April 25, 2024, 6:02 pm

Việt Nam và chỉ số hạnh phúc

Theo đánh giá của Tổ chức phi chính phủ hợp tác chống đói nghèo thế giới - Oxfam, thì sau đại dịch toàn cầu Coronavirus, với trường hợp xấu nhất là thu nhập giảm 20%, số người sống trong nghèo cùng cực trên toàn cầu sẽ tăng thêm 434 triệu người, lên 922 triệu. Số người sống dưới 5,5 USD một ngày cũng sẽ tăng 548 triệu, lên gần 4 tỷ người. Như thế, gần 5 tỉ người trên hành tinh này sẽ có mức sống từ nghèo khổ tới dưới mức nghèo khổ, hay gọi là nghèo khổ cùng cực.

Việt Nam chưa ước tính được sẽ có bao nhiêu người nghèo trong số gần 5 tỉ người ấy. Khi dịch bệnh chưa kết thúc, thì cũng chưa thể tính cho sát đúng được, nhưng nguy cơ này là có thật.

Nghèo khổ thì chưa bao giờ là may mắn hay tốt đẹp cả. Nhưng người nghèo mà tốt thì lại là câu chuyện khác, câu chuyện của lòng nhân ái, của sự sẻ chia trong hoạn nạn nhiều khi rất cảm động.

Dịch Covid-19 đã khiến một đất nước còn nghèo như Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng từ trong gian khó đó, người ta lại chứng kiến được rất nhiều tình yêu thương, rất nhiều người nghèo có lòng tốt, rất nhiều tấm gương người nghèo nhường cơm sẻ áo đáng làm gương cho tất cả cộng đồng.

Chúng ta sống là kết nối với nhau, nương tựa vào nhau, nhìn sâu vào hoàn cảnh của nhau để chia sẻ, giúp nhau vượt qua tai ương. Có những em bé mới học lớp 3 đã dành tiền được lì xì trong dịp Tết của mình, món tiền chỉ 500.000đ ủng hộ cho quĩ chống dịch bệnh. Có bà mẹ già nông dân ở quê ngót 90 tuổi, lặn lội tìm đến cơ quan chống dịch để ủng hộ một đôi bông tai bằng 1 chỉ rưỡi vàng, kèm 3 triệu đồng cụ tiết kiệm trong nhiều năm, để cùng đất nước đánh thắng trận “giặc” nguy hiểm này.

“Nghèo mà tốt”. Chúng ta đã chứng kiến biết bao con người như thế trong xã hội này. Chính lòng tốt dắt dẫn những người nghèo ấy làm những việc tốt, một cách vô tư, không cần ai biết tới. Nhưng lòng biết ơn đã khiến cả cộng đồng ghi nhớ trong ký ức những con người tốt, những việc làm tốt, những nghĩa cử hào hiệp ấy. Cũng một cách vô tư, đầy cảm xúc.

Tôi cứ nghĩ, nếu con người không có cảm xúc, thì sẽ sống ra sao? Nếu bây giờ trong việc sử dụng các chỉ số, người ta đã dùng chỉ số cảm xúc (EQ) song song với chỉ số thông minh (IQ), thì trong cuộc sống, những gì tác động đến tình cảm, đến cảm xúc của con người, những gì khiến cộng đồng biết ơn và ghi nhớ, những gì khiến chúng ta cảm thấy mình cần phải sống tốt lên, theo gương những người tốt, những gì đó làm nên một chỉ số khác, đó là chỉ số hạnh phúc (HQ).

Mỗi ngày trong những ngày này, đọc những câu chuyện về sự chia sẻ của nhân dân với nhau trong trận chiến chống dịch bệnh, tôi luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Đó là cảm giác của người được sống trong một môi trường chan chứa tình người, khi mà “cây ATM gạo” ở quận Tân Phú (Tp. Hồ Chí Minh) tuôn chảy những dòng gạo suốt ngày đêm cho những người nghèo cần gạo nấu bữa cơm nghèo, khi mà rất nhiều người tự động mang tiền mang gạo đến góp cho “cây ATM gạo” tuôn chảy mãi, thì đó là lúc chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc, niềm hạnh phúc cũng tuôn chảy cùng những dòng gạo nghĩa tình. Nó động viên mình, rằng mình cũng đã và sẽ làm được một điều gì đó cho tình yêu thương chia sẻ được tuôn chảy. Lúc bấy giờ, thì không phân biệt “Nghèo mà tốt” hay “Giàu mà tốt”. Lúc bấy giờ, chỉ còn người Việt với nhau, cùng nâng nhau lên trong thời buổi khó khăn này.

Một đất nước có những con người hạnh phúc, nhiều tới mức nào đó, là một đất nước hạnh phúc. Việt Nam, nơi có rất nhiều con người, bất kể giàu hay nghèo, sống vì chữ Tình, vì chữ Nghĩa, thì đó là một đất nước có thể vượt qua những bất hạnh để thành một đất nước hạnh phúc. Giàu hay nghèo, GDP bao nhiêu, không quan trọng. Hạnh phúc được đo bằng một chỉ số khác, không phải bằng GDP quốc gia. Năm nay, có thể GDP Việt Nam bị sụt giảm, nhưng nếu Việt Nam, mà chắc chắn như thế, thắng trong trận chiến với dịch bệnh này, thì Việt Nam sẽ là một đất nước có hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc bình dị nhưng sâu thẳm của con người.

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm