April 18, 2024, 2:13 pm

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Phan Hách

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách (tên thật là Nguyễn Xuân Hách) sinh năm 1944 tại làng Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu văn chương, song lại theo học ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học ở huyện miền núi Lục Nam, thuộc tỉnh Bắc Giang. Một thời gian sau, ông về Ty Văn hóa Hà Bắc làm cán bộ sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, rồi chuyển về làm biên tập thơ ở tuần báo Văn nghệ - Hội nHà văn Việt Nam. Năm 1977, ông chuyển sang làm công tác xuất bản, là cán bộ biên tập tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới, rồi Phó Giám đốc (1995) rồi Giám đốc, Tổng biên tập Nxb Hội Nhà văn (từ 1999-2007). Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, ông cùng một số đồng nghiệp tham gia xây dựng Nhà Xuất bản Dân trí, được cử làm Tổng biên tập Nhà xuất bản này từ năm 2007 đến năm 2017.

Trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, song nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có sáng tác từ sớm. Truyện ngắn đầu tiên của ông được in trên báo Văn nghệ vào năm 1958, khi ông mới là cậu học sinh lớp 5. Sau này ông từng được nhận giải thưởng các cuộc thi sáng tác văn học do báo Văn nghệ tổ chức các năm 1969, 1974; giải thưởng dành cho truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới mới năm 1994.

Nguyễn Phan Hách nổi tiếng với các tiểu thuyết như Tan mây, Mê cung, Người đàn bà buồn, Cuồng phong… trong đó tác phẩm Cuồng phong, ra mắt lần đầu năm 2008, tái bản năm 2015 từng được đánh giá là cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng, là bước chuyển mình của Nguyễn Phan Hách. Thế nhưng không chỉ có vậy, ngoài viết văn, ông còn được nhiều người biết đến với những bài thơ như Làng quan họ quê tôi, được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, sau trở thành ca khúc nổi tiếng. Khoảng 10 năm sau, bài thơ Hoa sữa của ông lại được nhạc sĩ Thể Duy phổ nhạc thành ca khúc Mối tình đầu, trong đó có những câu hát say đắm lòng người và đã trở nên quen thuộc như: “Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ, tóc em dài như gió mùa thu…”, Bài hát này sau đó cũng đã trở thành ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích… Có người đánh giá Nguyễn Phan Hách là người tài hoa xứ Kinh Bắc, bởi chính ông đã có những tác phẩm để lại dấu ấn về văn hóa Kinh Bắc rất đậm nét. Làm được điều đó là bởi ông đã luôn giữ được cảm xúc nhân văn về vùng đất văn hiến xa xưa, và cũng là người có khả năng khơi dậy cảm xúc ấy cho người đọc…

Bên cạnh những đóng góp cho thơ, văn, Nguyễn Phan Hách cũng cần được nhắc đến với những đóng góp cho công tác xuất bản. Những năm 1980-1990, với vai trò biên tập viên, rồi phó phòng Biên tập văn xuôi của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Phan Hách đã góp phần tích cực cho sự ra đời những tác phẩm có chất lượng, như Ký sự miền đất lửa (Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, Nguyễn Khải), Rất nhiều ánh lửa (bút ký, tùy bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tuổi thơ im lặng (hồi ức, Duy Khán)…  Sang thời kỳ đổi mới vào những năm 1986-1995, với cương vị là trưởng phòng Văn xuôi, ông lại là người góp phần vào việc biên tập, cho ra đời những tác phẩm để lại những dấu ấn đậm nét của văn học trong thời kỳ này, như Thời xa vắng (tiểu thuyết, Lê Lựu), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu), Cha và con và... (tiểu thuyết, Nguyễn Khải)… Và đặc biệt ba cuốn tiểu thuyết đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992, những tác phẩm gây xôn xao dư luận thời bấy giờ, và đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, là Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), và Thân phận tình yêu (tức Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh) đều là những tác phẩm do Nguyễn Phan Hách trực tiếp biên tập. “Vào thời điểm đấy, theo tôi, biên tập những cuốn như thế là sự dũng cảm”, nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá.

Trong ký ức của bạn bè, nhà thơ Nguyễn Phan Hách là người hiền lanh và làm việc cần cù, có trách nhiệm. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài đọc, biên tập và sáng tác. Bản thân ông vốn là người vui vẻ, lạc quan, nên từ hơn năm nay khi phát hiện ra mình mang bênh trọng, Nguyễn Phan Hách chỉ lặng lẽ điều trị chứ ít chia sẻ với mọi người. Bạn bè chợt có lúc nhận ra sự thiếu vắng ông trong các cuộc hội ngộ thì cũng nghĩ đơn giản là do công việc, chứ ít ai biết là ông đang phải chống chọi với bệnh tật. Vậy nên khi nghe tin ông qua đời vào lúc 15 giờ ngày 21/4/2019 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi, nhiều người đã hết sức bất ngờ  

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, tính đến nay Nguyễn Phan Hách đã sáng tác được 4 tập thơ: Người quen của em (1981); Hoa sữa (2000); Vô tình (2007); Những ngôi sao tuổi thơ (2011). Ở lĩnh vực văn xuôi, ông cũng có các tập truyện ngắn và truyện vừa: Vườn hoa cổng ô (1974); Tổ chim sẻ (1978); Sau những cách xa (1984); Khớp ngựa ô (1987); Tình đùa (1996); Cây vĩ cầm cảm lạnh (2000); Đại bàng Kim điêu (2012), Thị xã và anh lính (2015); và 4 tiểu thuyết: Mây tan (1983); Mê cung tình ái (1990); Người đàn bà buồn (1994); Cuồng phong (2008). Sự chân thành, niềm đam mê nhiệt huyết với văn chương là điều dễ nhận thấy ở nhà văn Nguyễn Phan Hách. Chính vì vậy, thành công của ông không chỉ nằm ở những giá trị hiện thực, thông điệp của mỗi tác phẩm ông gửi ngắm, mà còn bởi Nguyễn Phan Hách luôn thành thực trong việc phản ánh tâm hồn của mỗi con người. Bởi quan niệm của ông văn chương phải hướng tới con người và những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Phan Hách, Văn nghệ xin giới thiệu hai bài viết về ông, thay cho nén tâm nhang tiễn ông về cõi vĩnh hằng

Văn nghệ

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (1944-2019)

Lễ viễng nhà thơ Nguyễn Phan Hách bắt đầu từ 7h30’ đến 8h45’ ngày 25 tháng 4 năm 2019 (Nhằm ngày 21 tháng 3 năm Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội

Linh cữu được an tang cùng ngày tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

 

ĐỜI ĐỔI THAY KHI CHÚNG TA THAY ĐỔI

                                                                             Đặng Huy Giang

1.

Tôi chẳng ngờ tác giả của bài thơ nổi tiếng Hoa sữa với những gì thật lãng mạn ở phần mở đầu: “Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày/ Một buổi sớm, em bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ” và những gì thật cổ tích ở phần kết thúc: “Chỉ mùa thu vẫn tròn vẹn yêu thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của những tình đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau…” từng là “cây bút cốt cán” được Hội Nhà văn nhắm tới mục tiêu “đào tạo cây bút công – nông” từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Hồi ấy, chí ít Hội Nhà văn để ý đến hai người là Nguyễn Phan Hách (ở Bắc Ninh) là “cây bút nông nghiệp”, còn Lý Biên Cương (ở Quảng Ninh) là “cây bút công nghiệp”. Sở dĩ Nguyễn Phan Hách nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” theo cách đánh giá  rất căn bản như vậy là vì năm 1958, ngay khi mới 13 tuổi, lúc còn đang theo học phổ thông cấp 2 Gia Lương, ông đã có truyện ngắn Khỏi ốm đăng trên Tuần báo Văn nghệ. Khỏi phải nói Nguyễn Phan Hách vui mừng đến cỡ nào. Nhớ lại sự kiện được coi là lớn trong đời này, ông kể: “Truyện ngắn này được cái chủ đề, rất phù hợp với việc vận động nông dân vào hợp tác xã trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Khi ra bưu điện nhận nhuận bút, có người hỏi tôi: Mày nhận hộ bố à? Bố mày viết chứ gì? Hóa ra huyện này cũng có người viết báo…Tôi nói: Cháu viết…

Khỏi ốm được trả nhuận bút 11đồng, quy ra là 110 hào (tức 1100 xu), trong khi 1 bát xôi vò phố Huyện chất lượng lúc ấy giá chỉ 5 xu. Tôi đã sử dụng số tiền này để ăn quà sáng vô tư và ròng rã cho riêng mình đến mấy tháng liền…”

Từ năm 1967, khi làm cán bộ của Ty văn hóa Hà Bắc, Nguyễn Phan Hách đã đăng truyện ngắn, bút ký, phóng sự trên báo Văn nghệ và báo Tiền phong. Trong số này, truyện ngắn Truyện tranh Tết (viết về tranh Đông Hồ) đăng số Tết năm Canh tuất, do họa sĩ Sĩ Ngọc minh họa, giờ vẫn được ông coi là hay, đáng nhớ… Đến năm 1972, trung bình cứ 2 tháng, Nguyễn Phan Hách lại có một truyện toàn về đề tài nông nghiệp, nông thôn đăng trên báo Văn nghệ. Truyện nào cũng có chất “chân thật, thấu đáo”, vừa có con mắt của một “chuyên gia”, vừa có tấm lòng của một người trong cuộc. Nguyễn Phan Hách bảo: “Đơn giản vì tôi hòa nhập với cuộc sống, am hiểu cuộc sống nông thôn. Cha tôi là Phó chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp. Tôi đã quan sát có được các chi tiết chân thực sinh động miền quê. Cho nên, cũng dễ hiểu khi tôi từng được coi là “cây bút đặc sắc viết về nông nghiệp”. Ngày ấy mà được xuất hiện trên một báo văn tầm cỡ và sang trọng với một mật độ dày như thế, thì quả là hiếm hoi!”

Ngày ấy, có lần trong một xã luận của báo Nhân Dân biểu dương văn học công – nông có nhắc đến tên Nguyễn Phan Hách như một điểm sáng. Trong vệt đề tài này, Nguyễn Phan Hách còn có Tan mây. Đây là tiểu thuyết đầu tay của ông đã được Giải thưởng Bộ Nông nghiệp năm 1988 cùng với Đào Vũ.

Nhưng với đời văn của Nguyễn Phan Hách, đây mới chỉ là chặng đường đầu.

 

2.

Năm 25 tuổi (1969), Nguyễn Phan Hách theo học bồi dưỡng  viết văn ngắn hạn khóa 3 của Hội Nhà văn ở Bình Đà (Hà Tây) cùng các cây bút được coi là có triển vọng và sau này đều thành danh cả. Đó là Nguyễn Trí Huân, Vương Anh, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nghiêm Đa Văn, Trần Tự, Đào Cảng, Lê Điệp, Triều Dương… Cuối khóa, theo quy định bắt buộc khi “thu hoạch”, mỗi học viên phải có một chùm thơ hoặc một chùm truyện ngắn. Nguyễn Phan Hách đã “nộp quyển” bằng một chùm thơ, trong đó có bài Làng quan họ quê tôi và có hiệu ứng tức thì. Người phụ trách là nhà văn Nguyên Hồng khen Làng quan họ quê tôi hay, có hồn dân tộc. Một tháng sau đó, bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ. Rồi phải 10 năm sau (năm 1979), thơ mới được nhạc chắp cánh để trở thành ca khúc có tiếng cùng tên Làng quan họ quê tôi.

Nguyễn Phan Hách nhớ lại: “Hồi ấy, tôi mới chuyển từ báo Văn nghệ sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Nhà xuất bản Hội Nhà văn sau này). Có một lần gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (lúc ấy đang theo học Đại học Nguyễn Du), tôi có một đề đạt vui vui ở dạng đặt hàng: “Nghe nói ông có sáng tác nhạc, vậy ông thử phổ nhạc cho Làng quan họ quê tôi xem sao”. Chẳng ngờ, chỉ ít lâu sau, Nguyễn Trọng Tạo làm thật. Nghe đâu chỉ mất có một tiếng đồng hồ, Nguyễn Trọng Tạo đã hoàn thành ca khúc phổ thơ tôi. Làng quan họ quê tôi ra đời trong hoàn cảnh thúc bách như thế, mà vượt trội như thế, được nhiều người yêu thích, thì quả là tài! Rồi sau đó, Làng quan họ quê tôi thành công bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi và Nguyễn Trọng Tạo. Trong Hội diễn văn nghệ của tỉnh Hà Bắc năm 1980, có 43 đoàn tham dự thì đoàn nào cũng chọn hát Làng quan họ quê tôi và coi bài hát này như là “bài tủ”. Cũng từ đó, Làng quan họ quê tôi như được tiếp sức để lan tỏa…”

Nêu như thế để thấy: Nguyễn Phan Hách đã đến với văn chương bằng hai chân (văn và thơ) một cách rất tự nhiên, như thể văn và thơ vốn có họ hàng với nhau vậy. Xét về mặt số lượng, các tác phẩm văn xuôi của ông vẫn lấn át thơ (10 cuốn so với 4 cuốn). Tuy vậy, thơ ông cũng để lại dấu ấn qua hai lần thi thơ của báo Văn nghệ: Giải khuyến khích cùng với Ý Nhi, Nguyễn Đức Mậu, Yên Đức… năm 1969-1970 và giải ba cùng với Nguyễn Hồng Hà, Ngô Văn Phú…năm 1975-1976.

Ngoài Làng quan họ quê tôi, Hoa sữa… ông còn Hạt bụi, Khói, Trái ngược… là những bài thơ đáng chú ý. Trong Hạt bụi, ông tự hào là một hạt bụi “có sứ mệnh” và nhờ đó “mới được xuống trần gian làm người”. Nhưng dẫu vậy, con người thơ trong ông vẫn không khỏi băn khoăn tự vấn:

Như thế nghĩa là tôi được chọn

Tôi thành tôi, vinh dự biết chừng nào

Nhưng xuống trần gian vinh quang thế

Chả lẽ tôi vẫn chỉ là hạt bụi hay sao?

 

3.

Thời kỳ là Trưởng ban văn xuôi ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Phan Hách là một người mẫn cán và đọc văn xuôi rất kỹ. Ông bảo: “Nhà văn được coi là “cánh én đổi mới” đầu tiên của văn học Việt Nam chính là Nguyễn Minh Châu. Điều này thể hiện rất rõ qua Bến quêKhách ở quê ra… Năm 1989, bản thân ông cũng là người trực tiếp biên tập và là “bà đỡ” cho  3 cuốn tiểu thuyết mà sau đó không lâu, đều đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn năm 1988. Đó là Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, và Bến không chồng của Dương Hướng…

Nguyễn Phan Hách kể lại: “Bản thảo tiểu thuyết ban đầu của Bảo Ninh mang tên Nỗi buồn chiến tranh, được đánh máy trên một mặt giấy, còn một mặt giấy kia từng được sử dụng là bản nháp. Như thế có nghĩa là tác giả của nó đã tiết kiệm và tận dụng giấy đến mức không thể tiết kiệm hơn. Bảo Ninh gửi đứa con tinh thần này của anh cho tôi và không quên cho tôi một túm vải thiều. Tôi đọc ngay và bảo: Văn ông hay và đẹp, để “an toàn”, ông nên trốn chủ đề và nên đổi sang một cái tên khác. Còn cứ để tên như ban đầu, e gặp khó. Nghe tôi, Bảo Ninh đã đổi thành Thân phận của tình yêu. Tất nhiên, để “đầu xuôi đuôi lọt”, còn phải trông chờ vào Giám đốc, Tổng biên tập Nguyễn Kiên. Bởi vì tôi mới là yếu tố “cần”, chưa phải là yếu tố “đủ”. Cũng may là nhà văn Nguyễn Kiên rất thoáng nên ôkê liền”.

Tính đến nay, Nguyễn Phan Hách đã in cả thảy 4 cuốn tiểu thuyết: Tan mây, Người đàn bà buồn, Mê cungCuồng phong.  Về mặt hình thức, nhiều người trong giới đánh giá ông là người “đa phong cách” và có nhiều đổi mới triệt để. Có lắm khi, ông như loài chim luôn biết tự lật cánh để bay. Văn ông ngày càng sâu lắng, góc cạnh và dữ dội hơn. Đó là những cái “biến”, còn cái “bất biến” vẫn là dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời cuộc luôn thường trực trong ông. Phải chăng đó là kết quả của một quá trình nhận thức hay nhận thức chính là một quá trình trong con người nhà văn Nguyễn Phan Hách?

Tôi gặp ông không nhiều lần lắm. Nhưng tôi thích sự chân thành, thẳng thắn và cởi mở nơi ông. Và tôi còn thích hơn khi nhận ra ông là một nhà văn, nhà thơ luôn hướng tới cái mới để làm mới chính mình. Cái câu “đời đổi thay khi chúng ta thay đổi” dường như đã thấm vào Nguyễn Phan Hách một cách tự nhiên, từ lúc nào không hay.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, hai tác giả của ca khúc

Làng Quan họ quê tôi

ANH HÁCH CỦA TÔI

                                                                          Vũ Quang Vinh

Cuối năm 1978, khi đang làm biên tập viên sách sân khấu của Nhà xuất bản Văn hóa, tôi được mời dự một cuộc Hội thảo về Dân ca quan họ Bắc Ninh, tổ chức tại thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh). Vốn đã biết về loại hình dân ca độc đáo này từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến mảnh đất thân thiện này. Quả nhiên, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, với những con người đầu tiên tôi gặp, Bắc Ninh quả đã khiến tôi rung động, yêu mến. Tôi được gặp những nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ của đất Kinh Bắc, như: Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Xuân Trường, Anh Vũ, Trần Minh, Nguyễn Thanh Kim… Hầu hết các anh đã thành danh, đã có tác phẩm được công chúng biết đến, nhưng đều rất mực hiền hòa, khiêm tốn, tuy không giấu được vẻ tự hào kín đáo về những làn điệu Quan họ đặc sắc của quê mình. Dạo ấy, Ban Tổ chức Hội thảo rất công phu, khi bố trí cho mọi người được nghe Quan họ qua nhiều thế hệ khác nhau: Các cụ 90 tuổi say sưa hát những làn điệu cổ nhất. Các bác 70 tuổi hát các làn điệu đã mới hơn một chút. Rồi các anh chị 50 tuổi, 30 tuổi, và các em học sinh 13-15 tuổi cùng thể hiện những làn điệu ấy, nhưng vui hơn, tươi sáng hơn. Sự trao truyền mạnh mẽ ấy đã giải thích vì sao Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Sau khi xem và nghe các nghệ nhân chuyên nghiệp hát quan họ, chúng tôi còn được dự cuộc Liên hoan của các cây văn nghệ không chuyên biểu diễn văn nghệ. Tối hôm ấy, có tiết mục song ca của hai cô công nhân Xí nghiệp Dệt len Hữu Nghị, với bài hát Làng Quan họ quê tôi (Nhạc Nguyễn Trọng Tạo, Thơ Nguyễn Phan Hách). Đến giờ tôi vẫn nhớ tên của hai cô công ngân trẻ đó là Thùy Lâm (nhà ở phố Vệ An) và Hạnh Lâm (ở phố Tiền An). Mặc dù giọng hát còn đơn sơ mộc mạc, nhưng hai cô gái đã thu hút người xem bằng tâm hồn tha thiết yêu quê hương Kinh Bắc của mình:

“Con sông Cầu làm bao xanh                                                                           

Ngang lưng làng quan họ xanh xanh

Giữa đình hồ bàn nguyệt

Chỉ Cả tựa mạn thuyền

Anh Hai ngồi bẻ lái

Quan họ về, là về trao duyên… ”

Quả thật, cả giai điệu thiết tha và lời thơ giàu hình ảnh của bài hát Làng Quan họ quê tôi đã gây ấn tượng rất mạnh trong tôi, kể từ ngày đó, cho đến tận bây giờ. Và tôi cũng quý mến nhà văn Nguyễn Phan Hách từ ngày đó. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đôi điều về bản chất hiền hòa và hồn hậu của anh trong cuộc sống đời thường. Anh hơn tôi đúng mười tuổi, nên tôi luôn coi anh Nguyễn Phan Hách như một người anh. Và tôi học hỏi được rất nhiều ở anh…

Nguyễn Phan Hách sinh năm 1944 tại Làng Mão Điền, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng nho nhỏ, còn giữ được nhiều nét cổ kính. Có mấy lần tôi về thăm làng Mão Điền, được anh dẫn đi xem những ao hồ được xây vuông vức, được thăm ngôi nhà cổ của các cụ để  lại, bây giờ người em trai của anh là nhà giáo Nguyễn Hiển, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mão Điền, trông coi và thờ cúng các cụ. Ai cũng thích căn nhà đẹp đẽ ấy, có sân rộng, ao sen vuông vắn và nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Tôi chợt nghĩ, một người được sinh ra và trưởng thành trong ngôi nhà ấy, hẳn sẽ có một tâm hồn sâu sắc và nhạy cảm. Vốn là người có tư chất thông minh, Nguyễn Phan Hách học giỏi và có khiếu văn chương từ nhỏ. Anh bắt đầu viết truyện lúc 14, 15 tuổi. Dần dần, anh trở thành nhà văn, và nhà thơ có tiếng của xứ Kinh Bắc và cả nước. Mặc dù vậy, lúc nào anh cũng là một người khiêm nhường và đôn hậu. Anh thấp và nhỏ người, nhưn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Giọng nói của anh chan chứa chất nhiệt thành, sôi nổi. Nụ cười hồn hậu, luôn toát lên lên sức sống mãnh mẽ của một người có nội lực. Từng làm thầy giáo, biên tập viên báo Văn nghệ, rồi Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nhưng dù thế nào nhà văn Nguyễn Phan Hách vẫn luôn giữ được cái nụ cười hồn hậu ấy. Do công việc quá bận, thi thoảng tôi mới được gặp anh. Mỗi lần như thế, tôi đều chăm chú lắng nghe anh say sưa thuyết trình về một điều gì đó, hoặc dự định sáng tác mới của anh. Anh Hách của tôi, bao giờ cũng vậy, nói cái gì cùng say sưa, sôi nổi. Nói như các cụ thì cách nói này như sẻ cửa sẻ nhà cho người khác.

Anh Hách của tôi còn là người rất chăm chỉ, năng đông, chẳng mấy khi chịu ngồi yên. Khi được nghỉ hưu, không làm Giám đốc Nhà xuất Bản Hội Nhà văn nữa, anh lại cùng nhà văn Phạm Việt Long và chị Bùi Thị Hương hăng hái viết đề án và thành lập được Nhà xuất bản Dân trí, trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Anh nhận trách nhiệm Tổng biên tập, là người giữ cửa chuyên môn của nhà xuất bản. Và tất nhiên, đó chỉ là tay trái, vì rằng tay phải của anh vẫn là sáng tác. Thời gian này, cuốn tiểu thuyết Cuồng phong của anh được xuất bản, rồi tái bản thêm mấy lần. Tôi đọc cuốn sách anh tặng, rồi lại nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc một lần. Tôi nói với nhà văn Nguyễn Phan Hách: “Em rất thích cuốn này của anh. Bối cảnh trong truyện rất thật, nhân vật sinh động. Mặc dù người viết đã rất dũng cảm, nhưng giá dũng cảm hơn chút nữa thì còn “Cuồng phong” hơn… Anh Hách của tôi cười vang: “Sợ bỏ bố!”. Nghe thật thú vị, bởi sự hồn nhiên của nhà văn.

Anh là người như vậy, hiền lành cả trong cuộc sống, lẫn trong những trang viết. Bao giờ anh cũng chỉn chu. Từ 2015 sau khi được thôi làm Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong, tôi về làm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Dân Trí, cùng với anh Hách, anh Long, chị Hương hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đầy khó khăn. Mấy năm gần gũi, cùng làm việc với anh, tôi càng hiểu sâu sắc về anh hơn. Cần mẫn, nhiệt thành, sống giản dị chân tình, nên anh Hách của tôi được tất cả mọi người yêu quý. Thời gian này anh còn rất say sưa sáng tác ca khúc. Tôi có được nghe một số ca khúc của anh, thấy cũng trữ tình, tha thiết và sâu lắng. Thật là một con người đa tài và quá đỗi say mê nghệ thuật. Cho đến một ngày cách đây chừng hơn một năm, anh phải nhập viện vì một căn bệnh quái ác. Anh đã và đang chống chọi quyết liệt với bệnh tật. Còn tôi, luôn tin rằng, anh Hách của tôi sẽ vượt qua tất cả. Đơn giản chỉ vì, một con người nhân hậu, giàu sức sống như vậy không thể không vượt qua bất cứ điều gì. Những trang viết hồn hậu, tươi tắn – cả thơ, cả truyện và âm nhạc nữa – đang chờ anh ở phía trước.

Trên sân khấu đồi Lim, hay trên những con thuyền quanh ao làng, các chị Cả anh Hai xứ Kinh Bắc vẫn đang say sưa thể hiện những lời thơ của anh:

“Làng Quan họ quê tôi

Những chiều bao thương nhớ

Tiếng ca đầu ngọn gió

Nón quai thao nói gì người ơi

Nón quai thao nói gì, người ơi!”

                                                              Hà Nội, Tháng 4 - 2019


Có thể bạn quan tâm