March 29, 2024, 12:54 pm

Việc biên dịch ra tiếng Hàn của văn học Việt Nam

 

1. Lời mở đầu

Biên dịch là phương pháp tự nhiên nhất để hình thành khả năng giao lưu văn hóa với dân tộc khác ngôn ngữ và khác nền văn hóa. Mục đích cuối cùng của việc dịch thuật không phải thuần là việc so sánh văn hóa, mà có thể xem là so sánh, xác định được những dị biệt về văn hóa và khắc phục nó. 

Hiện nay, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại mà đa văn hóa và đa dân tộc cùng tồn tại trong đó, thời đại mà sự thông hiểu lẫn nhau được đề cao hơn lúc nào hết. Sự khó khăn trong công tác biên dịch là những yếu tố bên ngoài của ngôn bản chính, tức do không thể phân tích được những yếu tố khách quan có tính chất văn hóa xã hội mà phát sinh ra. Khó khăn trong công tác biên dịch là tùy theo khối văn hóa mà ý nghĩa của nó có mang một chức năng khác nhau, cùng một hiện tượng hay khái niệm nhưng phương pháp biểu hiện khác nhau và cho dù cùng một khái niệm đi nữa nhưng cũng không có quan hệ đối ứng 1:1 chính xác được. Vì thế cho dù là một dịch giả có năng lực đến đâu đi nữa đương nhiên cũng cảm nhận được sự hạn chế trong năng lực ngoại ngữ của mình. Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu về tình hình giới thiệu tác phẩm văn học của Việt Nam tại Hàn Quốc và những bài toán của công tác này. Bởi vì sự hiểu biết về văn hóa của nước bang giao là một việc hết sức quan trọng trong sự gia tăng mối quan hệ ái hữu giữa hai dân tộc.

Việt Nam là quốc gia thứ 11 ký kết quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược" của Hàn Quốc và trong những quốc gia có ký kết quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược" của Việt Nam như Trung quốc, Nga, Ấn độ, Nhật bản thì Hàn Quốc là quốc gia thứ 5. 

Trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lấy mốc là đến cuối năm 2018, thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 6.957 dự án với tổng số tiền đầu tư là 61.6 tỷ đô la Mỹ, chiếm vị trí đứng thứ nhất trong quy mô đầu tư nước ngoài. Quy mô giao dịch thương mại lên hơn 60 tỷ đô la Mỹ. Số người Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam là khoảng 170.000 người, tương đương với số người Việt Nam đang cư trú tại Hàn Quốc. Ta có thể tìm thấy được tính tương đồng về văn hóa truyền thống do Hàn Quốc và Việt Nam cùng có chung một truyền thống văn hóa Nho giáo. Làn sóng Hàn nhanh chóng lan rộng lấy phương tiện trung tâm là nghệ thuật đại chúng như truyền hình và phim ảnh v.v… đặc biệt, từ năm 1997 bắt đầu chiếu phim truyền hình Cảm xúc của đài truyền hình Hàn Quốc KBS, trong suốt 20 năm qua, khoảng 200 bộ phim truyền hình của Hàn Quốc đã đảm nhận vai trò là chất xúc tác giúp cho người Việt Nam hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc. Từ đây, trách nhiệm làm cho thăng hoa và phát triển quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược" giữa Hàn Quốc - Việt Nam là của tất cả mọi người. Để thực hiện được việc này, thì việc gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc thông qua tác phẩm văn học là điều cần thiết, việc này có sự kết nối đến văn hóa chữ viết truyền thống và sẽ trở thành một trong những phương án nâng cao đẳng cấp của văn hóa một bước hơn nữa.

 

2. Sự giao lưu văn hóa Hàn - Việt

Hàn Quốc và Việt Nam, về mặt khối văn hóa Nho giáo và kinh tế nông nghiệp truyền thống thì có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt trong quãng thời gian Bắc thuộc Trung Quốc, do ảnh hưởng của Trung Quốc nên văn học Hán và văn học dân tộc hầu như cùng chiếm vị trí như nhau thì Hàn Quốc và Việt rất giống nhau. Sự giao lưu văn học với Việt Nam thì về mặt lịch sử lúc thời kỳ Triều Tiên (Chosun), đến nay vẫn còn ghi chép lại việc sứ thần hai nước gặp gỡ tại nơi lưu trú Yên Kinh Trung quốc, đã giao lưu bằng bút đàm với nhau. Trong văn tập Chi Phong Tập của Lý Tuý Quang, một sứ thần của triều đại Triều Tiên thời ấy có ghi chép lại là vào năm 1596 và năm 1597, trong khi đi sứ triều cống nhà Minh, đến Yên Kinh và đã cùng với Phùng Khắc Khoan (1528-1613) một trung thần vừa là một nhà ngoại giao nổi tiếng của nhà Lê (1428-1788) Việt Nam bút đàm với nhau. Và trong Bắc Sử Thông Lục sách lịch sử Việt Nam có ghi chép là một đại học giả của nhà Lê là Lê Quý Đôn vào năm 1760-1762 trong đi sứ sang Trung Quốc trở về thì có gặp sứ thần của Triều Tiên, hai bên đã làm thơ, trao đổi với nhau.[1]  

