April 25, 2024, 5:46 am

Việt Bắc mờ xa

Tôi thường tới thăm một người lính già đồng đội của cha tôi thời kháng chiến chống Pháp, ông là người gốc Cao Bằng, đã hơn nửa thế kỷ định cư ở Thái Nguyên. Ngày Việt Bắc là chiến khu cách mạng, Thái Nguyên là thủ đô kháng chiến ông tham gia những trận đánh ở Phổ Thông Bắc Cạn năm 1947, đường số 4A từ Cao Bằng- Lạng Sơn năm 1950. Mỗi lần gặp, nghe ông kể, những ngày ấy như vẫn nguyên trong ký ức ông. Ông bảo hồi đó tuổi còn trẻ hăng hái lắm, luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc. Khí thế như lửa, chinh chiến khắp vùng Việt Bắc.

Những buổi hành quân qua đèo Mây, đèo Gió hiểm trở gian nan, những đêm cùng đồng đội bên ngọn lửa rừng chia nhau mẩu sắn, hạt muối, dạy nhau cách bện giầy cỏ đỡ chân lội suối băng đèo, tận bây giờ vẫn thấy bồi hồi. Nhớ buổi hành quân qua bản nhỏ, gặp em gái áo chàm bên cầu thang nụ cười ấm nắng, trông theo bịn rịn. Ánh mắt, hình dáng ấy ám ảnh tâm trí rồi hóa thành kỷ niệm, nỗi nhớ. Những ngày ấy gian khổ mà sao lãng mạn. Nghĩ, thấy tuổi trẻ mình may mắn, được hòa trong bão táp cách mạng, với tình Việt Bắc yêu thương. Giờ cái tình ấy có còn? Đôi khi ông băn khoăn, tự hỏi. Những lúc đến thăm, ông trải lòng. Rồi lại bảo, là người dù sống ở đâu cũng luôn mang trong mình cội nguồn gốc rễ. Cái gốc mình là người rừng đâu dễ mất đúng không cháu? Tôi dè dặt đáp: “Vâng”! Có lẽ do cẩn trọng, có cả những điều chưa thấu đáo mà ngập ngừng chăng? Sau bao biến động sao có thể chắc, bản chất và tính cách cao quý con người Việt Bắc có còn nguyên vẹn? Đổi mới là cuộc cách mạng nhằm hướng tớí mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng đủ đầy và no ấm; Xong sự cần thiết tạo nguồn vật chất phải song hành với bảo tồn giá trị văn hóa thì hầu như chưa được chú trọng thỏa đáng. Văn hóa là nền tảng hình thành nên cốt cách con người, để con người tự điều chỉnh, cân bằng lối sống, cân bằng lợi ích cá nhân, cộng đồng; hiện đại, truyền thống. Trở thành sức mạnh mềm kiềm chế lòng tham, ích kỷ, thủ đoạn, tranh đoạt. Giúp con người dung dưỡng phẩm hạnh, vui sống an hòa. Đổi mới là cần, nhưng không thể chỉ chú trọng kinh tế mà coi nhẹ văn hóa và bảo tồn tinh hoa dân tộc. Kinh tế mang cho con người vật chất; văn hóa mang đến con người thông tuệ, đạo đức, biết sống khiêm nhường.

Ngày nay công cuộc đổi mới đang làm diện mạo làng quê ngày một thay đổi. Sự thay đổi tích cực về đời sống kinh tế đã rõ. Nhưng có những thay đổi gây không ít lo ngại, là bản sắc truyền thống đang bị pha trộn, lu mờ, có phần trở nên yếm thế. Văn hóa hiện đại mới, lạ du nhập từ nơi khác, từ quốc gia khác đã thực sự thức tỉnh và cuốn hút giới trẻ. Đồng thời tạo nên sự ái ngại cho thế hệ luôn trung thành với truyền thống. Thấy truyền thống đang dần bị coi như đồ cũ, lạc hậu ngày càng bị đẩy sâu vào hầm mộ mà không biết cách nào cứu vãn.

Bao nhiêu những điều khác chưa thể tổng hợp, cắt nghĩa, vậy mới không dám chắc ngay với tiên sinh là thế. Thấy mình có lỗi với ông.

Bao thế hệ người Việt Bắc tiếp nối sinh ra, dựng nên đất này bằng lòng quả cảm, bản sắc văn hóa riêng có. Truyền thống đó đã thành điểm tựa lòng người mỗi khi phải đối mặt với giặc dã, thiên tai để trụ vững, và chiến đấu, chiến thắng. Người Việt Bắc có phẩm chất đáng trân trọng nữa, ấy là ứng xử với thiên nhiên, con người rất đỗi thủy chung, tình nghĩa. Không phô lộ ồn ào, mà chỉ nhẹ như tiếng tơ khiến ai đã từng đến, từng có những ngày gắn bó phải ngân rung xao động.

Người Việt Bắc dẫu nghèo nhưng khi ai, dù tộc nào lâm cảnh khó đều sẵn lòng sẻ chia, cưu mang giúp đỡ. Và đặc biệt coi trọng lời hứa. Hứa rồi nuốt lời bị coi như tội lừa dối, trộm cắp. Khi tin nhau, sẵn sàng kết tình anh em, vui sướng chung hưởng, khổ nan cùng gánh vác. Trong nhịp sống hôm nay chất người đó liệu có còn? Băn khoăn và nghi ngại! Hình như có gì đó đang dịch chuyển. Sự dịch chuyển của không gian sống. Lối sống truyền thống không còn như xưa. Chợt thấy vu vơ buồn. Dẫu biết thời thế khi đã khác, đổi thay âu cũng lẽ thường. Người xưa của ngày xưa thời dần thưa vắng. Thời mới, thế hệ mới, muôn sự mới đã len đến từng nhà, từng xóm bản. Lối cũ nay đã khoác lên mình diện mạo khác thường. Tựa như phép màu hóa kiếp những con đường muôn năm bùn rác, cứt đái trâu bò nay phẳng mượt cho người đi, lên nương rẫy, mua bán thuận tiện. Hướng tiếp đến là xóa đói, giảm nghèo, no ấm, tích lũy của cải, dựng nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi, quần hồng áo thắm như hoa như bướm; bữa cơm trắng, rau thịt ngon lành, gom tất những phiền muộn thiếu đói thủa nào ném vào quá khứ chết tiệt. Hả hê biết bao khi tự tay bóp chết cái đói hành hạ kiếp người bao năm như căn bệnh. Nay một bước lên xe. Không ô tô thì xe máy. Ngáp cái chưa kịp đóng mồm đã tới nơi cần đến. Tiếp nữa là ra Tỉnh lộ, Quốc lộ êm ru như trên mây gió. Ấy là kết quả của sự đổi mới đã lột xác bóng xưa. Mừng vì phần nào dân Việt Bắc đã vợi bớt đói nghèo, nhưng còn băn khoăn ánh sáng đổi mới chưa tới được những góc khuất. Góc khuất là vùng sâu,vùng xa vẫn nguyên tu tịch thiếu thốn. Cái sự nghèo thiếu đến khó tin! Đời sống đồng bào nơi đó còn khoảng cách rất xa với những gì dân thị thành đang hưởng. Khẩu hiệu cùng tiến về phía trước có lẽ còn lâu mới hiện thực. Cái sự chưa đến nơi đến chốn, chưa “mưa đều khắp” đó nguyên do là sao? Liệu có phải năng lực, trách nhiệm người dẫn lối có gì đó cần xem lại? Không hề quá lời đâu, đến tận nơi sẽ thấu! Sẽ tận mục cái cũ truyền thống đang yếm thế, đang “bị được” cái mới cưỡng đoạt thế nào. Xôi đỗ, sống, chín lổn nhổn khiến cuộc sống không còn bình yên. Cái nỗi băn khoăn của người lính già có lẽ gợn từ những điều này! Đừng tưởng già rồi lẩm cẩm. Cựu binh này thâm hậu lắm. Dù không đi được xa nhưng ông đã quan sát sự đời bằng tai, bằng mắt, bằng sự chiêm nghiệm tích lũy cả đời mới cho ra được một tiếng thở dài âu lo và đầy tâm trạng.

Đổi mới phần nào đã làm thay đổi căn bản đời sống, lối sống con người, của cải ngày thêm dư dả. Nhưng dù là vàng bạc chất đầy kho lẫm cũng vẫn chỉ là thứ bên ngoài con người. Cái bên trong là lòng tin, là nghĩa tình hình như đã đến hồi hao tán? Thử hình dung, trên một con đường cùng hướng về phía trước, có kẻ băng băng tiến lên bằng phương tiện tối tân, lại luôn được bổ sung thay mới, nguồn lực dồi dào; lại có những người luôn tụt lại sau bởi điểm xuất phát thấp, ở nơi xa xôi hẻo lánh, khó khăn gấp bội nhưng không được quan tâm thỏa đáng. Họ loay hoay bước đi bằng năng lực nội sinh với bao khó khăn không biết trông đâu cứu cánh. Những người luôn đi sau đó là đồng bào dân tộc trên núi, ở nơi thung sâu lũng thẳm. Nền tảng khởi đầu hầu như bằng 0. Nhưng lúc này dừng lại thì thực là tự đào hố chôn mình. Đi vào cơn giông đổi mới đó lại tự thấy yếm thế, yếu ớt chưa biết lấy gì tạo nguồn lực. Vậy mà cứ phải cố đi dù không biết sẽ đến đâu. Để khỏi bị lẻ ra thì phải bước theo khẩu hiệu, dù nghèo khó vẫn bám nhẵng như vẫn bao đời. Vậy là thấy rõ nhiều năm qua những thứ tốt nhất đều được đầu tư cho thị thành. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thì sao? Có chút đấy nhưng chỉ là hình thức, là cầm chừng, là manh mún nhỏ giọt. Luận từ đây là thấy công bằng lệch đến thế nào. Vậy nên hao tan niềm tin ở dân với người dẫn lối thời nay âu cũng lẽ thường.

Xưa, nhắc tới Việt Bắc là nhớ tiếng đàn tính đưa ta về bên những chiếc guồng miệt mài, những cối nước thì thụp giã gạo bên bên sông, bên suối. Chẳng cần trông coi, gạo giã xong đem về chẳng mất một hạt. Hồi đó đâu có trộm cắp hay người tham! Trong bản lỡ có ai thiếu đói, mọi người sẵn lòng giúp ống ngô, nắm gạo. Khi mùa về người được giúp có được miếng ăn sẽ tìm cách đáp đền cảm tạ. Có trả hay không chẳng mấy ai bận lòng. Là giúp nhau thôi. Đỡ nhau lúc khó là chuyện bao đời của người Việt Bắc. Giúp người là giúp mình. Lỡ khi mình lâm cảnh khó sẽ lại nhận được sự cảm thông chia sẻ. Tôm cá đánh bắt đủ ăn, nhiều hơn thì trả lạị sông suối, không tham lam tận diệt. Với rừng cũng thế, trước khi làm nhà phải tạ lễ sơn thần thổ địa, có lời với bản. Được đồng tình cũng chỉ lấy đủ số gỗ dựng nhà. Khi đốn phải chọn hướng cây đổ không làm chết nhiều cây con. Không chặt phá quá tay, như thế sẽ đắc tội với thần rừng, người bản. Khi thần rừng nổi giận sẽ làm cạn sông, cạn suối, làm lũ ống, lũ quét trừng phạt con người. Vậy nên rừng đâu người Việt Bắc cũng đặt miếu thờ là vậy.

Rừng gắn bó với người, cho người mọi thứ để sống, phải chăm sóc bảo vệ. Người Việt Bắc xưa là vậy, sống hòa thuận với thiên nhiên, coi trọng vạn vật trời đất sinh thành, mình chỉ là một phần trong đó. Cỏ cây chim muông là bạn, người không thể tự đặt mình cao hơn. Yêu thiên nhiên như tình yêu con người với con người. Vậy phải biết sống hòa đồng, không làm đau nhau, phải giữ bằng được báu vật tổ tiên trao lại. Có ai gọi mình là người rừng cũng không vì thế mếch lòng. Bởi mình, tổ tiên, ông bà cha mẹ mình đích là người sơn cước. Sinh ra đã vóc dáng, tâm tính rừng rồi. Rừng đã hóa máu thịt, hình thành tính cách, vậy nên ta là người rừng trong triệu người rừng quen sống trong mênh mông cô quạnh. Quen đối mặt với thiên nhiên cuồng nộ dữ dội thất thường, hung bạo của ác thú, kẻ cướp, cả những lưu manh đội lốt nhân từ. Không gian ấy, những biến động liên miên bao thế kỷ đã hình thành bản lĩnh trong người. Cái lõi cứng cỏi ấy luôn ẩn trong vẻ ngoài khiêm nhường, như viên kim cương nhỏ thô có lúc bị người đời bỏ quên, coi như đồ vô dụng tầm thường chẳng đáng để mắt. Rơi vào tình cảnh đó đôi lúc cũng băn khoăn, nhưng chỉ băn khoăn thôi chứ không núng chí tủi hổ. Những khi đó lại nghe tiếng ông bà: Ngẩng đầu, thẳng đường mà bước, khác đi khác đến.

  Nhất định thế rồi  vậy nên sống sót sau mỗi trận đánh lòng người trai vệ quốc lại đau đáu ngày về tìm lại ánh mắt, nụ cười buổi nào. Môi cười lấp lóa nắng và dịu dàng kia là nét riêng, là vẻ đẹp sáng tươi Việt Bắc một thời. Nguồn cội sinh thành tính cách. Thật thà, giản dị như cỏ cây, sông núi, nghĩa tình sau trước thủy chung ấy là chất người. Vậy nên không ngẫu nhiên lịch sử đã chọn đây làm căn cứ địa cách mạng, là chiến khu, thủ đô kháng chiến, để từ đó dựng nên một nước Việt Nam mới cho ngày nay. Kỳ tích công lao đó quả không gì có thể so sánh. Không quên, không ai được phép quên khi bây giờ được hưởng thành quả cách mạng có công sức đồng bào Việt Bắc đóng góp trong những tháng ngày gian nan nhất của cách mạng. Thành quả hôm nay là no ấm, yên vui có máu xương đồng bào, đồng chí từng bao bọc, bảo vệ cách mạng, kháng chiến trong những ngày đất nước còn chìm trong đêm tối cơ hàn. Việt Bắc tươi đẹp, hùng vĩ mà thành tích cũng thật lớn với đất nước non sông. Vậy nên đi đâu, ở đâu nơi Việt Bắc thân yêu cũng thấy ấm lòng và gần gũi như đang ở nơi quê nhà vậy. Chỉ khoảng cách địa lý thôi, còn đều chung cội nguồn máu thịt trên dải núi sông phía đông bắc Tổ quốc.

Đến với Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang hay Hà Giang với những tên làng tên xóm, những cánh rừng chênh vênh những đèo những đường mòn xuyên mây thấy lòng bồi hồi bởi cảm xúc thân thiết như đang sống nơi thung mình. Quê nhà ta ở cũng nằm trên dải Việt Bắc điệp trùng. Cũng nhà sàn đêm đêm bếp lửa. Những mắt hiền thầm trong hương trà dâng linh khí đất trời, trong khói cơm lam ngào ngạt hương nếp, mùi sắn khoai lùi trong than hồng tỏa thơm gợi nhớ tổ tiên người đã bạt đồi, vỡ đất. Chén rượu thay lời. Rì rầm chuyện năm cũ. Dự định năm mới đang sắp đến cùng lộc non trên cành đào, cành lê nhu nhi nụ bên sườn núi. Chỉ bấy nhiêu những chuyện đồi rừng, nương rẫy, gia súc, gia cầm sản vật mang đến no ấm, tiền của cho con người nay mai. Cả những chuyện chuẩn bị lễ thượng thọ cho ông bà, cha mẹ, hay lộc mệnh cho con, cho cháu sắp nên vợ, nên chồng. Chợ này xa, chợ kia gần, thứ gì tự mình làm ra đáng tiền lại thuận bước chân, gặp gỡ bạn tùng, thông gia, người thân thông báo chuyện lớn để cùng đến vui vầy, chia sẻ. Bởi chợ là địa chỉ để gặp gỡ, thấy mặt nhau, nghe chuyện ngắn dài cho thỏa lòng những ngày xa cách. Một bát canh phở, một nắm cơm đem theo trong túi mõm ngựa, vài con cá mương nướng khô gói lá toong sản, hơn thì chút tóp mỡ xào mặn, uống với nhau bát rượu để được gần mặt, nắm tay nghe thấy nhau thở phì phà. Rì rầm, rì rầm chuyện đời, chuyện người từ ngàn đời nay đều quanh bếp lửa. Cả vùng Việt Bắc bếp lửa nhà sàn là nơi linh thiêng, hội tụ tình người ấm áp, là nơi bắt đầu những chuyện lớn sắp diễn ra. Là chỗ bạn bè hàng xóm quây quần xòe tay hong ấm. Và uống rượu nữa. Rượu uống bên bếp lửa nhà sàn dường như cũng thơm hơn, ngon hơn.

Bây giờ nét xưa đó có còn? Rừng có còn? Sông suối tôm cá nhiều như trấu vãi thủa nào có còn? Những hội xuân, chợ tình còn làm lòng người bồi hồi như xưa? Hay người ta đã thêm vào đó những chiếc loa thùng điện tử đặt trên sân khấu phấp phới những cờ phướn, những phông màn, trống chiêng. Tiếc thay! Thấy như Việt Bắc đang mờ xa mất rồi.


Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm