April 25, 2024, 8:50 am

Việt Nam với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã lan tới 208 quốc gia vùng lãnh thổ, đang trở thành thảm họa lớn nhất của cả nhân loại kể từ sau thế chiến thứ II, ảnh hưởng lớn đến xu hướng toàn cầu hóa, kéo tụt mọi nền kinh tế, làm thay đổi mọi nếp sống từ cách làm việc đến tư duy và cả đạo đức của mỗi con người.

Cho dù trong hoạn nạn lòng nhân ái bao dung vẫn luôn ngời sáng, nhưng vì sự cách ly toàn xã hội để ngăn chặn dịch đang diễn ra ở mọi quốc gia, chủ nghĩa dân tộc, địa phương vô tình đang len lỏi vào tận từng ngõ phố, xóm làng cùng với sự kỳ thị, oán trách, thậm chí sợ hãi người bị nhiễm Covid. Khi tôi viết bài này toàn thế giới đã có trên 1,3 triệu người đã nhiễm virus Covid-19 với gần 70.000 đã tử vong, 250.000 được chữa khỏi và hơn 4 tỷ dân toàn cầu đã phải buộc hoặc tự cách ly. Dù dịch ở Châu Á, Châu Âu đang giảm dần, những người nhiễm toàn cầu vẫn tăng nhanh, có ngày lên tới 100.000 người dương tính. Trong đó Hoa Kỳ tăng đột biến, gấp 4 lần Trung Quốc với 337.000 người nhiễm và gần 10.000 tử vong. Số người tử vong cao nhất vẫn thuộc về Italia với gần 16.000 người và Tây Ban Nha với gần 13.000 người. Hai nước này chiếm trên 40% tổng số người chết toàn cầu. Trung Quốc với 1,45 tỷ dân là nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán, theo báo cáo, hiện có trên 82.540 người nhiễm, 3.350 người chết và khoảng 77.000 đã chữa khỏi. Cho dù thế giới vẫn nghi ngờ con số này quá thấp, thì cũng không thể phủ nhận Trung Quốc đã chống dịch khá thành công, Vũ Hán - Hồ Bắc... đã trở lại cuộc sống bình thường, khôi phục sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu thiết bị y tế ra khắp thế giới và có nhiều nghiên cứu khoa học giá trị như giải mã hệ gen của loại virus mới này, chế tạo thuốc chữa trị cùng văcxin đã thử nghiệm với khỉ cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới cho rằng Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) phải chịu trách nhiệm chính về đại dịch Covib-19 vì ngay từ đầu họ đã cố tình giấu dịch, thậm chí còn công bố những thông tin không chính xác kiểu như “không lây từ người qua người” hoặc “chưa có gì nghiêm trọng. Họ còn xử lý cả những bác sĩ đã dự báo sớm dịch bệnh, có người đã chết nay mới được gọi là liệt sĩ. Mãi hai tháng sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, WHO mới công bố đại dịch toàn cầu, nhưng không khuyến khích người khỏe mạnh đeo khẩu trang; mãi đến gần đây khi cả thế giới giành nhau mua khẩu trang, WHO mới thừa nhận tác dụng của nó. Làn sóng đòi Tổng giám đốc WHO phải từ chức đang lan rộng…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Quốc phòng. Ảnh VGP

 

Cần nhấn mạnh rằng sau tết Canh Tý, hơn 7 triệu người Trung Quốc về quê ăn tết đã trở lại khắp thế giới, trong đó trên 700.000 người Trung Quốc đã vào Hoa Kỳ cùng với vài triệu người châu Á, châu Âu từ các vùng dịch vẫn đến buôn bán, du lịch khiến nước Mỹ hùng mạnh đã phải lao đao, lúng túng xoay xở. Việc chậm đóng cửa khẩu, giãn cách xã hội, quá tự tin có phần kiêu ngạo, chủ quan, thiếu quyết đoán đã đẩy nước Mỹ vào tâm đại dịch với muôn vàn khó khăn chồng chất, kể cả thiếu thốn thiết bị y tế cơ sở hỏa táng khi ngày cao điểm một phút có thêm một người chết vì Covid. Hãng BBC đưa nhiều chuyện thật khó tin, ví như việc một bệnh viện lớn ở New York khi đã hết sạch khẩu trang y tế N95 nên đã cấm mọi nhân viên không được đeo khẩu trang này dù phải tự bỏ ra 20 USD mua vì họ sợ sự ghen tị. Ai không chấp hành sẽ bị đuổi việc. Sau khi chứng khiến một bác sĩ giỏi tử vong vì thiếu khẩu trang, một nữ điều dưỡng lâu năm đã khóc rống lên và xin thôi việc. Hãng truyền thông này cũng có những phóng sự dài về nạn mua bán tranh giành khẩu trang, kít thử nghiệm nhanh kém chất lượng từ Trung Quốc, khiến cho số người bị nhiễm và chết tăng nhanh ở Tây Ban Nha, Ý, Anh… có nơi phải dùng sân trượt băng làm nhà xác. Đặc biệt BBC cũng thường xuyên cập nhật tình hình đánh dịch ở Việt Nam với những lời có cánh hiếm thấy, kể cả việc dân chúng khen ngợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung… Việt Nam là nước láng giềng gần của Trung Quốc, có giao lưu hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, có hàng trăm ngàn người lao động đang làm việc, sinh sống... khả năng lây nhiễm rất cao. Nhưng cho đến nay Việt Nam chỉ có 241 người bị nhiễm Covid-19, đã chữa khỏi trên 100 ca, chưa có ca tử vong nào, và được thế giới coi là quốc gia phòng chống đại dịch quyết liệt nhất, hiệu quả nhất. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam là quốc gia sớm có những quyết định sáng tạo sâu rộng, lượng định chính xác từng giai đoạn cùng những biện pháp cụ thể cho mọi ngành mọi địa phương và toàn dân với sự điều hành quyết liệt: “Chống dịch như đánh giặc, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe, đời sống của toàn dân”. Đông dảo nhân dân Việt nam đã thực sự đoàn kết, đồng lòng sự đặt niềm tin rất cao vào sự chỉ đạo chống đại dịch của Chính Phủ nên mọi quyết định, biện pháp đã được triển khai triệt để khắp mọi thôn xóm từ rất sớm và liên tục suốt bốn tháng qua. Quân đội, công an và mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp đều hợp sức cùng ngành y tế chăm lo từ tổ chức địa điểm, phân loại cách ly, xét nghiệp đến việc hoàn thiện hệ thống chữa bệnh khắp đất nươc với phác đồ điều trị cứu chữa những người nhiễm dịch đầy sáng tạo, đạt hiệu quả rất cao. Với sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các địa phương Việt Nam đã nhanh chóng chế tạo được kít thử nghiệm chất lượng với giá rất rẻ, kịp thời cung cấp cho cả nước và xuất khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển công nghệ sang chế tạo thiết bị y tế, đặc biệt là máy thở và khẩu trang, nước khử trùng… không những đáp ứng cho trong nước mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng, kể cả Hoa Kỳ.

Với phương châm 4 tại chỗ, Việt Nam đã mạnh dạn điều trị thành công 11 ca bệnh đầu tiên ở tuyến huyện tại Vĩnh Phúc và thực hiện sớm việc cánh ly, khử trùng những khu vực rộng lớn được coi là ổ dịch. Tuy có một số địa phương đã hơi cực đoan trong việc ngăn sông cấm chợ, đặt ra những quy định quá nặng nề, nhưng việc cách ly toàn xã hội đã giúp Việt Nam giảm nhanh các ca nhiễm dịch từ 11,12 người/ngày xuống 4-3-2-1 rồi 0 chỉ sau một tuần cùng với số ca được chữa khỏi đã trên 50%, vài ca bị nặng do có bệnh nền cũng tiến triển tốt. Việt Nam đã chủ động chuẩn bị rất tốt hàng trăm địa điểm cách ly với sự chăm sóc rất chu đáo cho hơn 36.000 người và đã có hàng ngàn người được an toàn chở về tận nhà khỏe mạnh với giấy chứng nhận y tế. Có biết bao chuyện cảm động, kể cả những cuộc tình đẹp sau 14 ngày cách ly, điều trị. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, các văn nghệ sĩ, tổ chức tuyên truyền về đại dịch liên tục, sáng tạo, nổi bật là đặt hàng ca khúc, vũ điệu Ghen Covi lan tỏa nhanh, được cả thế giới sử dụng, mở đầu cho sự ra đời hàng loạt ca khúc chống dịch đầy hào khí Việt Nam. Tất cả các mạng điện thoại đều cài đặt lời nhắc nhở mọi người đầu mỗi cuộc gọi cùng những tin nhắn ủng hộ cho quỹ chống đại dịch…

Tuy còn nghèo, nhưng Chính Phủ Việt Nam đã xuất ra 250.000 tỷ VNĐ hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và có nghị quyết cụ thể cứu trợ những người nghèo, mất việc, những gia đình bị ảnh hưởng lớn vì dịch. Nhờ vậy cuộc sống toàn dân vẫn được bảo đảm, tình hình sản xuất, xuất khẩu vẫn phát triển ở nhiều doanh nghiệp mà theo Ngân hàng Thế giới thì năm 2020 Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng 4,9%, trong khi toàn châu Á chỉ có thể đạt cao nhất 2,2%. Bộ Công thương đã chỉ đạo tăng nhanh việc sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng lên gấp 3 lần, mở thêm hình thức bán hàng lưu động, dã chiến giúp nhân dân ở xa mua hàng thuận tiện, ổn định giá nhu yếu phẩm; đồng thời vẫn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Tuy đã thu được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, Chính phủ vẫn liên tục nhắc nhở cả nước không lơ là, chủ quan, sẵn sàng phương án đối phó cho những đột biến mới của dịch bệnh, không để “vỡ trận”, tạo thế đứng mới, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho toàn dân. 

Chưa bao giờ các bệnh viện lớn, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu toàn cầu lại làm việc thâu đêm như 4 tháng qua để tìm ra những thuốc chữa trị đặc hiệu và điều chế vắc xin. Ngoài việc áp dụng hỗn hợp thuốc chữa sốt rét, nhiều nước đã có những tìm tòi thử nghiệm khá thành công bằng những thuốc sẵn có từng chữa dịch Sars, HIV, cúm mùa… Sau khi thử nghiệm tốt tại Vũ Hán loại thuốc cảm cúm Avigan, Nhật Bản đã tiếp tục hoàn thiện và gia tăng công suất đủ cung cấp cho 2 triệu người bệnh, và Chính phủ Nhật tuyên bố phát miễn phí khắp thế giới. Điều thú vị là thuốc này do một chi nhánh của hãng Fujifim điều chế khi fim ảnh đã hết thời. Tại Úc các bác sĩ đã kỳ công thử nghiệm thuốc diệt ký sinh trùng của Mỹ có tên là Ivermectin để tiêu diệt chất di truyền của Covid-19 chỉ sau 24-48 giờ với một liều duy nhất. Báo chí Trung Quốc còn công bố những toa thuốc đông y giảm sốt, giảm ho, bổ phế… Hiện đã có hơn 30 đơn vị của nhiều nước đã chế tạo được vắc xin thử nghiệm trên động vật. Mỹ cũng đã cho thử nghiệm trên 40 người, kể cả loại vắc xin siêu hiện đại không dùng tế bào virus như truyền thống, mà là tạo ra chất kháng thể dán vào da, không cần tiêm, cũng mở ra nhiều triển vọng. Thực tế có những người có sẵn kháng thể tự tiêu diệt ngay Covid-19 khi nó vừa xâm nhập; cũng có những người phải mất vài ngày sức đề kháng mới đủ mạnh. Theo vài công bố khoa học thực nghiệm thì người có nhóm máu o có sức đề kháng tốt hơn nhóm máu A, nam nhiễm nhiều hơn nữ 40%... Không hẳn phải đợi đến 12-18 tháng khi có vắc xin đại trà thì mới đẩy lùi được đại dịch, Tổng thống Mỹ tuyên bố: Đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm từ “hai tuần chết chóc đầy đen tối” khi đã có được thuốc và phác đồ điều trị hữu hiệu và sẽ “đốt cháy giai đoạn thử nghiệm mọi loại vắc xin”…

Các quốc gia có thể chế chính trị, có nền văn hóa, tập quán và sức đề kháng khác nhau nên việc lây nhiễm nhanh, chậm cùng cách chống dịch cũng khác nhau dẫn đến những hiệu quả khác nhau là điều dễ hiểu. Với những quốc gia phát triển có mức sống cao, có nền giáo dục tân tiến, nền y tế siêu hiện đại, người dân được hưởng nhiều phúc lợi xã hội, hưởng những đặc quyền về tự do cá nhân rất cao (kể cả tự do chửi tổng thống & chính phủ) thì việc vận động giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, xét nghiệm... là cả một qua trình khó khăn, cần phải có sắc lệnh, điều luật xử phạt rõ ràng vẫn không dễ thuyết phục được toàn dân ở yên trong nhà, không tụ tập đông người. Với các tín đồ đạo Hồi thì ngay giữa lúc đại dịch tràn lan vẫn có hàng vạn người tụ tập hành lễ suốt cả tuần. Nhưng ở các nước nghèo thì Covid không đáng sợ bằng đói ăn thiếu nước uống. Một nhà thần học cho rằng Thượng đế giáng đại dịch này là để nhắc nhở loài người phải biết trân trọng cuộc sống, trân trọng thiên nhiên luôn gìn giữ cho bầu không khí, môi trường trong sạch… Quả thực mấy tháng nay trái đất đã xanh hơn, không khí trong lành hơn… Đang được tự do hít thở rất sâu, không mất đồng xu nào bỗng thấy ai đó giành nhau cái máy thở, phải trả quá nhiều tiền mà giật mình lạnh suốt sống lưng. Chỉ nghĩ vậy thôi đã thấy vui khi được ở yên trong nhà. 

Hãy phát huy những thói quen mới thời Covid khi làm việc từ xa, học qua mạng cũng rất hiệu quả… Dù không mong phải cách ly kéo dài, nhưng rất nhiều người cảm thấy những ngày cách ly toàn xã hội thật giá trị, giúp họ khám phá thêm biết bao điều mới mẽ từ chính việc chăm sóc gia đình tốt hơn, biết trân trọng hơn những gì mình đang có để tự hào được làm người Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm