April 20, 2024, 3:45 am

Vẹn toàn một dải biên cương

Kì 2: LÊN ĐƯỜNG RA BIÊN GIỚI

 

Ngày 30 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Đó là chiến công được hội tụ, kết nối bằng ngàn vạn chiến công của quân dân ta suốt 20 năm kháng chiến cứu quốc. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ. Trong bước quân đi thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, những người lính an ninh vũ trang đã đón lấy vận hội của dân tộc. Thiếu tướng Trương Văn Thanh – nguyên Phó tư lệnh Công an nhân dân vũ trang từng chia sẻ: “Ngày 26 tháng 4, từ Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí  Lê Thanh, Ba Bên, Sáu Bình, Sáu Hoàng, Sáu Huấn, Nguyễn Văn Thu cùng cán bộ chiến sĩ các đơn vị chia thành ba hướng tiến vào Sài Gòn. Một mũi bảo vệ thường vụ Trung ương Cục, lãnh đạo mặt trận, chính quyền đi theo hướng Bến Súc về Thủ Đức. Một mũi bảo vệ các cơ quan dân chính theo trục đường 22 và mũi còn lại đánh vu hồi từ Long An lên Phú Lâm rồi đột nhập về Chợ Lớn.” 
Giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975

Chiều ngày 30 tháng 4, các mũi đã bảo vệ  Trung ương Cục cùng các cơ quan tiến về Sài Gòn an toàn rồi tỏa ra khắp nội thành làm nhiệm vụ. Ngày 1 tháng 5, các đơn vị chiếm lĩnh cơ quan tổng nha cảnh sát, cảnh sát đặc biệt, ngân hàng quốc gia ngụy, nhà đèn khám Chí Hòa, đại sứ quán Mỹ. Tiếp đó mở rộng diện tiếp quản cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất. Trong tháng 5 năm 1975, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã tổ chức đoàn 75, đại diện cho Bộ tư lệnh tại Sài Gòn làm nhiệm vụ tư vấn cho Bộ chỉ huy an ninh vũ trang giải phóng miền Nam về các mặt xây dựng, bảo vệ và chiến đấu. Ngày 5 tháng 5, dưới sự quản lí, kiểm soát của lực lượng an ninh vũ trang, cảng Sài Gòn đã có thể tiếp tục hoạt động đón tàu bè trong nước và nước ngoài. Sau bao năm mong đợi, con tàu đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, con tàu thống nhất nước nhà đã cập bến Nhà Rồng.       

Lịch sử đất nước bước sang trang mới. Công tác bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo cũng bắt đầu một giai đoạn mới. Đại tá Nguyễn Đức Dung, nguyên trưởng phòng cán bộ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang khẳng định, nhờ có sự dự báo chính xác, chủ động ứng phó từ trước nên Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã lập tức có kế hoạch, phương án chi viện cấp tốc. Trước hết, Bộ Tư lệnh đã chỉ thị cho cơ quan đại diện Ban An ninh vũ trang trung ương cục phải tổ chức tuyển quân tại chỗ, để cung ứng quân số cho các tỉnh, thành cho tới các  đồn trạm Biên phòng chuẩn bị thành lập. Mặt khác, Bộ Tư lệnh lập tức điều động toàn bộ lực lượng dự trữ ở các nhà trường, các đơn vị đào tạo và nghiệp vụ... ngay lập tức lên đường chi viện. Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên được triển khai 41 đồn; tuyến bờ biển Nam Bộ triển khai 48 đồn; các đảo có đông dân cư là Côn Đảo và Phú Quốc được triển khai 10 đồn… Trong hai năm 1975 – 1976, công an nhân dân vũ trang đã triển khai 143 đồn, 23 trạm biên phòng với hơn 6.000 cán bộ, chiến sỹ ở các tỉnh thành miền Nam. Để có thể hoàn thành tốt công tác này, lực lượng công an nhân dân vũ trang đã nhận được sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ quý‎ báu của nhân dân và đặc biệt là Quân đội nhân dân.

Chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang tiếp quản sân bay Đà Nẵng

Chúng tôi cùng thiếu tướng Lê Thái Ngọc – phó chính ủy BĐBP về lại Bạc Liêu, để được ngược chiều thời gian nhìn lại để những năm tháng ông cùng đồng đội theo đoàn quân công an nhân dân vũ trang vào tiếp quản miền Nam sau giải phóng. Cảnh hoang tàn sau chiến tranh hiện lên trước mắt người lính trẻ Lê Thái Ngọc với biết bao cảm xúc trộn lẫn. Thời điểm ấy, mỗi đội biên chế từ 15 đến 20 người được phân về các đơn vị Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào… để tạo bộ khung chính cho các đồn, trạm thành lập sau này. Về nhận nhiệm vụ tại Đồn Công an nhân dân vũ trang Nhà Mát, xã Vĩnh Lợi, dù mới hơn 17 tuổi, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao cho Lê Thái Ngọc lại không hề đơn giản đối với một tân binh. Đối tượng tiếp xúc và cảm hóa của người chiến sĩ trẻ ngày ấy thực sự rất đa dạng và phức tạp về tâm lý cũng như hành động. Họ là những sĩ quan ngụy hoặc các đối tượng thân cận với chế độ cũ được chế độ mới lưu dung (sử dụng lại). Nhắc lại khoảng thời gian lập đồn dựng trạm ở nơi đây, thiếu tướng Lê Thái Ngọc tâm đắc rất nhiều về bài học nghiệp vụ, về nhìn nhận, đánh giá con người, suy xét sự vật, hiện tượng…, để có thêm kinh nghiệm và niềm tin, tiếp tục lao vào nhiệm vụ, tích cực phát động xây dựng các phong trào quần chúng tấn công chính trị đối với các đối tượng có ý đồ chống đối cách mạng, vượt biên và câu móc vượt biên.

Mít tinh chào mừng giải phóng trên sông Hương

Những năm tháng mà việc quân của những vùng đất sau giải phóng còn nhiều khó khan và nguy hiểm rình rập đã luôn được ghi nhớ trong tâm trí Đại tá Nguyễn Văn Đài, nguyên phó tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang. Ông kể rằng, ngày đó, vừa xây dựng, triển khai lực lượng, các đơn vị công an nhân dân vũ trang miền Nam còn phải đối mặt với nhiều âm mưu, thủ đoạn hậu chiến của Mỹ Ngụy. Không chỉ bảo vệ toàn vẹn đường biên giới, bờ biển từ Bắc vào Nam, ta đã dần từng bước làm thất bại “Kế hoạch hậu chiến” của CIA, bắt giữ 550 vụ, trong đó có 9 toán gián điệp biệt kích do CIA tổ chức xâm nhập qua biên giới các tỉnh phía Nam. Đồng thời phát hiện gần 2.000 đối tượng địch cài cắm, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm chống phá cách mạng. Bên cạnh đó, ta ráo riết truy quét tàn quân ngụy còn lẩn trốn, phá rã diệt và bắt được 17.021 tên; tổ chức trên 2.100 cuộc truy quét bọn tàn quân FULRO, diệt gần 450 tên, bắt và gọi hàng hơn 600 tên.

Trạm kiểm soát cửa khẩu Đức Cơ (Gia Lai) năm 1975

 Tuyến biển đảo phía Nam thời gian này cũng là những điểm nóng với âm mưu kích động nhân dân trong nước vượt biên và xâm nhập, thu thập tin tức tình báo của kẻ thù. “Quý‎ người người mới quý‎ mình, lấy tâm tình đãi tâm tình mới cao”, lời ca dao miền Bắc theo chân các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang xuống tới từng xóm ấp. Biển miền Nam giàu cá tôm, sản vật, người miền Nam mang khí khái của những người đi mở cõi, yêu ghét thật bụng và sẵn sàng nói ra những điều gan ruột. Nhưng trước thực trạng mới giải phóng, nhân dân còn e dè, nghi hoặc, thậm chí nhiều gia đình, xóm ấp bàn bạc để chuẩn bị vượt biên, vậy mà các bà mẹ tại các làng cá nơi đây đã rất thương quý những đứa con miền Bắc, đã tin cậy, báo cho các anh những tin tức quan trọng, góp phần giúp các đồn công an nhân dân vũ trang phát hiện 31.687 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng biển Việt Nam và ngăn chặn thành công 2.575 vụ vượt biên, vượt biển trái phép. Tạo được niềm thương mến ấy, niềm tin ấy là điều không hề đơn giản.

Ngày 15 tháng 5, Ủy ban quân quản Sài Gòn làm lễ ra mắt nhân dân thành phố. Trong hàng quân danh dự diễu hành qua quảng trường của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, có khối an ninh vũ trang đại diện cho hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an nhân dân vũ trang ưu tú đang ngày đêm bám rừng, bám biển, bảo vệ cách mang, bảo vệ chủ quyền và  toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Viết về sự kiện trọng đại ấy, Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng) có đoạn: “ Khúc quân hành rộn rã hôm nay còn vang vọng bước chân Trường Sơn của mấy ngàn cán bộ chiến sĩ công an nhân dân vũ trang miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, làm trọn lời thề chỉ biết còn Đảng, còn mình, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và đã lập công xuất sắc…”

Tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 30, đại biểu công an, công an nhân dân vũ trang hai miền Nam Bắc đã gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Cao Bắc Lạng gặp Cà Mau - Kiên Giang,  Hà Nội – Huế - Sài Gòn ngồi sát bên nhau, thỏa lòng mong đợi trong niềm vui thống nhất. Thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Duẩn đã biểu dương những cố gắng của toàn thể cán bộ chiến sĩ công an và giao nhiệm vụ cho lực lượng công an nói chung và công an nhân dân vũ trang nói riêng, tiếp tục phục vụ tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị của Đảng, ra sức xây dựng chế độ mới, kinh tế mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa.

Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4 năm 1975 đến cuối năm 1976, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Đảng đoàn Bộ công an, lực lượng công an nhân dân vũ trang đã hoàn thành công tác hiệp đồng tác chiến, triển khai tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn cả nước, đồng thời tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng để bảo vệ biên giới. Cùng với các lực lượng, quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh kịp thời trấn áp có hiệu quả các đối tượng phản cách mạng, bọn tàn quân fulrô, ngụy quyền…, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng biên giới tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Xa Mát - Lò Gò, Mộc Bài, Hà Tiên, Hoa Lư, Cảng Sài Gòn, Côn Đảo, Phú Quốc... những địa bàn biên giới, biển đảo trọng điểm chúng tôi đã qua trên hành trình của mình đã thay đổi biết bao lần. Ngay cả những người từng chiến đấu và đổ máu để giành lại những vùng đất đầy cam khó mà tiền nhân để lại cũng không còn nhận ra đâu là chiến địa năm xưa. Màu vàng của lúa, màu xanh của cây cỏ và các công trình hiện đại đã phủ dần lên vết thương quá khứ. Hầm trực chiến năm xưa giờ trở thành cánh đồng bát ngát cò bay. Đồn biên phòng dựng tạm theo bước chân thần tốc năm nào giờ đã trở thành một khu kiểm soát liên hợp hiện đại, mỗi ngày có hàng ngàn người xuất, nhập cảnh. Biên giới sau bao năm xa xôi cách trở giờ đây đã gần lại với hậu phương nhờ những công trình hạ tầng cơ sở, công trình dân sinh được đầu tư hiệu quả./.

             


Có thể bạn quan tâm