March 29, 2024, 9:26 pm

Vĩnh biệt nhà văn Ngô Ngọc Bội

Nhà văn Ngô Ngọc Bội sinh ngày 07 tháng 01 năm 1929, quê xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1945, từng trải qua nhiều công tác quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng ban Biên tập của báo Văn nghệ, đã được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ngô Ngọc Bội được xem là một nhà văn chuyên biệt của đồng quê. Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết ghi dấu một thời như: Chị Cả Phây (tập truyện, 1963), Đất bỏng (ký sự, 1968), Ao làng (tiểu thuyết, 1975), Nợ đồi (tập truyện, 1984), Lá non (tiểu thuyết, 1990), Ác mộng (tiểu thuyết, 1990), Mênh mang cổng trời (tiểu thuyết, 1992), Gió đưa cành trúc (tiểu thuyết, 1994), Những mảnh vụn (tập truyện, 1996), Tơ vương (tiểu thuyết, 2000), Đường trường (tiểu thuyết, 2001), Đường trường khuất khúc (2003) Ẩm ương đi lấy chồng (tập truyện, 2005), cùng gần 70 bút ký, phóng sự phần lớn in trên báo Văn nghệ chưa tập hợp lại thành sách

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Ngô Ngọc Bội đã từ trần hồi 01 giờ 30 phút ngày 16 tháng 5 năm 2018 tại quê nhà, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 90 tuổi

Lễ viếng từ 10 giờ ngày 16 tháng 5 năm 2018. Truy điệu và đưa tang vào 9 giờ ngày 17 tháng 5 năm 2018. An táng tại nghĩa trang quê nhà

Bài viết sau đây in vào dịp kỷ niệm 70 năm báo Văn nghệ ra số đầu tiên, trở thành một kỷ niệm cuối cùng khi ông còn trên dương thế. Xin giới thiệu cùng bạn đọc

Văn nghệ

 

Ngô Ngọc Bội - Nhà văn chuyên biệt của đồng quê

Văn Chinh

Nhà văn Ngô Ngọc Bội bị tật run tay, chữ viết khó nói là đẹp nhưng đều tăm tắp; khi viết trên giấy có dòng kẻ 5 hào 2 một thếp hay trên giấy gram đều ngay hàng thẳng lối. Dù rằng, ở những trang văn mập mẩy của mình, đôi khi Ngô Ngọc Bội thật bay bổng và khi đó, tinh thần lãng mạn của trang văn đến Tự lực văn đoàn cũng phải phát thèm. Ấy là khi anh cán bộ phong trào đạp xe từ Hà Nội về vùng ngập lũ thăm nhân tình với bịch bồ kết treo ở ghi đông; anh ta có thể bị nước lũ cuốn trôi, nhưng mái tóc như mây như suối của nàng phải được thơm bồ kết. Mà chẳng cứ một mái tóc như mây như suối của nàng, các mái tóc của bạn nàng cũng phải được thơm lây - sự tinh khôn của anh nông dân đã mách nước rằng, mối tình của anh của ả sẽ êm thấm hơn nếu anh ta khéo dân vận. Vâng, cái giống học trò yêu ai thì chỉ biết có người ấy, chi tiết văn học nông thôn nằm khuất nẻo ở đâu đấy, như cái duyên cô thôn nữ nằm ở chỗ dường như không biết phơi bầy. Hẳn không ai có thể quên được chi tiết bà vợ cứ nhất mực không chịu vận bộ quần áo mới ông chồng sắm cho. Một đời lam lũ váy đụp áo vá quen rồi, nay tự dưng quần quần áo áo, bà không mặc, vì ngượng. Tác giả không cắt nghĩa, không chui vào bụng nhân vật để nói năng, diễn giải gì. Nhưng đến đêm ông chồng lần sờ thấy sột soạt, hỏi “mặc rồi à”. Thật là áo gấm đi đêm, nhưng người đàn bà nông dân thì phải thế, ắt thế. Chồng chăm chút từ khi chặt tre đan lồng nhốt lợn mang bán, sắm sửa cho mình; miệng vẫn chối đây đẩy không thèm mặc vì ngượng và ngượng thật, nhưng đêm nằm bên chồng thì mặc vào, mặc chứ, để chồng hưởng cái mới mẻ như thanh tân thơm thảo của mình, khốn khổ, cả đời bên vợ váy đụp hôi hám chấy rận rồi còn gì. Một chi tiết nông thôn khác của ông: Chỉ vì ông bố chồng không chịu cho cái mâm đồng rách mà khi có cơ hội, cô con dâu đã nhảy thách lên đấu tố, mà không đấu cái tội không cho cái mâm đồng ấy, mà bịa tạc theo sự “giác ngộ” của Đội, toàn tội tầy đình tuy cái niềm phẫn uất càng tố điêu càng ngùn ngụt bốc lửa kia là rất thật có duyên do từ cái mâm oan nghiệt nọ.


Có thể bạn quan tâm