Vào thế kỷ 20, nhà lãnh đạo phong trào vận động độc lập "Việt Nam quang phục hội" là Phan Bội Châu đã viết Việt Nam vong quốc sử đã đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ giao lưu với nước Triều Tiên, sách này được Lương Khải Siêu, người Trung Quốc ghi chép lại dựa theo lời kể của Phan Bội Châu về tình hình Việt Nam bị Pháp xâm lược và bị mất nước và xuất bản tại Thượng Hải vào năm 1905. Thời ấy, chứa đựng nỗi đau của dân tộc Triều Tiên trong việc phải đối phó với nguy kịch mất nước do Nhật bản xâm lược, những nhà lãnh đạo của nước Triều Tiên như Hyun Chai vào năm 1906; Ju, Si-kyong và Lee, Sang-ik năm 1907 đã biên dịch và xuất bản sách này. Cơ bản dựa trên nội dung của sách này, nhà đấu tranh giành độc lập Hong Mok[2] đã viết Lịch sử 40 năm đồng loạn Indochina và đã xuất bản tại Đông Kinh vào năm 1943. Việc Việt Nam bị mất nước và hoạt động giành độc lập từ tay người Pháp này đã có ý đồ thức tỉnh những người trẻ tuổi Triều Tiên và cổ xúy họ trong việc vận động giành độc lập từ tay người Nhật nên tất cả nhà cầm quyền thực dân Nhật thời ấy đã liệt vào loại sách cấm và đã tịch thu tất cả.

Giao lưu văn học giữa hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 20 thì cơ bản phần lớn là thông qua bút đàm lấy chữ Hán làm phương tiện trung gian hay lấy cơ sở là tính đồng nhất của nền văn hóa chữ Hán, số lần giao lưu thì quá ít nhưng gần đây theo sự đa dạng hóa của quan hệ giao lưu giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đã và đang hình thành được quan hệ giao lưu có số lượng và chất lượng cao hơn nhiều.

 

3. Tình hình tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn

Tác phẩm văn học của Việt Nam đã được giới thiệu tại Hàn Quốc vẫn chưa được nhiều cũng như văn học của Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều tại Việt Nam. Điều này nói lên lý do lớn nhất chính sự thiếu quan tâm của người dân của hai quốc gia. Những số liệu tìm hiểu được liệt kê (cho đến năm 2018) cho ta thấy số lượng những tác phẩm của Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc mới chỉ có 30 tác phẩm.

Thực tế đặc biệt chính là 3 kiệt tác văn học của Việt Nam đều được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc. Tức chính là Ức Trai Tập của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật Ký Trong Tù của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ức Trai Tập của Nguyễn Trãi được xuất bản với tựa đề là Nguyễn Trãi - Nhà thơ lớn nhất Việt Nam; Truyện Kiều của Nguyễn Du do giáo sư Choi, Gi-muk và giáo sư Ahn, Kyong-hwan mỗi người dịch và xuất bản riêng; Nhật Ký Trong Tù thì do nhà thơ Kim Nam-ju, giáo sư Kim Sang-il và giáo sư Ahn, Kyong-hwan mỗi người dịch và xuất bản riêng, nhưng nhà thơ Kim, Nam-ju đã lấy đề mục là Tình yêu khắc vào ngân bạc chỉ giới thiệu chung các tác phẩm của các nhà thơ như nhà thơ tiêu biểu của Chile là Pablo Neruda (1904-1978), của Nga là Aleksander Sergeevich Pushkin (1799-1837), Kondraty Ryleyev (1795-1862), Aleksander Ivanovskii Odoevskii (1802-1839), trong đó trích đăng thêm 100 bài thơ trong Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 bài thơ của Hồ chủ tịch, tổng cộng đã giới thiệu là 111 bài thơ. Giáo sư Kim, Nam-ju đã lấy tên tập thơ dịch là Người tự do ở trong tù lấy 93 bài chữ Hán trong Nhật ký trong tù và 1 bài khác của Hồ chủ tịch tổng cộng đã giới thiệu 94 bài thơ của Hồ chủ tịch. Bản dịch Nhật Ký Trong Tù của giáo sư Ahn, Kyong-hwan tất cả 133 bài thơ đã dịch ra tiếng Hàn, dịch giả còn thu thập bản nguyên bản chữ Hán, bản dịch sang tiếng Việt để độc giả có thể đối chiếu với 3 ngôn ngữ, dĩ nhiên phần song ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt để những người học tập của Việt Nam và Hàn Quốc đều có thể so sánh được, đây chính là một đặc trưng trong bản dịch này. Truyện Kiều của Nguyễn Du do giáo sư Ahn, Kyong-hwan đã dịch ra 2 ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt.

 

4. Kết luận

    Lịch sử giao lưu của dân tộc Việt Nam và dân tộc Hàn được bắt đầu từ thế kỉ 12, tính đến nay được gần 900 năm. Vì cùng thuộc nền văn hóa Nho giáo nên cả về mặt lịch sử cũng như văn hóa, Việt Nam là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc.

   Sau khi quan hệ ngoại giao chính thức được bắt đầu từ năm 1992, tuy giao lưu diễn ra trên tất cả các mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội nhưng vẫn tồn tại một hiện thực là hiểu biết mang tính văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc vẫn còn rất thấp. Để nhanh chóng khắc phục điều này, việc biên dịch ra tiếng Hàn những tác phẩm văn học Việt Nam và biên dịch ra tiếng Việt những tác phẩm văn học Hàn Quốc phải được phát triển. Chúng ta cùng xem xét một vài nội dung giúp cho việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ở Hàn Quốc một cách có hiệu quả.

Thứ nhất, quan hệ ngoại giao lưu giữa hai nước được chính thức bắt đầu vào năm 1992 nhưng giao lưu văn hóa vẫn chưa xứng tầm. Chưa có nhiều chuyên gia người Việt Nam về Hàn Quốc là một hiện thực. Trong thời gian ngắn khó có thể bổ sung nhân lực chuyên môn về biên dịch tiếng Hàn. Do vậy, với nỗ lực nhằm cải thiện và nâng cao đội ngũ chuyên gia biên dịch tiếng Hàn thì cần không ngừng nuôi dưỡng các chuyên gia về biên dịch, phát hiện ra những người học chuyên ngành tiếng Việt có tố chất văn học, bao gồm cả những phụ nữ di trú người Việt Nam ở Hàn Quốc. Cần sự hỗ trợ liên tục cho các dịch giả dịch văn học Việt Nam hiện đang hoạt động ở Hàn Quốc. 

Thứ hai, có thể nói rằng văn học cổ của Việt Nam, các tác phẩm văn học chữ Hán chiếm tỉ lệ cao và tính đồng chất về văn hóa với Hàn Quốc cũng thuộc nền văn hóa Nho giáo nên tính tương đương của biên dịch rất cao. Do đó, khi dịch văn học cổ của Việt Nam, cần tìm kiếm các chuyên gia Hàn Quốc có hiểu biết về văn học Hán văn, rồi dịch chung với các chuyên gia về Việt Nam của Hàn Quốc thì sẽ đặt kết quả dịch rất tốt.

Thứ ba, khi lựa chọn tác phẩm biên dịch, cần cân nhắc về việc sẽ giới thiệu tác phẩm nào sang Hàn Quốc. Để thực hiện điều này, việc tổ chức những buổi tọa đàm khoa học như thế này do Việt Nam và Hàn Quốc cùng phối hợp sẽ giúp ích nhiều trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động biên dịch cũng như nâng cao tính chuyên môn.

Thứ tư, về sau này thành lập những như cơ quan "Viện biên dịch văn học Việt Nam" để triển khai hoạt động chi viện cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài, với phương pháp đó thì có thể giới thiệu rộng rãi tác phẩm văn học ưu tú của Việt Nam ra nước ngoài, thông qua tác phẩm văn học để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài là một phương pháp rất có hiệu quả. 

Cuối cùng, để vì sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam, trong việc cần thiết gia tăng hiểu biết lẫn nhau thông qua tác phẩm văn học thì cần có nỗ lực không ngừng của những nhà biên dịch văn học, tương ứng với sự nỗ lực của những nhà biên dịch đó thì sẽ có sự quan tâm và chi viện của chính phủ Việt Nam.

 


[1] Ji, Jun-mo dịch,「Nguyễn Trãi, Thi nhân số một Việt Nam」, Nxb. Tri thức công nghiệp, 25.4.1992, p.12.

[2] Hong Mok(15.7.1920~18.01.1982): Sinh ra tại quận Gun-Uy, tỉnh Kyong-Buk, phụ thân có việc làm tại Tokyo, năm lên 8 tuổi cùng với mẫu thân sang Tokyo học trường trung học số 7, khoảng đến lúc tốt nghiệp trung học này thì cùng với bạn định vào làm việc tại công ty Hitachi, nhưng rồi cảm nhận được việc phân biệt đối xử với người Triều Tiên quá nặng nề, ông mang một hoài bảo cho việc độc lập Triều Tiên. Sau khi nhập học vào trường đại học trung ương Nhật Bản, hướng đến phương Nam, ông đã học tiếng Việt tại trung tâm dạy tiếng Việt. Người thầy dạy tiếng Việt cho ông là Ngô Văn Mãnh, một chí sĩ yêu nước Việt Nam và thông qua người thầy này, ông đã thu thập nhiều quyển sách do nhà lãnh đạo phong trào Quang phục hội là Phan Bội Châu viết và đặt việc nghiên cứu phong trào vận động độc lập dân tộc của Việt Nam lên hàng đầu. Ông Hong Mok thẩm xét tình hình đấu tranh của Việt Nam và bản thân cũng nhận phương thức vận động độc lập dân tộc của Việt Nam làm gương để hiến thân cho phong trào vận động độc lập của Triều Tiên.

Nguồn Văn nghệ số 7/2019


Có thể bạn quan tâm