April 25, 2024, 3:14 pm

Về những trang văn chiến tranh

Cách đây 5 năm (năm 2015), bộ phim Quyên dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, viết về người Việt xa xứ ở Đức, do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể thành phim truyện, với sự đầu tư hàng triệu USD của một hãng phim lớn sản xuất và công chiếu trong và ngoài nước đã trở thành một sự kiện của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ thành công về mặt tiểu thuyết, những truyện ngắn độc đáo và đặc sắc viết về người lính mới làm nên tên tuổi nổi bật của Nguyễn Văn Thọ trong làng văn chương Việt.

Ông sinh năm 1948, quê Quỳnh Côi, Thái Bình, đã có 11 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường phía Nam với vai trò người lính, rồi phục viên về làm Phó chánh văn phòng Tổng công ty Muối, sau đó xuất khẩu lao động hợp tác tại Cộng hòa liên bang Đức, rồi trở về Việt Nam. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học của tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ… Cuộc trò chuyện dưới đây giữa nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với nhà văn cựu binh Nguyễn Văn Thọ sẽ nói về cuộc đời chiến đấu và cầm bút của ông.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (phải) và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

* Nguyễn Việt Chiến: Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, trong cuộc đời quân ngũ ở chiến trường phía Nam, ông từng trải qua những trận chiến khốc liệt nhất như ông từng nói: “Phải tham gia vào địa ngục có tên chiến tranh, trong cõi dễ chết ấy để bảo vệ đất nước quê hương mà người lính vẫn sẵn sàng hy sinh cả tuổi xanh, thậm chí cả mạng sống của mình”. Trong chiến tranh ông đã suýt hy sinh mấy lần, ở chiến trường nào, và cảm giác sau những lần chết hụt đó ra sao?

- Nguyễn Văn Thọ: Tôi tham gia 4 chiến dịch lớn nhất, khốc liệt nhất ở chiến trường miền nam Việt Nam và trải qua cả trăm trận đánh. Chưa kể tới việc phải hành quân dọc các miền rừng liên tục bị B52 ném bom rải thảm, bom napan, bom hóa học… Tôi gọi chiến tranh là “địa ngục” bởi những người lính không chỉ chết vì bom đạn, họ còn chết vì bệnh tật, chết vì đói, chết vì sốt rét. Thậm chí, tôi còn nhớ một đồng đội là tiểu đội trưởng anh nuôi của đơn vị tôi, trong lúc băng rừng không may quệt phải một con sâu róm cực độc, nó tiết ra chất độc, ăn thối cả bàn tay mà không có thuốc chữa trị. Hoặc như chuyện mấy người lính đang ăn cơm bên vệ rừng, bất ngờ bị một con rắn độc từ trên cây bổ xuống cắn, làm một người lăn ra sùi bọt mép chết ngay.

Tôi hai lần suýt chết vì sốt rét, hồng cầu chỉ còn hai triệu tám, lá lách sa xuống độ bốn, gan thì cứng lại. Trong một cơn sốt rét triển miên, tôi mơ về gặp mẹ. lúc mở mắt ra thấy mưa tầm tã, y tá bảo phải đưa tôi đi bệnh viện ngay không thì chết đến nơi rồi, trong khi tất cả đồng đội đều ốm cả, biết lấy ai cáng mình đi viện bây giờ, vậy là người ốm nhẹ đành phải cáng người ốm nặng đi cấp cứu. Chúng tôi những người lính thời trai trẻ không giỏi giang gì cả, chúng tôi ra đi chỉ vì ý thức, vì tinh thần muốn bảo vệ nền độc lập của đất nước mình, chúng tôi gắn bó với nhau bởi tình đồng đội, tình yêu thương nhau trong trận mạc đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết mà không kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi.

* Mảng đề tài viết về chiến tranh của ông đã để lại ấn tượng khá sâu trong lòng bạn đọc qua những truyện ngắn khá xuất sắc. Và sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm ấy là tinh thần yêu nước và sự chia sẻ đồng cảm với những phận người. Vậy, vốn sống thăng trầm sinh tử trong 11 năm ấy đã được ông thể hiện ra sao trên những trang văn của mình?

- Tôi nghĩ rằng nhà văn không phải là người viết báo và vẽ lại hiện thực của đời sống. Nhà văn phải bay trên cái hiện thực đời sống ấy để khái quát với tầm nhìn bằng vốn văn hóa của mình, bằng khả năng triết học của mình để phân tích cho độc giả thấy đời sống tâm lý của con người trong cuộc chiến tranh ấy. Và, nhà văn phải đứng ở góc nhìn văn hóa của dân tộc và nhân loại để soi chiếu vào số phận con người trong cuộc chiến ấy. Với tôi, một người lính từng trực tiếp tham gia trận mạc thì tôi có thuận lợi hơn các nhà văn khác trong việc chọn lọc các chi tiết về chiến tranh và tôi sống đẫm mình không hoang tưởng nên tôi rất nhiều chi tiết để chọn lọc. Việc chọn ra các chi tiết nào để nó nói lên tinh thần gì thì đấy thuộc về bản lĩnh nhà văn, đấy là nhãn quan có tính chất soi sáng cái sợi chỉ chạy suốt tâm hồn nhà văn ấy.

Truyện của tôi bao giờ cũng chú trọng khai thác cái mặt chính thống, khi chúng ta tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Sau chiến tranh, tôi từng khẳng định một điều với các bạn văn cựu chiến binh Mỹ sang thăm Việt Nam rằng, chúng tôi là những người giữ nước, còn các anh mang bom đạn đến đánh phá Hà Nội thì chúng tôi phải bảo vệ Hà Nội, phải đánh trả các anh và cuộc chiến tranh chúng tôi phải tiến hành để mang lại quyền lợi cho dân tộc tôi, đất nước tôi. Và trong giai đoạn lịch sử ấy, nó đánh dấu cái tinh thần của một dân tộc bất khuất mà người Mỹ cũng nhận xét rằng người Việt coi tinh thần yêu nước ấy như một thứ đạo. Tôi có lấy ví dụ như trong Đền Ngọc Sơn ở Hồ Gươm có thờ nhiều ngôi, thờ thổ công, thờ thần Rùa nhưng chúng ta cũng thờ Trần Hưng Đạo là vị tướng thời Trần có công đánh dẹp quân xâm lược phương Bắc để bảo vệ nền độc lập cho Đất nước. Và, tinh thần yêu nước, tinh thần bất khuất ấy trong người lính cũng là một thứ tôn giáo. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và cũng nhận thấy không có dân tộc nào như dân tộc chúng ta trải suốt ngàn năm vẫn phải nêu cao tinh thần bất khuất chống ngoại xâm như một tôn giáo mang đặc tính của người Việt. Các tác phẩm của tôi đều thể hiện rất rõ một điều xuyên suốt là thân phận của mỗi một cá nhân phụ thuộc vào thân phận của dân tộc. Cho nên chúng ta phải làm điều gì đó để góp phần cho dân tộc này, cho đất nước này khá hơn lên.

* Qua những truyện ngắn của ông về một thời trận mạc như: Mùi thuốc súng; Thằng Phóng em tôi; Vô danh trận mạc; Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương; Sương đêm; Ám ảnh; Lạc tiên… bức tranh về chiến tranh hiện lên đầy sinh động và dữ dội với nhiều câu chuyện và bi kịch khá ám ảnh. Trong số những truyện ngắn viết về chiến tranh, ông tâm đắc nhất truyện ngắn nào?

- Thực tế mỗi mảng truyện ngắn tôi viết về chiến tranh đều có những điều để nhắn gửi như mảng ruyện ngắn Mùi thuốc súng, truyện ngắn Thằng Phóng em tôi viết về thời trận mạc; mảng truyện ngắn Nhà ba hộ viết về thời hậu chiến. Tuổi càng già tôi càng viết càng có kinh nghiệm tích lũy nhiều hơn, với khả năng cấu trúc cũng như khả năng vận dụng các thủ pháp mới để tạo ra các tác phẩm hoàn chỉnh hơn. Để các câu chuyện được kể ra một cách tròn trịa hơn với kỹ năng, kỹ xảo và tinh thần triết học sâu xa hơn.

Gần đây nhất, truyện ngắn Mùi thuốc súng của tôi, là câu chuyện bi kịch về chiến tranh của một người lính đã vào chiến trường 12 năm. Và cuộc chiến ấy đã để lại một nỗi đau lớn. Không từ một ai cả trong gia đình anh ta ở hậu phương. Trong gia đình ấy, có người bố, có người mẹ, có người vợ và bản thân anh ta cùng những đứa con, mỗi người đều phải chịu đựng một bi kịch về chiến tranh. Truyện ngắn này lột tả từng trường đoạn một, từng chi tiết một, từng câu nói một. Trong đó, có những câu nói mà khi đọc lại tôi vẫn ứa nước mắt.

Trong truyện ngắn này, người lính ấy ra đi 12 năm không có tin tức gì, đã có giấy báo tử về gia đình. Nhưng anh ta lại là nhà con một, cả dòng họ không có người nối dõi, và bố anh ta chỉ tâm niệm muốn có một người con trai để duy trì dòng họ, để giữ đất, giữ ruộng ở quê. Bởi thế ông bố chồng trong lúc quẫn trí, đã cố tình ngủ với người con dâu để đẻ ra một đứa con cho dòng họ mình, và bi kịch lớn ụp xuống gia đình, ngay sau đó ông bố chồng đã tự tử vì quá ân hận, đau đớn biết như thế là trái với đạo lý. Người mẹ của anh ấy cũng rất đau khổ, đã từng muốn tự tử vài lần. Sau 12 năm trận mạc, bất ngờ người lính ấy vẫn may mắn sống sót trở về quê hương. Và anh vô cùng đau khổ, trằn trọc vì hàng đêm phải nằm với đứa con gái nhỏ của mình và đứa em trai do vợ anh sinh ra mới được ít tháng. Sau đó, do không chịu được tính thất thường của người vợ, người lính đã bỏ nhà ra đi, mang theo đứa con gái vào một tỉnh phía Nam, nơi anh chiến đấu ngày xưa để làm lại cuộc đời. Anh được một người con gái thương yêu, họ sống với nhau, nhưng người lính luôn nhớ về quê cũ nơi có mẹ anh và người vợ cũ đang nuôi nấng đứa em trai của mình. Đấy là cái hiện thực bi kịch, bi đát do chiến tranh gây ra cho cả một gia đình. Còn người con dâu ở lại, khi chồng gửi tiền về cho mẹ, bà mẹ chồng đưa hết cho con dâu để nuôi con, nhưng cô cũng không tiêu pha gì mà dành dụm để chờ người chồng trở về. Tôi đã viết một câu trong truyện ngắn ấy “Cô ta đã suốt đời làm dâu nhà ấy mà không có chồng”. Đây là bi kịch khủng khiếp của một gia đình nhưng cũng đại diện cho nhiều bi kịch trong chiến tranh. Vừa rồi chúng ta đã gặp mặt 300 bà mẹ Việt Nam anh hùng trong khi đất nước có tới hàng nghìn, hàng vạn những người mẹ anh hùng đã cống hiến cho đất nước hàng triệu đứa con ra mặt trận, trong đó có biết bao người con không trở về. Và, mỗi gia đình trong chiến tranh là một bi kịch. Truyện ngắn Mùi thuốc súng của tôi nhắc đến bi kịch ấy khi chúng ta từng phải chiến đấu, từng phải hy sinh để bảo vệ cho đất nước hôm nay được sống trong hòa bình.

* Được biết ông đang hoàn thành bản thảo một cuốn tiểu thuyết rất tâm đắc viết về chiến tranh, ông có thể cho độc giả được biết về nội dung cũng như cấu trúc nghệ thuật của cuốn sách này?

- Cuốn tiểu thuyết này của tôi nói về chiến dịch Lam Sơn 719- Đường 9 Nam Lào. Sở dĩ tôi lấy bối cảnh ấy vì nó điển hình cho cuộc chiến tranh khi Mỹ tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh theo kiểu thay đổi “Màu da xác chết” đưa quân đội Sài Gòn vào tham chiến. Tôi cũng trực tiếp tham gia chiến dịch ấy và đã cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F4H do một viên thiếu tá tình báo và một trung tá phi công điều khiển, đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trong chiến dịch Đường 9. Ở cuốn tiểu thuyết này, tôi chia làm đôi, cứ một chương viết về những người lính Bắc Việt lại có một chương viết về những binh sĩ Sài Gòn. Trong đó có sự xuất hiện của những nhân vật cao cấp nhất của cả hai bên, phía bên này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn phía bên kia là Tổng thống Mỹ và trùm tình báo CIA.

Về phía những người lính trong tiểu thuyết này, có tôi là một người lính ở miền Bắc vào Nam chiến đấu, còn phía bên kia là một người lính (là người Hà Nội di cư vào Nam năm 1954), do lầm lẫn lý tưởng đã tham gia một cách rất dũng cảm trong cuộc chiến tranh ấy và sau đó thất bại. Cuốn tiểu thuyết đề cập đến cái nhìn khái quát về một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước, về một cuộc chiến mà có lẽ không nên để nó xảy ra với nhiều bi kịch lớn, nhỏ để khẳng định một điều chúng ta đấu tranh cho một đất nước thống nhất trong hòa bình là cái nhìn tất yếu cho lịch sử giai đoạn ấy. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết khá dày công trong suốt 7 năm và chưa hoàn chỉnh xong, chắc 1 năm nữa sẽ hoàn thành. Tôi đang bố cục nối kết các chương với những câu chuyện khá thú vị trong tiểu thuyết, có câu chuyện xảy ra trong miền Nam, có câu chuyện do anh lính Bắc Việt mới nhập ngũ kể chuyện về Hà Nội, người ta phải chống lại bom đạn của Mỹ như thế nào, người ta yêu đương, làm tình với nhau thế nào, tâm lý thời chiến thế nào. Từ đó, cuốn sách phản ánh tâm thế của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

* Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguyễn Việt Chiến (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (phải) và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến


Có thể bạn quan tâm