April 25, 2024, 4:50 pm

Việt Nam - Khát vọng hùng cường

Năm 2020 đã khép lại với sự thắng lợi toàn diện của Việt Nam trên hầu hết mọi mặt hoạt động. Mùa Xuân này, Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh mẽ, tự tin bước Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của mình với sự hồ hởi đón đợi của toàn thể Đảng viên và Nhân dân cả nước, cùng với những hy vọng tốt đẹp về một tương lai sáng lạn phía trước. Bên cạnh đó, uy tín của Việt Nam cũng đang được nâng cao trên trường quốc tế khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam còn là một trong những điểm điểm sáng trong phòng chống đại dịch Covid-19 gắn với nền kinh tế tăng trưởng dương và sự ổn định chính trị... Tất cả những điều đó được xem là những tiền đề mới, mở ra những vận hội mới trên con đường hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam

Ý chí tự cường và lòng tự tôn dân tộc đã thấm đẫm trong mỗi con người Việt Nam, trở thành nguồn sáng, từng bước đưa dân tộc ta tiến đến đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu. Từ một quốc gia chìm đắm trong vòng nô lệ, tỷ lệ mù chữ gần như tuyệt đối và phải chịu nạn đói mang tính hủy diệt năm 1945, Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập, gắn với những chỉ số đáng nể trong phổ cập giáo dục và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Những thành quả to lớn của đất nước hôm nay, đã được minh định qua thời gian và trở thành tài sản vô giá của sự đoàn kết, đồng lòng và tinh thần tự cường dân tộc đó... Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng sự tâm huyết, dám nghĩ dám làm của các thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam, nền kinh tế nước ta đã có những bước tiến vượt bậc cả về lượng và chất. Chỉ tính riêng trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam vẫn được Ngân hàng thế giới dự báo có mức tăng trưởng dương trên dưới 3%, trong khi thế giới tăng trưởng âm. Nhìn bao quát hơn, trong vòng 5 năm qua Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 6,9 %, văn hóa, xã hội, giáo dục và thể thao cũng có những bước phát vượt bậc. Đặc biệt, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Tỉ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước hết năm 2020 khoảng 26,7%. Cho thấy, Việt Nam chưa bao giờ ngừng nghỉ trong những nỗ lực hội nhập và phát triển kinh tế, bằng chính sức mạnh tự cường, biến nó trở thành đòn bẩy để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường.

Mở cửa nền kinh tế, bước vào sân chơi bình đẳng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã tự thay đổi mình để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan” đã giúp Việt Nam vừa giữ được bản sắc riêng vừa ghi điểm trong sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - văn hóa và an sinh xã hội trở thành quốc gia hình mẫu với nhiều chỉ số được xem là đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh ý chí tự cường để không ngừng lớn mạnh, cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị cũng được đẩy mạnh với quyết tâm thà chịu đau “kỷ luật một người để cứu muôn người”, Đảng, Chính phủ đã tạo nên những bước chuyển tích cực bằng việc tự làm mới mình, trở thành “Chính phủ hành động, liêm chính và kiến tạo”. Xung lực mới đã lan tỏa đến từng cấp, ngành, địa phương và từng người dân, giúp cho bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam từ chỗ định hình bước lên định vị một Việt Nam trên trường quốc tế khi trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...”

*

Bước sang năm 2021, thế giới còn nguyên những khó khăn khi phải đối mặt với bài toán về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đáng chú ý là cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn vẫn đang diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, biến đổi khí hậu và môi trường xuống cấp đang có tác động mạnh đến Việt Nam, buộc Chính phủ phải có những bước đi cụ thể, tận dụng thời cơ để biến thách thức thành cơ hội cho sự phát triển.

Với quyết tâm nêu cao tinh thần cảnh giác, “chống dịch như chống giặc”, bên cạnh việc ngăn chặn và dập tắt dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, còn là quyết tâm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và bào chế vacxin mang thương hiệu Việt Nam. Theo dự kiến, đến hết năm 2021 (nếu thuận lợi) sẽ có vacxin tiêm chủng cho toàn dân, đưa Việt Nam trở thành một trong 50 quốc gia trên thế giới có thể tự sản xuất được vacxin phòng chống Covid-19. Bên cạnh việc chăm lo sức khỏe cho toàn dân, sức khỏe nền kinh tế cũng chưa bao giờ lơi lỏng. Chính phủ đã đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, thậm chí là quốc gia khởi nghiệp, giúp hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân, ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước cũng thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội. Hoạt động trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, từng bước tăng dần khả năng chống đỡ và sức đề kháng của nền kinh tế.

Dẫn lại lời nói của người xưa “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp, người dân có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh thông qua một thể chế an toàn, có sự điều chỉnh kịp thời hơn. Song song với đó là năng lực tổ chức chính sách, bộ máy thực thi công vụ bằng cả “Tâm và Tài” nhằm từng bước đạt cho bằng được mục tiêu trong phát triển đất nước hiện nay, cũng như tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chính phủ sẽ tiếp tục trập trung giải quyết 3 điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và hạ tầng để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, trong kỷ nguyên này phải nhấn mạnh hai yếu tố coi trọng như những mũi đột phá trong thời gian tới đó là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa tinh thần, khơi dậy ý chí khát vọng, tự hào của mỗi con người Việt Nam. Ba đột phá chiến lược và hai yếu tố quan trọng nói trên là 5 yếu tố giúp chúng ta vượt qua thách thức để lập nên những kỳ tích mới. 

Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang bước những bước đầu tiên đầy quyết tâm, nhưng không kém phần thận trọng trước một giai đoan mới của đất nước, đứng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong Bài viết trước thềm Đại hội XIII của Đảng “... Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong suốt 90 năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đất nước đang ở bước ngoặt có tính lịch sử, cần huy động những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để tiếp tục bứt phá, vươn lên...”

Vị thế và tiềm lực của đất nước đã có, với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, Việt Nam nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, trong một vận hội mới.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm