April 26, 2024, 12:00 am

Vị giáo sư y khoa và những cuốn tiểu thuyết lịch sử

 

Có tới hơn chục năm nay tôi quen rồi thân với giáo sư Ngô Ngọc Liễn. Sự quen thân do mối nhân duyên: tôi là bệnh nhân, ông là bác sĩ. Rồi tôi làm nghề xuất bản ông là nhà thơ đến nhà xuất bản in thơ. Hai mối nhân duyên kể ra ấy chả có gì đặc biệt. Nó bình thường như công việc hàng ngày của mỗi người chúng ta. Nhưng, đối với ông, sau mỗi lần “thăm chơi” rất nhẹ nhàng, rất khiêm nhu, rất ít lời và rất ít rao đãi cứ để lại trong tôi một sự thao thiết khắc khoải của một nhà trí thức đối với câu chuyện lịch sử thời Lý mà ông lúc nào cũng tìm cách xen vào.

Ông kể cho tôi rằng, cũng những câu chuyện này ông đã thường kể cho người bạn thân lớn tuổi của ông là giáo sư Hữu Ngọc nghe. Giáo sư Hữu Ngọc luôn luôn là người anh người thầy người bạn của ông, nhất là những câu chuyện về văn hóa. Ông bảo tôi, Sử học là gốc của văn hóa, văn hóa truyền thống. Ông là người Hà Nội, hiện nay ông ở làng Trích Sải. Bao nhiêu câu chuyện về Hà Nội, về những ngôi làng nghề quanh hồ Tây, quanh hồ Dâm Đàm, bao nhiêu câu chuyện về Hồ Gươm, về các danh nhân Hà Nội và về các ngôi chùa cổ, về Hoàng Thành, về nghìn năm đất Thăng Long dường như ông là người tự mình tìm hiểu, tự mình lặng lẽ khảo cứu chiêm nghiệm và suy gẫm. Làm nghề y, là một giáo sư đầu ngành nhiều năm nay về  Tai Mũi Họng với ngững công trình khoa học lớn để đời nhưng không lúc nào ông nguôi ngoai đi tìm vốn cổ, đi tìm tích cổ, đi khảo cứu các câu chuyện cổ về các danh nhân Hà Thành.  Học trò của ông có tới hàng chục vị là giáo sư giỏi, nhưng ông lại là người lúc nào cũng như đang đi tìm cái gì đó còn chưa rõ cho nghề mình, cho cuộc sống của mình. Càng ngày tôi nhận thấy cái phong cách sống  khẽ khàng của ông chứa đựng trong đó cái chất nặng lòng  của một nhà nhân văn, nhà nghệ sĩ hay đúng hơn, ông là nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ, không lãng tử nhưng  khá phiêu du như một thi sĩ Hà Thành. Hình như chất thơ, chất thi sĩ ngấm vào ông từ thời thơ trẻ, như sương mù hồ Tây lãng đãng, như cành liễu ven hồ, như đàn sâm cầm thời hồ Dâm Đàm còn hoang sơ vô cùng rậm, vô cùng kỳ bí nuôi dưỡng không biết bao tâm hồn thi sĩ Hà thành và nâng đỡ bao nhiêu nhà tri thức qua nhiều thời đại.

            Khi ông viết cuốn tiểu thuyết Mẫu Ỷ Lan cách nay vài năm, bác Hữu Ngọc hồi đó xấp xỉ tuổi một trăm. Nay ông vừa hoàn thành cuốn Thái sư hóa hổ thì bác Hữu Ngọc đã trên một trăm tuổi. Nhà văn hóa Hữu Ngọc như là một điểm sáng phía trước đối với các công trình sáng tác của ông. Ông là nhà khoa học, cái đức tính cần mẫn chỉn chu kĩ lưỡng cẩn trọng, sâu sắc và thấu đáo của ông luôn luôn thường trực. Nhưng không vì thế mà cái chất lâng lâng khoái chí mỗi khi gặp một chi tiết đánh thức tâm tưởng con người bình thường trong ông khiến ông cao hứng viết được những đoạn văn có thần, có sắc có màu có duyên đầy nghệ thuật như thế này.

            Xin trích:

        “Chỉ đôi lần nhìn thoáng, nghe lỏm thầy cùng bố đàm đạo cũng thấy có phần lưu luyến, ngừng tay quay tơ, gỡ chỉ rối khi nghe tiếng giảng vang ấm của thầy vọng sang, tiếc mình sao không còn bé để được sang lớp cùng em… Rồi những hôm tằm chín rộ, phải nhờ mấy cô bạn cùng trang lứa gỡ nhanh lên né ngoài sân nắng, đang cười đùa vô tư, cả bọn ngưng bặt khi nghe tiếng vang của thầy đồ trẻ, mặc dù đều biết thầy đã có gia thất, nhưng một cô bạn tinh nghịch vẫn khẽ hát: “Lứa tằm đã chín đầy nong. Trách ai vẫn để ngày mong đêm chờ”. Cả bọn khúc khích cười mặc cho người đỏ mặt.

             Gần đây Thu rất thích em kể chuyện lớp học, xoa đầu em khi em kể được thầy khen, nắm tay em khi biết nhờ thầy cầm tay mà nét  sổ của em được thẳng, ngước mắt nhìn nhanh bà vú già khi chợt thấy má nàng hình như hồng hơn, tim rộn ràng hơn…

            Cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi cho đến đêm định mệnh. Đêm ấy trăng Mười sáu tròn và sáng hơn trăng rằm. Đã khuya mà vẫn oi nồng, bốn bề tĩnh lặng. Vú già cũng đã ngủ sớm. Cả trang trại trong ánh trăng soi vằng vặc. Thu bước xuống cầu ao, theo ván gỗ ra tận ngoài, liếc nhìn chung quanh im ắng không người, cởi chiếc áo, tiện tay giặt luôn, vắt trên thành cầ. Mặt ao phẳng lặng, nước trong vắt, thấy rõ  mảnh trăng tròn, ngâm suốt dưới đáy sâu làm nước ao mát lạnh, té nước lên ngực trần cảm thấy thật sảng khoái, bèn cởi nốt giải yếm, múc nước tắm.

            Không rõ vì vô ý từ lúc nào, chiếc áo rơi khỏi cầu lập lờ trên mặt nước, quay cán gáo khều không tới, cố thêm một chút… bỗng… ùm! Thu ngã xuống! Không biết bơi, cố vùng vẫy tay chân… càng ra xa hơn. Đã bị sặc, uống vài ngụm nước… Hoảng sợ, thất thanh cố kêu cứu rồi đuối sức chìm dần…. 

            Đêm ấy, Lê văn Thịnh cũng bắc ghế ngồi đọc sách dưới ánh trăng. Trăng sáng, không khí thơm lành. Mải đọc không biết đã khuya. Bỗng nghe tiếng kêu cứu, gập sách bước vài bước nghe rõ hơn tiếng kêu và cả tiếng đập nước lõm bõm từ bờ bên kia. Biết có người gặp nạn, Thịnh nhảy vội xuống ao, chỉ vài chục sải tay đã nhìn thấy người đuối nước đang chìm dần, chỉ còn mảng tóc dài lập lờ trên mặt nước. Áp lại gần nắm mảng tóc kéo dần lên bờ. Thấy rõ nạn nhân đã nguy kịch, Thịnh vội nhanh chóng bế xốc thân người đã mềm nhũn, không còn thở, chạy lên ngay sân gạch, cạy miệng ấn bụng cho trào ngược nước ra. Nạn nhân đã ho sặc, thở được. Lúc ấy Thịnh mới nhận ra là con gái chủ nhà. Nhìn bộ ngực trần với đôi nhũ hoa căng tròn chàng vội cới áo sũng nước mình đang mặc đắp lên. Đàn chó thấy lạ sủa vang khiến bà vú già tỉnh dây cầm cây nến ra sân. Bà thấy cô chủ như vậy vội kêu to, ông bá hộ cầm cây bạch lạp lập cập bước tới cùng Thịnh và bà vú lấy chăn khiêng con vào buồng. Sau khi đốc thúc bà vú bôi dầu, lấy nước gừng nóng cho uống thêm mấy thìa sâm. Thu đã dần dần hồng hào trở lại, thở đều, mở mắt và nhận biết, cố co người nằm quay vào phía trong. Thịnh cũng vội lui ra ngoài….”.

            Trên đây là đoạn Lê Văn Thịnh hồi trẻ ở làng được ông Bá Hộ mời làm gia sư. Câu chuyện thôn quê Việt Nam cách nay hàng ngàn năm, dưới ngòi bút giản dị và hấp dẫn của  nhà viết tiểu thuyết đã dựng  lại sinh động và hoàn chỉnh trong một đoạn văn ngắn. Rất ngắn. Nhưng khiến ta, người đọc hiện nay, thấy được vẻ đẹp thôn dã cổ xưa và hơn thế nữa, cách  khắc họa vẻ đẹp tài hoa của một chàng trai trẻ giàu sức sống, giầu tiềm năng  báo hiệu cho cho một sự nghiệp sau này đầy những thành đạt và trắc trở.

            Thái Sư Lê Văn Thịnh là một nhân vật lịch sử quá nổi tiếng. Vụ án Thái sư hóa hổ đã tồn tại hơn một ngàn năm nay với bao nhiêu nhà viết sử, bao nhiêu nhà nghiên cứu và bao nhiêu giả thiết, rốt cục lại Lê Văn Thịnh vẫn là một danh nhân, một vĩ nhân đã đóng góp cho nước nhà những kỳ tích về tài năng ngoại giao với công trình đi sứ nhiều năm thương thuyết lúc nhu lúc cương đã đòi lại cho giang sơn cả một vùng đất thiêng liêng phía Bắc của Tổ Quốc. Lê Văn Thịnh là một nhân vật lịch sử đã để lại cho đời sau không biết bao nhiêu truyền thuyết, không biết bao nhiêu đoán định mà có lẽ cả mãi sau này lịch sử vẫn phải tiếp diễn những cuộc khảo cứu tìm kiếm. Thời Lý hưng thịnh thanh bình hàng đầu, nhưng trong lòng nó không biết bao nhiêu biến cố đã diễn ra giữa trí thức và thiết chế xã hội. Giữa Nho Giáo và Phật Giáo. Giữa các tầng lớp quan lại và các giai tầng dân chúng… Lê Văn Thịnh là một thiên tài nhưng cũng là một con người. Ông vừa là một nhân vật hàng đầu trong triều chính, nếu chưa gọi là Thái Sư, nhưng ông cũng là một kẻ sĩ có chí khí được thái sư Lý Thường Kiệt yêu trọng, được cả triều đình trọng nể. Sao lại thế? Người tài thời nào cũng thế ư? Cái chết có vẻ bí hiểm của Lê Văn Thịnh thực ra là một cái chết được báo trước. Nó được báo trước nhưng cũng giống như vì cái sự mây mưa sương mù của hồ Dâm Đàm làm cho vẻ đẹp của thiên nhiên biến thành ra mây mù che phủ. Đó là vụ án điển hình của chính trường mà thời thế thế thời… phải thế. Cuốn tiểu thuyết không vạch rõ thói đời, không áp đặt công tội cho ai mà ta cảm nhận được sự đau xót đầy cảm thương ở đâu đó như là trong chính ta với một tình cảm sâu xa mà bất lực của tác giả, của cả cuộc đời. Cuộc đời với những thói đời lúc nào cũng đầy rẫy bất công. Vì thói ghen tài đố kỵ mà vụ án Lê Văn Thịnh đã diễn ra và sau đó… như là một sự chìm nghỉm, mất tích… không rõ ràng.

            Không! Không bao giờ! Ngàn năm lịch sử Lê Văn Thịnh mãi mãi là Lê Văn Thịnh! Tác giả Ngô Ngọc Liễn đã không thanh minh giãi bày và không hề đứng về phía nào để phán xét. Ông nghiêm cẩn khẳng định Lê Văn Thịnh chính là một con người, một con người có đầy đủ các cung bậc của “ái ố hỉ nộ”.

            Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của nhà văn Ngô Ngọc Liễn, ông nói: “Tôi viết tiểu thuyết lịch sử vì tôi mong lớp trẻ sau này hiểu về lịch sử không bị sai lạc về những định kiến đương thời…”

            Tiểu thuyết Mẫu Ỷ LanThái sư Lê Văn Thịnh là hai cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về thời Lý, thời mà hai nhân vật lịch sử lớn này với những công lao vĩ đại và những… nghi án tày trời kéo dài cả chục thế kỷ. Tác giả viết và mong chúng ta hiểu lịch sử không phải chỉ là điều nó đã diễn ra mà nó còn là điều, nó phải được người đời hiểu chân giá trị đương thời, không thể lấy hôm nay xét hôm qua. Nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh cho đến thời chúng ta vẫn chưa được đánh giá thật đúng với cái mà ông đã dâng hiến cho Nho giáo, cho Phật học, cho Đại Việt và cho cuộc cải cách hành chính đầu tiên của triều đình, với sự va đụng lớn lao về quyền lơi, nghĩa vụ mà sự thật đụng chạm tới các vai vế phe cánh trong triều chính đưa đến sự loại trừ không thể khác… Ôi! Lịch sử!


Nguồn Văn nghệ số 44/2018


Có thể bạn quan tâm