April 25, 2024, 8:25 am

Việc làng

                            

Bấy giờ vào giữa mùa hè năm Bính Tuất (1886), việc đánh vào phủ đường Hoằng Hóa bắt tri phủ và đánh đồn lính Pháp ở Bút Sơn không thành. Theo chủ trương của Ban chỉ huy Cần Vương, ở Lưỡng Bột để đề phòng quân Pháp và lính tráng ở phủ huyện về khủng bố, ngoài những nghĩa quân đi tiếp viện xây dựng căn cứ Ba Đình ở Nga Sơn, các nghĩa quân Cần Vương đi vào hoạt động kín. Ai ai làm đồng lại đi làm đồng; ai đi buôn lại đi buôn. Các lò dạy võ, các lớp học trở lại hoạt động như trước khi chưa có tụ nghĩa Cần Vương. Các bãi tập, các cơ sở đúc súng đạn, sản xuất vũ khí phải được xóa dấu vết. Chờ thời cơ sẽ nối lại hoạt động công khai...  

   Nhà ông điền chủ Lê Bá Thạnh, trước là xưởng chế súng đúc đạn của nghĩa quân, hôm nay không đông người như mọi ngày. Các nghĩa quân người làng làm việc đúc súng đạn đã giải tán. Các loại vũ khí như súng, đạn ria, trái ném đã trang bị cho nghĩa quân hôm đánh vào phủ huyện bây giờ ai mang về nhà nấy để cất dấu những nơi kín đáo; thuận tiện cho khi cần lấy ra dùng. Một số vũ khí, thuốc nổ, nguyên vật liệu sắt đồng còn lại đã được nghĩa quân chôn cất ở những nơi khác nhau. Các thứ như tre làm cung tên, gỗ làm báng súng được ông Bá Thạnh cho gia nô làm củi nấu bếp hoặc bảo anh em chòm xóm lấy về làm củi, làm cột rào bờ, làm giàn bầu giàn bí, làm chuồng gà, chuồng vịt....Không còn dấu tích để lại trong nhà cũng như trong vườn của ông Bá Thạnh. Bà vợ hai của ông Bá Thạnh và thằng con trai đã đóng cửa cái nhà mới làm ở trên đường sang làng Đoan Vĩ để về ở lại cái nhà cũ bà ở trước đây, theo ý ông chồng, bà đã nhường cho nghĩa quân làm chỗ chế súng đạn. Mấy nghĩa quân quê ở làng dưới giờ làm thợ cày cho điền chủ Bá Thạnh, ở vào cái nhà mới hôm qua còn là nơi đặt mấy cái bễ lò rèn. Mấy gian hôm trước đặt lò nung chảy sắt, đồng đúc các bộ phận của các khẩu súng, vỏ đạn, vỏ trái ném, bây giờ bảy, tám chị thợ cấy từ làng dưới lên tá túc để cấy hái, làm cỏ cho mấy ruộng lúa và cái vườn rộng nào khoai, đậu xanh, cam, bưởi của ông Bá Thạnh. 

    Bà vợ cả ông Bá Thạnh làm dáng trong cái áo dài tứ thân, để lộ cái yếm đào bọc cái ngực trễ sệ đến sát bụng dưới, đầu còn vấn cái khăn nhung, nghe đâu là hàng của các chú khách buôn bên Tàu mang sang, mới hôm qua có người em họ ở trên tỉnh mang xuống biếu. Bà ngồi vắt chân chữ ngũ một bên bộ đoản kỷ kê gian giữa hè, quẹt vôi vào lá trầu, nhón một miếng cau tươi cuộn lại cho vào miệng nhai làm đôi má da nâu hôm nay ửng lên như phô diễn cái tuổi hồi xuân của mình trước mặt ông chồng yêu quí đang nằm bên cái bàn đèn trên sập gụ trong gian giữa nhà. Không biết ông có nhìn thấy không? Bà vợ hai của ông Bá Thạnh hôm nay ăn mặc có vẻ khiêm tốn hơn, không hở hang gợi tình như những hôm bà ở một mình trong cái nhà ở gần làng Đoan Vĩ. Bà ngồi trên cái đoản kỷ còn lại, đối diện với bà cả. Hai bà nói dăm ba câu chuyện, gọi là bàn việc nhà. Từ ngày bà hai đẻ được thằng con trai bụ bẫm, noãn nà, có cái nối nghiệp cho dòng họ Lê Bá thì bà vợ cả đã xuống thang, gọi hỏi mặn mà, ra vào nhẹ nhàng với bà hai hơn trước. Vì thế, bà hai được lướt, ông Bá Thạnh lại phải vụt cho mấy baton cảnh cáo, rồi nhốt vào chuồng trâu từ chiều tới nửa đêm bà mới mất hẳn cái giọng chì chiết bà cả: Đếch biết đẻ! Ba, bốn lần nằm ổ mà vịt trời lại cứ hoàn vịt trời!.

   Bà cả nhắc:

  - Dì nó đóng cửa ở bên đó có cẩn thận không đấy? Bọn choai choai bên Cầu Cáo nó hỗn lắm, không khéo chúng sơ hết đồ đạc đị lại khổ. Tạm dăm vài tháng chi đó xem tình thế yên ả đi rồi ta tính. Chiều nay dì thử đảo qua cái đẩu rộng ở Đồng Thẹo xem chúng nó làm ăn ra răng. Mỗi ngày mỗi đứa sáu xu với hai bữa cơm; sáng ra nấy đứa còn ngốn hết nồi khoai luộc nữa. Không khéo lại lỗ to với chúng nó!

   Bà hai vừa ngắm xuống cái váy nái đen với cái áo dài mầu nâu non mới may, nay  mặc lần đầu, để lộ bộ ngực săn chắc gọn gàng dưới cái yếm đào, vừa nói với giọng có vẻ vắt vẻo:

  - Chị cả không lo! Chiều qua em đảo lại rồi. Đứng trên bờ ngó xuống thấy có vẻ cũng tươm. Coi ra thì bọn chúng nó cũng biết điều làm ăn mà chị cả!

   Nói với nhau thì có vẻ ngọt lạt vậy chứ xem ra trong thâm tâm hai người đàn bà này mỗi người ấm ức một vẻ. Nếu không có ông Bá Thạnh cầm cương thì họ đã phá tan tành cái cơ ngơi mấy đời bổ ổ tổ trứng nhà ông dày công xây đắp. Về phần bà vợ cả ông Bá Thạnh, khi bà hai đã sang ở vào cái nhà gần làng Đoan Vĩ, thì bà đã nhận ra cái hớ của mình. Để bà hai ở cách lế sang bên cái nhà gần làng Đoan Vĩ  bà mất nhiều hơn là được. Nhưng chính bà đã nói với chồng nhiều lần để ông làm nhà riêng sang bên đó cho bà hai. Ai ngờ tự bà đã vớ lấy hợm! Ở gần, mỗi khi thấy chồng hú hí với hắn (bà hai Thạnh ấy mà) quả là có ngứa mắt, lộn ruột thật, nhưng cố nhắm mắt làm ngơ cho xong còn hơn là ở riêng. Nhiều hôm ông chồng chung suốt cả ngày lẫn đêm nằm lì ở bên đó như quên hẳn bà đang còn sống ở trong cái nhà này. Há miệng mắc quai, kêu chi được nữa. Sự đời được cái này mất cái khác, rõ người ta nói quả không sai!

   Ông Bá Thạnh trong bộ quần áo lụa mầu mỡ gà, nửa nằm nửa ngồi bên cái gối xếp bằng

bông gạo cao ba, bốn thớt, bọc vải thổ cẩm để ngay giữa sập ngụ. Đoạn ông nằm nghiêng người xuống, ghé miệng vào cái bàn đèn đã được người hầu nạp thứ thuốc deo dẻo, đen đen luyện trên ngọn đèn hạt đỗ thắp bằng mỡ gà, rít một khói thuốc rồi nhỏm người lên chiêu một tớp nước nóng. Ông cảm thấy sung sướng như bay trên mây, cưỡi trên gió...Rồi ông từ từ ngã người xuống cái gối thấp hơn, đôi mắt lờ đờ, lim rim mãi một lúc lâu mới hết cơn đê mê. Ông thấy tỉnh táo trở lại. Ông nhớ đến câu chuyện đã bàn với lý trưởng Lê Huy Chuyên tối qua. Ông liền phẩy tay ra hiệu cho thằng hầu, đang quạt than hồng trong cái hỏa lò nhỏ có siêu nước phục vụ ông tuần chè thuốc buổi sáng, lui xuống nhà bếp. Ông lên giọng gọi hai bà vợ đang trò chuyện ở bộ đoản kỷ kê ngoài hè:

  - Hai mợ vô đây! Tôi có chuyện nói với hai mợ. Mau!

  Bà vợ cả lên tiếng trước:

  - Có chuyện chi mà bố nó gọi rứa? Tôi với dì hai đang bàn soạn công việc nhà đó mà. Mấy thửa ruộng ở Đồng Thẹo với Đồng Phòng, không để mắt đến cũng không xong.

   - Việc đó xếp lại. Việc ni còn to hơn việc các đẩu ruộng Đồng Thẹo, Đồng Phòng. Tôi đã bảo là vô đây, hai mợ nó có nghe rõ không đó?

  Hai bà vợ ông Bá Thạnh lục tục vào nhà, ngồi lên mép cái sập gụ. Giá như mọi ngày thì bà vợ cả đã léo phét lên ngồi ngang hàng với chồng, rồi cũng nhâm nhi tách trà cho ra vẻ bà cả, nắm quyền thế trong nhà. Nhưng hôm nay thấy ông Thạnh nói là có chuyện to hơn cả việc nhà mà lại nói nhỏ to nên bà chỉ giám ngồi ở mép cái sập gụ như bà hai. Ông Bá Thạnh bảo hai bà uống nước, giọng thân mật hơn mọi ngày và đưa mắt say đắm liếc nhìn bà hai. Rồi ông đảo mắt ra sang hai gian bên xem thằng đày tớ đã đi xuống nhà dưới chưa, đoạn ông hạ giọng, nói với hai bà vợ:

  - Tau định chưa nói chuyện ni vội, định nói sau nhưng mà nhân tiện hai mợ xáo chuyện về người làm thuê nên tau phải nhắc hai mợ là dạo ni đừng có mà xếch mé quá đáng với thợ cày thợ cấy. Xởi lởi nương tay với bọn họ, họ lại cố làm cho mình là mình có lợi thôi. "Ông có mất chân giò bà mới thò chai rượu chứ!". Như mấy tay thợ cày mới hôm qua là nghĩa quân với tau, họ ăn ngủ ở đây làm việc của Cần Vương bây giờ họ lại ở đây làm thợ cày cho ta. Mai bữa tê Cần Vương vượng lên, không phải hoạt động kín thì họ lại là nghĩa quân làm việc đúc súng đạn, luyện tập giữa thanh thiên bạch nhật để đánh Tây. Đóa là việc chung. Là việc lớn. Là việc làng việc nước. Hai mợ nghe rõ chưa?

    Hai bà vợ của ông Bá Thanh chỉ lặng im nghe lời chồng. Ông Bá Thanh ngừng lại chiu một hớp nước nóng rồi tiếp:

  - Việc ni cũng là việc làng việc nước. Việc làng việc nước phải to hơn việc nhà. Thứ nhứt

là, lâu nay nhà ta nhường nhà cho làng xã làm xưởng đúc súng rèn gươm, là chỗ tá túc cho một số nghĩa quân, ủng hộ mỗi ngày mấy phương(1) gạo nuôi nghĩa quân, góp các loại đồ đồng, đồ sắt cho làng đúc súng rèn gươm, một khoản tiền cho làng đi tạu thuốc nổ. Nay không còn làm xưởng nữa, chỗ gạo với đồ đồng làng chưa cần đến nữa...Tau tính toán, suy nghĩ rồi tối hôm qua tau đã nói với lý Chuyên trước đây cái khoản tiền nhà ta đóng góp là năm mươi quan, bây giờ nghĩa quân lại hoạt đọng kín với lại cần có tiền đi đến chiến khu khởi nghĩa nên tau nói là đợt ni nhà ta ủng hộ thêm một trăm quan nữa. Hai mợ nó sửa soạn để tau đưa cho làng lo liệu việc nghĩa quân. Tau yêu cầu hai mợ phải kín cái miệng không thì chết cả lũ.

  Ông lại ngừng một lúc, lần này ông nâng tách trà lên gần hai lỗ mũi vừa đưa đi đưa lại như tận hưởng hương trà vừa ngẫm nghĩ cách diễn đạt cho hai người đàn bà đầu gối tay ấp của ông rồi mới dưa xuống miệng nhấm nháp. Cái lối ông uống trà  của ông là như vậy. Nhất là lúc trong nhà có việc quan trọng. Hai bà vợ ông thì cứ ngồi há hốc miệng ra, hai mắt nhìn thẳng vô cái miệng ông đang thấm giọng bằng trà để đón nghe lệnh của ông truyền:

  - Việc thứ hai nữa là, sắp ni, nay mai thôi, thể nào cũng có quan huyện, quan Tây nó mò về làng ta. Như hai đứa bay cũng biết rồi đó, trận đánh vô đồn Tây ở Bút Sơn ví đánh vô phủ đường vừa qua coi như ta tạm thời thất bại. Bọn quan phủ quan huyện, quan Tây thì hắn thừa biết làng ta là làng có Cần Vương, có Văn Thân nên thể chi bọn chúng chả về  xoi mói. Tối qua, lý Chuyên vừa bàn với tau, cùng bất đắc dĩ nó có mò đến nhà ta thì hai đứa bay hôm đó cứ giả cách cải nhau tướng lên cho choa. Khi mô nó đến thì lý Chuyên sẽ cho người đến báo trước. Hôm đó hai đứa bay phải  cấu xé, chì chiết lẫn nhau mạnh vô. Nhưng mà bề ngoài thôi nhá. Xé giật quần áo của nhau thì được, chứ dựa vô đó mà đánh nhau gãy tay gãy chân, sứt đầu mẻ trán thì chết với tau. Có cái lời chi xấu nhứt, tục tĩu nhứt thì cứ mang ra mà chửi bới, mà giằng mà xé. Chửi cho tục tỉu vô. Chửi cho dẻo mồm vô. Tau sẽ đứng giữa giả đò dàn xếp chuyện, là chuyện “nhường ăn nhường mặc chứ đếch đứa mô nhường cặc cho nhau!” Đại loại là như rứa!.. Cứ rứa mà bủ lu bù loa lên cho choa. Có mấy sọt bát cũ để sẵn trong gầm giường quăng ra sân cho nó tung tóe, vỡ nát bét ra cho tau. Bữa sau ta sắm cái khác, đẹp hơn. Nhớ mấy sảo bát Giang Tây tìm chỗ cất cho kỹ không đặp lằm là chết. Mấy cái nồi bọng, mấy cái năng, mấy cái nồi ba bằng đồng mấy hôm đã góp cho làng dùng đúc súng đúc đạn, rèn gươm giáo nhưng làm chưa hết giờ làng trả lại, cho bay tha hồ đặp, tha hồ quăng ném...Cần chó chi, năng bẹp, nồi ba bẹp, xanh đồng nói chung là các thứ bằng đồng bằng sắt có bẹp đi thì bữa sau làng vẫn dùng đúc súng đạn, rèn gươm giáo được. Quan huyện quan phủ, quan Tây mặc kệ quan huyện quan phủ, quan Tây. Hai mợ nó cứ rứa mà làm! Trên có trời, dưới có đất, giữa có tau với hai đứa bay. Phớp lờ tuốt. Coi như đếch có quan phủ. Đếch quan tỉnh, quan Tây chi hết. Cứ rứa mà làm. Nghe chưa?

     Hai bà vợ ông Bá Thạnh nghe ông phán như vậy thì trố mắt lên, hết nhìn  ông rồi lại nhìn nhau cười. Bà vợ cả nguýt chồng:

  - Thôi để hôm có quan phủ, quan Tây về làng là bọn tôi bòng mấy đứa trẻ chạy trốn đi là được. Việc chi phải làm to chuyện ra rứa!

 - Tau với lý Chuyên muốn hai đứa bay làm rứa thì bay cứ làm rứa. Đâu phải chuyện thật mà bay lo. Đây là cãi nhau giả nhưng giả phải như thật! Nghe chưa?

   Bà vợ hai ông Bá Thạnh, nhìn bà vợ cả như đồng tình với bà ta để lấy lòng, rồi bà lại nhìn chồng:

  - Nhà nói thế nào thì nói, chứ em thấy chị cả nói là phải. Có đọng là các em cùng các con trốn đi thì hơn.

  - Được!..Bay không phải lo, thằng cu với mấy đứa nhỏ tau cho bọn thằng Sóng với con thợ cấy đưa đi trốn đi là xong. Còn hai đứa bay phải làm như tau vừa dặn. Làm là phải làm như thật chứ lò cái duôi giả cách thì bọn bay mất mạng. Tau nhắc lại: Thật mà như giả. Giả mà như thật! Nghe rõ chưa?

     Hai bà vợ ông Bà Thạnh đành cúi đầu nhận việc mà mỗi người mỗi tính toán. Thật thì cũng đã có nhiều lần sảy ra xô xát rồi. Nhưng mỗi bên chưa bõ cơn tức đến lộn tiết lên thì đã bị ông Bá Thạnh cầm cái hèo vụt cả hai túi bụi. Còn bây gìơ thì lại là một chuyên khác. Bà hai nhìn bà cả, cười. Rồi nói như diễu cợt:

  - Chị cả, hay hôm đó em cuốn cái mo nang vào mông không thì nát đít với chị cả!

  - Dì cứ nói vậy chứ hôm đó phần lớn là ta chửi nhau thôi, giằng xé áo quần thôi.

  - Nhưng nhỡ rách lòi cái khoản của đàn bà ta ra thì làm sao được? 

  - Ôi dào dì cứ lo bò trắng răng. Không may xé toạc lòi cái khoản ta của nhau ra thì cũng vì chồng vì con, vì việc làng việc nước, lo chi!.. Mà khi đó quân hồi vô phèng không khéo quan huyên quan phủ, quan Tây lại đớ mặt bỏ chạy cho mà coi. Chứ đứa chó mô đứng lại chả dơ cái mặt ra à!

  - Biết đâu được chị cả. Thôi thì ta cứ rứa mà làm.

  Ông Bá Thạnh nãy giờ nghe hai người vợ của mình chí chóe bàn nhau trúng ý của mình rồi thì cười phô cả hai cái hàm răng màu gộp cua ra và khen kiểu nịnh cả hai bà vợ hiếm thấy ở ông:

    - Thế là hai mợ nó trúng ý của tau và lý Chuyên rồi nhá! Phải rứa chứ!

    Ông Bá Thạnh gọi thằng đầy tớ lên nạp thuốc, đốt hỏa lò và đang định nằm xuống sập gụ thưởng lãm cái sự sung sương trời ban một lần nữa thì lý trưởng Lê Huy Chuyên với

thằng thầy tớ cắp cái tráp kè kè bên nách theo sau đã vô đến sân. Lý Chuyên đằng hắng rồi to tiếng vẻ trệch thượng hỏi bá hộ Lê Bá Thạnh:

  - Có chuyện chi mà ông anh với hai bà tí tởn rứa. Tối qua chưa đả hả?

   Bá hộ Thạnh cậy giàu nhất nhì làng nên cũng ra vẻ kẻ cả dở dân dở quan, lấy lại tư thế ngồi dựa người vào gối xếp, lên giọng với lý trưởng làng:

   - Lý Chuyên đó phải không? Gớm, cứ tưởng ai cũng như lý trưởng chắc! Đây đang lo rụt vòi lại còn chẳng được hơi đâu mà nghĩ chi đến cái việc nỡm đó. Việc làng, việc nước phải lo gánh cho tròn chứ, phải không quan anh? Cái việc anh em ta bàn tối qua, về nhà bàn liền với hai mẹ đĩ nhà ni coi như xong cả rồi. Nhận rồi. Vui vẻ cả. Giả mà như thât. Thật mà lại là giả. Quan bác cứ chờ đó mà coi. Bá Thạnh mà đã ra tay thì phải biết! Nhưng trông cho nó đừng sảy ra thì hay cho nhà này, cho cả làng xóm.

  Lý trưởng Lê Huy Chuyên mỉm cười rồi liếc mắt làm hiệu cho thằng hầu lui ra để ông còn nói chuyện riêng với ông bá hộ. Người hầu để cái tráp lên sập gụ, giữa chỗ đặt bộ bàn đèn và bộ đồ trà, nơi ông bá hộ Lê Bá Thạnh đang dở nằm dở ngồi. Người đầy tớ cúi rạp người xuống lễ phép chào hai ông rồi lui ra sân đi vào vườn cây nhà ông Bá Thạnh. Lý trưởng Lê Huy Chuyên bấy giờ mới ngồi ngất ngưỡng trên sập ngụ, đoạn ngả người lên cái gối xếp còn lại, hạ giọng nói nhỏ vô tai Bá Thạnh:

  - Chuyến ni mà ông làm tốt, qua được cái vụ ni thì ông cầm chắc chức phó lý!

  - Phó thì ra cái nước mẹ chi. Đây không thèm! Trên phó còn phải tính mới làm. Không thì để tiền mà tiêu xủng xiểng cho thích. Tha hồ cô đầu, nhà thổ, tổ tôm, xóc đĩa...

  - Rứa ông định thay tôi chắc?

  - Đây không có ý đó. Nhưng cũng phải cái chức tương đương!

   Lý trưởng Lê Huy Chuyên nhìn sang Bá Thạnh, mỉm cười. Rồi vẫn cái giọng kẻ cả nhưng nhẹ nhàng, thỏ thẻ:

  - Được rồi. Chuyến ni bác nhận cái chức của lý Ngò nhá?

  - Lý Ngò thuộc địa phận của xã Bột Hưng mà ta lại ở xã Hoằng Nghĩa. Có mà đầu củ chuối. Mà nhà thằng lý Ngò nó đang bị “hèo”, quan anh lại gạ cho ta thay thế nó để gánh lấy cái “hèo” của nhà nó hả?

  - Củ chuối với củ dong cái đếch chi. Chả có hèo có hiếc chi đâu. Chỉ tại hắn ta nghe mấy thằng xỏ lá, chống lại Văn Thân, chống lại Cần Vương là theo Tây rồi! Bác không biết hay bác giả vờ không biết hả? Hôm đó, đang đêm, mấy ông Cần Vương, mấy ông Văn Thân, gọi tôi cùng đi vô nhà Lý Ngò hỏi tội phản lại dân làng của nghỉ. Nghỉ còn gân cổ ra cãi lại. Còn dọa là sẽ báo lên quan trên là Văn Thân cấu kết Cần Vương lộng hành trong làng, trong xã. Thế là người ta liền lấy cái thủ cấp của Lý Ngò. Đáng đời cái tội phản làng phản nước!

   Ngừng một lát nhấp một hớp trà, lý trưởng Lê Huy Chuyên nhổm người dậy, cười đắc trí đưa đôi mắt híp nhìn Bá Thạnh, nói  như ban ơn:

   - Bác yên trí, chuyến ni để tôi ra tay! Nhà bác chỉ cách nhà lý Ngò hai ngõ, bên ni bên tê đường. Tôi sẽ có cách nói với mấy ông hào mục với các tay ngũ hương. Tôi biểu nhà bác thuộc xã Bột Hưng thì nó là Bột Hưng mà tôi biểu nhà bác ở xã Hoằng Nghĩa thì nó thuộc Hoằng Nghĩa, có chi đâu mà phiền lòng. Miễn là bác đừng làm quá đáng là được. Bác không nhớ câu “có nước sông nước đồng mới nhẫn” à! Dân nó có kha khá thì mình mới kiếm chác được. Cái chi châm chước được cho họ thì châm chước. Bác quên hồi tôi thảo cái “trạng”(2) chạy nhiêu cho cậu cả nhà bác vô tư văn khi cậu cả chưa kịp đi học à? Có năm chục quan mà khi họp làng cậu cả nhà bác được ngồi ngang với những anh cùng tuổi có học nhá. Còn được miễn cả thuế thân, tạp dịch. Nói thật nhá, không phải nhà bác thì đừng hòng tôi viết bản trạng cho nhá. Mà có thằng khác viết trình lên tôi để tôi trình lên hội đồng hào mục thì cũng còn lâu mới xong với tôi. Mà bác nghĩ coi, kể cũng hay cái khoản “lão chạy”, “nhiêu chạy” lợi cho bản thân nhiều người, làng cũng có lợi: Nào đại tế, sửa miếu sửa nghè, làm kiệu, làm chay, đào mương tưới tiêu cho đồng áng... nhiều khi cũng phải nhờ vô cái khoản chạy nhiêu, chạy lão, chạy tuần. Còn thỉnh thoảng giúp người ta chạy lên trên cái phó tổng, tổng dụng, phó tổng dụng, tổng giáo, tú sĩ, sinh đồ... ôi mỗi thứ kiếm một tý. Tích tiểu thành đại mà bác. Làng bảy, tám phần mình cũng phải hai, ba phần. Đừng có bịp là được. Mà bịp ở đâu chứ ở Lưỡng Bột ni thì, bác nhớ cho tôi nhá, không sớm thì muộn dân người ta cũng biết thôi. Bịp dân chỉ rước họa vô thân. Tán gia bại sản là cái chắc. Mà dân người ta được việc người ta không giám quên mình đâu nhá. Thể chi người ta chả phải lại quả mình. Chỗ bác với tôi cũng từ đồng ruộng mà lên nên tôi mới nói thật. Trăm thằng mới gặp một thằng đầu bò, đầu bứu chứ. Mà gặp những thằng đầu bò đầu bứu ấy thì mình lại có cách đối xử với loại đầu bò đầu bứu. Không có cái chi chóng vánh bằng tiền. Ít tiền không xong thì nhiều tiền phải xong. Chuyến ni bác nằng nặng cái tay với mấy ông trong hội đồng hào mục. Tý chút cho mấy tay ngũ hương, mấy lão hạp trưởng, rồi cố thêm lên mấy ông phía trên một tý nữa là bác mua đứt cái chức của lý Ngò đang bỏ trống cho mà coi. Nếu không được tôi xin đi đầu xuống đất! Cơ ngơi của bác bây giờ xếp vào hàng phủ hàng huyện, lo cái đếch chi cho nó xấu nước da! Thôi chuyện lan man mãi, cái chuyện hai bà vợ bác giả đò cải nhau khi không may quan huyện, quan Tây về làng, có đứa nó thối miệng chỉ bọn chúng đến nhà bác, tôi nhắc lại là bác phải dàn xếp cho kheo khéo đó nhá!

   Bá Thạnh nhìn xoáy vô mặt lý Chuyên, cất giọng vẻ đàn anh: 

   - Đã nói rồi. Yên chứ lại không yên thì dân Lưỡng Bột ai còn dòm mặt Bá Thạnh ni

nữa! Liệu bọn chúng có giám mò mặt về đây không? Về thì về sợ đếch chi! Nhưng

không về vẫn hơn, còn khối việc đang dở tay ra đó.

   Lý trưởng Lê huy Chuyên nhìn Bá Thạnh, cười:

   - Ừ thì việc chung mỗi người một tay. Bẻ đũa một chiếc thì được, chứ đố ai bẻ được cả nắm. Thôi, việc ở nhà bác rứa là xong. Tôi nhẹ đi được đến vài yến trên vai. Nhưng bác nhớ cho là phải kín. Nếu để lộ ra chuyện nhà bác giả đò thì người mất mạng đầu tiên là bác và hai con mụ đàn bà của bác đó nhá!

   Bá Thạnh nhìn Lý Chuyên, cười:

  - Yên trí đi, việc làng việc nước đã nói là Bá Thạnh đây phải lo cho bằng xong! Còn cái chuyện thay chỗ của thằng lý Ngò là nói cho vui với quan bác thôi, chứ Bá Thạnh ta đây đếch cần làm lý trưởng như bác đâu nhá. Làm dân như Bá Thạnh ta đây là xếp vô loại non quan cứng dân rồi! Giầu có, sung sướng hơn nhiều thằng là được. Muốn xóc đĩa chơi xóc đĩa. Muốn tổ tôm chơi tổ tôm. Muốn thuốc phiện có thuốc phiện. Muốn cô đầu có cô đầu. Thích đi nhà thổ thì đi nhà thổ...Nói khí không phải thì quan bác cũng bỏ ngoài tai cho nhá: Bá Thạnh tôi đây, lý trưởng như bác còn phải kính nể nữa là! Làm răng cho yên ổn để làm ăn là được rồi. Mỗi thằng có mỗi cách. Quan có cách của quan. Dân có cách của dân. Như Bá Thạnh tôi đây là non quan cứng dân có cách của non quan cứng dân. Nói thật nhá, không may cho thằng lý Ngò nó chết đi để lại cái chức xem ra mới đường được một tý thì đến hàng chục thằng xông vô. Rồi thi nhau chạy. Chí chóe nói xấu nhau, tranh nhau bằng mồm, bằng tiền. Nhọc cái thằng người mà chưa chắc đã được. Không khéo lại sứt tai vỡ mặt, phải không quan bác?

  - Thì tùy bác thôi. Cứ suy nghĩ thêm đi nhá! - Lý trưởng Lê Huy Chuyên vừa nói vừa nhìn thẳng như xoáy vào Bá Thạnh. Cả hai cùng cười tít mắt .

  Lý trưởng Lê Huy Chuyên đứng lên, đằng hắng ra hiệu gọi thằng hầu vào nhà cắp tráp theo mình đi ra khỏi nhà điền chủ Lê Bá Thạnh./.

   ------------------                                                                                                     

                                                                                                                

1- Một dụng cụ bằng gỗ ghép lại để đong thóc gạo ở một số làng quê

2-Kiểu như thảo hợp đồng ghi nhớ giữa bên mua và bên bán 

 

Nguồn Văn nghệ số 31/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm