April 20, 2024, 1:00 pm

Vị “Tướng không quân hàm”

Có thể tóm tắt tiểu sử Lê Liêm (1922–1985) qua một số dấu mốc lớn sau đây: Năm 1942, Tù chính trị Sơn La. Năm 1943, Xứ ủy viên Bắc kỳ. Ngày 19/8/1945, Lãnh đạo khởi nghĩa Hưng Yên. Năm 1950, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1954, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Điện Biên Phủ. Năm 1958, Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa. Năm 1967, Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục, Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Từ 1973, chuyên viên Ban Khoa giáo Trung ương.

Ông mất tại Hà Nội năm 1985.

Lê Liêm (1922–1985)

Năm 1954, hòa bình lập lại, gia đình tôi sống ở khu các gia đình cán bộ cao cấp Tổng hành dinh (trên đường Hoàng Diệu, đối diện với Câu lạc bộ Quân Nhân). Dưới mắt con trẻ thì gia đình ông Lê Liêm có cái gì khang khác: trong phòng khách treo những bức tranh sơn dầu khổ lớn cùng cây đàn piano ở góc...

Thời kỳ hoạt động bí mật

Sinh năm 1922, Lê Liêm có tên là Trịnh Đình Huấn, quê ở làng Tía, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Học hết tiểu học, ông được lên Hà Nội, vào học Trung học tư thục Thăng Long, nơi có các thầy Phan Thanh, Hoàng Minh Giám dạy văn, Võ Nguyên Giáp dạy sử... Tại đây, trò Huấn được giác ngộ tinh thần yêu nước rồi tham gia phong trào Dân chủ (1936-1939). Năm 1940, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ rồi thoát li “hoạt động cách mạng chuyên nghiệp”. Năm 1942, ông bị mật thám Pháp bắt cùng 2 đồng chí trong tổ công tác của Đảng bộ Hải Phòng là Trần Quang Huy và Hoàng Văn Nọn, bị đày lên Sơn La. Trong tù Sơn La, ông tham gia đấu tranh đòi cải thiện đời sống. Ông cùng Lưu Đức Hiếu, Đỗ Nhuận tham gia viết bài cho báo Suối Reo do đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Báo Suối Reo là món ăn tinh thần cho anh em tù chính trị. Vì mật thám Pháp không tìm thấy chứng cứ nên chi bộ nhà tù Sơn La đã khéo léo đấu tranh để Trịnh Đình Huấn được ra tù sau một năm thụ án. Ông phải về quản thúc ở Hải Phòng. Đầu 1944, ông Huấn được Xứ ủy cử về thay ông Trần Tử Bình, người phụ trách phong trào Liên khu C - gồm 4 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình vừa bị bắt cuối 1943 ở Thái Bình.

Cùng Nguyễn Bình cướp đồn Bần Yên Nhân

Theo sách Trung tướng Nguyễn Bình (Nxb Quân đội Nhân dân), Đồn Bần Yên Nhân án ngữ trên Quốc lộ 5, tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng, được phòng thủ khá mạnh, binh lính được trang bị đầy đủ súng ống. Hạ đồn là mục tiêu của Việt Minh... 

Thông qua thầy giáo của con viên đồn trưởng mà Việt Minh giác ngộ lính khố xanh Nguyễn Văn Việt cùng một số lính; đồng thời nắm được bố phòng bên trong. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp; lính trong đồn hoang mang. Và Nguyễn Bình nảy ra ý tưởng “đóng giả quân Nhật đến tước khí giới”. Kế hoạch cướp đồn được Xứ uỷ chấp thuận.

Đêm 12/3/1945, lực lượng “quân Nhật” tập trung cách đồn Bần 200 mét. Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh trực tiếp giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, Nguyễn Bình cùng các đồng chí Nguyễn Trọng Luật, Trần Sâm, Lê Huỳnh… trong quân phục sĩ quan Nhật rầm rập tiến về cổng đồn. Lê Liêm với dáng điệu trí thức, thủ vai “thông ngôn” đi sau Nguyễn Bình. Đúng lúc này, trong đồn vang lên một tiếng pháo, cổng đồn mở toang. Lực lượng của ta ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay. Ta thu được 24 súng trường, 6 hòm đạn... rồi nhanh chóng rút. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đánh giá trận đánh đồn Bần là “một trận đánh kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”, trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

“Hội nghị Tân Trào” dưới xuôi

Từ đầu tháng 8/1945, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Nguyễn Văn Trân cùng các Xứ ủy viên lên Tân Trào dự Hội nghị Trung ương. Công việc giao cho 2 Thường vụ Xứ là Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông, và Nguyễn Khang phụ trách Hà Nội. Qua radio biết tin Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh ngày 14/8/1945, Thường vụ triệu tập Hội nghị Xứ ủy tại làng Vạn Phúc. Các Xứ ủy viên: Văn Tiến Dũng, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Lộc, Xuân Thủy... về dự.

Ngày 15/8/1945, thấy tình hình có nhiều biến động, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang là Chủ tịch cùng các ủy viên Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long. Sớm ngày 16/8/1945, các Xứ ủy viên tỏa về các địa phương. Văn Tiến Dũng về Chiến khu Hòa Ninh Thanh, Nguyễn Văn Lộc về Sơn Tây, Đặng Kim Giang ở lại Hà Đông, còn ông Lê Liêm về Hưng Yên...

Thầy trò cùng chung chiến tuyến

Năm 1948, Lê Liêm được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Dân quân, thay ông Khuất Duy Tiến. Năm 1949, ông là Cục trưởng Chính trị Cục, thay thiếu tướng Văn Tiến Dũng. Năm 1950 là Ủy viên Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới và Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Quân đội Nhân dân. Năm 1950, là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mà ông Nguyễn Chí Thanh là chủ nhiệm.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Lê Liêm là Chủ nhiệm Chính trị và Đảng ủy viên mặt trận do Đại tướng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Bí thư cùng các đồng chí: Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng, Đặng Kim Giang – Chủ nhiệm Hậu cần. Không chỉ trong chiến dịch này mà từ trước đó ông đã gắn bó với thầy giáo Võ Nguyên Giáp, dạy sử trường Thăng Long, suốt các chiến dịch từ năm 1950. Hai thầy trò tâm đầu ý hợp, phối hợp chặt chẽ trong công việc. Chủ nhiệm Chính trị trở thành chỗ dựa vững chắc về công tác chính trị tư tưởng cho Tư lệnh mặt trận. Ông đi sâu đi sát, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, để kịp thời động viên; đặc biệt làm công tác tư tưởng cho bộ đội khi chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, kéo pháo vào đã gian khổ rồi lại phải rút ra... Chiến thắng quân sự phải kể đến cả chiến thắng về chính trị.

“Kết nghĩa vườn đào” ở chiến khu Việt Bắc

Năm 2015, đến thăm nhà Trịnh Hồng Anh, con thứ của ông bà, được xem 2 bức tranh màu nước vẽ chân dung cụ Lê Liêm và phu nhân Lê Thu Trà. Anh Hồng Anh tâm sự, đó là tác phẩm của họa sĩ Lê Lam. Tranh thật giản dị nhưng trông rất thần, toát lên cái khí tiết của 2 cụ. Trò chuyện mới hay, ngày ở chiến khu Việt Bắc, ông Lê Liêm, khi đó còn tên là Huấn, có 2 người bạn thân là ông Đỗ Đắc Cư và chú em học sinh Vũ Quốc Ái (sinh năm 1931), lính quản mã của ông. Không chỉ là quan hệ đồng chí, cấp trên cấp dưới mà họ còn có quan hệ thân tình hơn cả anh em ruột. Ông Huấn kết nghĩa huynh đệ với 2 đồng đội và cùng lấy chung họ Lê: Lê Liêm, Lê Cư, Lê Lam.

Thấy Lê Lam đam mê hội họa mà ông cho đi học lớp Hội họa kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân, sau này đi tu nghiệp ở Liên xô và trở thành họa sĩ chiến trường thời chống Mỹ. Còn ông Lê Cư sau này từng là Chính ủy binh chủng Thông tin liên lạc.

Xứ ủy viên gặp nhau ở Việt Bắc 1948

Vị “Tướng không quân hàm” trong ngành Văn hóa

Năm 1958, ông chuyển ngành sang Bộ Văn hóa làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn. Như những năm chống Pháp được làm việc với thầy Võ Nguyên Giáp, ông được gặp lại thầy Hoàng Minh Giám, người từng dạy 4 năm ở trường Thăng Long, nay là Bộ trưởng. Ông đã hết lòng giúp thầy.

Thời gian 1956-1957 có vụ Nhân văn Giai phẩm. Có nhiều người có ý kiến phê phán; riêng ông Lê Liêm không tỏ thái độ... Từng tâm sự với vị tướng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn và được nghe: “Khi xảy ra vụ Nhân văn, mình có một bài viết phê phán trên báo. Sau này khi gặp ông Lê Liêm, kể về vụ này, được nghe tâm sự: “Cậu chả biết cái gì cả. Văn hóa văn nghệ là phản ánh cuộc sống mà cuộc sống thì phải có đẹp và có cả cái xấu. Cái cơ bản là người cầm bút qua đó phải biết hướng người đọc đến cuộc sống tốt đẹp, đến cái chân, thiện, mỹ...”.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận nhiệm vụ xây dựng các đoàn văn công, các nhà hát; đã cảm nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của Thứ trưởng Lê Liêm: “Có thể nói hầu hết nền tảng của các nhà hát, các đoàn văn công và khu Mai Dịch có được quy mô lớn như ngày hôm nay chính là đã được thực hiện dưới thời lãnh đạo của ông tướng Điện Biên Phủ - Lê Liêm”.

Không chỉ cán bộ Bộ Văn hóa gọi ông là “Tướng Lê Liêm” mà anh em trong quân đội cũng trìu mến gọi cái tên này, dù ông chuyển ngành ra trước đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên trong quân đội năm 1958.

Một tình yêu bất biến

Chuyện mê tranh pháo đã kể, và ông còn đam mê âm nhạc. Không chỉ chơi piano mà ông còn đam mê sáng tác. Những năm hòa bình, ông đi học và có bằng trung cấp piano. Tại gia đình còn lưu các ca khúc ông viết: Người giáo viên nhân dân, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (1964), Cánh hạc trời xanh, Ta, đoàn viên thanh niên, Từ Plây-me đến Bàu Bàng... Ông cũng từng cùng 2 nhạc sĩ Nguyễn Văn Thẩm, Trần Quý viết Đại hợp xướng Điện Biên Phủ sống mãi. Tác phẩm được Đoàn nhạc Giao hưởng và Hợp xướng Việt Nam trình diễn kết thúc trong đêm ca nhạc kỉ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954 – 7/5/1964) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tình yêu ấy còn được truyền sang cho các con. Anh Trịnh Dân sau này là điêu khắc gia với nhiều tác phẩm để đời như Cánh võng Trường Sơn, Trịnh Hồng Hà chơi accordeon, Trịnh Hồng Anh cùng em Hương chơi piano...

Với nhiều đóng góp cho cách mạng và văn hóa, nhưng cuộc đời ông có không ít thăng trầm, song ông vẫn luôn bình thản vượt qua. Ông luôn dặn các con: “Tình yêu cách mạng là bất biến, dù có lúc bão giông, cam go sinh tử... Đó là một tình yêu đời, yêu người trong sáng, vô điều kiện; là tư cách làm cán bộ tận tâm, liêm khiết và quyết liệt bảo vệ chân lí dù ảnh hưởng đến bản thân... Và đặc biệt là một lối sống hết lòng, giản dị, không có khoảng cách với tất cả mọi người xung quanh...”.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm