April 25, 2024, 12:28 pm

Vẹn toàn một dải biên cương

Kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc

Biên giới năm xưa với những núi rừng trùng điệp vắng bước chân người, với những chiến địa hoang tàn, hầm hào, bãi mìn do chiến tranh để lại… 40 năm sau, quân dân biên giới đã nỗ lực tạo nên một biên cương đang chuyển mình hội nhập cùng cả nước với những cánh rừng mướt mát, những cửa khẩu, cảng biển được trang bị hiện đại tấp nập tàu xe. Nhìn dáng đứng của người lính biên phòng trên biên giới hôm nay, lại nhớ đến hành trình xuân của những người lính quân hàm xanh 40 năm trước làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và thực hiện tiếp quản, xây dựng các đồn trạm biên phòng trên những vùng mới giải phóng.

 

Kì 1: KHÚC QUÂN HÀNH CỦA “ĐỘI QUÂN RỒNG XANH”

Được các đặc vụ CIA đặt biệt danh là "đội quân rồng xanh" - những cán bộ chiến sĩ đội quân của những chiến sĩ mang quân hàm xanh ấy tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân nhưng đã lặng thầm chiến đấu trong lòng địch, giáng nhiều đòn chí mạng vào những cơ quan đầu não và bọn tay sai có nợ máu với cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng công an nhân dân vũ trang đã cử 2.925 cán bộ chiến sĩ an ninh vũ trang và các đơn vị B17, B18, B19… vào chiến trường miền Nam phối hợp chiến đấu.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng mùa Xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn. Trong thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc, lực lượng công an nhân dân vũ trang đã xác định phải bảo vệ vững chắc biên giới miền Bắc, đồng thời tích cực chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam, với phương châm “trước vững, sau mạnh”.  Hòa cùng khí thể thần tốc, quyết thắng của quân dân cả nước, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đã cử nhiều đoàn công tác vào làm việc với Trung ương Cục cùng các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt để khảo sát tình hình triển khai lực lượng bảo vệ biên giới, hiệp đồng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị bảo vệ vùng mới giải phóng.

Trạm kiểm soát cửa khẩu  Đức Cơ - Gia lai năm 1975

Đại tá Bùi Long, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị BĐBP nhớ lại: Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới bờ biển tại các các vùng tự do thuộc cách mạng quản l‎í, trước đại thắng mùa xuân năm 1975, hàng loạt các đồn trạm biên phòng, chốt kiểm soát của lực lượng công an nhân dân vũ trang đã được thiết lập trên các tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia. Ngày 27/1/1973, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, An ninh vũ trang miền Nam đã triển khai thành lập và xây dựng hai đồn biên phòng Lò Gò, Xa Mát tại Tây Ninh. Đây là hai đồn biên phòng đầu tiên được thành lập trên tuyến biên giới Việt nam – Campuchia.  Bên cạnh đó cũng đồng thời cho triển khai các cơ sở đầu tiên để chuẩn bị cho việc xây dựng  một hệ thống đồn trạm biên phòng trên toàn bộ biên giới miền Nam Việt Nam sau này

Sau hiệp định Paris, chiến trường Trị Thiên Huế chia thành hai khu vực: vùng giải phóng chiếm 83% diện tích, vùng địch kiểm soát chiếm 17%, đường ranh giới giữa hai khu vực là dòng sông Thạch Hãn. Nhân dân Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã đổ ra đường chào đón hòa bình, chào đón quân giải phóng. Lá cờ giải phóng tung bay trên mảnh đất kiên trung.  Lực lượng an ninh vũ trang Quảng Trị lúc này phải quản lí tuyến biên giới Việt Lào và đoạn bờ biển của vùng mới giải phóng. Các đồn biên phòng Lao Bảo, phân đội 3 bảo vệ cảng Đông Hà, phân đội 190 bảo vệ Cửa Tùng, đồn biên phòng 170 Cửa Việt, trạm kiểm soát Nam Hiền Lương đã nhanh chóng được triển khai xây dựng trong nửa đầu năm 1973. Vừa xây dựng đồn trạm mới, các chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây vừa tập trung giúp đỡ nhân dân xây lại những nếp nhà trên đống hoang tàn, đổ nát. Các trạm an ninh trở thành điểm tựa cho bà con giữa lúc bộn bề hậu chiến.

Công an nhân dân vũ trang diễu binh tại Huế năm 1975

Thực hiện chủ trương của Đảng ta lúc bấy giờ là “hòa hợp dân tộc”, những chiến sĩ công an vũ trang đã chủ động tiếp xúc, giao lưu với những người lính phía bên kia. Qua hàng rào kẽm gai, họ chia nhau điếu thuốc, nói chuyện quê hương, bản quán. Có tiếng gọi nào cao hơn tiếng gọi của đồng loại, có sức mạnh nào cao hơn sức mạnh của chính nghĩa…! Nhiều binh sĩ, sĩ quan ngụy đã thực sự chuyển biến tư tưởng, buông súng đầu hàng. Những hình ảnh đầy nhân đạo và tinh thần dân tộc ấy đã được đạo diễn Vũ Ngọc Khôi ghi lại trong những thước phim tư liệu lịch sử quý giá hiện lưu trữ tại Điện ảnh BĐBP.

Cũng tại Quảng Trị, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho 4 đợt bàn giao và trao đổi tù binh bên bờ Thạch Hãn. Các anh đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động của những chiến sĩ trong giờ phút trở về từ nhà tù của địch. Thượng tá Trần Anh Tuấn, cán bộ công an nhân dân vũ trang, thành viên phái đoàn giám sát quốc tế của Việt Nam đã xúc động vô cùng khi chứng kiến nhiều tù nhân kiên trinh sau khi qua bờ Bắc liền cởi bỏ trang phục cùng mọi thứ mang theo ném trả về bờ Nam. Những người tù khổ sai ốm yếu, mang trong mình di chứng của bao lần bị địch tra tấn… đều được các chiến sĩ dìu dắt, chăm sóc tận tình. 40 năm sau, trò chuyện cùng tôi về những ngày tháng ấy, ông bảo rằng đó thực sự là ấn tượng khó quên trong đời, bởi cảm thấy sao mà thương yêu, trân quý những chiến sĩ của ta quá đỗi.

Những chiến sĩ công an nhân dân vũ trang đầu tiên vào tiếp quản Tây Nguyên

Giữa lúc những chiến sĩ công an nhân dân vũ trang Quảng Trị bận rộn với hàng trăm nhiệm vụ trong vùng mới giải phóng thì ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta đã mở một chiến dịch then chốt, giáng đòn quyết định vào Buôn Ma Thuột. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng, cùng cất cao tiếng hát tự do. Trên miền đất còn nóng bỏng lửa đạn, nhiều nhiệm vụ cấp bách đã đặt ra đối với tỉnh ủy, chính quyền và lực lượng an ninh các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk. Để đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn chiến lược này, từ năm 1975 đến năm 1976, ta đã triển khai 14 đồn và 3 đơn vị cơ động để chốt giữ, kiểm soát hơn 700 km đường rừng dọc tuyến biên giới, truy quét kịp thời bọn tàn quân chạy trốn, đẩy lùi bọn phản cách mạng nước bạn Campuchia. Mỹ ngụy cũng để lại Tây Nguyên một thế hệ những thanh niên trẻ bị đầu độc trong những cơn say ma túy. Các em là nạn nhân của một cuộc sống sa đọa, không lí tưởng, không tương lai. Những chiến sĩ an ninh vũ trang đã ở bên các em, giúp các em vượt qua cám dỗ, tìm ra mục đích cuộc sống của chính mình và hòa cùng nhịp sống mới với buôn làng

Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, cũng trong tháng 3 năm 1975, chiến dịch Xuân Hè ở Trị Thiên – Huế bắt đầu các hoạt động quân sự nghi binh. Các phân đội an ninh vũ trang dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy mặt trận đã luồn sâu vào vùng địch, cùng các lực lượng địa phương đồng loạt nổ súng nổi dậy tại chín huyện ven đô Trị Thiên. Trong trận đánh giải phóng Hải Lăng, đồng chí Trương Đức Ninh, chiến sĩ phân đội 201 đã một mình sử dụng B40, tiểu liên và thủ pháo, diệt 12 tên địch. Phá vây không thành, đồng chí bị thương và bị địch bắt giam.  

Chiến sĩ công an nhân dân vũ trang tuyên truyền cho nhân dân Huế

40 năm sau, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ và bền vững của Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Thành Mai, chiến sĩ an ninh vũ trang tham gia tiếp quản 10 tỉnh Trung Trung Bộ, thành viên ban quân quản vẫn cảm thất rất tự hào. Ông kể: “Ngày 26 tháng 3, Huế hoàn toàn giải phóng. Ta đã đánh tan tập đoàn phòng thủ của địch gồm 4000 quân thiện chiến nhất của chúng tại chiến trường này. Dẫu vẫn còn ngổn ngang dấu tích của những cuộc di tản, tháo chạy dẫm đạp lên nhau, song cố đô đã trở nên bình yên biết mấy khi những em thơ theo đoàn người đi dọc Trường Tiền chào đón hòa bình. Thanh niên Huế hát vang bài ca cách mạng bấy lâu nay dấu diếm chỉ dám hát thầm và những người lính một thời lầm đường lạc lối vứt súng về lại quê nhà, làm ăn lương thiện. Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, Quảng Bình đã kịp thời chi viện để an ninh vũ trang Trị Thiên Huế vừa tiến quân về chốt giữ các mục tiêu phía trước, vừa bảo vệ vững chắc tuyến sau, đồng thời góp phần đưa hơn 10 vạn dân từ Đà Nẵng – Huế trở về quê cũ.”. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên mọi ngả đường, trên mọi luồng sông của cố đô, người dân đổ ra đường mít tinh chào mừng đất nước hoàn toàn thống nhất, chào mừng ngày quốc tế Lao động đầu tiên khi giang sơn thu về một mối. Niềm vui hân hoan trên gương mặt người, trên mỗi ngõ xóm và thậm chí là hiện diện trong những tịch viên tĩnh lặng của các thiển sư.

Công an nhân dân vũ trang tuần tra bảo vệ cảng Đà Nẵng

3 ngày sau giải phóng Huế, lúc 15 giờ ngày 29-3, sau khi giải phóng Tam Kì, Quảng Ngãi, quân ta đã chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và hoàn toàn làm chủ  thành phố Đà Nẵng. Từ những căn cứ khác nhau, các đơn vị an ninh vũ trang có 3 đại đội vào Đà nẵng và một phân đội và thị xã Hội An với phương châm “đánh địch mà đi”. Công tác tiếp quản các công sở của chế độ cũ như Ty cảnh sát Đà Nẵng, cơ sở tình báo CIA… được tiến hành nhanh chóng. Các cơ sở kinh tế - văn hóa được bảo đảm an toàn, dòng điện thắp sáng cho thành phố được duy trì ổn định, giúp các công xưởng cũng như đời sống của người dân diễn ra bình thường.

Sau Đà Nẵng là các tỉnh thuộc đồng bằng khu 5 từ Phú Yên, Khánh Hòa tới  Ninh Thuận, Bình Thuận được giải phóng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu – nguyên đại đội trưởng An ninh vũ trang Phú Yên cho biết, tuy không có những trận đánh ác liệt với hỏa lực mạnh như chiến trường khác, song đã có rất nhiều các chiến sĩ an ninh vũ trang hi sinh trên đường tiến vào giải phóng khu 5 bởi những loạt đạn bắn tỉa của của một số kẻ ngoan cố đang trên đường rút chạy. Nén lại đau thương và căm hận, mệnh lệnh truyền đi khắp các đơn vị cơ sở là phải triển khai tích cực các biện pháp nhằm ổn định tình hình ngay từ những ngày đầu. Và chỉ vài ba ngày sau giải phóng, những hàng dừa lại líu ríu bóng trẻ thơ hái quả. Những làng biển đã bắt đầu có bóng thuyền ra lộng vào khơi bởi vững lòng hơn khi có bóng người chiến sĩ an ninh gác nơi cửa bể. Một cuộc sống mới lại bắt đầu.

Chiến sĩ an ninh vũ trang cắm cờ trên cổng Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia chế độ ngụy quyền Sài Gòn 1975

Những ngày tháng 3 này, chúng tôi lại có dịp vào thăm Đà Nẵng. Nhìn những sỹ quan biên phòng của thời đại mới “quân phong, quân kỉ” nghiêm ngắn, tác phong đĩnh đạc làm thủ tục nhập cảnh cho hai con tàu phòng hộ tên lửa của quân đội Nhật Bản đến thăm và làm việc với Bộ quốc phòng Việt Nam, lòng không khỏi tự hào. 40 năm trước, cũng vào những ngày trời xanh biển biếc như hôm nay, cảng Đà nẵng – một khu vực biên phòng đặc biệt những ngày mới giải phóng đã tiếp đón hàng trăm con tàu quốc tế cập bến. Một cuộc chiến đấu thầm lặng trên trận tuyến không tiếng súng đã mở ra với những người lính công an vũ trang Quảng Đà. Mưu trí và tỉnh táo, công tác kiểm tra kiểm soát được xiết chặt, quyết tâm không để lọt một dấu hiệu một đối tượng khả nghi nào có thể xâm nhập hòng chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ. Truyền thống, nghiệp vụ ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn hiển hiện trong từng nhiệm vụ, từng hoạt động của người lính biên phòng Đà Nẵng hôm nay

(Còn nữa)

 


Có thể bạn quan tâm