April 18, 2024, 7:35 pm

Vị “Tướng ma túy” mê thơ

Đó là thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng. Sang năm Canh Tý này, tướng Xô đã chạm sát tuổi “Cổ lai hi”.

Tôi quen biết ông Xô ngót nghét đã trên chục năm, từ hồi ông còn tại ngũ. Ngày ấy, tôi chỉ biết ông là vị “Tướng ma túy” đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, với những chuyên án “khủng” đánh tội phạm ma túy dọc tuyến biên giới đất liền. Chỉ mới sau 5 năm thành lập, lực lượng đặc nhiệm ma túy của các ông đã được thưởng 1 Huân chương Chiến công; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 4 Bằng khen của Chính phủ; 5 Bằng khen của Ủy ban Quốc gia về phòng chống tội phạm ma túy; 14 Bằng khen của Bộ Quốc phòng; 6 Bằng khen của Bộ Công an... cùng hàng trăm lượt cán bộ, chiến  sĩ được thưởng Huân chương, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác của các ngành, các cấp... Có điều là tuy đánh ma túy “khét tiếng” như thế, nhưng mỗi lần tiếp xúc với tướng Xô, tôi lại thấy ông nhẹ nhàng mô phạm như một nhà giáo.

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô

Những năm gần đây, khi ông đã trở về làm “dân vạn đại”, tôi và ông lại trở thành bạn vong niên bởi cơ duyên cùng là chỗ thân quen với các thầy Phan Trọng Thưởng, Phạm Quang Long, Phạm Thành Hưng… là những nhà lý luận – phê bình văn học khả kính mà do công việc làm báo, tôi được nhiều lần tiếp xúc làm việc rồi thân quen. Thì ra, tướng Xô vốn là cựu sinh viên K15 Đại học Tổng hợp văn Hà Nội, cùng lớp với các thầy trên đây và một số nhà thơ hiện cũng đang sống và viết ở Thủ đô như Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm... Khi đã tường tận về ông, tôi cứ đinh ninh rằng nếu ngày ấy không gác bút nghiên ra trận, hoặc giả sau chiến tranh may mắn sống sót trở về trường cũ, thì Nguyễn Sinh Xô đã toại nguyện trở thành nhà báo, nhà văn, như rất nhiều bạn bè của ông đang là những tên tuổi khả kính hiện nay trong làng văn, làng báo.

Nhưng lịch sử không bao giờ có cái chữ “nếu” đầy chủ quan cảm tính trên đây. Trong số gần 400 sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ đợt tháng 9-1971, Nguyễn Sinh Xô cùng 99 người được tuyển chọn về lực lượng Công an vũ trang, bấy giờ thuộc Bộ Công an. Sau mấy tháng huấn luyện ở Sơn Tây, Đại đội “lính sinh viên” được điều động lên biên giới miền Tây Nghệ An, bấy giờ là cửa ngõ của mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Nhiều đợt, đơn vị các ông cơ động theo đường số 7 sang tận trung tâm huyện Noọng Hét của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để tiễu phỉ, truy biệt kích và xây dựng cơ sở giúp bạn. Giữa chiến trường các liệt như thế, nhưng cái máu “Tổng hợp văn” thỉnh thoảng lại nổi lên và Nguyễn Sinh Xô lại… làm thơ. Một trong những bài thơ như thế đã được đăng lên báo tường đại đội: Tôi từ hậu tuyến vào đây/ Mắt còn tươi nắng hàng cây phố phường/ Gặp anh giữa chốn biên cương/ Tóc còn thơm gió mười phương của rừng/ Mười năm gian khổ đã từng/ Rừng sâu núi vắng chưa dừng bước chân… Cứ thế, mạch thơ dào dạt tình cảm quân dân trên đất bạn, niềm tự hào của người chiến sĩ mang quân hàm xanh và kết thúc là:

Ở đây đồn trạm là nhà

Xa quê hương đến đây là quê hương

Tôi nghe anh nói mà thương

Mười năm nắng lửa chiến trường

anh ơi

Cầm tay anh bỗng nghẹn lời

Tưởng như nâng cả cuộc đời

gian lao…

Nguyễn Sinh Xô đâu ngờ, bài thơ trên đây đã góp thêm nguyên cớ để ông trở thành một nhân tố được qui hoạch đào tạo phục vụ lực lượng lâu dài. Cuối năm 1979, tốt nghiệp Đại học An ninh, Nguyễn Sinh Xô lại khoác ba lô ra trận. Bấy giờ lực lượng Công an vũ trang được đổi thành Bộ đội Biên phòng. Viên sĩ quan trinh sát Nguyễn Sinh Xô đã có mặt tại những địa danh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, truy quét phun-rô ở địa bàn Tây Nguyên, rồi lại được cử đi tu nghiệp ở Học viện Quân sự cấp cao và làm nghiên cứu sinh ở Học viện An ninh. Ông đã lần lượt trải qua các chức vụ Phó phòng và Trưởng phòng Trinh sát, rồi Cục phó Cục Trinh sát Biên phòng… Đầu năm 2005, Chính phủ quyết định thành lập Cục phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, bấy giờ đã được chuyển về Bộ Quốc phòng. Và Đại tá Nguyễn Sinh Xô, Cục phó Cục Trinh sát Biên phòng, được bổ nhiệm làm Cục trưởng đầu tiên của Cục công tác đặc biệt này.

Chuyện đánh án ma túy của lực lượng đặc nhiệm luôn là một đề tài hot. Mỗi vụ án là một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn có thể viết nên hàng tập tiểu thuyết. Mà trung bình mỗi năm các đơn vị của ông phải thực hiện ngót ngàn chuyên án, thì kể sao cho xiết. Gặng hỏi mãi, ông Xô mới kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm, trong đó có “bài học nhớ đời” về chuyên án đầu tiên mà ông chỉ đạo vào năm 2005. Hôm đó anh em đi trinh sát thực địa đã không chú ý tới một công trình giao thông đang thi công trên đường 7B thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Tối đến, khi lực lượng của ta bí mật cơ động vào “điểm hẹn” sát biên giới thì bị anh em bảo vệ công trình phát hiện và cấp báo cho đồn biên phòng Thanh Thủy. Ngay lập tức đồn triển khai chiến đấu, suýt nữa “quân ta đánh quân mình”. Nếu chiều hôm đó khi trinh sát địa hình, anh em chú ý đến công trình đang thi công, nghĩ đến lực lượng bảo vệ ban đêm của họ, thì đã không “bị lộ”. Cũng tại khu vực này, một lần các ông được cơ sở mật báo ngày giờ và địa điểm đối tượng giao nhận hàng. Ta phục kích đón lõng. Khoảng 9 giờ tối, đối tượng xuất hiện đi vào điểm hẹn. Do quan sát không kỹ lúc đi vào đối tượng có mang một túi vải hơi “căng”, lúc đối tượng trở ra anh em mới nhìn thấy chiếc túi này, nên chắc mẩm đó là hàng và chặn bắt “quả tang”. Không ngờ đó chỉ là bọc tiền và nắm cơm nguội. Thì ra đối tượng bên kia biên giới đánh hơi bị lộ nên không đến giao hàng và đối tượng bên này đã “chọc tức” anh em. Thêm một lần các ông thấm thía bài học về công tác trinh sát chuẩn bị chiến đấu...

Thế đấy, đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy đòi hỏi người chiến sĩ phải hết sức mưu trí, dũng cảm, táo bạo và nhân văn! Lời tâm sự trên đây của ông “tướng ma túy” khiến tôi hơi ngạc nhiên. Mưu trí, dũng cảm, táo bạo… thì rõ rồi, nhưng “nhân văn” là như thế nào? Ông Xô ôn tồn: Cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái ác là hành vi mang tính nhân văn sâu sắc. Nói như vậy thì quá trừu tượng. Nhưng trong lĩnh vực đấu tranh này, theo ông có 3 khía cạnh văn hóa rõ nhất: Một là, phải biết dựa vào quần chúng và làm tốt công tác vận động quần chúng. Hai là, trong đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, phải tính toán các giải pháp an toàn thật kỹ để hạn chế thương vong thấp nhất cho đồng đội và nhân dân. Ba là, với đối tượng tội phạm ma túy, dù nặng nhẹ khác nhau, nhưng họ vẫn là con người, vẫn có phần nhân tính có thể cảm hóa thuyết phục. Ấy là chưa kể, phần lớn các đối tượng tham gia vận chuyển, tàng trữ ma túy ở khu vực biên giới là dân nghèo làm thuê, ít hiểu biết, bị lôi kéo dụ dỗ… Tiêu diệt các đối tượng này thì rất dễ; nhưng vận động, thuyết phục họ tránh xa ma túy, tố cáo ma túy; giúp họ xóa đói giảm nghèo bằng các dự án thiết thực, hiệu quả… thì mới giải quyết tận gốc tội phạm ma túy ở vùng biên…

Những câu chuyện nhân văn trong đánh án ma tuý của tướng Xô tôi cũng đã được nghe khá nhiều. Nào là ông đã từng thương yêu một thiếu niên vận chuyển ma túy là người dân tộc thiểu số, khiến cậu ta cảm động quyết không sa chân lần nữa, về sau trở thành một cơ sở rất đắc lực ở địa bàn. Nào là chuyện ông tổ chức huấn luyện chó nghiệp vụ “bắt sống” đối tượng thay vì nổ súng. Rồi chuyện ông chính là tác giả Kế hoạch 1048 từng một thời là “mô hình điểm” về vận động quần chúng phòng chống tội phạm ma túy ở vùng biên. Lại có chuyện rằng, năm ấy trong chuyên án bắt Xiêng Phênh, tên tử tù được tha mạng trong đại án ma túy liên quan Vũ Xuân Trường hơn 15 năm trước, tướng Xô đã chỉ đạo anh em “làm ngơ” cho một đối tượng là em ruột của Xiêng Phênh chạy thoát. Bởi vì nhà ấy chỉ có 2 thằng con trai mà đều bị tử hình thì liệu bố mẹ chúng có sống nổi hay không. Nếu sau này thằng em vẫn ngựa theo đường cũ thì ta bắt nốt và không còn lăn tăn áy náy gì nữa…

Khi tôi hỏi về câu chuyện “làm ngơ” trên đây, ông Xô chỉ cười cười và đề nghị tạm ngừng câu chuyện đánh án, vì hôm nay kể như thế cũng đã hơi nhiều. Tôi cố vớt vát, đề nghị ông kể cho nghe về chuyên án cuối cùng mà ông chỉ huy trước khi rời quân ngũ. Nhưng, thay vì kể chuyện đánh án, ông Xô lại đọc cho tôi nghe bài thơ cuối cùng ông viết khi tại ngũ. Đó là bài thơ “Đêm phục kích”, viết tháng 10-2012 ở Mộc Châu - Sơn La, có những câu như sau:

Rừng khuya sương đêm buốt giá

Mắt căng mi ướt sương mù

Bốn bề lặng im như tờ

Lách chách chồi non cựa quậy

Mùa đông, rừng xông ngai ngái

Dốc núi tay với vì sao

Điểm chốt chênh vênh trời cao

Trinh sát hơi chuyền sang nhau

Tiểu đội chúng mình phục kích

Đêm nay thức với rừng sâu…

Giao ước rằng chỉ đọc “bài thơ cuối cùng thôi nhé”, nhưng khi “bập” vào thơ, ông nổi hứng đọc cho tôi nghe rất nhiều bài thơ tâm đắc ông từng viết và thuộc lòng suốt mấy chục năm binh nghiệp. Thơ tặng quê hương, bạn bè, đồng đội, gia đình… và có cả thơ tặng những bóng hồng áo cóm khăn piêu thấp thoáng trong sương mù biên giới nữa. Xem ra, cái chất “Tổng hợp văn” trong ông “tướng ma túy” này vẫn còn nồng nàn lắm lắm…

Nguồn Văn nghệ số 6/2020


Có thể bạn quan tâm