được món quà kỷ niệm lễ cưới gỗ như vợ chồng anh đã vui vẻ hẹn nhau từ cuối năm ngoái. Ngồi cùng chiếc bán tải chở thuê chỗ gỗ vừa mua về quê, lòng dạ Đô cứ ăm ắp một thứ vui chộn rộn, háo hức.

2.

Vợ thượng úy Đô là Liên Hoa, giáo viên dạy văn - sử cấp 2 trường làng, ở ngoại vị một thị xã ven biển.

Ngày chưa đi bộ đội, chàng thợ mộc nổi tiếng khéo tay, chuyên nay đây mai đó đi sửa, đi đóng mới đồ gỗ kiếm cơm thiên hạ được nhiều người quen trong vùng liệt vào dạng thợ gọi. Có lần, một khách hàng là cán bộ của phòng Văn hóa thị xã gọi Đô, thuê nâng cấp cái góc học tập cho cô con gái út đang học năm cuối phổ thông.

Hồi đó, kinh tế còn khó khăn nhiều bề, ông cán bộ nọ xin được một cái bàn quá đát do cơ quan thải ra. Khi Đô thợ gọi đến, chủ nhà là người vui tính, cách nói năng văn vẻ đã thuyết trình chừng mười lăm phút về “mục đích, ý nghĩa” của việc cải tạo một thứ đã cũ hỏng thành vật hữu dụng, với đại ý, Đô cần biến nó thành một cái bàn học tiện dụng, một cái gía sách hai tầng, kích thước và thẩm mỹ nhất thiết phải tương quan với cái bàn để cô con gái rượu Liên Hoa của ông mỗi khi ngồi vào bàn là thấy hào hứng, là học hành tấn tới trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và sẽ ngon lành thi vào đại học.

 Chỉ trong chưa tới một ngày, thợ gọi Đô đã cải biến cái bàn cũ thành một cái bàn mới có quang dầu véc ni hẳn hoi cùng cái giá sách “tương quan” khiến chủ nhà rất hài lòng. Nghiệm thu sản phẩm xong, ông còn bảo bà vợ đi mua hai chai bia và đĩa lạc tươi khoản đãi anh thợ trẻ như một sự công nhận tay nghề đẳng cấp.

Liên Hoa đi học về, nhìn vào góc học tập thấy có bàn, có giá sách mới tỏ ra thích thú nhưng rồi cô bỗng khẽ lắc đầu chê rằng, cái bàn hơi bị to, giá như bớt đi một ít gỗ để cho cái giá sách có thêm tầng nữa thì mới đáng là một công trình hoàn hảo.

Thợ gọi Đô chẳng những không tự ái mà còn cười tươi đáp lại, khi nào cô trở thành sinh viên đại học có nhiều sách, anh ta sẽ chồng bổ sung cho cái giá sách tương quan có thêm tầng ba, tầng tư. Nói rồi, Đô vận luôn ra một câu Kiều “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Cô nữ sinh đang học lớp 12 năng khiếu văn của một trường chuyên trố mắt ngạc nhiên. Cô chưa kịp đối đáp thì anh thợ trẻ lại bồi thêm một câu nữa có cả hơi hướng chất Kiều cùng với tư tác của của mình: “Thể lời gạn đục khơi trong / Đã làm làm đến vừa lòng thì thôi”. Liên Hoa lại thêm một lần trố mắt nữa! Trố mắt nhưng rồi cô khỏa lấp cái kiêu nhí của một gái xinh mới lớn bằng lối chun mũi đỏng đảnh trước khi lẳng lặng bỏ đi.

Ngay trong hôm sau, thợ gọi Đô đã “làm đến vừa lòng” Liên Hoa, tức là anh chồng xong tầng giá sách thứ ba, thứ tư bằng gỗ tự kiếm trong lúc cô đi học vắng.

 

3.

Câu chuyện vừa cần lao thiếu thốn, vừa có mùi mẫn thi vị văn chương này tưởng kết thúc ở đó. Nhưng ngày nữ sinh Liên Hoa vừa mới nhập học tại khoa Cao đẳng Sư phạm của một trường đại học ở tỉnh quê thì được sung vào nhóm đại diện của đoàn trường đi tiễn tân binh lên đường nhập ngũ. Cô bất ngờ gặp lại anh chàng Đô thợ gọi. Anh cũng nhận ra cô. Họ hồn nhiên bắt tay nhau và anh tân binh đã xin số máy di động của Liên Hoa. Liên Hoa thật thà thú nhận cô không có điện thoại di động. Cô ghi lại số điện thoại để bàn nhà mình cho Đô và dặn, cô ở nội trú, thứ bảy, chủ nhật mới về nhà, dưới quê.

Anh lính mới cứ nấn ná bên Liên Hoa. Đến giờ phải lên tàu, anh càng nhìn cô bằng ánh mắt rất lạ khiến mấy bạn gái đi trong đoàn tiễn cứ trêu Liên Hoa, rằng Đô đã bị cô hút mất hồn, rằng chỉ khi yêu, người ta mới có ánh nhìn đắm đuối nhường ấy… Liên Hoa ngượng ngùng lắc đầu. Cô luôn miệng thanh minh, đó chỉ là anh thợ gọi, quen biết sơ sơ do một lần anh ta đến nhà cô đóng sửa đồ mộc…

Cũng lạ sau buổi tiễn đưa mang tính đoàn thể xã giao mà hồi còn học phổ thông Liên Hoa đã từng có vài ba dịp tham gia nhưng lần này, hình ảnh anh lính thợ gọi cứ đeo bám Liên Hoa như một ám ảnh, nhất là ánh mắt anh nhìn cô mà các bạn đã không ngớt trêu trêu “bị Liên Hoa hút mất hồn”, đã bị “đắm đuối nhường ấy”... Buổi chiều về lớp học, nghe thầy dạy môn ngữ văn giảng về thơ tình Xuân Diêu. Thầy nói đại ý, từ câu tác giả viết như viết cho chính mình: Đến như tia chớp ấy thôi / Mà gieo trận bão kinh người trong anh, đã được  dân gian hóa thêm thắt thành nhiều câu dị bản, ví dụ câu Chỉ như tia chớp vậy thôi / Mà gieo trận bão kinh người trăm năm là một dị bản khái quát hơn so với câu của tác giả. Thầy còn ví dụ thêm nhiều câu dị bản khác nữa khá hay khiến có lúc Liên Hoa suýt giật mình thốt ra: “Chết thật!”.

Ấy thế mà, tám tuần liền, tuần nào cô cũng về nhà vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nhưng không hề có một cú điện thoại nào gọi đến cô từ anh lính thợ gọi, từ tia chớp...

Cái kiêu nhí thuở học trò lại khiến cô thấy tức, tức và cứ muốn nói ra một câu trách móc cho bõ, nhưng có nơi nào để nói đâu, mà có nói cũng chẳng ai nghe... Cô đành trút mọi chộn rộn nhớ nhung vô cớ ấy vào những trang nhật ký…

Sau đó, Liên Hoa phải tự giải tỏa bằng cách, hỏi thăm đường, tìm đến nhà Đô trong vai một người đi thuê thợ gọi. Bà mẹ Đô, người ốm yếu, rầu rầu nói với Liên Hoa, anh đi bộ đội đã ngót ba tháng rồi mà chẳng thư từ, tin tức gì về nhà cả. Đọc những tấm giấy khen, bằng khen không khung không kính dán kín cả mặt tường, Liên Hoa sửng sốt nhận ra, cách đấy bốn năm, thợ gọi Đô đã từng đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn sử cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia, được chủ tịch tỉnh tặng bằng khen. Bà mẹ kể, bà mới tìm thấy mấy thứ đó trong cái hòm gỗ của Đô, bà lấy ra treo lên cho đỡ nhớ con trai. Bà còn kể thêm, Đô đã đậu vào một trường đại học ở Hà Nội nhưng nhà nghèo, bà lại luôn ốm đau nên anh không đi học mà ở nhà làm thợ để có tiền thuốc thang cho bà và nuôi cậu em ruột ăn học. Năm rồi, cậu em ra trường, được dạy tại huyện nhà, tưởng Đô sẽ đi học tiếp nhưng rồi thấy đột ngột xin vào bộ đội…

Tiễn Liên Hoa ra sân, bà mẹ cứ tiếc, giá Đô chưa đi lính, có khách hàng “như cô đây” đến tận nhà gọi thì chắc chắn được một chỗ làm tấm món. Nói rồi, bà lại nhắc điều đã than thở lúc trước, chẳng biết vì lý do gì mà Đô không có thư từ gì gửi về.

 

4.

Hơn ba tháng sau, có một người tìm đến trường tìm Liên Hoa. Thoạt nhìn Liên Hoa sững ra, suýt kêu lên: “Anh Đô!”. Nhưng người đó vội đưa cho cô một lá thư và tự giới thiệu, mình là Đốc, em ruột Đô. Hai anh em Đô Đốc là cặp song sinh, lúc nhỏ bà mẹ phải đeo vòng nhựa vào tay để phân biệt. Đô vòng đỏ, Đốc vòng xanh.

Đọc thư Đô, Liên Hoa mới biết, Đô đi tầu vào vùng biển gần cực nam Trung Bộ rồi ra đảo đi làm nhà giàn, chuyến đi như một nhiệm vụ đặc biệt bí mật. Vừa rồi lắp xong khung cửa nhà giàn và chuyển đi công trình khác, Đô mới được phép viết thư về nhà cho mẹ anh, cho Liên Hoa.

Đến lá thư dài thứ ba, lá thư có kẹp thêm chiếc lá bàng vuông ép khô gửi từ từ đảo Song Tử Tây về trường, chúc mừng cô giáo tương lai nhân ngày 20/11, Liên Hoa đã nhận lời yêu anh lính công binh hải quân Trường Sa…

Và, phải thêm ba năm, sáu tháng và mười bảy ngày nữa, Đô mới được về phép thăm nhà lần đầu. Anh ngỏ lời cưới Liên Hoa, khi cô vừa được nhận vào dạy ở một trường cấp 2 gần quê. Nghe chuyện đòi cưới của Đô, Liên Hoa chun mũi, đỏng đảnh bảo: “Anh đừng có cái kiểu tát cạn bắt lấy ấy nhé!”. Đô cười: “Từ chân mây góc bể về đây, anh không tát cạn mà vẫn muốn bắt ngay được cá, vì anh  biết là tấm lòng của cô gái anh yêu “khác lòng người ta” nhiều lắm”. Liên Hoa lại chun mũi: “Anh đã bị tưởng bở rồi đấy!”. Nói thế, nhưng rồi cô vẫn chịu để anh lính ôm riết mình bằng cả hai cánh tay còn đằm đặm mùi nước biển...

Liên Hoa báo cáo với bố mẹ cô việc đòi của anh lính. Ông bố tuy giọng văn vẻ cởi mở nhưng cũng không giấu giếm sự cảnh báo: “Cái cậu Đô, gốc gác thợ gọi ấy kể ra cũng đáng mặt làm rể bố nhưng thời buổi này mà nó cứ xa nhà biền biệt thế, con phải nghĩ cho chín, đừng để cái mộng mơ thi vị lấn át hoàn cảnh, lý trí trước khi ván đã đóng thuyền. Tốt nhất, cần phải nghe ý kiến của mẹ con. Mẹ con nhìn người, nhìn đời tinh tướng hơn bố cả chục chân kính” đấy!”. Bà mẹ nghe thế chỉ nói gọn, rằng lời của bố cô rất phải, lấy chồng bộ đội, lại là bộ đội ở nơi biển đảo xa xôi, chân mây góc bể ấy sẽ khổ lắm! Liên Hoa thưa lại rằng, khổ mấy cô cũng chịu được, rằng mấy năm rồi qua rất nhiều thử thách thế mà không lúc nào cô quên được Đô, cô yêu thương Đô như yêu mến kính trọng một thần tượng. Bà mẹ đành nén tiếng thở dài cùng với hai từ: “Tùy con!”, nhưng rồi lúc ông bố đi có việc, bà nói thêm: “Tuy là mẹ nói tùy con nhưng mẹ không hề yên tâm chút nào, con xinh đẹp thế này, tính tình lại hay mơ mộng văn chương, chữ nghĩa.Lấy nhau rồi, chồng đi cả năm, có khi hai, ba năm mới về một lần, trăm thứ diệu vợi, ngàn thứ gieo neo vắng vẻ.  Con nhớ lại đi, chuyện bác Thắm ngày trước, đến khổ”.

Bà mẹ nhắc đến “bác Thắm”, khiến Liên Hoa nhớ lại câu chuyện bà bác dâu cả tên Thắm của cô. Bác cả cô trước khi vào bộ đội vì ông nội ốm nặng không qua khỏi nên phải cưới chạy tang bác Thắm, khi bác Thắm mới có mười tám tuổi. Cưới chưa đầy hai tuần, bác cả đi luôn một mạch đến sáu năm. Ở nhà bác Thắm rất mực hiếu đễ chăm sóc mẹ chồng và chí thú công việc tối ngày nhưng cũng... “khổ lắm”. Người ta kể rằng, bác Thắm phải tiêu phí sức gái tơ bằng các cách bổ củi, đánh gốc tre, vật đất làm gạch cho hạ bớt sự... vượng hỏa. Có lần bác ấy giã gạo từ tối đến sáng, cối gạo thành bột mà không hề biết, vẫn cứ thế giã tiếp, giã tiếp. Thế nhưng đến năm thứ sáu thì nhỡ nhàng. Bác cả về lặng đi, chưa kịp phân xử thế nào thì bác Thắm trả lại đôi bông tai ngày cưới cho chồng và nói: “Tội em lớn lắm, em đợi anh về để giao mẹ lại cho anh rồi em xin đi ngay!”. Bà nội cùng anh em họ hàng xúm vào khuyên giải cho hai bác đoàn tụ nhưng bác Thắm vẫn ôm cậu con trai, sản phẩm của sự nhỡ nhàng bỏ đi một nơi nào đó xa lắm, bao năm rồi vẫn chưa thấy về làng...

Thấy Liên Hoa thần mặt với vẻ ưu tư, bà mẹ nhắc: “Phải nghĩ cho chín như bố đã nói, con gái ạ!”. Liên Hoa: “Mẹ sinh ra con, xin mẹ hãy hiểu con. Mỗi thời mỗi khác, mỗi người mỗi khác, chứ mẹ!”. Bà mẹ thở dài: “Vậy, thì tùy con thôi, có gan ăn muống, có gan lội hồ”.

Thế là đám cưới. Đêm vợ chồng đầu tiên, Liên Hoa hết mực âu yếm với chồng bằng câu: “Dịp này chúng mình phải có con, Đô nhé”. Đô cười tươi: “Anh sẽ cho em một đôi, đủ cả trai lẫn gái”...

Lời Đô thật nghiệm, sau chín tháng mười ngày, là hai trai, một gái, là sinh ba: đứa trai đầu nặng hai cân rưỡi, năm hoa; đứa thứ hai, chẵn hai cân rưỡi; cô bé ra sau cùng cũng được hai cân bốn lạng, bảy hoa.

Có người đã phục lăn, phục lóc khen Đô bằng câu: “Đây mới đáng gọi là chất lượng đẳng cấp number one của lính đảo”; có người cả cười liên tưởng rằng, giống nòi nhà Đô thợ gọi có gien song sinh, tam sinh; lại có người tủm tỉm khen cô giáo Liên Hoa, rằng cô đã  yêu chồng hết sẩy nên mới có kết quả mỹ mãn trên cả mong muốn như thế... Trước sự ngợi khen cũng như lời trêu bỡn, bông lơn, Liên Hoa chỉ vui vẻ cười tươi, đáp lại theo kiểu khẩu khí hóm hỉnh của ông bố, cán bộ phòng Văn hóa thị xã: “Nhà cháu sinh một lúc, nuôi một thể đấy ạ”. Nghe vợ báo tin, Đô mừng phát khóc và giành quyền cho vợ đặt tên con. Liên Hoa “đặt một phát ăn ngay”. Thằng Đầu là  Hải Đông (có nghĩa là Biển Đông); thằng thứ hai là Cát Trường (tức là Trường Sa, Cát vừa có nghĩa là may mắn hanh thông, vừa có nghĩa là Sa); bé gái út là Mộc Miên, Mộc Miên là tên loài hoa mà hôm về phép lần đầu, Đô đã mang đến tặng Liên Hoa khi cô vừa được nhận làm cô giáo nhân ngày khai trường năm học mới.

Người ta bảo gái một con, trông mòn con mắt. Liên Hoa, gái ba con mà vẫn khiến thiên hạ mòn đến mấy con mắt. Để tránh sự đeo bám, cô đặt hàn hai cái ghế đặc biệt, cái nhỏ đặt trước cho bé gái ngồi, cái to và dài đặt sau cho hai thằng anh. Thế mà vẫn có không ít chàng trai lẵng nhẵng chạy xe theo cô tán tỉnh hỏi han kiểu: “Em ơi, ông bà già em để vỡ kế hoạch hơi bị liều đấy nhé! Bà chị  phải  một mình đưa lũ nhóc đến trường thế này, vất vả quá!”, “Kén chồng kiểu khác đi, em ơi, chứ cứ đèo bòng đa mang cả cụm như này phí mất hình tượng chuẩn của gái xinh đấy! San ra để anh đèo giúp cho vài nhóc.”... Liên Hoa thường đối đáp: “Trước mặt trẻ con, chú em đừng bỡn cợt thế, chị cảnh cáo đấy!”; “Tránh ra, để chị còn đưa các cháu đi học, kẻo muộn”… Cứ thế cho mãi đến năm ngoái, khi vào lớp 8, ba đứa lớn vổng lên, Liên Hoa mới sắm cho hai cậu con trai Hải Đông và Cát Trường một xe đạp địa hình để chúng đèo nhau, còn bé út Mộc Miên thì cô vẫn cứ phải dùng xe máy đưa đi đón về cho yên tâm.

 

5.

Dạy xong tiết thứ hai, thường thì cô giáo Liên Hoa vào phòng hội đồng, ngồi uống nước rồi làm tiếp công việc của một giáo viên chủ nhiệm kiêm tổ trưởng bộ môn Văn - Sử. Sau đó, đợi cho đến khi hết giờ học buổi sáng thì đón Mộc Miên và áp hai cậu con trai đi xẹ đạp cùng lúc về nhà nhưng hôm nay cô ngồi mà bên mắt phải cứ mấp ma mấp máy rất lạ, tâm trạng bỗng thấy bồn chồn cái gì đó không yên. Chỉ ngồi được một lát, cô đi ra chỗ để xe máy, vội phóng về nhà.

Liên Hoa vừa mở cổng vào sân thì cũng đúng lúc, chiếc ô tô bán tải chở thượng úy Đô chạy về.

Cô sững người nhìn chồng tươi cười xuống xe và cô càng sững hơn bởi nhìn thấy những bó gỗ mà anh nhanh nhẹn cùng người xế chuyển từ thùng xe xuống. Liên Hoa đã hiểu ra phần nào.

Trong sân, lúc Đô đang ngây người ngắm ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xinh nhưng có hai tầng hẳn hoi thì Liên Hoa đã thỏa thuận xong với người xế việc xếp các thứ gỗ vào chỗ đầu hồi. Rồi cô ốp chồng vào trước để xem nội thất nhà mới.

Trong nhà, việc đầu tiên là Đô bổ vào phòng làm việc của vợ.

Anh lặng đi, vì thấy ở góc dựng sẵn mấy bó gỗ thành phẩm đã được bào nhẵn...

“Xong rồi, anh ơi!”. Tiếng của Liên Hoa khiến Đô ngoái ra và khẽ lắc đầu trách vợ: “Em làm thế này thì…”

Liên Hoa không để Đô nói hết câu mà ôm chầm lấy chồng hôn náo nức, nói náo nức: “Em mua gỗ, thuê bào sẵn như này để khi về anh đóng đồ cho nhanh. Em chẳng dại để chồng mất nhiều thời gian, công sức đâu thượng úy ạ! - Liên Hoa cười - Hai mươi ngày phép của anh là hai mươi tấn vàng cho em và các con! Hai mươi tấn vàng ròng đấy…”. Độ ôm chặt vợ trong vòng tay, thủ thỉ: “Nhưng anh đã trù liệu, đã mua gỗ, anh sẽ tranh thủ làm vào lúc em đến trường! Tranh thủ…!”. Liên Hoa đặt tay vào miệng chồng: “Em hiểu nhưng mà vẫn lo anh bị mất nhiều thời gian, công sức lắm. Giá em biết làm thợ thì đã đỡ cho anh rồi. Hôm đưa gỗ về, bốn mẹ con bày ra mà không biết bắt đầu từ đâu”. Đô cười: “Thế là thợ gọi này không bị thất nghiệp rồi!”. Đô nhìn vợ định nói thêm gì đó nữa nhưng bỗng thấy ánh mắt Liên Hoa nhìn lại anh thật long lanh đắm đuối. Cô ngoái ra sân thốt lên: “Anh, chỉ một lúc nữa là các con tan học…”.

Không nói gì thêm, thượng úy Đô mạnh mẽ bế bổng Liên Hoa lên, hôn chi, hôn chít vào mặt vào tóc vợ…

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm