March 29, 2024, 7:30 pm

Việt Nam hậu Covid-19: Rà soát đầu tư nước ngoài và xem xét “bộ tứ mở rộng”

Hôm 14/5/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức nhằm đóng góp vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19. Trước đó, hãng tin Reuters Mỹ cũng đưa tin, Hoa Kỳ lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bắt đầu bằng cách khởi động lại cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ Kim cương” (Nhóm Quad gồm 4 nước: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, gọi là nhóm “Bộ tứ mở rộng” (Quad Plus). Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm gồm 7 quốc gia hiện nay là “tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu”, đưa nền kinh tế toàn cầu “tiến lên phía trước” sau dịch bệnh Covid-19.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp hôm 15-5.

Rà soát các dự án FDI

Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây vừa thông báo, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố sẽ rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài (FDI), nhất là dự án liên quan đến người Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đây là tiết lộ trong trả lời của Bộ Quốc phòng với cử tri Hải Phòng, liên quan đến lo ngại người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng và một số nơi khác. Phản hồi lại quan ngại của cử tri Hải Phòng về tình trạng thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu ở Đà Nẵng đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Báo chí trong nước mô tả đây là “lần đầu tiên” Bộ Quốc phòng trả lời cử tri với các thông tin rất cụ thể. Thống kê khá chi tiết nói về những vụ việc theo đó người Trung Quốc đầu tư cho người Việt “núp bóng” mua đất theo lô và việc doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND Thành phố Đà Nẵng. Thống kê của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói trong giai đoạn 2011-2015 ít nhất 8 người Việt (6 là người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng, và có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm. Để sở hữu các lô đất này, người Trung Quốc được cho là đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai. Vị trí khu vực đất được những ‘người nước ngoài giấu mặt’ mua nằm gần đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Nước Mặn.

Bộ Quốc phòng mô tả chiêu thức thâu tóm đất được thực hiện theo hai hình thức, qua doanh nghiệp và cá nhân. Thứ nhất, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (bên góp vốn chủ yếu bằng đất) và dần dần nắm đất thông qua việc tăng vốn sở hữu khi giành quyền điều hành doanh nghiệp. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (đa phần là người Việt gốc Hoa) để mua đất. Phần trả lời cử tri trên trang Quốc hội cũng dẫn chiếu điều mà Bộ Quốc phòng nói là có cơ sở về những quan ngại mà “cử tri và dư luận xã hội” nêu về việc chính quyền thành phố Đà Nẵng từng cấp chứng nhận quyền sử dụng “21 lô đất ven biển đứng tên người Trung Quốc”. Chưa rõ vì sao sau 6 tháng mới nêu lại vụ việc mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 10 năm 2019 từng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng xử lý. Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, 83% doanh nghiệp “có yếu tố” Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới biển (5.393,7 ha), và 17% còn lại tại khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, tổng cộng hơn 6.300 ha đất biên giới. Đáng chú ý tổng số vốn đầu tư cho khu vực biên giới biển là 29,235 tỉ USD so với 1,637 tỉ USD tại khu vực biên giới đất liền với địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận...

Phần trả lời câu hỏi cử tri nói Bộ Quốc phòng Việt Nam đề xuất “điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động và chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá”. Trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội hồi tháng 6/2019 về thực trạng người Việt đứng tên mua đất đai cho người Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và liệu Bộ Công an có thể giải quyết dứt điểm chuyện này không, Bộ trưởng Tô Lâm khi đó nói Bộ này coi đó là một mặt phát triển quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, cho nhà đầu tư trong môi trường kinh doanh tốt. “Chúng tôi coi đơn thuần chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, ở mức độ thế nào, tập trung thế nào hoặc đối với những dự án nào, khu dân cư nào, theo phát triển, theo mật độ người nước ngoài ở mức độ như thế nào để bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia chúng tôi sẽ có tính toán, đề xuất, biện pháp để báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp với các ngành, kể cả thương mại và xây dựng để quản lý những vấn đề này,” Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời hôm 4/6/2019 tại Quốc hội.

Xem xét “Bộ tứ mở rộng”?  

Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/5/2020 dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hằng không cho biết rõ thời gian diễn ra điện đàm và liệu Việt Nam có được nhận lời mời chính thức tham gia “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus) hay chưa. Nhận định về cơ hội của Việt Nam khi được mời tham gia vào Mạng lưới kinh tế thịnh vượng do Hoa Kỳ lãnh đạo, giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, phát biểu với truyền thông quốc tế: “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận các chuỗi cung ứng. Trong vấn đề hiện nay với xung đột Mỹ - Trung đang căng thẳng hơn thì dường như chính phủ các nước muốn thúc đẩy mạnh hơn quan hệ này. Tuy nhiên, cũng không phải là dễ vì Việt Nam và các nước Đông Nam Á dù có một số lợi thế nhưng nhìn tổng thể thì rất khó so sánh với lợi thế của Trung Quốc. Tôi thấy đã xuất hiện một số doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam tuy chưa phải là nhiều. Việt Nam thì mong muốn chuyển sang càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề là họ có chuyển đi được không”.

Báo Thanh Niên dẫn lời tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói: “Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc”. Trang Vietnam Finance dẫn lời tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định: “Muốn phát triển, Việt Nam phải có vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt”. Reuters thì cho biết dù chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, song với việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bộ Tứ kim cương” ra đời năm 2017 với 4 quốc gia thành viên Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia với mục đích là thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với sự chi phối của khái niệm “Biên giới mềm” ngày càng tăng do Trung Quốc đề xướng. Theo các chuyên gia quốc tế, việc tham gia “Bộ tứ Kim cương” mở rộng có thể là bài toán khó về quan hệ quốc tế cho Việt Nam, buộc giới lãnh đạo phải xem xét kỹ lưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chính sách quốc phòng “4 Không” của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không phải là những lý do gây trở ngại cho khả năng tham gia vào một nhóm như thế nhằm thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hôm 6/5 vừa rồi, theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo với kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại. Tiếp đó, hôm 15/5 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đã có cuộc gặp với các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương nhằm phát triển kinh tế hai nước và lan toả thịnh vượng.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm