April 24, 2024, 2:23 pm

Vĩnh biệt nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa: Nữ nhà văn của đề tài nông dân, nông thôn

Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Hội viên hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, chị mắc trọng bệnh và từ trần ngày 1/5/2022, hưởng thọ 72 tuổi… Chị có hơn 10 đầu sách văn học đã xuất bản và có nhiều giải thưởng văn học của trung ương và địa phương.

Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa (người thứ 2 từ trái sang)

Tôi cùng quê với chị Hải Dương, chỉ khác huyện, tôi biết chị học Khóa 1 Trường Viết Văn Nguyễn Du, còn tôi là lớp đàn em học khóa 6 tức là sau chị 5 khóa của ngôi trường đặc biệt ấy… Rồi khi chị đã gần nghỉ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương thì tôi lại bắt đầu công việc ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, vì thế nên chị em có cơ hội gặp gỡ giao lưu nhiều hơn nên chúng tôi có những cơ duyên rất riêng như thế…

Tôi đã có vài bài viết về các tác phẩm của chị, nhưng nhìn cả hệ thống tác phẩm đó, ai cũng nhận ra ngay chị gắn bó đề tài nông dân, nông thôn cả sự nghiệp văn chương của mình. Tôi nhớ nhất cách đây gần chục năm, chị bảo tôi, mình lại chuẩn bị ra tiểu thuyết có tên Mùa gấc chín nhé. Tôi hỏi, vẫn về câu chuyện nông dân và nông thôn hả chị. Chị bảo ừ, tạng mình thế, sinh ra và lớn lên và sinh sống cả đời với nông dân, nông thôn, nên nó… thuận tay.

Tôi bảo, tôi và chị cùng sinh ra ở nông thôn xứ Đông, tỉnh Hải Dương bây giờ, nhưng tôi thoát ly nông thôn và gắn bó với vùng công nghiệp than sôi động ở Quảng Ninh nên tôi có muốn viết về nông thôn, nông dân như chị cũng khó. Tôi vẫn nói, nông thôn với chị là miền đất ngọt cho chị cày cuốc trên cánh đồng văn chương. Các tác phẩm của chị đều có những tiếng vang nhất định ở vùng đất văn hiến xứ Đông và người làm văn học thời còn rất ít người viết ấy. Khi là học sinh cấp ba, tôi đã biết các tác phẩm của chị qua tạp chí văn học Côn Sơn - tên tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng và sau là tỉnh Hải Dương như thế, các tác phẩm như Cô ấy là vợ tôi, Lạ Lùng, Cây thông nhỏ… và đến sau này là Mùa gấc chín, Mùa lúa trổ đòng… Tên các tác phẩm của chị đã dẫn dụ người đọc về một nhà văn chuyên tâm viết về nông thôn, về quê hương đồng bằng Bắc bộ của chị. Chị miệt mài và cần mẫn trên cánh đồng văn chương từ khi tuổi trẻ đến khi từ giã cõi đời vào ngày 1/5/2022 vừa qua, thọ 72 tuổi. Với cuộc đời của một nữ nhà văn chỉ chuyên tâm cùng trang viết nên cuộc sống riêng của chị không tránh khỏi những đoạn đời khó khăn, nhọc nhằn. Cũng may chị có được người chồng yêu thương, trân trọng và đồng cảm sự đam mê lao động sáng tạo văn học của chị, vì anh là nhà nghiên cứu Chèo có rất nhiều công trình riêng về nghệ thuật Chèo được xuất bản và giới thiệu trước công chúng. Niềm an ủi lớn hơn là chị có cậu con trai thông minh và đã trưởng thành hiện đang là phóng viên của truyền hình Nhân dân.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, nhưng tuổi già, bệnh tật thì không ai tránh được, chị Hiền Hòa cũng thế, chỉ hơn hai năm nay, chị mắc bệnh trọng và không gượng lại được để chống chọi bệnh tật được nữa, âu cũng là âm phúc trời đã ban cho chị đến hôm qua là dấu chấm hết! Nhưng những trang văn của chị thì vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc. Tôi đọc chị và thấy chị giữ được nhịp điệu văn phong chậm rãi, từ tốn và có phần nhẫn nhịn, cam chịu, các nhân vật ít bùng nổ, nhưng lại ngân rung những nhịp điệu của cuộc sống vốn dĩ bình yên của nông thôn xưa hay của thời hiện đại thì cái yên ả của nông thôn vẫn đặc trưng trong văn của chị. Có lẽ, do môi trường sống, do cá tính chị vốn không mạnh dạn để cập đến những góc khuất dữ dội của cuộc sống, nên những trang viết của chị cũng cứ lặng lẽ trôi như thế, trôi như cái tên mà chị lấy làm bút danh Hiền Hòa (tên chị là Đỗ Thị Hòa, chị lấy tên chồng là Hiền ghép với tên mình thành Đỗ Thị Hiền Hòa)…

Một cuộc đời, một cá tính âm thầm nhẫn nhịn nhưng vẫn có những quyết liệt để chị vượt qua những giông bão của cuộc đời, và lặng lẽ sống, lặng lẽ viết như tôi biết về chị và nhiều bạn bè văn chương nhận định về chị như thế. Tạm biệt chị nhé, người con của quê hương Chí Linh, Hải Dương nhiều huyền thoại, giờ chị lại về nằm yên nghỉ ở quê nhà dưới những “Cây thông nhỏ”, bên những  “Mùa lúa trổ đòng”, và bên “Mùa gấc chín”…. Cầu cho chị có những bình yên mới trên cánh đồng quê nhà an yên...

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm