April 25, 2024, 3:55 pm

Vì một Biển Đông tự do và mở, được điểu chỉnh bởi pháp luật quốc tế

Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, Washington không còn nhấn mạnh lợi ích kinh tế riêng rẽ như thời Trump, mà đã cân đối lại giữa các lợi ích an ninh – chính trị – kinh tế một cách toàn diện hơn. Điều này thể hiện rõ nét qua chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Suga từ 16-19/4/2021 vừa qua. Chuyến thăm đã mở rộng không gian hợp tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ và gia tăng tính linh hoạt trong chiến lược và chính sách giữa hai nước.

Tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc họp báo với Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 16/4/2021, sau khi hội đàm với nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức. Ngoài Đài Loan, tuyên bố chung Mỹ - Nhật nêu quan ngại của hai đồng minh đối với Hong Kong và các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Vài giờ sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ nêu tên Đài Loan trong tuyên bố thượng đỉnh, Trung Quốc đã phản pháo lại bằng một thông cáo. “Những vấn đề này thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và không được phép can thiệp. Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận có liên quan trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo,” người phát ngôn tại Đại Sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố hôm 17/4/2021.

Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga

Biển Đông và Đài Loan

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào hôm 16/4, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra một tuyên bố đề cập đến Đài Loan, và nói rằng: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển”. Lần cuối cùng Nhật Bản và Hoa Kỳ đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố như vậy là vào năm 1969 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Sato Eisaku và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon. Điều này xảy ra trước khi cả Nhật và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970.

Tuyên bố chung lần này của hai ông Suga và Biden nói chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm việc sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và các hình thức khác. “Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông”, tuyên bố cho biết và đề cập đến quần đảo Senkaku nằm gần Đài Loan.Các đảo nhỏ, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu vào vùng biển gần đó. Tuyên bố cũng đề cập đến những tuyên bố ngày càng lấn lướt của Trung Quốc đối với lãnh thổ ở Biển Đông. “Chúng tôi nhắc lại sự phản đối của chúng tôi đối với các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung mạnh mẽ của chúng tôi đối với một Biển Đông tự do và mở được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế”.

Đối đầu với chính quyền Bắc Kinh của ông Tập Cận Bình là chủ đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước lần này. Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Nhật Bản thảo luận về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và vấn đề Hồng Kông. Đồng thời, hai nước đã công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD của Nhật Bản vào mạng 5G để chống lại Huawei, chip điện tử, dịch viêm phổi Vũ Hán và biến đổi khí hậu cũng sẽ được đưa vào cuộc thảo luận.

Những đe dọa an ninh

Kể từ khi Biden nhậm chức, ông Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Toà Bạch Ốc. Vào tối ngày thứ Năm tuần trước, theo giờ Tokyo, ông Suga nói với các phóng viên trước khi đặt chân lên máy bay: “Tôi muốn xây dựng lòng tin với ông Biden và củng cố hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ để chúng ta có thể áp dụng các giá trị phổ quát của tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”. “Để đạt được một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tôi muốn cho thế giới thấy sự lãnh đạo của Nhật Bản và Hoa Kỳ”. Kunihiko Miyake, cố vấn của ông Suga, cho biết: “Đây sẽ là màn dạo đầu cho một loạt các cuộc gặp giữa các quốc gia cùng chí hướng để gửi tín hiệu phù hợp tới Bắc Kinh”.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố rằng Thủ tướng Yoshihide Suga hy vọng đã tái khẳng định mối quan hệ “gắn bó bền chặt” của liên minh và thảo luận về những nỗ lực của nhiều quốc gia để bảo vệ các giá trị dân chủ và đáp lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp. Hai bên sẽ nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhật Bản trong chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ và gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho Bắc Kinh.

Mỹ - Nhật ra tuyên bố chung về Đài Loan. Một quan chức Chính phủ Hoa Kỳ nói với Reuters: “Bạn sẽ thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản giải quyết tình hình ở eo biển Đài Loan, mong muốn duy trì hòa bình và ổn định của chúng tôi. Tôi hy vọng bạn sẽ thấy hai bên đưa ra tuyên bố chính thức và tiến hành tham vấn về những vấn đề này”. Quan chức này cũng cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản không muốn làm cho tình hình thêm căng thẳng, nhưng hy vọng gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, việc Bắc Kinh điều máy bay chiến đấu đến không phận Đài Loan là không phù hợp với hòa bình và ổn định của hòn đảo.

Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp cấp cao 2 + 2 tại Tokyo vào tháng trước và bày tỏ quan ngại về tình hình ở eo biển Đài Loan. Sau cuộc họp, họ đã đưa ra một tuyên bố chung đề cập cụ thể đến vấn đề “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Báo cáo chỉ ra rằng Toà Bạch Ốc hy vọng lần này sẽ củng cố thông điệp đã đưa ra. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản đang chia rẽ về việc liệu có nên ủng hộ ông Yoshihide Suga đưa ra tuyên bố về Đài Loan hay không. Lần cuối cùng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng đưa ra một thông cáo chung về Đài Loan là vào năm 1969, trong cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Eisaku Sato.

Các giá trị liên minh

Hoa Kỳ gần đây đã phản đối Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao gồm đại dịch Covid-19, nhân quyền, các chính sách của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, và thương mại. Để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tàu chiến Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động “Tự do hàng hải” (FONOP). Nhật Bản đã không thực hiện các biện pháp trừng phạt với Hoa Kỳ và các nước châu Âu về cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tổng thống Biden hy vọng sẽ thấy Nhật Bản liên kết với Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và kẻ cầm đầu cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đang lãnh đạo một nhóm nghị sĩ kêu gọi chính phủ của ông Suga thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với Bắc Kinh, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, để đáp ứng yêu cầu của các nền dân chủ phương Tây. Scott Harold, một nhà khoa học chính trị cấp cao nói với báo Nikkei Shimbun: “Tôi nghĩ hai bên đã có một cuộc thảo luận nghiêm túc về vai trò của các giá trị trong liên minh. Một điều rõ ràng là Hoa Kỳ đang quan sát Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và vi phạm lời thề hiệp ước ở Hồng Kông”. Mặt khác, Nhật Bản tin rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương và các tuyên bố lãnh thổ rộng lớn của nó là những mối đe dọa an ninh. Tokyo cũng bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự tại các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Đại dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu

Các quan chức Nhật Bản cho biết, nội dung cuộc hội đàm giữa Biden và Suga còn bao gồm đại dịch Covid-19, hỗ trợ hợp tác vắc-xin ở các nước đang phát triển, thiết lập chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như biến đổi khí hậu. Ông Yoshihide Suga và ông Biden đạt được thỏa thuận về bảo đảm chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến và giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu. Về vấn đề khí hậu, thủ tướng Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhật Bản cũng đang xem xét chấm dứt hỗ trợ của chính phủ đối với các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài như một phần của sáng kiến ​​khí hậu song phương sẽ được công bố tại hội nghị.

Trong chiến lược toàn diện của chính quyền Biden, Nhật Bản đang nắm giữ nhiều lá chủ bài kinh tế và quân sự: một là thế thượng phong của nền công nghệ Nhật Bản trong các lĩnh vực “thuộc công nghệ của tương lai”, hai là vai trò đầu tầu của Tokyo trong hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ rút lui. Ưu thế thứ ba của Nhật Bản là từ lâu nay quốc gia đông bắc Á này đã kết hợp chính sách ngoại giao, đầu tư và thương mại để trở thành nhịp cầu với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.Sau cùng, về thương mại, Nhật là một đối tác “nặng ký” của Trung Quốc và đó là một yếu tố mà Washington không thể bỏ qua.

Nhà nghiên cứu Céline Pajon, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp đánh giá về liên minh Nhật – Mỹ như sau: “Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ, thủ tướng Suga là vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp tổng thống Biden trực tiếp tại Nhà Trắng. Đó là cả một biểu tượng cho thấy tầm mức quan trọng của Tokyo trong cuộc đọ sức chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện nay có hơn 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Nhật Bản thành thử về mặt quân sự, quốc gia châu Á này là một đồng minh không thể thiếu. Hơn thế nữa trong suốt những năm tháng dưới chính quyền Donald Trump, Washington đã rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia, Hoa Kỳ đã ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP. Khi đó chính Tokyo đã đóng vai trò đầu tầu để liên kết các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nhật đã nỗ lực duy trì mô hình kinh tế tự do giữa các thành viên TPP mà một trong những mục tiêu chính là ngăn chặn một số tham vọng của Trung Quốc. Không chỉ về mặt quân sự, mà cả về kinh tế và địa kinh tế: Nhật Bản là một lá chủ bài rất quý của Hoa Kỳ”.

Nguồn Văn nghệ số 17/2021


Có thể bạn quan tâm