April 23, 2024, 8:15 pm

Vĩnh biệt "Cây bạch đàn vô danh"

Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh năm 1936 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông từng sinh sống và làm việc ở Hải Phòng trong một thời gian dài, sau đó chuyển lên Hà Nội từ năm 1996. Từ tháng 5/2008, ông cùng gia đình chuyển vào sống tại TP Hồ chí Minh. Ông là tác giả của các tiểu thuyết: Lựa chọn (1977), Một thời hoa mẫu đơn (1988), Ngoài khơi miền đất hứa (1990), Con ngựa Mãn Châu (1991), Chú bé có tài mở khóa (1983), Hội thề (2009). Ngoài truyện ngắn Nước về in năm 1957, nhà văn Nguyễn Quang Thân nổi tiếng với hàng loạt truyện ngắn đi vào lòng người: Cô gái Triều Dương (1967), Hoa cho một đời, Giao thừa trắng, Vũ điệu cái bô (1991)... Riêng truyện ngắn Chú bé có tài mở khóa của ông từng được đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựng thành phim làm xúc động người xem một thời, nhất là khán giả nhỏ tuổi. Năm 1997, tiểu thuyết  Ngoài khơi miền đất hứa xuất bản năm 1990 của ông được dịch sang tiếng Pháp với tên gọi "Au Large De La Terre Promise" do Kim Bayard Nhà xuất bản Philippe Picquier (Pháp) xuất bản. 10 năm sau, năm 2007, truyện ngắn Giữa những điều bình dị của ông lại được dịch sang tiếng Anh (Amongst and in the simple things) in trong tập truyện ngắn in song ngữ Anh - Việt.  Ngoài ra, Nguyễn Quang Thân còn là tác giả các kịch bản phim Cây bạch đàn vô danh sản xuất năm 1993 và Hội thề năm 2005.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân 1936 - 2017

Nhà văn Nguyễn Quang Thân từng đoạt các giải thưởng: Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm Chú bé có tài mở khóa; Giải Nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1992 cho tác phẩm Vũ điệu cái bô. Giải A cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với tác phẩm Hội thề. Tiểu thuyết Hội thề của ông sau đó cũng đoạt Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn VN 2006 - 2009

Sớm hôm nay, ngày 4-3-2017, không lâu sau khi vừa đi qua trọn ven tuổi 80, Nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa đột ngột qua đời sau cơn đột qụy tại nhà riêng (P225, lô II, cư xá Thanh Đa, P27, Q. Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh) để lại người bạn đời, cũng là người bạn đồng nghiệp thân thiết, gắn bó lâu nay của ông, nhà văn Dạ Ngân, cùng với bao nhiêu dự định còn dang dở.

Sinh thời, Nguyễn Quang Thân từng nói về nghiệp cầm bút: “Đó có thể là nhu cầu bức thiết của nội tâm, sự phát tiết của thiên năng hay mong muốn để lại một dấu ấn trong cuộc đời, tạo dựng một tên tuổi... Các nhà văn nói chung là thế, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi chưa bao giờ xem viết văn là cuộc dạo chơi hay việc tầm phào, vui đâu chầu đấy. Viết văn - nhất là văn xuôi, là lao động khổ sai, đòi hỏi người viết phải có nghề và phải hao tốn nhiều tâm lực, thời gian...”. Có lẽ chính bởi quan niệm đó mà Nguyễn Quang Thân thường chọn những đề tài mà mình hết sức gần gũi, thấu hiểu để khai thác và thể hiện trong tác phẩm của mình. Đó chính là số phận của người trí thức Việt Nam.

Trên trang Website và Blog chung của nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân, bài viết cuối cùng của ông để lại có tên gọi KẺ SĨ XƯA VÀ NAY: NỖI CÔ ĐƠN TRIỀN MIÊN. Có lẽ cho đến tận cuối đời, đó vẫn chính là điều ông luôn đau đáu ngẫm ngợi và cảm nhận

Báo Văn nghệ xin giới thiệu lại bài viết này như một kỷ niệm mà ông để lại cùng bạn đọc

 

KẺ SĨ XƯA VÀ NAY: NỖI CÔ ĐƠN TRIỀN MIÊN

Nguyễn Quang Thân

Văn hóa bao giờ cũng chuyển mình rất chậm, qua chọn lọc lâu dài của thời gian, không như giá trị vật chất hay kỹ thuật. Văn hóa là những gì còn được ghi nhớ sau bao thứ bị con người quên đi, nó giống như hạt ngọc còn lại trong con lòng con trai ngọc sau khi cái xác trai thối rữa tan biến thành cát bụi trôi theo dòng nước. Khái niệm “kẻ sĩ Bắc Hà, sĩ phu Bắc Hà” là một trong những hạt ngọc khá độc đáo còn lại trong văn hóa Việt.


Có thể bạn quan tâm